PPI: Khuyến nghị mua vào
CTCK MaritimeBank (MSBS)
* Điểm nhấn cơ bản
PPI tiền thân là Chi nhánh Công ty xây dựng công trình 120 Phía Nam thành lập năm 1994. Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông, dân dụng, công nghiệp, thủy lợi, điện, sản xuất, kinh doanh nhà, đầu tư, xây dựng khu đô thị và đầu tư công nghiệp.
9 tháng đầu năm 2014, kết quả kinh doanh tăng mạnh nhờ điều chỉnh dự án khu dân cư Vĩnh Phú 2 từ khu đất xây dựng chung cư cao tầng thành đất xây dựng nhà ở liên kế. Doanh thu thuần đạt gần 227 tỷ đồng, lãi ròng đạt 27 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức lỗ 4 tỷ của 9 tháng 2013. Với kết quả này, PPI đã hoàn thành 39% chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và 70% kế hoạch lợi nhuận đề ra. Đây là kết quả khá ấn tượng so với các năm trước.
Kế hoạch 2015-2017, PPI tập trung đẩy mạnh đầu tư và phát triển các dự án hạ tầng, sản lượng tăng trưởng cao hơn so với năm 2014. Với triển vọng phát triển của lĩnh vực hạ tầng giao thông, PPI đặt mục tiêu trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hạ tầng tại Việt Nam.
Quý I/2015, PPI dự kiến sẽ phát hành hơn 25 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án công trình giao thông và tiến độ bán hàng cho các dự án Bất động sản.
* Phân tích kỹ thuật
Sau khi hình thành nến Hammer vào phiên 30/12/2014 và nến Doji vào ngày 12/1/2015 ở trong trend giảm, đường giá của PPI đã hình thành mô hình đáy kép lệnh báo hiệu tín hiệu đảo chiều;
PPI đã break out khỏi trend giảm điểm vào phiên 21/1/2015 với sự đột phá về thanh khoản sau một thời gian tích lũy chặt chẽ quanh mốc Fibonacci 50% cho tín hiệu MUA vào;
Đường giá đang có xu hướng xuyên qua đám mây Ichimoku bước vào trend tăng điểm củng cố tín hiệu mua vào;
RSI(15) vượt lên tổ hợp kỹ thuật MA(9) và WMA(45) cho tín hiệu tăng điểm trong ngắn hạn;
Tín hiệu PSTAR ở dưới đường giá đang có xu hướng đi lên, MACD bắt đầu phân kỳ dương. Khuyến nghị MUA vào đối với cổ phiếu PPI;
BT6: Khuyến nghị quan sát
CTCK Rồng Việt (VDSC)
CTCP Beton 6 (BT6 – sàn HOSE) là công ty khá lâu đời và có uy tín trong lĩnh vực xây dựng cầu đường và sản xuất các sản phẩm công nghiệp dùng trong xây dựng hạ tầng giao thông và công nghiệp, đặc biệt là dầm cầu bê tông. Với sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng như ngân sách đầu tư hạ tầng được gia tăng, BT6 đang có cơ hội phục hồi sau một thời gian khó khăn. Chuyên viên ngành cho biết BT6 đã tận dụng giai đoạn thị trường xây dựng ảm đạm để tái cơ cấu hoạt động và nhờ đó, kết quả kinh doanh kỳ vọng sẽ có sự cải thiện từ năm 2015.
Để đón đầu nhu cầu dự kiến sẽ gia tăng của thị trường xây dựng, doanh nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng Nhà máy Beton 6 Long Hậu ở KCN Long Hậu – Long An với công suất thiết kế vào khoảng 100.000 tấn/1 năm và số vốn đầu tư ước tính lên đến 342 tỷ đồng. Để có nguồn tài trợ dự án, BT6 đã lên kế hoạch huy động thêm 400 tỷ đồng bằng một số phương án. Theo chuyên viên ngành, khả năng cao là công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc nhà đầu tư tài chính hoặc nhà đầu tư chiến lược. Do việc phát hành thêm nợ sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ vay vốn chủ sở hữu tuy có giảm nhưng vẫn còn khá rủi ro.
Chúng tôi khá lạc quan về khả năng BT6 sẽ có những cải thiện rõ nét trong kết quả kinh doanh sau khi quá trình tái cấu trúc hoàn tất. Trong đó, việc Cienco 6 thoái vốn và công ty huy động thành công nguồn vốn cho dự án đầu tư mở rộng có thể xem những bước cuối cùng. Đến nay, những bước này chỉ mới bắt đầu, do đó, trên quan điểm thận trọng, chuyên viên ngành chỉ đưa ra khuyến nghị QUAN SÁT đối với BT6.
