VNM: Khuyến nghị tích cực
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Lợi nhuận quý III của CTCO Sữa Việt Nam (VNM – sàn HOSE) dự kiến sẽ cải thiện mạnh nhờ giá nguyên liệu giảm.
So với mức đỉnh của tháng 2/2014, giá nguyên liệu đầu quý 3 giảm 30% và hiện nay đã giảm 46%, nên kết quả của quý III và quý IV của Vinamilk sẽ có nhưng thay đổi tích cực về biên lợi nhuận. Doanh thu quý III/2014 ước tính đạt 9.851 tỷ đồng tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế ước tính khoảng 1.780 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tương ứng, ước tính cả năm 2014, doanh thu công ty đạt 37.393 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 6.695 tỷ đồng. So với kế hoạch, Công ty hoàn thành 101% về doanh thu và 111% về lợi nhuận.
Với dự báo về xu hướng giá sữa sẽ phục hồi vào năm sau và Vinamilk có một chính sách dự trữ nguyên liệu hợp lý, chúng tôi kỳ vọng năm 2015 Công ty sẽ có những kết quả lợi nhuận rất tốt. Doanh thu năm 2015 dự phóng tăng khoảng 8% và lợi nhuận gộp biên sẽ tăng đạt khoảng 36%. Cụ thể doanh thu ước tính là 40.341 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng 7,877 tỷ đồng tăng 17,6% so với 2014.
Trong quý III/2014, VNM đã thực hiện chia thưởng cổ phiếu 20% và tạm ứng 1.668 tỷ đồng tạm ứng cổ tức đợt 1/2014. Theo kế hoạch 2014, VNM sẽ chia tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế, dựa trên lợi nhuận ước tính của năm 2014 chúng tôi dự kiến VNM sẽ thực hiện chi thêm 1.679 tỷ đồng cho cổ tức đợt 2/2014 ứng với tỷ lệ khoảng 17% được thực hiện vào tháng 7/2015.
Trong tháng 9/2014, VNM đã ký kết hợp đồng hợp tác với tập đoàn Đức Long Gia Lai. Theo đó, VNM sẽ hỗ trợ toàn diện cho DLG để phát triển lĩnh vực chăn nuôi bò sữa bao gồm tư vấn thiết kế chuồng trại, cung cấp giống và bao tiêu thu mua sữa từ dự án.
Khuyến nghị: Chúng tôi tiếp tục duy trì đánh giá OUTPERFORM đối với cổ phiếu CTCP Sữa Việt Nam, với giá mục tiêu là 132.000 đồng/cp. Tại mức giá giao dịch 107.000 đồng/cp ngày 18/09, PE forward ở mức 16 lần trên ước tính EPS 2014 và 13,6 lần trên dự phóng EPS 2015. Về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính, VNM là cổ phiếu khá an toàn cho việc đầu dài hạn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đánh giá triển vọng của VNM trong ngắn hạn nhờ những thuận lợi về giá nguyên liệu. Ước tính PE forward trên EPS 2015 chỉ ở mức 13,6 lần là mức rất hợp lý so với bình quân PE của các doanh nghiệp ngành thực phẩm có quy mô như VNM trong khu vực.
>> Tải báo cáo
DCL: Khuyến nghị trung lập
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Chúng tôi vừa phát hành báo cáo cập nhật về CTCP Dược Cửu Long (mã chứng khoán DCL). Theo chia sẻ, mảng bao bì dược phẩm (vỏ viêm nang cứng rỗng) và dụng cụ y tế (ống kim tiêm và dây chuyền dịch) được đánh giá khá cao. Tuy nhiên, các nhà máy của Công ty hầu như đạt năng suất tối đa nhưng chưa có lộ trình cụ thể về việc mở rộng khả năng sản xuất.
Nguyên nhân xuất phát từ tiềm lực tài chính yếu do nợ phải thu khó đòi lớn trong khi quy mô vốn khá nhỏ so với các doanh nghiệp trong ngành. Trong năm 2014, công ty có kế kế hoạch tăng cường dây chuyền sản xuất ống kim tiêm để xuất khẩu sang Châu Phi.
Mặc dù theo tính toán, việc này chưa đem lại sự đột biến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chúng tôi cho rằng đây là cơ hội quý để DCL từng bước mở rộng sản xuất và thị trường của mình.
Tuy nhiên, trước khi tận dụng được các cơ hội tăng trưởng, DCL phải giải quyết triệt để các khoản nợ phải thu khó đòi còn tồn đọng và sắp xếp tốt hơn nữa hoạt động sản xuất và kinh doanh dược phẩm làm nền tảng. Để làm được điều này, chúng tôi cho rằng, DCL cần ít nhất 1-2 năm nữa.
Nhà đầu tư có thể tiếp tục theo dõi những chuyển biến mới về việc đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất capsule và việc xuất khẩu những lô hàng Vikimco sang Châu Phi như là tín hiệu xác nhận cho cơ hội tăng trưởng của DCL trong tương lai.
