Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/1 của các công ty chứng khoán.

PGS: Sẽ có lợi nhuận lớn từ việc thoái vốn khỏi CNG

CTCK MBS

CTP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam (HNX - PGS) công bố nghị quyết HĐQT về việc thoái vốn khỏi công ty con là CNG. Hiện tại, PGS đang sở hữu 55,2% cổ phần của CNG tương ứng với 14,9 triệu cổ phiếu.

CNG là một công ty vững mạnh, có triển vọng kinh doanh tốt nhờ thế mạnh trong mảng phân phối khí CNG cho các hộ công nghiệp. Tổng kết cả năm 2015, lãi sau thuế của CNG đạt 118 tỷ đồng, tăng gần 6 tỷ đồng (tương đương 40%) so với năm trước và vượt 7% kế hoạch cả năm.

Trong thời gian qua mặc dù giá dầu thô có biến động giảm mạnh khiến giá khí bán ra của CNG suy giảm song nhờ cơ chế giá mua khí mới linh hoạt theo giá dầu FO, nên biên lợi nhuận của CNG không bị ảnh hưởng.

Hiện tại, giá cổ phiếu CNG đang ở mức 31.500 đồng/cp. Nếu bán được CNG với mức giá bán như trên, ước tính PGS có thể thu về 469 tỷ đồng. Với giá vốn đầu tư của PGS tại CNG là 137,7 tỷ đồng, mức lợi nhuận ước tính nếu PGS bán CNG với mức giá ước tính của chúng tôi là khoảng 332 tỷ đồng trước thuế.

Chúng tôi kỳ vọng, mức giá bán CNG của PGS nhiều khả năng phải cao hơn mức giá đang niêm yết trên thị trường hiện nay, do CNG có lợi thế cạnh tranh bền vững, tình hình tài chính lành mạnh và khả năng trả cổ tức tiền mặt cao (30%/năm).

Bắt đầu từ tháng 8/2015, CNG đã tiến hành cung cấp khí CNG cho một số khách hàng ở khu vực phía bắc từ mỏ khí Hàm Rồng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình bao gồm Công ty TOTO, Công ty Natsteel Vina, Công ty POSCO và Công ty TNHH Kyoei Việt Nam. Dự kiến đến cuối năm 2015, CNG Vietnam- CN miền Bắc sẽ cung cấp khoảng 8 triệu m3 khí CNG tới khách hàng miền Bắc. CNG có khả năng cung cấp khoảng 30 - 40 triệu m3 khí/năm cho các khách hàng miền Bắc trong các năm tới. Đó là điểm chúng tôi kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng của CNG và khả năng PGS bán được CNG với mức giá cao.

DPM: Khuyến nghị MUA

CTCK VPBS

Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2015. Tổng doanh thu đạt 10.046 tỷ đồng, tương đương năm trước và vượt 9% so với kế hoạch năm 2015. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 36%, đạt mức 1.544 tỷ đồng và vượt 47% kế hoạch. Kết quả khả quan trên là nhờ giá khí đầu vào giảm mạnh (cụ thể, giá khí đầu vào trung bình chỉ ở mức 4,51 USD/MMBTU trong 9T2015 so với 7,18 USD/MMBTU trong 9T2014) và do cuối năm là thời gian cao điểm đối với thị trường phân đạm.

Vào ngày 12/12/2015, DPM khánh thành xưởng sản xuất UFC85/Formalin với công suất 15.000 tấn UFC85/năm hoặc 25.000 tấn formalin/năm. UFC85 và formalin là các phụ gia quan trọng trong quá trình sản xuất phân đạm, trước đây phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Với dự án này, công ty có thể chủ động nguồn cung chất phụ gia và ghi nhận thêm khoản doanh thu đáng kể. Trong năm 2016, Công ty lên kế hoạch bán 13.500 tấn UFC85 với doanh thu 188 tỷ đồng.

Chúng tôi kỳ vọng, năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm khả quan của DPM trong bối cảnh giá dầu tiếp tục ở mức thấp và do công ty sẽ không còn phải trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào PVTex. Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2016 ở mức 2.079 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu DPM và giá mục tiêu 34.600 đồng/cổ phiếu.

Ngày 27/1, giá cổ phiếu DPM tăng 1,8%, đóng cửa ở mức 28.300 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch ở mức P/E năm 2016 là 5,8 lần dựa trên dự phóng của chúng tôi.

Tin bài liên quan