Khuyến nghị tích cực dành cho BMP với giá mục tiêu 63.300 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Cổ phiếu BMP của CTCP Nhựa Bình Minh đóng cửa tại mức giá 54.100 đồng vào ngày 19/8/2020, theo đó giao dịch tại mức P/E và EV/EBITDA năm 2020 lần lượt là 9,0x và 4,3x; và mức P/E và EV/EBITDA năm 2021 lần lượt là 8,4x và 4,1x; hấp dẫn so với mức trung bình ngành hiện tại là 11,7x và 5,2x.
Duy trì khuyến nghị OUTPERFORM với giá mục tiêu 1 năm là 63.300 đồng/cổ phần (26,2% upside bao gồm suất cổ tức hấp dẫn 9,2%; mức P/E hợp lý năm 2020 là 10,5x).
BVSC duy trì quan điểm BMP ở vị thế cạnh tranh để hưởng lợi từ xu hướng gia tăng hợp nhất của ngành và đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn tới, nhờ những lợi thế cạnh tranh riêng biệt:
1) Tài sản thương hiệu lâu đời, chất lượng sản phẩm vượt trội và hệ thống phân phối trên cả nước được tái cấu trúc tốt;
2) Bảng cân đối kế toán và dòng tiền từ hoạt động kinh doanh mạnh mẽ và lợi nhuận tốt nhất ngành là những điều kiện tiên quyết, khả năng giúp BMP outperform với những công ty cùng ngành, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn từ Covid-19;
3) Chuỗi sản xuất vượt trội khi nguyên vật liệu được mua gần như hoàn toàn trong nước; và
4) Ban lãnh đạo tâm huyết.
>> Tải báo cáo
SHB có thể tiếp tục điều chỉnh trong 1 đến 2 phiên tới
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội vừa trải qua 1 phiên điều chỉnh trong hôm nay sau khi đã có 1 phiên tăng mạnh vào hôm qua (19/8). Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn đang duy trì giá trị ổn định.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực.
Hôm nay 20/8, các đường EMA vừa xuất hiện Golden Cross, báo hiệu SHB có thể tiếp tục tăng giá trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo động lượng RSI vẫn còn cách khá xa vùng quá mua.
Theo nhận định hiện tại, cổ phiếu SHB có thể tiếp tục điều chỉnh trong 1 đến 2 phiên tới trước khi tiếp tục tăng đến những mốc cao hơn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của SHB nằm ở khoảng giá 13.4. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 15.4, cắt lỗ nếu ngưỡng 12.6 bị xuyên thủng.
Giá mục tiêu của cổ phiếu PVS vào khoảng 16.800 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Chúng tôi xác định giá mục tiêu 12 tháng của cổ phiếu PVS vào khoảng 16.800 đồng trên cơ sở (i) Hoạt động tiếp tục có sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo cơ khí dầu khí với nhiều dự án thăm dò và khai thác dầu khí trong giai đoạn 2019-2025,
(ii) hoạt động cung cấp dịch vụ kho nổi đem lại doanh thu và lợi nhuận ổn định, trong đó đự kiến FSO Sao Vàng Đại Nguyệt đưa vào vận hành khai thác trong nửa cuối năm 2020,
(iii) sở hữu tình hình tài chính lành mạnh với dòng tiền lớn, đảm bảo cho phát triển ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý về rủi ro biến động giá dầu trên thị trường có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Công ty.
Khuyến nghị mua cho GMD với giá mục tiêu 24.400 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Gemadept (GMD) công bố sẽ thanh toán cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2019 ở mức 1.000 đồng/CP (lợi suất 4,4%). Ngày chốt danh sách là ngày 04/09 và ngày thanh toán là ngày 23/09.
Mức thanh toán cổ tức tiền mặt này phù hợp với dự báo của chúng tôi và kế hoạch đã được thông qua bởi cổ đông của GMD tại ĐHCĐ năm 2020 của công ty.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho GMD với giá mục tiêu 24.400 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 10,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,4%).
Khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 48.100 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) công bố sẽ thanh toán phần cổ tức tiền mặt năm 2019 còn lại ở mức 1.000 đồng/CP. Đây là đợt thanh toán thứ hai cho tổng lượng cổ tức tiền mặt năm 2019 trị giá 3.000 đồng/CP (lợi suất 6,4%). Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 04/09 và ngày thanh toán dự kiến là ngày 22/09.
Trong năm 2020, chúng tôi hiện dự báo cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/CP (lợi suất 2,1%).
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho PLX với giá mục tiêu 48.100 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 4,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,1%). Theo giá đóng cửa hôm nay, PLX hiện được giao dịch tại P/E dự phóng năm 2020 và 2021 lần lượt là 49,7 lần và 19,0 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi.
