Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/6

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 24/6 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 24/6

HPG: Đánh giá vượt trội

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Trong khi hầu hết các doanh nghiệp thép xây dựng gặp khó khăn trong tiêu thụ do tình trạng cạnh tranh khốc liệt trong ngành, bởi nguồn cung vượt xa so với nhu cầu, thì CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) luôn huy động được tối đa công suất và đạt mức tăng trưởng cả về doanh thu, sản lượng và lợi nhuận vượt trội so với bình quân ngành.
Nguyên nhân chính nhờ tầm nhìn dài hạn của Ban lãnh đạo HPG, hướng tới tập trung đầu tư chiều sâu và quản lý tài chính hiệu quả trên cơ sở đầu tư công nghệ, tận dụng thế mạnh từ nguồn quặng sắt giá rẻ trong nước, thay vì hầu hết các doanh nghiệp thép còn lại sử dụng công nghệ lò điện phải phụ thuộc 100% vào nguồn phế liệu nhập khẩu. Giá thành sản xuất thép của HPG thấp hơn so với trung bình ngành từ 7 - 10%, có thể cạnh tranh với thép Trung Quốc khi phôi thép của HPG đã được xuất khẩu thành công tới một số nước châu Á như Thái Lan, Philippines...

Trong quý I/2014, HPG đạt 6.515 tỷ đồng doanh thu và 910 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 66% về doanh thu và 89% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2013, nguyên nhân là do:

Thứ nhất, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng 52% khi Khu liên hợp II (hoàn thành từ đầu quý IV/2013) hoạt động gần như tối đa công suất. Ngoài ra, sản lượng ống thép tăng trưởng 30% so với cùng kỳ.

Thứ hai, biên lợi nhuận gộp tăng mạnh do giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh hơn giá bán đầu ra (giá than mỡ giảm 16%, giá thép phế giảm 7%, trong khi giá thép chỉ giảm 4%). Ngoài ra, lò cao II đi vào hoạt động ổn định với mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn đã giúp HPG gia tăng được biên lợi nhuận.

Thứ ba, tiếp tục hạch toán Dự án Mandarin Garden khoảng 1.600 tỷ đồng doanh thu và 264 tỷ đồng lợi nhuận.

Tình hình hoạt động kinh doanh của HPG trong quý II/2014 tiếp tục thuận lợi khi giá đầu vào đang tương đối ổn định, trong khi giá thép trong nước có chiều hướng tăng do nhu cầu tiêu thụ cải thiện.

- Sản lượng tiêu thụ tăng. Quý II thường là quý tiêu thụ cao điểm của ngành thép, đồng thời tình hình thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu hồi phục, khiến sức tiêu thụ thép tăng mạnh. Theo báo cáo của Hiệp hội Thép, tổng tiêu thụ thép xây dựng trong tháng 4 và tháng 5/2014 đạt 896.131 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng tiêu thụ thép của HPG trong tháng 4/2014 đạt 101.643 tấn, tăng 54% so với bình quân của 3 tháng đầu năm và tăng 67% so với cùng kỳ năm 2013. Với tình hình tiêu thụ thép lạc quan như trên, chúng tôi dự báo, HPG có thể tiêu thụ được 245.000 tấn thép xây dựng và 45.000 tấn phôi trong quý II/2014, tăng 22%. Ngoài ra, công suất sản xuất ống thép của HPG đã tăng lên 236.000 tấn/năm sau khi đưa Công ty TNHH một thành viên Ống thép Đà Nẵng, với công suất 36.000 tấn/năm, sản phẩm gồm ống thép hàn đen và ống tôn mạ kẽm đi vào hoạt động từ tháng 4/2014, tạo tiền đề giúp tăng trưởng sản lượng tiêu thụ ống thép trong quý II/2014.

- Biên lợi nhuận có thể duy trì ở mức cao. Do tình hình tiêu thụ thép khả quan, các doanh nghiệp thép bắt đầu tăng giá khoảng 300.000 đồng/tấn, lên mức 12,8 - 13,0 triệu đồng/tấn (chưa bao gồm VAT). Trong khi đó, giá thép phế liệu tương đối ổn định với mức giá bình quân tương đương trong quý I và giá than mỡ tính từ đầu quý II đến nay vẫn đang thấp hơn khoảng 8% so với mức trung bình của quý I. Do đó, dự báo HPG sẽ duy trì được mức biên lợi nhuận cao trong quý II/2014.

- Hạch toán lợi nhuận từ Dự án Mandarin Garden. Tính đến hiện tại, dự án này đã đạt tỷ lệ lấp đầy gần 95%. Chúng tôi ước tính, lũy kế đến cuối quý I/2014, HPG đã hạch toán khoảng 60% doanh thu và lợi nhuận của Dự án. Trong quý II/2014, HPG sẽ tiếp tục ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ Dự án Mandarin Garden dựa trên tình hình nhận bàn giao nhà thực tế của khách hàng.

