LAS: Tốc độ tiêu thụ phân lân sẽ tốt hơn trong quý IV
CTCK BIDV (BSC)
Nửa đầu năm 2017, LAS ghi nhận 2.168 tỷ đồng doanh thu (tăng 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái) và 110,7 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế (tăng trưởng 45%). Sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ 1%, và giá bán trung bình được giữ tương đương cùng kỳ.
Bộ tài chính đã hoàn thành luật sửa đổi bổ sung về Thuế GTGT, theo đó chuyển nhóm phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế 0%. Với mức sản lượng hiện tại của doanh nghiệp, mức tiết kiệm chi phí nhờ được phép khấu trừ thuế đầu vào sẽ vào khoảng 100 tỷ, dự kiến từ 2019.
BSC cho rằng mảng phân bón NPK sẽ tiếp tục gặp áp lực lớn về cả giá bán và sản lượng tiêu thụ trong bối cảnh nguồn cung gia tăng ở khu vực phía Bắc – tăng công suất của Bình Điền và Đức Giang. Ngược lại, tốc độ tiêu thụ phân lân sẽ tốt hơn trong quý IV khi vào mùa vụ Đông Xuân.
Tại ngày 16/8, cổ phiếu LAS đang được giao dịch ở mức giá 14,900/cp, tương đương với P/E trailing = 10.1x, tương đối cao so với ngành. Cổ phiếu LAS và ngành phân bón nói chung đã tăng mạnh trong ngày 16/8/2017 trước những thông tin về việc thay đổi cách tính thuế GTGT của Bộ tài chính.
Lợi nhuận ACV ước tính năm 2017 đạt 4.400 tỷ đồng
CTCK BIDV (BSC)
Ngày 18/8/2017, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP được giao dịch tại mức giá 52.900 đồng/cp, tương đương EV/EBITDA là 12.25x, thấp hơn so với trung bình các doanh nghiệp niêm yết trên thế giới là 15.39x
Bộ giao thông vận tải vừa ban hành quyết định 2345/QĐ-BGTVT quyết định ban hành mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay có hiệu lực từ 1/10/2017. Theo đó, các cảng hàng không được chia thành 3 nhóm cảng gồm: Cảng nhóm A, B, và C. So với quy định cũ, quyết định này tách các cảng hàng không nhóm B thành 2 nhóm là B và C, trong đó, các cảng hàng không nhóm C gồm Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá.
Tương ứng với giá dịch vụ soi chiếu an ninh trong quyết định 1992/QĐ-BTC Việc tăng giá, phí các dịch vụ này sẽ làm tăng doanh thu, lợi nhuận của ACV, đặc biệt từ sau năm 2018.
Theo chúng tôi ước tính, doanh thu của công ty sẽ tăng thêm lần lượt là 207 tỷ đồng trong năm 2017, 1.059 tỷ đồng vào năm 2018 và 1.423 tỷ đồng vào năm 2019. Khi đó, lợi nhuận sau thuế của ACV (loại bỏ tác động của tỷ giá) lần lượt là 4.400 tỷ đồng; 5.996 tỷ đồng và 6.921 tỷ đồng từ năm 2017-2019.
CNG là doanh nghiệp đáng để đầu tư
CTCK FPT (FPTS)
Nhìn chung, CTCP CNG Việt Nam (mã CNG) vẫn là doanh nghiệp có vị thế lớn trong mảng kinh doanh khí CNG với lợi thế là doanh nghiệp đi đầu và nhà cung cấp CNG lớn nhất trong nước.
Tuy nhiên, do biến động khó lường của giá dầu dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý chi phí nguyên liệu đầu vào nên kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2017 của CNG suy giảm so với cùng kỳ năm 2016.
Xét về dài hạn, CNG vẫn là một doanh nghiệp đáng để đầu tư vì: (1) Mảng kinh doanh khí CNG là phân khúc tiềm năng với dư địa của thị trường trong nước còn khá lớn. Hiện nay, khí CNG chỉ đáp ứng được nhu cầu ở một số khu vực trong nước như một số tỉnh ở Đông Nam Bộ và một số tỉnh ở khu vực phía Bắc như Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên và Thanh Hóa. (2) CNG là doanh nghiệp tiên phong và là nhà cung cấp khí CNG lớn nhất trong nước. (3) Trong xu hướng dài hạn, giá dầu sẽ phục hồi và ổn định sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của CNG.
Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP FPT (FPT) công bố kết quả sơ bộ 7 tháng đầu năm 2017 với lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích cổ đông thiểu số đạt 1.086 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế từ mảng Viễn thông tăng nhờ không còn chi phí đầu cuối cho dự án cáp quang tại Hà Nội và TP. HCM.
Xuất khẩu phần mềm cũng có biên lợi nhuận cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế từ mảng Phân phối tiếp tục có huyển biến tích cực từ quý II/2017; và Bán lẻ vẫn đạt tăng trưởng lợi nhuận cao.
Nhìn chung, kết quả lợi nhuận 7 tháng đầu năm 2017 phù hợp với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho FPT.