MBB: Khuyến nghị mua vào
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi dự báo tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của MBB trong quý II/2014 đạt 2.020 tỷ đồng và 670 tỷ đồng, giảm lần lượt 0,6% và 6,9% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, tính chung cả 6 tháng, MBB hoàn thành 54% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tín dụng khởi sắc nhưng vẫn tăng trưởng chậm hơn huy động vốn. Trong quý II/2014, đà phục hồi của nền kinh tế đang tiếp diễn với dấu hiệu khởi sắc từ khu vực sản xuất và khu vực bán lẻ, với các chỉ số PII, PMI, kim ngạch xuất nhập khẩu và tổng mức bán lẻ đều tăng trưởng tốt. Chúng tôi cho rằng đây là những tín hiệu tích cực cho thấy đà phục hồi của nhu cầu sản xuất. Do đó, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong kỳ sẽ có nhiều cải thiện, ước tính tăng trưởng tín dụng và tiền gửi khách hàng của MBB có thể đạt 6-7% và 10% tính đến thời điểm cuối quý II.
NIM dự báo giảm trong quý II/2014 xuống mức 3,6%. Trên cơ sở đó, chúng tôi ước tính thu nhập lãi thuần của MBB trong kỳ đạt 1.519 tỷ đồng, giảm 2,5% so với cùng kỳ 2013.
Chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro tín dụng ở mức cao. MBB tiếp tục mở rộng mạng lưới với việc khai trương 2 điểm giao dịch tại Gia Lai, Đồng Nai trong tháng 4/2014 và khai trương chi nhánh Phú Thọ vào tháng 5/2014. Do đó, chúng tôi giả định tỷ lệ CIR của MBB đạt 36%, tương đương với tỷ lệ CIR trong quý I/2014 và chi phí hoạt động đạt 727 tỷ đồng (+8,4% so với cùng kỳ năm ngoái). Chi phí dự phòng rủi ro dự báo đạt 443 tỷ đồng (+10,1% so với cùng kỳ năm ngoái).
BVSC cho rằng kết quả hoạt động kinh doanh của MBB trong năm 2014 sẽ thuận lợi hơn 2013. Dự kiến cả năm 2014, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận sau thuế của MBB trong năm 2014 dự báo đạt 8.094 và 2.397 tỷ đồng, tăng trưởng 6% và 5% so với 2013 trên cơ sở giả định tăng trưởng dư nợ cho vay và tiền gửi khách hàng đạt lần lượt 16% và 14%.
MBB hiện là một trong những ngân hàng có hiệu quả hoạt động và khả năng sinh lời tốt nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Đồng thời, ngân hàng cũng có quan điểm thận trọng trong việc phân loại và trích lập dự phòng nợ xấu thể hiện qua tỷ lệ NPL, LLC và tài sản thế chấp/dư nợ tín dụng đều ở mức tốt so với bình quân ngành. Rủi ro từ nợ xấu khi áp dụng Thông tư 02 đối với MBB không quá cao.
Vấn đề đáng lưu ý nhất đối với việc đầu tư vào MBB là khả năng ngân hàng sẽ phát hành cho đối tác chiến lược trong nước với mức giá chiết khấu tối đa 25% so với giá thị trường, nhưng không thấp hơn mệnh giá.
Hiện nay, MBB đang được giao dịch tại mức P/E và P/B 2014 là 6,6 và 1,0 lần, khá thấp so với trung bình các ngân hàng đang niêm yết. Do đó, chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM với cổ phiếu MBB với mức giá kỳ vọng vào khoảng 17.460 đồng/cổ phần.
STB: Khuyến nghị Trung lập
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Thu nhập lãi thuần giảm nhẹ do tỷ lệ NIM thu hẹp. Lợi suất đầu ra bình quân dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong khi chi phí đầu vào bình quân sẽ khó giảm. Do vậy, chúng tôi cho rằng tỷ lệ NIM sẽ tiếp tục thu hẹp về mức 4,38%, giảm 0,6% so với năm 2013. Tài sản sinh lãi bình quân ước tăng 12,4%. Theo đó, thu nhập lãi thuần dự báo đạt 6.578 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2013.
