Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 26/2

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 26/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực đối với CTI

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi cho rằng CTI của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO là cổ phiếu tốt trong lĩnh vực thu phí giao thông và vật liệu xây dựng. Những vấn đề liên quan đến phản đối trạm thu phí nhìn chung đã được xử lý ổn thỏa trong thời gian vừa qua.

Với mức P/E trailing và P/E forward 2019 của CTI đạt 11,8 lần và 9,3 lần, CTI đang được định giá khá cao so với các doanh nghiệp cùng ngành trong giai đoạn hiện nay, trung bình chỉ ở mức 5,5 lần.

Tuy nhiên, về triển vọng dài hạn, năm 2019 và 2020 các dự án mới sẽ dần dần đóng góp vào tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời BVSC cũng đánh giá cao giá trị các tài sản của CTI đang sở hữu. EPS dự báo năm 2019 và 2020 của CTI đạt 2.643 đồng/cp (tăng trưởng 26%) và 3.472 đồng/cp (tăng trưởng 31%), tương ứng mức P/E forward lần lượt là 9,3 và 7,1 lần.

Từ những nhận định trên, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với CTI với giá mục tiêu 33.300 đồng/cp trong dài hạn, tương ứng mức premium là 33%.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu GMD

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept với giá mục tiêu 34.200 đồng/cổ phiếu, tăng 25% so với mức giá 27.450 đồng ngày 22/02/2019. Giá mục tiêu tương ứng với P/E forward khoảng 17,4 lần.

Từ tháng 2/2018 cảng Nam Đình Vũ được đưa vào khai thác cùng với hai cảng Nam Hải và Nam Hải Đình Vũ của Gemadept tại Hải Phòng đã ghi nhận tổng sản lượng hàng hóa thông qua đạt trên 1 triệu TEU, tăng trưởng 21% so với cùng kỳ.

Năm 2019, chúng tôi cho rằng cảng Nam Đình Vũ sẽ có thể hoạt động toàn công suất giai đoạn 1 là 600.000 TEU/năm, góp phần vào gia tăng sản lượng của công ty và là yếu tố cơ bản thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của GMD.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MWG

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới Di động với giá mục tiêu 105.700 đồng/cổ phiếu. Giá mục tiêu tương ứng với P/E forward khoảng 12,7 lần.

Mặc dù thị trường di động đã trở nên bão hòa, tuy nhiên tiềm năng tăng trưởng trong 2019 của MWG vẫn còn lớn với động lực chính đến từ hiệu quả hoạt động của chuỗi Điện Máy Xanh.

- Thị trường điện máy duy trì khả quan nhờ thu nhập cải thiện và tỷ lệ đô thị hóa ngày càng cao.

- Tiếp tục chuyển đổi cửa hàng Thế giới di động thành Điện máy Xanh/Điện máy Xanhmini bên cạnh việc mở mới cửa hàng Điện máy Xanh/Điện máy Xanhmini, đồng thời thay đổi cách sắp xếp, đảm bảo tăng trưởng bình quân 30%/cửa hàng. Dự kiến đến 2019 có khoảng 900 cửa hàng Điện máy Xanh/Điện máy Xanhmini, tăng 150 cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2018.

Đẩy mạnh mở rộng mô hình chuẩn tại các cửa hàng chuỗi Bách Hóa Xanh và nhân rộng hệ thống trên toàn quốc.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu HVN

CTCK MB (MBS)

So với cổ phiếu cùng ngành VJC thì HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP có mức tăng tốt hơn kể từ đầu năm. Trong khi nhóm cổ phiếu dịch vụ vẫn là nhóm tăng trưởng chậm hơn so với thị trường.

Về ngắn hạn, HVN có dạng mô hình cốc tay cầm sau nhịp tăng từ tháng 7 đến tháng 10/2018. Ở thời điểm hiện tại, HVN đang hình thành phần quai cốc với nhịp điều chỉnh từ mức 41.000 đồng về 37.000 đồng.

Khối lượng giao dịch trong khoảng này cũng thấp hơn so với bình quân 20 phiên trước đó, rất phù hợp với nhịp điều chỉnh nhẹ để giá có động lực bật trở lại hình thành tiếp phần tay cầm. Trong quá trình hướng đến giá mục tiêu ngắn và trung hạn, HVN sẽ gặp thử thách ở ngưỡng cản 41.100 đồng.

