Khuyến nghị mua NLG với giá mục tiêu 31.200 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Kết quả kinh doanh quý I/2019, doanh thu Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (mã NLG) ghi nhận mức thấp, chỉ đạt 332 tỷ đồng (giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái) chủ yếu do phần lớn các dự án trọng điểm đang trong quá trình xây dựng, chúng tôi cho rằng, phần lớn doanh thu của NLG dự kiến sẽ được bắt đầu bàn giao và hạch toán nhiều từ quý II/2019.
Bên cạnh đó, kế hoạch bán hàng (pre-sales) mạnh mẽ trong năm 2019 là nhân tố chính giúp đảm bảo nguồn lợi nhuận giai đoạn 2019-2021. Tổng số lượng sản phẩm bán được năm 2019 dự kiến lần lượt đạt 3.433 sản phẩm (tăng 108% so với năm ngoái), tương đương với mức doanh thu dự kiến khoảng 6.019 tỷ đồng (tăng trưởng 107%).
Dự án WaterPoint đã có giấy phép xây dựng hạ tầng và đang triển khai các thủ tục pháp lý, dự kiến sẽ được mở bán trong quý III/2019 và dự án Akari City sẽ được mở bán vào cuối tháng 6.
NLG vừa công bố thêm 3 dự án khu đô thị mới với tổng quy mô ước tính khoảng 240ha cụ thể bao gồm (1) dự án Nam Long WaterFront tại Đồng Nai với quy mô 170ha, (2) dự án Nam Long Đại Phước tại Nhơn Trạch, Đồng Nai với quy mô 45ha và (3) dự án Vsip Hải Phòng với quy mô 21ha.
NLG vừa thông qua nghị quyết mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ. Theo đó, NLG vừa thông qua nghị quyết dự kiến mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ với ngân sách dự kiến khoảng 340 tỷ đồng.
Chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của NLG trong năm 2019 lần lượt đạt 3.298 tỷ đồng (giảm 5,2% so với năm ngoái) và 956 tỷ đồng (tăng 25,2%). EPS 2019 FW đạt 3.757 đồng/cổ phiếu (đã trừ 5% quỹ KTPL). PE FW 2019 = 8.2x lần
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu NLG với giá mục tiêu 40.500 đồng, tăng 29,8% so với mức giá ngày 23/05/2019 là 31.200 đồng dựa trên phương pháp RNAV với mức chiết khấu WACC = 15% cho các dự án và mức 10% cho rủi ro về khả năng chậm trễ trong tiến độ bán hàng.
MWG sẽ tiếp tục xu hướng tăng
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG) đang vận động trong kênh giá 85.52 – 91.34.
Chỉ báo RSI nằm trong vùng mua ủng hộ trạng thái tăng trong ngắn hạn. Chỉ báo MACD tiếp tục cho thấy vùng giá của MWG sẽ có khả tăng tiếp tục đà tăng ở các phiên tiếp theo.
Vận động của tất cả các đường MA tiếp tục hướng lên trừ MA150 giảm và MA200 đi ngang cùng thanh khoản tăng mạnh vượt mốc trung bình 20 phiên.
Do vậy, MWG sẽ tiếp tục xu hướng tăng ngắn hạn và có khả năng giữ đà tăng trong trung hạn. Ngưỡng kháng cự của MWG là 89.64 và ngưỡng hỗ trợ tại 86.87 và 84.58. Có thể mở vị thế ngắn hạn trong vùng giá 87.6 – 89.1, chốt lời vùng giá 91.94 – 95.48 và cắt lỗ nếu MWG mất mốc 84.54.
Giá mục tiêu của PHR là 55.384 đồng/CP
CTCK Phú Hưng (PHS)
Kết thúc quý I/2019, mặc dù doanh thu của Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (mã PHR) chỉ ghi nhận 292 tỷ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái), tuy vậy nhờ vào đóng góp của mảng cho thuê bất động sản khu công nghiệp mới ghi nhận doanh thu kể từ quý III/2018 với biên lợi nhuận tốt hơn đã giúp lợi nhuận sau thuế của PHR tăng mạnh và đạt 71,9 tỷ đồng (tăng trưởng 52%).
