Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 22/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 22/11 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị nắm giữ trung và dài hạn cổ phiếu VC3

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi lạc quan Công ty cổ phần xây dựng số 3 (mã VC3) sẽ đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2016 khi doanh nghiệp tiếp tục hoạch toán các dự án bất động sản. Với năng lực, kinh nghiệm đã tích lũy trong thời gian qua chúng tôi cho rằng VC3 sẽ tận dụng tốt cơ hội trên.

Theo thông tin chia sẻ từ phía doanh nghiệp, lợi nhuận sau thuế năm 2016 dự kiến đạt khoảng 72-76 tỷ đồng tăng khoảng 70% so với thực hiện năm 2015, EPS forward 2016 đạt khoảng 3.300- 3.500 đồng/cp.

VC3 là cổ phiếu tiềm năng có khả năng sinh lời ổn định và rủi ro tài chính thấp. Đáng chú ý, trong năm 2016, công ty dự kiến sẽ thu về 75 tỷ đồng lợi nhuận từ dự án CT1, CT2 Trung Văn, do đó VC3 có khả năng sẽ đột biến trong ngắn hạn.

Chúng tôi sử dụng 3 phương pháp là so sánh P/E, FCFE và FCFF để định giá cổ phiếu VC3. Giá trị của cổ phiếu VC3 là 42.800 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư mua và nắm giữ cổ phiếu với mục tiêu TRUNG & DÀI HẠN.

Xem xét mua vào cổ phiếu PPC

CTCK KIS Việt Nam (KIS)

Đường giá cổ phiếu CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) đã phá vỡ đường xu hướng giảm bắt đầu từ 1/2015 và thoát ra khỏi mây Kumo trong Ichimoku, với sự củng cố từ tín hiệu tích cực của khối lượng giao dịch và Bollinger Bands.

Khối lượng giao dịch của PPC đã liên tục duy trì được trên mức bình quân 20 phiên giao dịch gần nhất trong khoảng hai tuần gần đây.

Sau khi cắt mạnh ra khỏi biên trên của Bollinger Bands, giá PPC hiện đang điều chỉnh trở lại và tích lũy quanh ngưỡng hỗ trợ 15 với khối lượng tích cực.

Với các tín hiệu kỹ thuật tích cực như: phá vỡ kênh xu hướng giảm, khối lượng giao dịch được duy trì, ADX cho thấy xu hướng tăng đang mạnh dần lên với PPC được kì vọng sẽ tiến đến mục tiêu 17-17,5. Nhà đầu tư có thể xem xét mua PPC với giá cắt lỗ là 14,7, tỉ suất sinh lời kì vọng 16%.

Có thể mua cổ phiếu MAS ở vùng giá 150-155

CTCK BIDV (BSC)

Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng (MAS – sàn HNX) cho biết, doanh thu thuần 9 tháng đạt 218,51 tỷ đồng (tăng 29,69% so với cùng kỳ năm trước), biên lợi nhuận gộp đạt 27.81%, có giảm nhẹ so với mức 29,72% của 9 tháng năm 2015. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 35,4 tỷ đồng (tăng 31,22% so với cùng kỳ, tăng mạnh chủ yếu do doanh thu tăng và thuế suất 2016 là 20%, giảm so với mức 22% của năm 2015). EPS 9 tháng đạt 11.484 đồng.

BSC ước tính lợi nhuận sau thuế cả năm 2016 đạt 43,4 tỷ đồng, EPS 2016 = 13.910 đồng. Ngày 18/11/2016, cổ phiếu MAS được giao dịch với giá 152.500 đồng, PE FW = 10,96x.

Nhà đầu tư có thể tham gia cổ phiếu MAS khi thanh khoản thị trường trở nên ổn định hơn, điều này cũng có thể giảm tác động về biến động giá trong phiên. Vùng giá cân nhắc tham gia 150- 155. Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 148. Giá kỳ vọng ngắn hạn 165.

Khuyến nghị mua mạnh ACV

CTCK BIDV (BSC)

Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là đơn vị khai thác toàn bộ hệ thống cảng 22 Hàng không dân dụng tại Việt Nam. Tổng công suất thiết kế của ACV là 77.51 triệu lượt khách với sản lượng khai thác 2015 đạt 63.12 triệu hành khách.

Quy mô doanh thu lớn, hiệu quả hoạt động tăng trưởng bền vững. Tổng doanh thu hợp nhất đạt 13,173 tỷ đồng trong năm 2015, tăng trưởng trung bình 18%/năm từ năm 2012-2015. Biên lợi nhuận thuần từ hoạt động lõi tăng gấp đôi từ 14% năm 2015 lên tới 28% trong 6 tháng từ 1/4/2016-30/9/2016. Cả doanh thu và biên lợi nhuận của ACV được kỳ vọng tiếp tục cải thiện nhờ sản lượng tăng trưởng nhanh.

Tiềm lực dòng tiền mạnh được tích lũy từ chi phí khấu hao hàng năm lớn, ACV có nguồn tiền mặt dồi dào đạt 17 nghìn tỷ vào cuối qúy III/2016, tương đương với chi phí đầu tư một cảng hàng không tầm trung. Lỗ chênh lệch tỷ giá lớn bào mòn tới 75% lợi nhuận lõi trong 2 quý, nhưng không làm ảnh hưởng đến dòng tiền của công ty (lỗ chênh lệch tỷ giá là 1,656 tỷ đồng trong 6 tháng từ 1/4/2016 đến 30/9/2016).

Rủi ro đầu tư gồm (1) Chi phí vốn đầu tư mới các Cảng hàng không lớn làm ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp; (2) Rủi ro vận hành các Cảng hàng không mới đầu tư; (3) Rủi ro tỷ giá của khoản vay Yên Nhật; (4) Rủi ro quá tải sản lượng hành khách, hàng hóa ở 1 số cảng.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA MẠNH cổ phiếu ACV với giá hợp lý theo FCFF và EV/EBITDA lần lượt là 26,386 đ/cp và 37,223 đ/cp. Giá niêm yết của cổ phiếu ACV là 25.000 đ/cp, tương đương EV/EBITDA là 6.75x, thấp hơn nhiều so với trung vị của các hãng hàng không trong khu vực và so với tiềm năng tăng trưởng của ACV.

Doanh thu thuần của ACV được dự báo tăng trưởng 11%/năm, lợi nhuận sau thuế tăng trung bình 36%/năm, đạt 2,221 tỷ đồng vào năm 2016 và đạt 8,013 tỷ đồng vào năm 2020. 

Tin bài liên quan