Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 25/6

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/6 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua và tăng giá mục tiêu của PDR lên 116.500 đồng/cổ phiếu

CTCK Mirae Asset Việt Nam (MASVN)

Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), tình hình kinh doanh khởi sắc và kế hoạch kinh doanh rõ ràng là nền tảng vững chắc cho triển vọng tăng trưởng của PDR.

Năm 2020, PDR đã ghi nhận 1.220 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng 40% so với năm trước), cao nhất trong 3 năm trở lại đây nhờ vào việc bàn giao phân khu 2 và phân khu 9 của dự án Nhơn Hội tại Bình Định. Sang đến quý I/2021, PDR thu về 251 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng trưởng 60% so với cùng kỳ năm ngoái), cao nhất từ trước tới nay nhờ tiếp tục bàn giao phân khu 9 của dự án Nhơn Hội, Bình Định.

Trong năm 2021, MASVN dự phóng PDR sẽ ghi nhận 5.147 tỷ đồng doanh thu (tăng 31,6% so với năm ngoái) và 2.061 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tăng trưởng 68,9%) nhờ vào việc bàn giao một phần khu cao tầng phân khu số 4 và số 9 tại dự án Nhơn Hội.

Bên cạnh đó, MASVN cũng kỳ vọng PDR sẽ hoạch toán khoảng 600 tỷ doanh thu tài chính từ dự án Bình Dương Tower vào quý III.

Hiện Phát Đạt đang nắm giữ gần 470 ha quỹ đất, tập trung tại các địa phương giàu tiềm năng về du lịch hay kinh tế như Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phú Quốc, Đà Nẵng. MASVN đánh giá đây là hướng đi hợp lý của PDR trong bối cảnh tình hình bất động sản ở TP HCM bị chững lại nhiều năm qua và giá đất các tỉnh vùng ven đang có chuyển biến tích cực.

Mặt khác, PDR đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành nghề nhằm chủ động và linh hoạt sử dụng các nguồn tài chính và tạo dòng tiền ổn định và bền vững lâu dài cho doanh nghiệp. PDR cũng bước chân vào mảng bất động sản khu công nghiệp với khu logistic rộng 24 ha gần cảng Cái Mép (vốn đầu tư dự kiến hơn 1.136 tỷ đồng).

Cùng với đó, PDR tiếp tục phát triển thêm quỹ đất lên gần 6.000 ha khu công nghiệp và cũng ký với đối tác tại Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, và sắp tới sẽ có khu công nghiệp tại Đà Nẵng. Dự kiến 2023, PDR sẽ bắt đầu có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh này.

MASVN khuyến nghị mua và tăng giá mục tiêu của cổ phiếu PDR lên 116.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời 28,7% so với giá đóng cửa phiên 21/6/2021.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 49.200 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Lũy kế 5 tháng 2021, doanh thu xuất khẩu cá tra của CTCP Vĩnh Hoàn (VHC – sàn HOSE) đạt 2.239 tỷ đồng, tăng 18%, đóng góp 66% tổng doanh thu.

Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ là thị trường có mức tăng doanh thu mạnh nhất trong tháng 5/2021 với 188% trong khi Trung Quốc chỉ tăng 9%, và các thị trường khác tăng 4%, bù đắp cho mức giảm 22% tại thị trường châu Âu nhờ (i) dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, (ii) lượng cá tra tồn kho trong nước giảm, trong khi (iii) nhu cầu sản phẩm cá tra đông lạnh phục hồi.

VHC lên kế hoạch đầu tư mở rộng kinh doanh sản phẩm ngoài cá tra. Doanh nghiệp dự kiến sẽ đẩy mạnh phát triển thêm các sản phẩm thực phẩm & sức khỏe. Chúng tôi cho rằng hiệu quả của việc mở rộng hoạt động kinh doanh cần được xem xét, do đó không đưa vào mô hình dự phóng của mình.

Xuất khẩu cá tra ghi nhận tăng trưởng dương tại các thị trường xuất khẩu lớn. Mở rộng quy mô tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 khiến dịch bệnh được kiểm soát tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới đã tác động tích cực tới việc nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam, trong đó có cá tra. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 637,8 triệu USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu cá tra trong tháng 5/2021 đạt 148,4 triệu USD, tăng 39,3%.

Rủi ro biên lợi nhuận thấp hơn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra do (i) giá cá tra vẫn ở mức thấp so với bình quân giai đoạn 2019 – 2020, (ii) chi phí giá thành cao khi giá thức ăn chăn nuôi, chi phí điện, nước… tăng, và (ii) chi phí cước tàu tăng trước tình trạng thiếu hụt cointer rỗng.

Chúng tôi xác định giá mục tiêu của VHC vào khoảng 49.200 đồng/CP dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Giá mục tiêu tương ứng với P/E forward 12,2 lần (theo EPS 2021F khoảng 4.024 đồng)

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VHC với giá mục tiêu 49.200 đồng/CP trên cơ sở (i) là doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan, (ii) sở hữu chuỗi giá trị khép kín với khả năng tự chủ cao (100%), trong bối cảnh (iii) nhu cầu đối với sản phẩm cá tra và các sản phẩm khác hồi phục sau đại dịch.