Sacombank chú trọng vào phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và hoạt động kinh doanh thẻ nhằm gia tăng thị phần tạo ra lợi nhuận. Ngoài ra, ngân hàng tích cực mở rộng quan hệ khách hàng, đặc biệt là khối FDI để tăng doanh số thanh toán quốc tế. Theo đó, chúng tôi ước tính tổng thu nhập ngoài lãi đạt 1.167 tỷ đồng, tăng 20% năm ngoái.
Năm 2014, Sacombank thực hiện nguyên tắc tốc độ tăng chi phí thấp hơn tốc độ tăng thu nhập, tiết kiệm tối đa chi phí gián tiếp, ưu tiên chi phí phục vụ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh. Chúng tôi giả định tỷ lệ CIR sẽ giảm về 54,5% từ 55,3% trong năm 2013, tương ứng với chi phi hoạt động cả năm đạt 4.221 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,4% năm ngoái.
Trong những quý còn lại của năm, ngân hàng sẽ phải chủ động đánh giá lại các khoản vay và tích cực hơn trong việc trích lập dự phòng, xử lý nợ xấu để giảm bớt áp lực trong năm tới. Chúng tôi ước tính tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng dự báo khoảng 625 tỷ đồng, tăng 44% năm ngoái.
Dựa vào triển vọng trên chúng tôi ước tính tổng thu nhập hoạt động của STB sẽ đạt 7.746 tỷ đồng (+1,9% năm ngoái) và lợi nhuận trước thuế đạt 2.899 tỷ đồng,(-2,1% năm ngoái). Theo đó, chúng tôi ước tính tổng thu nhập hoạt động quý II/2014 dự kiến ở mức 2.003 tỷ đồng (+24% cùng kỳ) và lợi nhuận trước thuế ước tính khoảng 692 tỷ đồng (11% cùng kỳ).
EPS và BVPS năm 2014 của STB sẽ là 1.812 đồng và 14.955 đồng. P/E và P/B dự phóng năm 2014 khoảng 11,24x và 1,18x. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ NIM vẫn cao, lợi thế về quy mô hoạt động cùng với thế mạnh trong mảng ngân hàng bán lẻ sẽ là yếu tố dẫn dắt STB tăng trưởng tổng thu nhập năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng thấp, lo ngại về chất lượng tài sản khi sáp nhập với PNB và khả năng khó hoàn thành kế hoạch phát hành cho đối tác chiến lược trong năm nay sẽ điểm bất lợi đối với diễn biến giá cổ phiểu STB. Do đó, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL với cổ phiếu STB với mức giá kỳ vọng 19.800 đồng/cổ phần.
>> Tải báo cáo
PVS: Khuyến nghị MUA
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS) ghi nhận pha điều chỉnh lớn nhất của năm 2014 trong hơn 2 tháng qua. Đường giá đến đầu tháng 5 đã có những phản ứng bật lên đáng chú ý tại khu vực Fibo 61,8% của giai đoạn tăng trước đó.
Đến hiện tại, đường giá tiếp tục di chuyển đi lên, vượt thành công MA trung hạn và kiến tạo đỉnh liền sau cao hơn. Đây đều là các tín hiệu quan trọng để xác nhận xu hướng tăng dành cho PVS.
Khối lượng giao dịch của PVS đang gia tăng trong các phiên gần đây và hiện đã vượt lên trên mức thanh khoản trung bình 50 ngày, diễn biến này cho thấy dòng tiền đang mởrộng các hoạt động của mình hơn.
MACD đã tăng lên trên đường 0 lần đầu tiên sau 2 tháng, hàm ý ủng hộ PVS di chuyển theo xu hướng tăng. Các chỉ báo kỹ thuật khác đa phần trong trạng thái tích cực.