VNM: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Điểm nhấn đầu tư
Năm 2014, mặc dù sức mua yếu và cạnh tranh cao, tuy nhiên Vinamilk vẫn duy trì được mức tăng doanh thu khá tốt. Doanh thu cả năm ước tính tăng 13,3% so với năm 2013, đạt khoảng 37.437 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng chủ yếu từ 2 yếu tố:
(1) Tăng thị phần ở mặt hàng sữa nước và sữa bột. Đây là 2 nhóm đóng góp doanh thu lớn nhất, gần 60% tổng doanh thu của Công ty. Vinamilk duy trì vị trí đứng đầu tại phân khúc sữa nước và đứng thứ hai về thị phần đối với sữa bột. Năm 2014, thị phần sữa nước của Công ty đã tăng thêm 2% từ mức 49% năm 2013 lên 51% (theo nghiên cứu của Neilson Vietnam). Thị phần của sữa bột ước tính trong năm 2014 cũng tăng thêm 1% từ mức 24,6% (năm 2013).
(2) Hợp nhất doanh thu từ Công ty con Driftwood (Vinamilk sở hữu 70%). Chúng tôi ước tính doanh thu đóng góp từ Driftwood khoảng trên 2.700 tỷ đồng tương đương 7,7% tổng doanh thu của Vinamilk.
Tuy nhiên do chi phí nguyên liệu cao cùng việc phải tăng mạnh chi phí bán hàng để phát triển thị trường, lợi nhuận của Vinamilk chỉ đạt khoảng 5.983 tỷ đồng giảm 8% so với năm 2013.
Theo kế hoạch 2014, VNM sẽ chia tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế, dựa trên lợi nhuận ước tính của năm 2014 chúng tôi dự kiến VNM sẽ thực hiện chi thêm 1.323 tỷ đồng cho cổ tức đợt 2/2014 ứng với tỷ lệ khoảng 13% sẽ được thực hiện vào tháng 7/2015.
Triển vọng kinh doanh năm 2015 khả quan với dự báo lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Năm 2015, tăng trưởng doanh thu của Vinamilk chủ yếu dựa trên tăng trưởng về sản lượng, giá bán có thể sẽ điểu chỉnh giảm nhẹ đối với một số sản phẩm cho trẻ em dưới 6 tuổi do quy định về trần giá sữa vẫn áp dụng cho năm 2015. Tăng trưởng sẽ tiếp tục đến từ hai nhóm sản phẩm sữa nước và sữa bột. Xu hướng tiêu dùng sữa tươi ngày càng nhiều sẽ tạo cơ hội lớn cho VNM nhờ lợi thế về nguồn nguyên liệu trong nước. Đến nay, Vinamilk đang là đơn vị bao tiêu 60% nguồn sữa nguyên liệu trong dân trên cả nước cùng với nguồn cung từ hệ thống trang trại tự đầu tư, nguồn nguyên liệu nội địa đã đóng góp 30% tổng nhu cầu nguyên liệu của Công ty.
Biên lợi nhuận dự báo sẽ ổn định và cải thiện mạnh so với năm 2014. Theo dự báo của USDA, giá sữa nguyên liệu sẽ có khả năng duy trì ở mức thấp đến khi tình trạng dư cung giảm bớt. Điều này phụ thuộc chủ yếu vào tồn kho của Trung Quốc. Ước tính, lượng tồn kho của Trung Quốc sẽ đủ cho nhu cầu của nửa đầu năm 2015, và sau đó nhu cầu cũng sẽ tăng trở lại và hỗ trợ giá sữa tăng lên. Với dự báo về giá sữa nguyên liệu, Vinamilk cũng sẽ thỏa thuận với nhà cung cấp để chốt giá sữa cho năm 2015 để tác động của biến động giá lên hoạt động Công ty. Chúng tôi ước tinh biên lợi nhuận bình quân của năm 2015 sẽ khoảng 38%, tăng thêm 2,5% so với năm 2014.
Chi phí bán hàng tiếp tục tăng để duy trì thị phần. Thị trường sữa hiện nay đang trở nên rất cạnh tranh với sự gia tăng đầu tư vào ngành không chỉ đối với các công ty sữa mà còn có thêm các doanh nghiệp mới. Do vậy, chi phí cho việc duy trì và phát triển thị trường của Vinamilk sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng so với doanh thu của Công ty vẫn được đánh giá là khá thấp trong số các doanh nghiệp hàng tiêu dùng. Ước tính tỷ lệ này của Vinamilk trong năm 2015 là 14%.
Khuyến nghị: Chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam, với giá mục tiêu (kết hợp hai phương pháp DCF và PE) là 125.000 đồng/cp. Chúng tôi đã điểu chỉnh mức giá định giá theo phương pháp PE (từ mức PE 18x xuống 16x) do đó giá kết hợp của hai phương pháp giảm so với mức 132,000 đồng/cp trong báo cáo trước đây.
Triển vọng ngắn hạn tích cực và tiềm năng tăng trưởng dài hạn khả quan là những điểm nhấn đầu tư đối với VNM. Với mức giá giao dịch 100.000 đồng/cp (21/01/2015), PE của Công ty dựa trên EPS 2015 sẽ khoảng 14 lần, vẫn khá thấp so với các doanh nghiệp có cùng ngành và quy mô trong khu vực.