>> Tải báo cáo

Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu GVR nằm tại mức 44

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá từ cuối tháng 4 cho đến nay. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Mặc dù vậy, chỉ báo động lượng RSI hiện đã đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu tiềm năng sẽ xuất hiện nhịp đi ngang trong ngắn hạn.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của GVR nằm tại khu vực xung quanh 33. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 44, cắt lỗ nếu ngưỡng 30.9 bị xuyên thủng.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu VRE

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh 2020 của Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE – sàn HOSE) chỉ tương ứng hoàn thành 84% và 95% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của năm do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đã làm chậm kế hoạch khai trương các Trung tâm thương mại mới trong năm và phát sinh chi phí 865 tỷ hỗ trợ khách thuê trong năm. Công ty giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2020 để phục vụ hoạt động đầu tư.

Kế hoạch kinh doanh 2021 với doanh thu 9.000 tỷ đồng (tăng 8,1% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 2.500 tỷ đồng (tăng trưởng 5%). Đối với mảng cho thuê mặt bằng bán lẻ, công ty dự kiến đưa vào vận hành VMM Smart City trong quý III/2021 và 2 VCP tại Mỹ Tho và Bạc Liêu, nâng tổng diện tích sàn bán lẻ thêm gần 100.000 m2.

Kết quả kinh doanh quý I/2021 tăng trưởng mạnh từ mặt bằng thấp của năm 2020 với doanh thu 2.226 tỷ đồng (tăng 32,1% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 781 tỷ đồng (tăng trưởng 59%) tương ứng hoàn thành 24,7% và 31% kế hoạch năm với sự đóng góp đáng kể từ hạch toán chuyển nhượng bất động sản.

Công ty cho biết trong thời dịch dịch bệnh vừa qua, công ty tiếp tục hỗ trợ tiền thuê và phí dịch vụ cho các khách hàng bị ảnh hưởng tùy ngành hàng và mức độ; đồng thời đàm phán với một số hãng vận chuyển để một số gian hàng có thể bán online với chi phí vận chuyển rẻ hơn 3-5%. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục có những hỗ trợ với khách thuê tùy tình hình và mức độ ảnh hưởng, đồng thời sẽ tiếp tục các hoạt động marketing và kích cầu mua sắm.

Định hướng phát triển các diện tích bán lẻ mới của VRE đến năm 2026 đặt trọng tâm lớn hơn vào loại hình Vincom Mega Mall (VMM) trong các đại đô thị của Vingroup tại với 27/49 Trung tâm thương mại dự kiến phát triển mới, đóng góp trên 80% diện tích bán lẻ GFA tăng thêm.

BSC đánh giá sự thay đổi chiến lược này phù hợp trong bối cảnh hậu dịch bệnh khi sức cầu của dân cư bị ảnh hưởng, và sẽ tăng khả năng triển khai kế hoạch mở rộng hàng năm của VRE (bình quân 450-550 nghìn m2 GFA/năm đến 2026).

Tuy nhiên, doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản (shophouse) sẽ giảm do không có quỹ đất để triển khai (Tỷ trọng doanh thu chuyển nhượng bất động sản theo kế hoạch đóng góp 13-15% doanh thu 2021, giảm so với bình quân 25% trong giai đoạn trước).

Dự báo kết quả kinh doanh 2021: BSC điểu chỉnh giảm dự báo kết quả kinh doanh của VRE so với cập nhật mới nhất sau earning call quý I/2021 do (1) giả định VRE sẽ tiếp tục hỗ trợ khách thuê khoảng 300-400 tỷ trong năm 2021 trước tình hình dịch bệnh bùng phát và (2) lùi thời gian khai trương giả định của VMM Smart City sang cuối quý III/2021.

Theo đó, doanh thu VRE năm 2021 dự báo đạt 9.064 tỷ đồng (tăng 8,8% so với thực hiện năm 2020), lợi nhuận sau thuế 2.552 tỷ đồng (tăng trưởng 7,2%), tương đương với EPS = 1.123 đồng/CP, P/E fw = 28,4 lần và chúng tôi đưa ra khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu này.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 76.800 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý I/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB – sàn HOSE) có kết quả kinh doanh tăng trưởng với thu nhập lãi thuần đạt 9.120 tỷ đồng (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 4,3% so với quý trước); lợi nhuận sau thuế đạt 3.202 tỷ đồng, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dư nợ tín dụng duy trì tăng trưởng ở mức cao trong quý I/2021 (tăng 13,3% so với cùng kỳ và tăng 2,8% so với quý trước) với dư nợ tín dụng của ngân hàng mẹ tăng 3,7% so với quý trước.

NIM quý I/2021 đạt 9,08% (tăng 39 bps so với quý trước và tăng 16 bps so với cùng kỳ năm ngoái) trong đó NIM ngân hàng mẹ đạt 5,63% (tăng 72 bps so với quý trước và tăng 97 bps so với cùng kỳ). Trong khi đó NIM của FE credit đạt 25,6% giảm nhẹ 8 bps so với quý trước.

Cuối tháng 4/2021, VPB chính thức bán 49% cổ phần FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC, là công ty con của tập đoàn SMBC. Giá trị của FE Credit vào thời điểm bán vốn được định giá 2,8 tỷ USD khiến VPB nhiều khả năng đã thu về khoảng 1,4 tỷ USD.

VPB đang trong quá trình tìm kiếm cổ đông chiến lược từ năm 2019 và mới đây, lãnh đạo VPB chia sẻ nếu khả quan sẽ tìm được đối tác chiến lược vào cuối năm 2021 và động thái giảm room khối ngoại tối đa về 15% được cho là bước đi dọn đường để đón cổ đông chiến lược.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu là 76.800 đồng/CP, cao hơn 12% so với giá tại ngày 24/06/2021.

Tin bài liên quan