PVS có kết quả kinh doanh 5T2014 ấn tượng với doanh thu lợi nhuận trước thuếước đạt 674,7 tỷ đồng, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 61,3% kế hoạch năm. Với mức giá hiện tại PVS hiện đang giao dịch tại P/E 2014 ước tính khoảng 7.0x, thấp hơn trung bình ngành là 13,8x.
Nhà đầu tư có thể mua vào PVS quanh mức giá hiện tại 27.5 và giá mục tiêu là 30.5 (+11%) và xa hơn là 33.0 (+20%). Trong trường hợp PVS giảm giá, thì mức dừng lỗ tại 25.3 (-8%).
Hành động của ETF tạo ra cơ hội tích lũy cổ phiếu MSN
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Các hoạt động sản xuất kinh doanh của Masan dự báo tiếp tục tăng tốc trong quý này với doanh thu dự kiến tăng ở mức +84% so với năm trước, đạt xấp xỉ 5.082 tỷ đồng. Thay vì chịu một khoản lỗ sau hợp nhất như trong quý trước, quý này Tập đoàn có thể tạo ra khoản lợi nhuận thuần theo sổ sách kế toán là 194 tỷ đồng và lợi nhuận giả định là 408 tỷ đồng. Trong cả năm 2014, mỏ Núi Pháo sẽ có thể đóng góp 4.000 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lợi nhuận cho Tập đoàn. Hiện tại, chúng tôi cho rằng, mỏ Núi Pháo có thể mang đến một hệ số EBITDA khoảng 45%, sau khi thuế tài nguyên tăng từ 10% lên 18% trong năm nay và ở mức giá hiện tại của tungsten. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi hiệu suất của mỏ khi nó hoạt động hết công suất thiết kế.
Doanh thu từ mỏ Núi pháo trong các quý tới và tăng trưởng doanh thu từ các sản phẩm mới của Masan Consumer sẽ có thể có ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu của Công ty. Các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tích lũy cổ phiếu quanh mức giá 90.000 đồng trong khi các nhà đầu tư dài hạn có thể đợi đến khi hiệu suất hoạt động của mỏ trở nên rõ ràng hơn.
Trong quý này, MSN sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu từ Masan Consumer và Masan Resources.
Dưới sự quản lý của ông Seokhee Won, người đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các tập đoàn đa quốc gia lớn, Masan Consumer đã và đang tập trung vào việc củng cố vị thế của mình trong mảnh kinh doanh thực phẩm chủ chốt và mảng thức uống. Hai sản phẩm mới của Công ty là WakeUp247 – nước tăng lực cà phê và nước khoáng isotonic Aktiva đã được tung ra thị trường. Cho đến cuối năm nay, công ty có kế hoạch tung ra thêm khoảng 5-6 sản phẩm mới nữa. Chúng tôi dự đoán doanh thu của công ty trong quý II/2014 có thể đạt 3.762 tỷ đồng, tăng 30% qoq. Với chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp được dự báo tăng 20% và 10% so với quý trước, lợi nhuận thuần của công ty sẽ vào khoảng 865 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước.
Riêng Masan Resources, mặt dù công ty đã thông báo là đang hoạt động ở mức 89,7% công suất thiết kế, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thận trọng khi dự báo công ty sẽ đạt doanh thu 1.320 tỷ đồng trong quý này và 4.000 tỷ đồng trong cả năm (thấp hơn con số 6.000 tỷ đồng theo dự ước của công ty).