DRC: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBankKimEng (MBKE)
Lợi nhuận sau thuế 2014 của CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) giảm 6,2% năm trước do chi phí khấu hao và chi phí lãi vay tăng. Doanh thu thuần 2014 tăng trưởng 16,2% năm trước, đạt 3.251 tỷ đồng. Mặc dù giá bán binh quân các sản phẩm giảm nhẹ nhưng doanh thu vẫn tăng chủ yếu là do đóng góp từ lốp radian toàn thép. Năm nay, DRC tiêu thụ được gần 110.000 lốp radian toàn thép với giá bán khoảng 4,9-5 triệu đồng/chiếc. Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 25,6 trong 2013 xuống còn 24,7% trong 2014 chủ yếu là do chi phí khấu hao nhà máy mới tăng. Chi phí tài chính ròng tăng 78,8% năm trước lên 133 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí lãi vay từ dự án lốp radian toàn thép và dự án di dời nhà máy lốp ôtô. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng từ 5,2% lên 7,1% chủ yếu là do DRC đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm mới. Lợi nhuận sau thuế giảm 6,2% năm trước, còn 352 tỷ đồng.
Giá Cao su, nguyên liệu đầu vào chính, duy trì ở mức thấp. Giá mủ cao su tự nhiên, nguyên liệu đầu vào chiếm khoảng 35% giá thành của DRC, hiện chỉ giao dịch ở mức 1.400 USD/tấn (SMR 20), giảm khoảng 30,4% so với cùng kỳ 2014. Giá cao su giảm là do hiện tượng dư cung trên thế giới và hiện tượng này được dự báo có thể kéo dài đến hết 2015. Ngoài ra, giá cao su tổng hợp, chiếm khoảng 20% giá thành, đang giao dịch tại 2.770 USD/tấn, giảm khoảng 6,7% năm trước theo đà giảm của giá dầu thế giới.
Tiêu thụ lốp radian đang tăng trưởng khá tốt. Cụ thể trong quý IV/2014, công ty ước tính tiêu thụ bình quân khoảng 12.000 lốp/tháng, tăng từ mức 4.700 chiếc lốp/tháng trong quý I/2014. Chúng tôi được biết, trong tháng 1/2015, DRC dự kiến tiêu thụ được khoảng 14.000 chiếc lốp radian.
Triển vọng 2015: Với đà tăng trưởng tốt, chúng tôi ước tính tiêu thụ lốp radian bình quân của DRC trong 2015 sẽ đạt khoảng 18.000 chiếc lốp/tháng (~220.000 chiếc lốp/tháng, tương đương 70% công suất thiết kế) với giá bán duy trì khoảng 4,9 triệu đồng/chiếc. Chúng tôi điều chỉnh mô hình dự báo cho năm 2015 với ước tính doanh thu 2015 đạt khoảng 3.732 tỷ đồng, tăng khoảng 14,8% năm trước. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 432 tỷ đồng, tăng 22,8% năm trước.
Khuyến nghị. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA với giá mục tiêu 66.000 đồng, tương ứng P/E 2015 ở mức là 12,7 lần, tương đối hợp lý so với vị thế của 1 công ty săm lốp nội địa hàng đầu và tăng trưởng kép (CAGR) của EPS trong 4 năm tới ước tính trên 20%.
TCM: Khuyến nghị mua vào
CTCK MayBankKimEng (MBKE)
TCM ghi nhận quá trinh tích lũy kéo dài từ tháng 9/2014. Phải đến tận nửa cuối tháng 12/2014, đường giá mới bắt đầu có một số chuyển biến tích cực hơn.
Phiên hôm nay chứng kiến sự bứt phá của TCM, lần đầu tiên đóng cửa quay trở lại phía trên MA trung hạn và phá vỡ thành công đường xu hướng giảm.
Diễn biến này càng đáng ghi nhận khi phiên hôm nay là phiên không thật sự thuận lợi với thị trường nói chung.
Xu hướng của TCM đã chuyển sang tăng, được mô tả bằng các đỉnh và đáy liền sau lần lượt cao hơn.
Thanh khoản tăng đều và đạt chuẩn. Khối lượng giao dịch tăng khá đều trong bốn phiên gần đây và đã vượt thành công mức khối lượng giao dịch trung bình 50 ngày, cho thấy dòng tiền bắt đầu dành sự quan tâm trở lại đối với TCM.
Chỉ báo kỹ thuật cố lên vùng tích cực. MACD đã vượt thành công đường 0 để ủng hộ xu hướng tăng hiện nay của giá.
Chiến lược đầu tư: NĐT có thể xem xét mua vào TCM ở quanh mức giá hiện tại 33.9 Mục tiêu đầu tiên: 38.0 (+12,1%) Mức dừng lỗ: 31.4 (-7,4%).