Trước khi có những tín hiệu cụ thể hơn, chúng tôi chỉ đưa ra quan điểm TRUNG LẬP đối với cổ phiếu DCL với mức giá mục tiêu khuyến nghị là 37.000 đồng/cp.
ST8: P/E tương đối hợp lý, khoảng 4,8 lần
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Hoạt động kinh doanh chính mang tính ổn định cao. Công ty cổ phần Siêu Thanh vốn có hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực thiết bị văn phòng và là nhà phân phối độc quyền của thương hiệu Ricoh lâu đời tại Việt Nam. Mảng hoạt động này tuy có tốc độ tăng trưởng hạn chế nhưng lại mang tính ổn định và tỉ suất lợi nhuận khá cao, đóng góp đến hơn 95% lợi nhuận năm 2013 của toàn công ty trong khi chỉ chiếm tỷ trọng dưới 30% trên tổng doanh thu.
Đẩy mạnh mảng kinh doanh ô tô. Dự kiến tại ĐHCĐ bất thường ngày 26/9/2014 tới đây, ST8 sẽ đề xuất vấn đề chuyển đổi sang hình thức Holdings để đẩy mạnh đầu tư sang lĩnh vực ô tô, đón đầu xu thế giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình AFTA và WTO. Hiện tại, hai công ty con của ST8 là Kim Thanh và Cường Thanh đang là những đại lý phân phối chính thức của Honda và Chevrolet.
Tuy triển vọng ngành ô tô đang khá tích cực, chúng tôi đánh giá hoạt động phân phối ô tô mang rủi ro cao khi biên lãi thuần rất thấp và cạnh tranh thị phần sắp tới sẽ rất khốc liệt. Trên thực tế, kể từ khi Cường Thanh chuyển từ Nissan sang thương hiệu mới là Chevrolet, công ty này đã mất đến hơn 2 năm để có thể giành được một thị phần đủ lớn và bù đắp chi phí hoạt động; trong khi Kim Thanh vốn đã hoạt động ổn định với vai trò đại lý phân phối Honda nhưng biên lợi nhuận thuần cũng chỉ ở mức dưới 2%/năm.
Ghi nhận khoản chiết khấu thương mại, kết quả kinh doanh 1H 2014 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Sau 6 tháng đầu 2014, ST8 đạt tổng doanh thu 502 tỷ đồng (+50% yoy), trong đó ước tính 396 tỷ đồng là từ mảng kinh doanh ô tô, đánh dấu mức tăng trưởng ấn tượng 73% so với cùng kỳ phản ánh xu hướng tốt dần lên trong tiêu thụ ô tô trên toàn quốc; mảng thiết bị văn phòng đóng góp 106 tỷ đồng, hầu như không tăng trưởng đáng kể so với năm trước.
Như vậy, lợi nhuận toàn công ty đạt 22.7 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 71% so với cùng kỳ. Nếu loại trừ khoản chiết khấu thương mại bất thường khoảng 9.7 tỷ đồng đã trừ vào giá vốn hàng bán quý II/2014, lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ST8 đạt khoảng 15.1 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với cùng kỳ.
Triển vọng cả năm 2014 tích cực. Nhờ mảng kinh doanh ô tô đang dần đi vào ổn định trong khi mảng thiết bị văn phòng cũng đang có những cải thiện đáng kể qua kết quả kinh doanh 8 tháng 2014, chúng tôi dự báo doanh thu cả năm 2014 của ST8 ước tính khoảng 1,060 tỷ đồng, tăng trưởng 29%, trong đó doanh thu ô tô dự kiến 750 tỷ đồng (+32%
yoy) và doanh thu từ mảng thiết bị văn phòng khoảng 310 tỷ đồng (+27%). Như vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2014 có thể đạt khoảng 64 tỷ đồng tương ứng với EPS 4,240 đồng/cp, tăng trưởng 31%yoy và hoàn thành 89% kế hoạch năm.
Khuyến nghị đầu tư: Dựa trên thế mạnh là nhà phân phối độc quyền thương hiệu thiết bị văn phòng Ricoh lâu đời tại Việt Nam với mạng lưới khách hàng lớn và trung thành, ST8 là một doanh nghiệp có cơ bản tốt và hoạt động kinh doanh mang tính ổn định cao. Ngoài ra, rủi ro tài chính dường như không hiện hữu khi công ty hầu như không sử dụng đòn bẩy cũng như dòng tiền từ hoạt động kinh doanh luôn ở mức cao.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của cổ phiếu ST8 chính là tính thanh khoản khi khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất chỉ vào khoảng 1,662 đơn vị. Do đó, BVSC cho rằng ST8 chỉ thích hợp với các nhà đầu tư cá nhân với chiến lược dài hạn, đề cao tính an toàn và đảm bảo khả năng chi trả cổ tức đều đặn với suất lợi nhuận 10%/năm.
ST8 đang giao dịch ở mức giá 20,300 đồng/cp ở thời điểm 19/09/2014, tương ứng với P/E FY2014 khoảng 4.8 lần, mức tương đối hợp lý đối với một doanh nghiệp có vốn hoá nhỏ và hoạt động ổn định.