HDG: Khuyến nghị mua vào
CTCK Vietcombank (VCBS)
Quý I/2014, HDG hợp nhất đạt 188,4 tỷ doanh thu (+30% so với cùng kỳ năm trước) và 13,9 tỷ lợi nhuận sau thuế (+90% so với cùng kỳ năm trước). Lợi nhuận sau thuế kỳ này cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu là do các nguyên nhân chính: (1) doanh thu tăng khá (+30% so với cùng kỳ năm trước) trong khi tỉ suất lợi nhuận gộp vẫn được duy trì; (2) chi phí tài chính giảm mạnh (giảm 41% so với cùng kỳ năm trước) trong khi doanh thu tài chính tăng mạnh (+4,1 lần so với cùng kỳ năm trước) giúp cho lãi từ hoạt động tài chính đạt 1,2 tỷ (năm ngoái lỗ 2,8 tỷ) ; (3) hoạt động liên doanh liên kết đem lại lợi nhuận tốt, đạt 8,1 tỷ (+96% so với cùng kỳ năm trước).
Trong quý đầu năm nay, HDG đã ghi nhận thêm 130 tỷ doanh thu từ dự án Nguyễn Văn Công và khoảng 30-40 tỷ doanh thu từ hoạt động xây lắp. Dự kiến trong quý II sắp tới sẽ ghi nhận tiếp khoảng 400 tỷ doanh thu từ dự án Nguyễn Văn Công.
Hiện tại, hệ số Nợ/tổng tài sản của HDG vẫn ở mức an toàn, đạt 64%. Tuy nhiên, thực chất tổng nợ vay phải chịu lãi chỉ đạt 57,2 tỷ (chỉ chiếm 3% tổng tài sản) trong khi cuối năm ngoái đạt 137 tỷ (như vậy là đã giảm 58% so với cùng kỳ năm trước). Chủ yếu trong nợ phải trả của HDG hiện tại là khoản tạm ứng của khách hàng (đạt 919 tỷ, chiếm 40% tổng tài sản). Tạm ứng của khách hàng lớn như vậy là do HDG chưa bàn giao nhà và ghi nhận hết doanh thu, lợi nhuận từ của dự án Nguyễn Văn Công và N10 Hà Đô ParkView. Theo kế hoạch, năm 2014, HDG sẽ ghi nhận hết doanh thu, lợi nhuận từ 4 tòa còn lại là CT1-CT4 của dự án Nguyễn Văn Công và 60% doanh thu, lợi nhuận của dự án N10 Hà Đô Parkview.
Cuối quý I/2014, HDG vẫn duy trì lượng tiền và tương đương tiền dồi dào, đạt 293 tỷ (tương đương 13% tỉ trọng tổng tài sản). Ngoài ra, HDG có thêm khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là tiền gửi có kỳ hạn tại các TCTD đạt 105 tỷ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng khả năng thanh toán của HDG đang rất tốt.
Quan điểm đầu tư: Năm 2014, HDG đặt kế hoạch 1.500 tỷ doanh thu và 171 tỉ lợi nhuận sau thuế. Với kết quả đã đạt được, EPS trailing của HDG đạt 2.362 đồng. Tại mức giá ngày 19.05.2014, P/E trailing đạt 9,69 lần, P/B đạt 1,74 lần, P/E forward đạt 8,82 lần – khá hấp dẫn so với các doanh nghiệp ngành bất động sản đang niêm yết khác. Do đó, Chúng tôi vẫn giữ khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HDG trên quan điểm đầu tư trung hạn và dài hạn.
VCB: Khuyến nghị nắm giữ
CTCK Vietcombank (VCBS)
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCB) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2014 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.500,7 tỷ đồng (+2,4% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 27% kế hoạch năm). Hầu hết các hạng mục kinh doanh chính đều tạo nguồn thu nhập cao hơn cùng kì. Trong đó, thu nhập lãi tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước do ngân hàng duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức 16,7% so với cùng kỳ năm trước và 1,8% ytd trong khi NIM ở mức 2,71%, cao hơn 0,09% so với cùng kì năm 2013. Trong quý I/2014 VCB đã quản trị tốt chi phí đầu vào nhờ tăng tỷ trọng tiền gửi không kì hạn và tiền gửi vốn chuyên dùng trong cơ cấu huy động lần lượt từ 20% và 0,9% trong quý I/2013 lên 22% và 1,4%. Đồng thời, VCB cải thiện nhẹ tỷ lệ cho vay/huy động từ 80% của cùng kì năm 2013 lên 81%. Theo đó, VCB là ngân hàng niêm yết duy nhất giữ được biên lãi tương đương cùng kì năm 2013 trong bối cảnh lãi suất đầu ra liên tục giảm.
Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi đạt mức tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước nhờ đóng góp từ việc cải thiện thu nhập từ đầu tư (+328% so với cùng kỳ năm trước) và phần thu nhập khác khi thu hồi được 227,4 tỷ đồng nợ đã xử lý bằng dự phòng (cao gấp 7 lần so với cùng kì). Tổng thu nhập hoạt động theo đó tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên kết quả lợi nhuận chỉ có mức tăng khiêm tốn 2,4% do chi phí hoạt động và chi phí dự phòng lần lượt tăng 6,5% và 18,7% so với cùng kỳ năm trước, Chi phí hoạt động tăng với tốc độ chậm hơn thu nhập giúp tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động của VCB giảm so với cùng kì và tiếp tục ở mức thấp, đạt 34,5%. Mức tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước của chi phí dự phòng trong quý I/2014 (tương đương 1.198 tỷ đồng) không hoàn toàn bất ngờ khi trước đó tại ĐHCĐ 2014, VCB cho biết ngân hàng dự kiến chi phí dự phòng cả năm 2014 tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.000 tỷ đồng với nỗ lực tự xử lý nợ xấu. Chúng tôi cho rằng VCB sẽ phân bổ đều chi phí này trong các quý. Về thông tin ngày trả cổ tức và chia cổ phiếu thưởng, VCB cho biết vẫn chưa chốt ngày cụ thể, nhưng thời gian dự kiến thực hiện sẽ trong tháng 7.
Theo cập nhật mới nhất của chúng tôi, đến hết tháng 4/2014, lợi nhuận trước thuế bốn tháng đầu năm ước đạt 1.803 tỷ đồng trên cơ sở tăng trưởng tín dụng 1,55% ytd trong khi huy động 5,15% ytd. Lợi nhuận chững lại do tăng trưởng tín dụng giảm và chi phí dự phòng tiếp tục tăng. Chi phí dự phòng 4 tháng đầu năm ở mức 1.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được giữ ở mức 2,66%.
Nợ xấu được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu ở mức 2,65% trong khi tỷ lệ dự phòng cho vay khách hàng bao nợ xấu đạt 103,4%. Nợ xấu của VCB giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước và 0,9% ytd chủ yếu nhờ nỗ lực tăng cường kiểm soát chất lượng tài sản, đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu đến từng đơn vị chi nhánh của ngân hàng. Trong quý I/2014, VCB chưa bán nợ cho VAMC, và cho đến thời điểm hiện tại (19/05/2014) Ngân hàng cũng chưa tiến hành bán thêm món nợ xấu nào. Theo tìm hiểu của chúng tôi, kế hoạch bán nợ xấu 1.000 tỷ đồng trong năm 2014 của VCB chủ yếu sẽ được thực hiện trong nửa cuối năm tài chính.
VCB đạt kết quả khả quan trong quý I/2014 với các chỉ số sinh lời được cải thiện so với cùng kì thể hiện qua việc tăng NIM và giảm chỉ số chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động. Chất lượng tài sản tiếp tục được kiểm soát tốt với nợ xấu giảm trong khi tỷ lệ dự phòng cho vay khách hàng bao nợ xấu tăng lên mức 103,4%. Chúng tôi cho rằng VCB sẽ phân bổ đều chi phí dự phòng theo từng quý và chi phí dự phòng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới để giữ tỷ lệ nợ xấu ở con số hợp lý. Nhiều khả năng VCB sẽ hoàn thành kế hoạch 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho năm 2014. Theo đó, EPS forward đạt 1.695 đồng/cổ phiếu (tính trên vốn điều lệ mới), tương đương P/E forward ở mức 13,4 lần. Chúng tôi tiếp tục khuyến nghị NẮM GIỮ cổ phiếu VCB.
