Khuyến nghị mua NLG với giá mục tiêu 42.800 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Tổng giá trị mở bán giai đoạn 2021-2022 dự kiến ghi nhận mức kỷ lục 25.776 tỷ đồng, sẽ là đòn bẩy cho Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) đột phá trong tương lai.
Bên cạnh đó, NLG sỡ hữu quỹ đất sạch có quy mô lớn 681 ha, đảm bảo nguồn tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2021-2025.
BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của NLG lần lượt ước đạt 6.557 tỷ đồng (tăng 190,2% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.178 tỷ đồng (tăng trưởng 41%). EPS FW 2021 = 3.923 đồng. PE FW 2021 = 9,2 lần.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cổ phiếu NLG và nâng giá mục tiêu lên mức 42.800 đồng/cp (tăng 19,4% so với mức giá đóng cửa ngày 22/02/2021) dựa trên phương pháp RNAV do thay đổi một số giả định sau: (i) Đánh giá và bổ sung, điều chỉnh tỷ trọng lại danh mục các dự án, (2) Giảm mức chiết khấu WACC dự án từ mức 13% về mức 11.5% do yếu tố mặt bằng lãi suất giảm, (3) Chiết khấu rủi ro 10%.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu SHS nằm tại mức 32
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu SHS của Công ty cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội đang ở trong trạng thái tăng giá sau khi đã có giai đoạn giảm mạnh trong nửa cuối tháng 1. Thanh khoản cổ phiếu hiện đang có chiều hướng tăng dần.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Hôm nay, đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu đồng thời chỉ báo động lượng RSI đang ở trên giá trị 50 nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SHS nằm tại khu vực xung quanh 25. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 32, cắt lỗ nếu ngưỡng 22.8 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 24.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) công bố một trong các dự án BOT lớn của công ty – dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội – có tiến độ tích cực để nhận được phê duyệt thực hiện thu phí. Theo CII, dự án này có thể được phê duyệt thực hiện thu phí vào đầu quý 2/2021, chậm hơn 1 quý so với kỳ vọng của chúng tôi.
Dù tiến triển chậm hơn dự báo của chúng tôi, chúng tôi cho rằng thông tin này là tích cực đối với CII khi dòng tiền mặt ổn định từ dự án này dự kiến sẽ củng cố năng lực tài chính của công ty.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 24.000 đồng/CP.
Khuyến nghị khả quan cho KBC với giá mục tiêu 43.500 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) công bố rằng đã thành lập 3 công ty con: CTCP Tập đoàn Đầu tư Vũng Tàu, CTCP Đầu tư Phát triển Long An và CTCP Tập đoàn Đầu tư Phát triển Hưng Yên. Ba doanh nghiệp này sẽ đầu tư vào các dự án khu công nghiệp và khu đô thị lần lượt tại tại Bà Rịa – Vũng Tàu (miền Nam), Long An (miền Nam) và Hưng Yên (miền Bắc).
Tỷ lệ sở hữu của KBC tại 3 công ty con này nằm trong khoảng 65%-75%. Tổng vốn điều lệ của 3 công ty này là 4,3 nghìn tỷ đồng. Trong khi thông tin liên quan đến các dự án mới còn hạn chế, chúng tôi kỳ vọng công ty sẽ mở rộng các mảng kinh doanh của công ty sang các tỉnh thành công nghiệp khác tại Việt Nam nhằm nắm bắt nhu cầu đất khu công nghiệp gia tăng.
Chúng tôi lưu ý rằng hiện chưa ghi nhận các dự án mới này trong mô hình định giá và dự báo lợi nhuận của chúng tôi cho KBC.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho KBC với giá mục tiêu 43.500 đồng/CP.
Khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 62.400 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tập đoàn ENEOS Corporation, công ty có liên quan đến nhà đầu tư chiến lược JX Nippon Oil & Energy Vietnam của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), đã đăng ký mua 25 triệu cổ phiếu của PLX. Thời gian thực hiện của giao dịch này trong giai đoạn 01/3-30/03.