Chúng tôi cho rằng doanh thu từ mảng cao su năm 2019 sẽ tiếp tục đi ngang do giá cao su thiên nhiên vẫn chưa phát ra tín hiệu tích cực, tuy nhiên mảng cho thuê bất động sản sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay do các hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp mới chỉ bắt đầu ký kết từ quý III/2018.
Đồng thời trong năm 2019, các nguồn thu khác tới từ thanh lý gỗ cây cao su, thoái vốn tại NTC và bàn giao đất khu công nghiệp VSIP cho đối tác sẽ tiếp tục là những điểm nhấn đẩy mạnh lợi nhuận sau thuế của PHR và giúp doanh nghiệp có thể hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt mức 1.200 tỷ đồng.
PHR hiện đã lên kế hoạch thay đổi cơ cấu doanh nghiệp từ kinh doanh cao su thiên nhiên sang cho thuê bất động sản khu công nghiệp cũng như bất động sản khu dân cư nhờ vào tiềm năng tới từ nhu cầu cho bất động sản khu công nghiệp tăng nhanh cũng như lợi thế quỹ đất sạch với chi phí thấp có thể tiếp nhận từ tập đoàn mẹ.
Tuy nhiên trong giai đoạn tới, lợi nhuận của PHR chủ yếu vẫn sẽ đến từ việc ghi nhận các khoản thu từ việc thoái vốn tại NTC và chuyển nhượng đất cho NTC và VSIP.
Chúng tôi tiến hành định giá từng phần đối với mảng cao su thiên nhiên và bất động sản khu công nghiệp, cũng như lợi nhuận bất thường tới từ việc thoái vốn tại NTC. Qua đó, chúng tôi xác định mức giá mục tiêu đối với PHR là 55.384 đồng/CP.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị khả quan đối với AST
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì giá mục tiêu dành cho CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (AST) là 67.600 đồng/CP nhưng điều chỉnh khuyến nghị còn khả quan từ mua, khi giá cổ phiếu đã tăng 14% trong 3 tháng qua.
Giá mục tiêu của chúng tôi duy trì không đổi khi chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2012/2022 thêm 51%/44%, chủ yếu do loại dự án khách sạn Hạ Long của AST ra khỏi dự báo của chúng tôi, phù hợp với quyết định của ban lãnh đạo công ty khi rút khỏi dự án này. Diễn biến này có tác động tích cực đến dự báo trung hạn của chúng tôi trong bối cảnh dự báo lỗ của khách sạn này trong 3 năm hoạt động đầu tiên kể từ 2021. Chúng tôi cũng điều chỉnh tăng giả định tăng các cửa hàng trong mảng kinh doanh miễn thuế.
Diễn biến ở trên đã bù đắp cho dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số thấp hơn trong các năm 2019/2020 lần lượt là 11%/11%, chủ yếu do chúng tôi điều chỉnh giảm giả định khả năng sinh lời của khách sạn hiện tại ở Đà Nẵng, đến từ dự phóng tỷ lệ lấp đầy và giá thuê phòng thấp hơn do cạnh tranh ngày càng gia tăng tại thị trường khách sạn Đà Nẵng. Ngoài ra, chúng tôi nâng giả định chi phí vốn, có tác động tiêu cực đến định giá chiết khấu dòng tiền của chúng tôi.
Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực của chúng tôi đối với AST khi cho rằng công ty có vị thế tốt để hưởng lợi từ sự bùng nổ ngành du lịch và hàng không tại Việt Nam trong dài hạn, nhờ các cửa hàng bán lẻ tại sân bay có vị trí tốt ở 7 sân bay lớn nhất Việt Nam. Chúng tôi giả định AST sẽ nâng số lượng cửa hàng thêm 30% trong giai đoạn 2019-2020 và ghi nhận tăng trưởng doanh số từ cửa hàng hiện hữu (SSSG) 7%/năm trong giai đoạn 2019-2023.
Yếu tố hỗ trợ: Gia tăng các cửa hàng bán lẻ tại sân bay và SSSG cao hơn dự kiến; các khách sạn có mức sinh lời cao hơn và khả năng sinh lời cao hơn dự báo cho công ty liên kết mảng suất ăn hàng không của AST.
Rủi ro: Các yếu tố tiêu cực bên ngoài ảnh hưởng đến tăng trưởng ngành du lịch và hàng không; chi phí thuê tại sân bay gia tăng hoặc mất vị trí ở các sân bay; cạnh tranh gay gắt trong mảng khách sạn.