SRC: P/E đang được giao dịch tại 5,5x
CTCK Maybak KimEng (MBKE)
SRC vừa công bố chốt quyền chia cổ tức năm 2013 với tỷ lệ 20% mệnh giá (2.000 đồng/cp), ngày đăng ký cuối cùng 05/06/2014 (ngày thực hiện là 20/06/2014). Lợi tức cổ tức tương ứng cho năm 2014 ước đạt 9,6%. Tỷ lệ chi trả cổ tức (payout ratio) ở mức tương đối hợp lý 55,6%. Lưu ý, tiền và tương đương tiền cuối quý I/2014 chỉ ở mức 26,6 tỷ đồng (tương đương gần 1.500 đồng/cp) trong khi các khoản phải thu tăng 61% so với quý liền trước, lên 103,2 tỷ đồng. Do đó, trong trường hợp SRC không thu được đủ tiền để chi trả cổ tức thì nhiều khả năng công ty sẽ đi vay để chi trả cổ tức. Qua trao đổi, công ty cho biết là hoàn toàn có khả năng thu xếp chi trả cổ tức như đã công bố.
SRC công bố kết quả kinh doanh quý I/2014 với doanh thu thuần giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 208 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết xu thế thị trường chuyển dần sang sử dụng lốp Radial thay cho lốp Bias đã khiến cho sản lượng tiêu thụ lốp ôtô bias cỡ lớn suy giảm mạnh. Ngoài ra, giá bán bình quân trong kỳ cũng giảm trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng. Do đó, lợi nhuận biên gộp thu hẹp nhẹ từ 19,9% quý I/2013 xuống còn 19,3% quý I/2014 dù giá cao su đầu vào, nguyên liệu chiếm khoảng 50% giá thành, đã giảm khoảng 25% so với cùng kỳ 2013. Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt với tỷ lệ Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/ Doanh thu ở mức 6,6% xấp xỉ cùng kỳ 2013. Chi phí tài chính ròng giảm 43,3%n/n xuống còn 3,4 tỷ đồng chủ yếu là do lãi suất giảm. Lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 1,9%n/n xuống còn 18 tỷ đồng.
ĐHCĐ 2014 đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2014 với doanh thu cả năm ước đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 5,6% so với thực hiện 2013. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2014 ước đạt 71 tỷ đồng, giảm 18,6% so với 2013. Trong năm 2014, các sản phẩm của SRC vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ và các sản phẩm thay thế khác (lốp radian toàn thép).
SRC đang được giao dịch tại P/E lũy kế là 5,5x thấp hơn so với P/E trung bình ngành lũy kế là 8x. Tuy nhiên, dư địa tăng trưởng của SRC không nhiều do hiện tại công ty không có sản phẩm cạnh tranh mũi nhọn, và chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất cũng như phát triển sản phẩm mới. Trong khi đó, 2 đối thủ trong nước là DRC và CSM đều đã đưa vào vận hành 2 nhà máy lốp Radian toàn thép.
BMP: PE đang thấp hơn mức trung bình 5 năm
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) vừa công bố BCTC quý I/2014 hợp nhất với doanh thu đạt 514 tỷ tương đương 23% kế hoạch. Mặc dù Tết kéo dài và các dự án bất động sản chưa khởi công nhiều trong các tháng đầu năm, nhưng nhờ ký kết được thêm 1 số hợp đồng mới, nên doanh thu tăng 16% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, các hợp đồng mới này chủ yếu cung cấp sản phẩm cho các dự án
ngân sách nhà nước, trong khi đa phần biên lợi nhuận gộp từ các dự án ngân sách nhà nước rất thấp hoặc thậm chí không đem lại lợi nhuận. Do đó, biên lợi nhuận gộp trong quý I đã giảm 2 điểm phần trăm và lãi gộp chỉ tăng 9% cùng kỳ, đạt 142 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế quý I/2014 tăng 5% cùng kỳ, đạt 83,4 tỷ với biên lợi nhuận ròng giảm 1 điểm phần trăm, ở mức 17%.
Ngày 15/5 vừa qua, BMP đã thực hiện chi trả cổ tức đợt 2/2013 với tỷ lệ thực hiện 2.000 đồng/cp. Công ty đã chi trả 10% cổ tức đợt 1/2013 vào tháng 11 năm ngoái.