Dự báo cả năm 2014, HPG có thể đạt 24.725 tỷ đồng doanh thu và 2.688 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 29% về doanh thu và 34% về lợi nhuận so với năm 2013.
Với mức giá hiện tại, cổ phiếu HPG đang được giao dịch với mức P/E 9,68 lần (tính theo số lượng cổ phiếu sau phát hành thêm để trả cổ tức), thấp hơn so với P/E bình quân của các doanh nghiệp thép có mức vốn hóa tương đương tại các nước đang phát triển thuộc châu Á-Thái Bình Dương là 11,36 lần và của nhóm cổ phiếu blue-chip tại Việt Nam là 12,9 lần. HPG là một doanh nghiệp đầu ngành, có ưu thế vượt trội về quy trình công nghệ và khả năng quản trị giá thành tốt, các lĩnh vực hoạt động có sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau, hoạt động sản xuất - kinh doanh bền vững và triển vọng tăng trưởng tốt. Do đó, chúng tôi duy trì đánh giá Vượt trội (Outperform) đối với cổ phiếu HPG.

VNM: Giá sẽ không có nhiều biến động

CTCK MB (MBS)

Hoạt động kinh doanh của CTCP Sữa Việt Nam (VNM) có dấu hiệu chững lại trong quý I/2014 khi lợi nhuận ròng giảm 9,3% so với cùng kỳ. Chúng tôi nhận thấy, sau một thời gian dài tăng trưởng, VNM đã bắt đầu cho thấy dấu hiệu chững lại trong hoạt động kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh của VNM hiện đang chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn của các đối thủ trong các mảng sữa nước, sữa bột và sữa chua. Về mảng sữa nước, TH truemilk đang tích cực cạnh tranh với VNM nhằm đẩy mạnh thị phần. Về mảng sữa bột, VNM hiện đang cạnh tranh với các hãng sữa nước ngoài.

Chúng tôi còn nhận thấy rằng, sau một thời gian tăng trưởng mạnh nhu cầu sữa và các sản phẩm từ sữa có thể sẽ tăng trưởng chậm lại và do đó áp lực đối với hoạt động kinh doanh của VNM có thể sẽ tăng lên, tác động tiêu cực đến lợi nhuận của Công ty.

Từ ngày 1/6/2014, VNM đã giảm giá bán sữa bột từ 12 - 15% theo quy định mức giá trần cho các sản phẩm sữa trẻ em của Chính phủ. Do đó, doanh thu và lợi nhuận gộp của mảng sữa bột dự kiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể trong quý III.

Về tổng thể, VNM vẫn là một công ty hàng đầu với sức khỏe tài chính lành mạnh và khả năng sinh lời cao. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, Công ty đã qua giai đoạn tăng trưởng nhanh và bước vào giai đoạn ổn định. Trong các năm tới, Công ty cũng không có kế hoạch đầu tư nào lớn ngoại trừ việc tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu.

Mức PE hiện nay của cổ phiếu VNM là 15.91 không phải là mức cao so với vị thế của Công ty song cũng không còn rẻ theo đánh giá của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng, giá của VNM sẽ không có nhiều biến động trong thời gian tới.

HVG và VHC: lợi thế từ sở hữu vùng nuôi riêng

CTCK Maybank KimEng (MBKE)

Theo Hiệp hội thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2014, tổng giá trị thủy sản xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, tăng mạnh 31% so với cùng kỳ. Mức tăng này chủ yếu đóng góp từ mặt hàng tôm tăng 33% so với cùng kỳ trong khi cá tra chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ. Thị trường Mỹ đã rơi xuống vị trí thứ 2 về thị phần nhập khẩu cá tra, sau châu Âu, với tỷ trọng đóng góp vào tổng giá trị là 18,9%, giảm so với mức 21,2% năm trước trong khi tỷ trọng của thị trường châu Á lại tăng lên 8,3%.

Mặc dù giá trị xuất khẩu cá tra đã tăng 5,2% so với cùng kỳ trong quý I/2014 nhưng trong tháng 4/2014, đã giảm 5,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là cá tra nhập khẩu vào thị trường Mỹ trong tháng 4 đã giảm mạnh 51,8% so với cùng kỳ, trái ngược với mức tăng 15,5% so với cùng kỳ trong 3 tháng đầu 2014. Điều này cho thấy Mỹ là thị trường phức tạp khó dự báo do những rào cản thương mại của quốc giá này nhằm bảo vệ quyền lợi của người sản xuất cá da trơn nội địa. Bên cạnh đó, các sản phẩm thay thế như cá tuyết, cá rô phi đang cạnh tranh ngày càng gay gắt sẽ làm giảm thị phần tiêu thụ đối với cá tra.

Theo kết quả 4 tháng đầu năm 2014, chúng tôi dự báo giá trị cá tra xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt khoảng 800 triệu USD, giảm 6% so với cùng kỳ và khoảng 1,6 tỷ USD cho cả năm 2014, chỉ giảm 4% so với năm ngoái do kì vọng sản lượng cải thiện vào các tháng cuối năm nhờ nhu cầu tăng trong mùa lễ hội.

Trong các công ty thủy sản niêm yết, chúng tôi đánh giá cao CTCP Hùng Vương (HVG) và CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) nhờ thị trường xuất khẩu ổn định, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn, hệ thống sản xuất và quản lý theo chuỗi giá trị. Đây là hai công ty có tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu lớn tại các thị trường chủ lực và khả năng tăng thị phần nhanh trong các thị trường mới. Tuy nhiên, trước những thay đổi chung của ngành, lợi nhuận trong 2014 của hai doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng do các chi phí hoạt động tăng.

>> Tải báo cáo

Tin bài liên quan