Khuyến nghị khả quan cho TPB với giá mục tiêu 24.500 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) kỳ vọng tăng vốn điều lệ thêm 2,2 nghìn tỷ đồng lên 10,8 nghìn tỷ đồng thông qua 2 giai đoạn.
Trong giai đoạn 1, TPB lên kế hoạch phát hành 34 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP, trong đó tổng mệnh giá sẽ tương ứng 3,97% vốn điều lệ trước phát hành. Giá phát hành sẽ được HĐQT quyết định, tuy nhiên sẽ không thấp hơn mệnh giá. Số lượng cổ phiếu được mua sẽ bị hạn chế giao dịch trong 2 năm tính từ ngày phát hành.
Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện sau khi giai đoạn 1 thành công. TPB kỳ vọng phát hành thêm khoảng 188,7 triệu cổ phiếu thông qua 2 phương thức: (1) Phát hành khoảng 170,1 triệu cổ phiếu mới để thanh toán cổ tức với tỷ lệ 20% cho cổ đông hiện hữu. Nguồn tài trợ sẽ được lấy từ lợi nhuận giữ lại của năm 2018 và 2019 sau khi đã phân bổ các quỹ theo quy định.
(2) Phát hành 18,5 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn bổ sung vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phân bổ là 2,18% (cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu vào ngày chốt danh sách sẽ nhận được 218 cổ phiếu mới.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho TPB với giá mục tiêu 24.500 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 13,9%, dựa theo giá đóng cửa hôm nay.
Khuyến nghị mua cho BVH với giá mục tiêu 59.500 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng khuyến nghị của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) từ khả quan lên mua do việc (1) nâng giá mục tiêu thêm 2,6% lên 59.500 đồng/CP và (2) do giá cổ phiếu của BVH đã giảm 9,3% kể từ báo cáo cập nhât gần nhất của chúng tôi. Mức tăng trong giá mục tiêu của chúng tôi chủ yếu đến từ mức tăng 18,2%/11,6% trong dự báo thu nhập ròng 2020/2021 của chúng tôi.
Chúng tôi nâng dự báo thu nhập ròng các năm 2020/2021/2022 thêm 18,2%/11,6%/1,7%, chủ yếu do (1) mức tăng trung bình 8,0% trong thu nhập tài chính ròng, (2) mức giảm trung bình 11,4% trong chi phí bồi thường ròng và (3) mức giảm trung bình 4,6% trong chi phí G&A (Hành chính & Quản lý).
Ba khoản mục này phần nào được bù đắp bởi (1) mức giảm trung bình 3,5% trong phí bảo hiểm gộp (GWP) và (2) mức tăng trung bình 3,6% trong chi phí dự phòng toán học.
Rủi ro chính: các yếu tố không chắc chắn trong dự báo diễn biến tỷ lệ dự trữ toán học và thời gian lợi suất TPCP duy trì ở mức thấp có thể ảnh hưởng đáng kể đến định giá của chúng tôi.
Khuyến nghị kém khả quan cho HVN với giá mục tiêu 19.400 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi hạ khuyến nghị cho Tổng CT Hàng không Việt Nam (HVN) từ phù hợp thị trường còn kém khả quan khi chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu thêm 25% còn 19.400 đồng, dẫn đến tổng mức sinh lời dự phóng -19,5%.
Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi chủ yếu đến từ (1) mức giảm 29% trong EBITDAR dự phóng năm 2020 và (2) mức giảm 254% trong tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự phóng giai đoạn 2020-2023. Các mức giảm này chủ yếu đến từ mức giảm 25% trong giả định lượng hành khách hàng không (tính theo RPK) trong cùng kỳ.
Trong năm 2020, chúng tôi dự báo HVN sẽ ghi nhận lỗ 10 nghìn tỷ đồng, chủ yếu đến từ (1) mức giảm 62% trong RPK do giả định của chúng tôi về việc nối lại các chuyến bay quốc tế bị hoãn đến tháng 12/2020 và (2) mức giảm 17% YoY trong giá vé máy bay trung bình (tính theo lợi suất hành khách).
Chúng tôi cho rằng ngành hàng không Việt Nam rồi sẽ phục hồi khi đã cho thấy những lần quay lại mạnh mẽ sau các đại dịch và cú sốc kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng quá trình phục hồi lần này vẫn còn nhiều bất ổn do các diễn biến dịch bệnh khác nhau trên khắp thế giới.
Theo giả định hiện tại của chúng tôi, tổng lượng sản lượng vận tải hành khách của HVN chỉ có thể quay lại con số trước dịch COVID-19 kể từ năm 2022. Do đó, chúng tôi cho rằng còn quá sớm để cân nhắc bắt đáy cổ phiếu HVN.
Yếu tố hỗ trợ: các đường bay quốc tế phục hồi nhanh hơn dự kiến, giá dầu thô duy trì ở mức thấp.