Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/7

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/7

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/7 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PNJ

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chủ yếu dựa trên việc điều chỉnh tăng dự báo kết quả kinh doanh, chúng tôi nâng giá mục tiêu theo Phương pháp DCF cho CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) thêm 15,3% lên 98.902 đồng/CP (Upside: 23,6%) từ mức 85.746 đồng/cp trong Cập nhật Ngành Bán lẻ gần đây. Tại giá mục tiêu mới, chúng tôi định giá PNJ ở mức P/E hợp lý là 15,5x.

Trong khi lợi nhuận ròng nửa đầu năm 2023 của PNJ chứng tỏ bền bỉ, giá cổ phiếu của PNJ đã giảm 9,3% so với đầu năm, kém hiệu quả hơn 22,9% so với VNIndex (tăng 13,6%). Ở mức giá hiện tại, PNJ giao dịch hấp dẫn với P/E là 12,7x (năm 2024), 11,0x (năm 2025) so với mức trung bình 5 năm là 18,0x. Duy trì khuyến nghị Outperform.

Về dài hạn, BVSC tiếp tục ưa thích PNJ với vị thế cạnh tranh hưởng lợi trực tiếp từ: (1) tăng trưởng của thị trường trang sức có thương hiệu tại Việt Nam; và (2) gia tăng tầng lớp trung lưu và giàu có.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu IJC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Căn cứ kế hoạch CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (IJC – sàn HOSE) đề ra và bối cảnh thị trường, BVSC ước tính doanh thu năm 2023 là 1.609 tỷ đồng, giảm 18% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 427 tỷ đồng, giảm 16%.

Mặc dù, lợi nhuận năm 2023 giảm so với năm 2022 nhưng vẫn tích cực trong bối cảnh hiện tại. Kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu là động lực để IJC duy trì kết quả kinh doanh.

Chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu IJC vẫn đang định giá thấp so với giá trị hợp lý của Công ty. Theo ước tính thận trọng của BVSC, giá hợp lý mỗi cổ phần IJC là 19.397 đồng/cp, cao hơn 30,6% giá thị trường ngày 21/7/2023.

Chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu IJC cho mục tiêu đầu tư trung hạn. Triển vọng khả quan hơn vào năm 2024 và các thông tin chi tiết hơn về góp vốn vào Becamex Bình Phước sẽ là điểm nhấn cho IJC trong thời gian tới. Rủi ro: thị trường bất động sản phục hồi kéo dài hơn so với kỳ vọng.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị khả quan ACV, khuyến nghị bán CTD và HBC

CTCK Vietcap (VCSC)

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (HOSE: ACV; khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 95.100 đồng/cổ phần) dự kiến khởi công gói thầu lớn nhất của Sân bay Quốc tế Long Thành vào tháng 8/2023. Việc đấu thầu xây dựng nhà ga hành khách của Sân bay Quốc tế Long Thành đã không thành công kể từ tháng 9/2022.

Nguyên nhân là do yêu cầu thời gian thi công hạn chế và đơn giá thấp, theo ACV. Đây là gói thầu lớn nhất của Sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với giá trị 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, vào ngày 12/6, ba liên danh đã tham gia đấu thầu gói thầu sau khi thời gian thi công yêu cầu được nâng từ 33 tháng lên 39 tháng.

Cả ba liên danh đều có kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và các sân bay quốc tế lớn. Liên danh Hoa Lư gồm một số công ty xây dựng hàng đầu trong nước như Coteccons (HOSE: CTD, khuyến nghị bán, giá mục tiêu 43.400 đồng/cổ phiếu), Hòa Bình (HOSE: HBC), Delta và Unicons với Powerline Engineering PCL từ Thái Lan, đơn vị có kinh nghiệm trong Sân bay Suvarnabhumi.

Liên danh Nhà thầu CHEC-BCEG-Việt Nam do hai nhà thầu xây dựng hàng đầu Trung Quốc là Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc (CHEC) và Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Bắc Kinh (BCEG) đứng đầu, đã xây dựng nhiều sân bay ở Trung Quốc và nước ngoài. VIETUR được dẫn dắt bởi IC Istas —nhà thầu top 3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm tại các sân bay quốc tế lớn. VIETUR cũng bao gồm các nhà thầu xây dựng có liên quan đến ông cựu Chủ tịch CTD và Vinaconex (HOSE: VCG) — nhà thầu xây dựng cơ sở hạ tầng hàng đầu với bề dày kinh nghiệm xây dựng các sân bay trong nước.

Dự báo lợi nhuận tăng đáng kể cho các nhà thầu xây dựng. Trong giai đoạn 2019-2022, giá trị hợp đồng ký mới bình quân hàng năm của CTD và HBC giảm lần lượt 50% và 21% so với giai đoạn 2014-2018 xuống còn 13,4 nghìn tỷ đồng và 14,3 nghìn tỷ đồng. Điều này làm cho gói thầu Sân bay Quốc tế Long Thành 5.10 trở thành giá trị backlog hấp dẫn.

Giả sử biên lợi nhuận ròng thu được trên tổng giá trị gói thầu là 3%, chúng tôi ước tính tổng lợi nhuận ròng mà liên danh trúng thầu thu được sẽ vào khoảng 1 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi ước tính tổng lợi nhuận ròng tối đa là 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10 (nếu nhà thầu hoàn thành 50% tổng backlog của gói). Mức lợi nhuận này là đáng kể so với lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trung bình hàng năm giai đoạn 2019-2022 của CTD (264,0 tỷ đồng), HBC (lỗ ròng 133,0 tỷ đồng) và VCG (866,3 tỷ đồng).

Tin bài liên quan