Nếu vượt qua ngưỡng kỹ thuật này, HVN có khả năng hoàn thành mô hình cốc có tay cầm với mức giá kỳ vọng trong ngắn hạn 50.800 đồng, mức giá kỳ vọng trung hạn ở 54.000 đồng. Đồng thời, khuyến nghị mua cổ phiếu HVN.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị mua cổ phiếu ACB

CTCK MB (MBS)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có mức tăng tốt thứ 3 sau nhóm Vingroup và Thực Phẩm, đây cũng là nhóm có vốn hóa cao nhất thị trường. Do vậy trong trường hợp thị trường đổi trụ thành công khi nhóm Vingroup và nhóm thực phẩm đã tăng khá thì nhóm ngân hàng có nhiều có hội để dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Về trung hạn, ACB có dạng mô hình tam giác cân bằng hoặc mô hình cờ đuôi nheo sau nhịp giảm kể từ tháng 4/2018. Ở thời điểm hiện tại, ACB đanng ở đoạn cuối của giai đoạn đường giá hội tụ.

Khối lượng giao dịch trong khoảng này đang tăng mạnh so với bình quân 20 phiên trước đó, rất phù hợp với nhịp đảo chiều tăng để giá có động lực breakout kênh trendline giảm giá kể từ tháng 4.

Trong quá trình hướng đến giá mục tiêu ngắn và trung hạn, ACB sẽ gặp thử thách ở ngưỡng cản 30.700 đồng. Nếu vượt qua ngưỡng kỹ thuật này, ACB có khả năng hoàn thành mô hình tam giác cân bằng hoặc cờ đuôi nheo với mức giá kỳ vọng trong ngắn hạn 37.600 đồng, mức giá kỳ vọng trung hạn ở 40.600 đồng và dài hạn ở 49.300 đồng. Đồng thời, khuyến nghị mua cổ phiếu ACB.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị theo dõi PVD

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh năm 2019 dự kiến khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ước đạt 5.370 tỷ đồng (giảm 2,4% so với năm trước) và 350 tỷ đồng (tăng trưởng 72%). Nếu loại trừ khoản nợ quá hạn từ PVEP, lợi nhuận cốt lõi của PVD ước đạt 219 tỷ đồng (tăng trưởng 16,3%), EPS cốt lõi đạt 912 đồng/cp. PE FW cốt lõi 2019 đạt 19.3 lần. 

Bên cạnh đó, giá các giàn khoan ký kết hợp đồng mới (giàn VI) tăng từ mức khoảng 55,000- 60,000 USD/ngày lên mức 60,000-65,000 USD/ngày. Nhiều hợp đồng dài hạn được ký hơn trong năm 2019 giúp đảm bảo hiệu suất sử dụng giàn.

Ngoài ra, khả năng cải hoán giàn TAD thành giàn khai thác cho mỏ Đại Hùng, trong trường hợp thuận lợi khả năng đến đầu Q1/2020 giàn TAD có khả năng hoạt động trở lại.

Chúng tôi khuyến nghị theo dõi với cổ phiếu PVD với giá mục tiêu dự kiến 18,900 đồng/cổ phiếu cao hơn 7.4% so với mức đóng của phiên ngày 22/02/2019 dựa trên phương pháp EV/EBITDA với mức dự phóng 6 lần.

Khuyến nghị theo dõi VNM

CTCK BIDV (BSC)

CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM) dự báo 2019 sản lượng dự kiến tăng 5% (chưa bao gồm sữa học đường), giá bán dự kiến tăng 1-3% nên doanh thu 2019 dự kiến tăng 7-8%. 

Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục duy trì chi phí bán hàng và marketing/doanh thu cao nhằm đạt mục tiêu 1% thị phần sữa nội địa (năm 2018 đạt 25.46%).

Ngoài ra, Vinamilk xuất khẩu đẩy mạnh ở thị trường Đông Nam Á và M&A với các đối tác ở các quốc gia Myanmar, Philippines và đợi hiệp định xuất khẩu sữa giữa Việt Nam và Trung Quốc dự kiến ký vào tháng 4/2019.

Năm 2019, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng của VNM khoảng 4%-6%/năm, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cho công ty mẹ dự kiến cho năm 2019 lần lượt đạt 55.125 tỷ đồng (tăng 4,74% so với năm trước) và 10.577 (tăng trưởng 3,42%) tương ứng EPS FW 2019 là 5.476 đồng/cp (tăng 3,42), P/E FW là 27.2x , P/B FW là 8.8x.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị Theo Dõi đối với cổ phiếu VNM với giá hợp lý trong năm FY2019E là 142.400 đ/cp dựa trên phương pháp P/E với P/E hợp lý là 26x (P/E trung vị khu vực Asia =32.89x). Giá VNM 22/02/2019 = 148.900 VND/cp – P/E = 28.1x – P/B = 9.8x.

Tin bài liên quan