Ngày 18/02, PLX công bố kế hoạch bán 25 triệu cổ phiếu quỹ trong tổng số 75 triệu cổ phiếu hiện tại. Số tiền thu được (ước tính 1,4 nghìn tỷ đồng theo giá hiện tại 56.800 đồng/CP) sẽ được sử dụng để tài trợ cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Theo PLX và quy định của HOSE, giá chào bán mua ít nhất sẽ tương ứng ít nhất 96,5% giá tham chiếu. Lấy ví dụ, nếu giá đóng cửa phiên trước đó (giá tham chiếu) là 56.800 đồng/CP, giá chào mua sẽ tương ứng hoặc cao hơn 54.800 đồng/CP. Giao dịch sẽ được thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn HOSE.
Nếu giao dịch này thành công, sẽ giúp tăng tỷ lệ sở hữu của ENEOS Corporation tại PLX lên 10,9% từ 9,0% hiện tại.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan dành cho PLX với giá mục tiêu 62.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 13,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,9%).
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu DCM
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua dành cho CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM). Định giá tỏ ra hấp dẫn với EV/EBIDTA dự phóng 2,8 lần. Chúng tôi kỳ vọng DCM sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt 800 đồng/CP (lợi suất cổ tức 5,9%) trong giai đoạn 2021-2023, tăng từ mức 1.200 đồng/CP (lợi suất cổ tức 8,8%) trong giai đoạn 2024-2025 nhờ vị thế tiền mặt ròng cao.
Chúng tôi điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 16% khi chúng tôi chuyển sang mô hình định giá Chiết khấu dòng tiền (DCF) so với định giá hỗn hợp DCF/P/E như trước đây.
Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021-2022 thêm 14% khi chúng tôi nâng dự phóng doanh số urê và giả định gía urê trong kỳ dự báo. Tuy nhiên, chúng tôi giảm lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2023-2025 trung bình 8% do chúng tôi cho rằng sản lượng doanh số urê sẽ hạ nhiệt từ mức cơ sở cao trong giai đoạn 2021-2022.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sẽ giảm 29,1% trong năm 2021 và 22,5% trong năm 2022 chủ yếu do chi phí khí gia tăng sau dự báo đà phục hối của giá dầu thô. Chúng tôi cũng kỳ vọng sản lượng bán urê 2021/2022 sẽ giảm lần lượt 9%/4% từ mức cơ sở cao bất thường trong năm 2020.
Chúng tôi kỳ vọng nhà máy urê sẽ được khấu hao hoàn toàn trong năm 2024 và dự báo lợi nhuận ròng của DCM sẽ đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (tăng 3 lần) trước khi tăng 9,8% trong năm 2025.
Yếu tố hỗ trợ: điều chỉnh luật thuế GTGT cho phép miễn giảm thuế đầu vào. * Rủi ro: chi phí dầu nhiêu liệu đầu vào cao hơn dự kiến.
Khuyến nghị mua cho DIG với giá mục tiêu 38.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) trong khi giảm giá mục tiêu thêm 3% còn 38.000 đồng/CP chủ yếu do số dư tiền mặt thấp hơn tính đến cuối năm 2020.
Trong cả năm 2020, DIG ghi nhận lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 631 tỷ đồng (tăng 49% so với năm trước đó) – phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi, chủ yếu nhờ lãi từ thoái vốn khỏi lô đất 14 ha tại đảo Đại Phước ở tỉnh Đồng Nai (cách TP. HCM khoảng 50 km và lân cận các khu công nghiệp đông đúc) trong quý 4.
Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng DIG hoàn tất việc bán lô đất 31 ha tại đảo Đại Phước trong năm 2021. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 tăng 44% so với năm trước, đạt 905 tỷ đồng và được dẫn dắt bởi (1) ghi nhận từ bán quỹ đất Đại Phước và (2) bàn giao các căn hộ tại dự án Nam Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và Gateway Vũng Tàu.
Chúng tôi cho rằng DIG hiện có định giá hấp dẫn tại P/B năm 2021 là 1,8 lần với dự phóng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ đạt 44% trong năm 2021, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Rủi ro: khung thời gian phát triển các dự án kéo dài hơn dự kiến; chi phí cho quỹ đất của DIG cao hơn ước tính; rủi ro pha loãng từ các kế hoạch phát hành riêng lẻ và phát hành trái phiếu chuyển đổi.