Trong quý này, mảng gia vị tiếp tục giữ vai trò quan trọng và đạt mức tăng trưởng ổn định hơn 50%. Sagami and cháo B’fast - các sản phẩm đã được tung ra thị trường từ quý III/2013 - đã có doanh số khá tốt. Trong khi Sagami nhắm đến phân khúc trung cao cấp, Kokomi nhắm đến phân khúc bình dân và Omachi nhắm đến phân khúc cao cấp trong thị trường mì gói tỷ đô. Doanh số đóng góp của thực phẩm tiện lợi (mì, thực phẩm ăn liền và cháo ăn liền, …) đã tăng lên khoảng 40% trong quý này trong khi các sản phẩm phụ gia và nước giải khát lần lượt chiếm 41% và 19%. Tổng doanh thu của tập đoàn đạt 2.275 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước (quý I năm trước đã ghi nhận doanh thu thấp do thay đổi trong chính sách tồn kho của các đại lý đã làm giảm doanh thu của Masan Consumer và làm tăng doanh thu của các đại lý này).
Lợi nhuận gộp tăng mạnh lên 43%, cao hơn nhiều so với mức 33% cùng kỳ năm trước, nhờ vào hiệu suất hoạt động tại nhà máy mới đặt tại Bình Dương, hiệu quả theo quy mô và tung ra các sản phẩm mới thuộc phân khúc trung và cao cấp (Sagami và B’fast). Mảng gia vị và thực phẩm tiện lợi vẫn tiếp tục đạt được biên lợi nhuận cao ở mức 50% và khoảng 35% trong khi Vinacafe đã ghi nhận một mức biên lợi nhuận cao kỷ lục 36.6%, so với biên lợi nhuận 26,2% ở quý I/2013 và 32,8% ở quý IV/2013.
Nguyên do của sự gia tăng biên lợi nhuận của Vinacafe là do công ty không còn phải nhập khẩu hạt cà phê nguyên liệu đã qua sơ chế để dùng cho sản xuất và do hiệu suất gia tăng..Các khoản đầu tư vào nhãn hàng, nghiên cứu thị trường và cải tiến, sẽ là bước thứ 2 giúp tập đoàn đạt được vị thế dẫn đầu trong nhóm ngành thực phẩm và thức uống. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp là 747 tỷ đồng, chiếm 27% trong tổng doanh thu và tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của các hoạt động này. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần vẫn tốt ở mức 22%.
Vào tháng 5 năm 2014, Masan Consumer đã tiến hành thanh toán cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2013 và ứng trước cổ tức cho năm 2014 ở mức 110%. Masan Group sẽ nhận được 4.490 tỷ đồng và KKR sẽ nhận được 1.044 tỷ đồng. Masan Group sau đó sẽ sử dụng một phần của khoản cổ tức này cho hoạt động M&A và thực hiện việc mua lại cổ phần của Masan Agriculture (nắm giữ 40% của Proconco) từ Masan Consumer.
Masan Resources đã ghi nhận doanh thu tháng đầu tiên ở mức 440 tỷ đồng, mang đến một khoản lợi nhuận khiêm tốn ở mức 94 tỷ đồng, tạm đủ cho các chi phí lãi vay, bán hàng, quản lý doanh nghiệp và chi phí khác và tạo ra một khoản lỗ thuần khoảng 25 tỷ đồng (theo ước tính của chúng tôi). Giá Tungsten đã giảm nhẹ 1,9% so với giá đầu năm nhưng vẫn tăng 67% so với mức giá năm 2010 khi Masan Group mua lại mỏ Núi Pháo từ Dragon Capital.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh hợp nhất của tập đoàn sẽ phải ghi nhận một khoản lỗ là 106,6 tỷ đồng và một khoản lợi nhuận 106,4 tỷ đồng sau khi hoàn nhập khấu hao lợi thế thương mại. Với việc đẩy mạnh đầu tư vào mảng khai khoáng và các sản phẩm mới khác trong khi các mảng/ sản phẩm này chưa tạo ra được lợi nhuận tương ứng sẽ làm lợi nhuận ghi nhận của Tập đoàn trong các năm gần đây duy trì ở mức thấp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tăng từ mức 1,04 vào cuối năm 2012 lên mức 1,23 vào cuối quý I/2014. Tổng tài sản của Tập đoàn tăng 21% trong năm, tương đương với khoảng 8,000 tỷ đồng.