DPM: Thách thức vẫn còn trong năm 2014
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Kết quả kinh doanh cả năm 2013 của Tổng CTCP Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) thấp hơn kỳ vọng. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong 2013 đạt 822.000 tấn và 835.000 tấn, giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu chỉ đạt 10.807 tỷ đồng (-20% so với cùng kỳ). Lợi nhuận từ hoạt động tài chính ước giảm 36% so với cùng kỳ và chí phí bảo hiểm và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu tăng thêm 1,3 điểm phần trăm đã kéo biên lợi nhuận trước thuế giảm 2,4 điểm phần trăm, từ mức 26,6% năm 2012 xuống còn 24,2% năm 2013. Cả năm 2013, lợi nhuận trước thuế đạt 2.554 tỷ đồng (-27% so với cùng kỳ).
Trong thời gian tới có nhiều dự án về nhà máy sản xuất phân urê với công suất lên đến triệu tấn tại Trung Đông sẽ được xây dựng mới với chi phí sản xuất thấp sẽ dẫn đến khả năng dư thừa nguồn cung và gây áp lực giảm giá lên phân urê.
Thêm vào đó, từ năm 2014, khi hai nhà máy Đạm Ninh Bình và Đạm Cà Mau dự kiến hoạt động hết công suất sẽ làm tăng cung nội địa. Mặc dù giá phân urê có phục hồi nhẹ trong tháng đầu năm 2014, nhưng chúng tôi cho rằng, dư cung trên thế giới và trong nước sẽ tiếp tục gây áp lực giảm giá phân urê và ảnh hưởng tới doanh thu của DPM.
Theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu khí đốt tự nhiên sử dụng làm nhiên liệu cho xe, sản xuất nhựa, phân bón, hóa chất và điện sẽ đẩy giá khí tăng trung bình 5,5% so với cùng kỳ từ 2014. Hiện tại, DPM đã khấu hao hết nhà máy và giá khí tự nhiên sẽ là thành phần chủ yếu trong giá vốn hàng bán của công ty. Giá khí tự nhiên bán cho DPM 2013 đã tăng 2% lên 6,56USD/MMBTU như lộ trình. Tuy nhiên, trong những năm tới, chúng tôi cho rằng, mức tăng này sẽ cao hơn mức 2%/năm này do nhiều khả năng giá khí từ bể Cửu Long (DPM sử dụng phần lớn khí từ bể này) sẽ gia tăng. Khi đó lợi nhuận biên gộp của DPM sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giá khí tự nhiên liên tục tăng như vậy sẽ là gánh nặng lên lợi nhuận cho DPM.
Với xu hướng tăng chung của thị trường, giá cổ phiếu DPM từ đầu năm đến nay đã tăng 17% lên 48.500 với mức P/E khoảng 11,5 lần, tương đương với các công ty cùng ngành trong khu vực. Đây là mức giá hợp lý đối với DPM do lợi thế về dòng tiền và tính thanh khoản tốt. Chúng tôi kỳ vọng DPM sẽ duy trì trả cổ tức tiền mặt cao với lợi tức cổ tức khoảng 7%-8,5%. Chúng tôi đưa ra khuyến nghị NẮM GIỮ.
PET: Thận trọng về tương lai
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Bước vào quý IV cũng là quý mùa vụ cho việc phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin, nhu cầu mua sắm nhân dịp lễ tết tăng mạnh. Vì vậy, triển vọng doanh thu của PET trong quý IV khá tích cực. Trong quý IV, doanh thu từ phân phối điện thoại được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 15% so với quý III, đạt 1.294 tỷ đồng. Doanh thu của toàn Công ty trong quý ước đạt 2.664 tỷ đồng.
Biên lợi nhuận 9 tháng đầu năm của PET sụt giảm đáng kể so với năm 2012, chủ yếu do biên lợi nhuận của mảng phân phối điện thoại bị giảm mạnh. Samsung vẫn chưa thể cải thiện chính sách hoa hồng với PET tại thời điểm hiện tại. Tỷ trọng đóng góp của các mảng kinh doanh khác có biên lợi nhuận cao hơn không tăng lên nên không đủ bù đắp cho sự sụt giảm biên lãi gộp của mảng phân phối sản phẩm công nghệ thông tin.
Dự kiến cả năm 2013, PET có thể đạt 11.067 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 197 tỷ đồng, tương ứng tăng 5,3%.
Mặc dù doanh thu của PET năm 2013 tăng trưởng khá tốt nhờ phân phối sản phẩm của Samsung, tuy nhiên khó khăn của doanh nghiệp nằm ở tỷ suất lợi nhuận thấp. P
ET đang lên kế hoạch để đàm phán với Samsung về chính sách hoa hồng phân phối, tuy nhiên chúng tôi vẫn thận trọng trong việc đánh giá triển vọng tương lai của PET. Trên những cơ sở này, chúng tôi khuyến nghị NEUTRAL đối với cổ phiếu PET, mức giá kỳ vọng đối với cổ phiếu PET chúng tôi đưa ra là 24.000 đồng/cổ phần.
>> Tải toàn bộ báo cáo phân tích PET
BTP: Doanh thu và lợi nhuận đều giảm mạnh
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
CTCP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) mới công bố kết quả kinh doanh quý IV/2013, trong đó công ty cho biết, đã đàm phán xong giá điện 2013 và đang chờ Nghị quyết của Hội đồng Thành viên EVN, do đó doanh thu 2013 tạm quyết toán theo giá trong Biên bản đàm phán với EVN.
Theo đó, giá bán điện mới đàm phán cho năm 2013 giảm so với 2012 do giá công suất giảm. Giá bán điện của BTP cho EVN gồm hai phần giá công suất và giá điện năng: giá công suất là giá cố định tính theo chi phí khấu hao, chi phí bảo dưỡng sửa chữa; giá điện năng là giá biến đổi phụ thuộc vào giá nhiên liệu và suất tiêu hao nhiên liệu.
Mặc dù BTP chưa công bố báo cáo chi tiết nhưng chúng tôi ước tính giá bán bình quân của BTP trong năm 2013 giảm khoảng 8% so với cùng kỳ.
Trong quý IV/2013, BTP ghi nhận 86,9 tỷ đồng doanh thu, giảm 83% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 10,1 tỷ đồng so với lợi nhuận sau thuế 58,3 tỷ đồng trong quý IV/2012. Doanh thu quý IV/2013 sụt giảm là do doanh thu tháng 11 và 12/2013 được ghi nhận với giá công suất tạm tính bằng 0 vì doanh thu 10 tháng đầu năm tạm tính bằng giá công suất 2012, cao hơn giá điện thoả thuận cho năm 2013.
Ngoài ra, doanh thu tháng 12 còn phải điều chỉnh giảm 38,4 tỷ đồng cho phần chênh lệch giá công suất trong 10 tháng đầu năm. Do điều chỉnh giảm doanh thu trong, khi chi phí ghi nhận theo thực tế, BTP đã ghi nhận lỗ gộp 31,8 tỷ đồng trong quý IV/2013.
Tính luỹ kế 4 quý 2013, BTP ghi nhận doanh thu 1.140 tỷ, giảm 20,3% so với cùng kỳ do sản lượng và giá bán bình quân đều giảm. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 70,4 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ chủ yếu do lợi nhuận biên hoạt động giảm. EPS 2013 ước đạt 1.164 đồng/cp, theo đó P/E 2013 là 11,2x.