Liên quan đến việc truy thu thuế 117 tỷ đồng, Cục thuế TP. HCM vừa có văn bản bác toàn bộ khiếu nại của Công ty. Hiện BMP đang tiếp tục trình đơn khiếu nại lên Tổng Cục thuế. BMP cho biết, đã đóng khoảng 71,4 tỷ đồng tiền thuế truy thu (hạch toán vào mục “các khoản phải thu khác” trên Bảng cân đối kế toán), còn 40 tỷ đồng tiền phạt kỳ vọng sẽ được miễn.
Chúng tôi ước tính sẽ có hai cách để ghi khoản thuế bị truy thu trên: (i) khấu trừ thẳng vào lợ nhuận sau thuế trên Bảng kết quả hoạt động kinh doanh hiện tại, đồng thời giảm lợi nhuận giữ lại trên Bảng cân đối kế toán hoặc (ii) khấu trừ vào vốn chủ sở hữu trên Bảng cân đối kế toán.
So với các DN cùng ngành như NTP, BMP luôn giữ tỷ suất biên lợi nhuận hoạt động ổn định quanh 21-23% mặc dù tình hình ngành nhiều khó khăn. Cổ phiếu BMP đang giao dịch PE ở mức 7,5x, thấp hơn trung bình lịch sử 5 năm là 9,7x.
PNJ: PE tương đương mức trung bình ngành
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Doanh thu hợp nhất quý I/2014 của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đạt 2.477 tỷ đồng, tăng 39% chủ yếu nhờ doanh thu bán vàng, bạc và đá quý (đóng góp 76% tổng doanh thu) tăng 5,2% và có thêm doanh thu từ mảng bán xăng dầu 588 tỷ đồng.
2014 là năm đầu tiên PNJ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hợp nhất với SFC (CTCP Nhiên liệu Sài Gòn). Do hoạt động của SFC có biên lợi nhuận gộp thấp (khoảng 3%), nên biên lợi nhuận gộp hợp nhất giảm nhẹ 0,1 điểm phần trăm, lợi nhuận gộp tăng thấp hơn mức tăng doanh thu là 37%. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng 1 điểm phần trăm do chi phí nhân công (chiếm 50% tổng chi phí) tăng 64,7%.
Thuế TNDN đã giảm từ 25% xuống còn 22% trong năm 2014, nên lợi nhuận sau thuế hợp nhất của PNJ quý I/2014 đạt 78,5 tỷ, tăng 19% cùng kỳ.
PNJ cũng đã tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên 2014 vào ngày 29/3/2014. Các chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đều tăng trưởng 20%, lần lượt đạt 9.124 tỷ đồng và 202,5 tỷ đồng và cổ tức 2014 là 20%. Kế hoạch để thự hiện mục tiêu trên dựa vào (i) đầu tư nâng cấp hệ thống cửa hang, mở thêm 12 cửa hàng mới và (ii) hợp nhất KQKD với SFC.
Ngoài ra, PNJ cũng sẽ đầu tư 25 tỷ vào máy móc thiết bị nhằm tăng quy mô và kỹ thuật mới, đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân và đào tạo mới tối thiểu 150 công nhân. Hiện nhà máy PNJ đang hoạt động với công suất trên 2 triệu sản phẩm/năm, đạt hơn 50% công suất thiết kế. Dự kiến trong 3 năm tới có thể sử dụng hết công suất dựa trên triển vọng ngành bán lẻ và thị trường trang sức Việt Nam có khả năng tăng 14% trong 2 năm 2014 & 2015.
Dựa trên kế hoạch 2014, chúng tôi ước tính EPS 2014 đạt 2.679 đồng/cp, tương ứng PE 11x, tương đương với mức trung bình ngành.
GMD: Nếu loại trừ yếu tố bất thương, PE khoảng 38x
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Doanh thu quý I/2014 của CTCP Gemadept (GMD) tăng 9% cùng kỳ, đạt 614,5 tỷ đồng. Trong đó, mảng kinh doanh chính là hoạt động Logistics (chiếm 65% tổng doanh thu), chỉ tăng nhẹ 3% cùng kỳ.
Đóng góp chính vào tăng trưởng doanh thu quý I/2014 của GMD là từ hoạt động khai thác cảng (chiếm 32% tổng doanh thu). Doanh thu mảng này đã tăng mạnh 27% cùng kỳ, chủ yếu do cảng Nam Hải Đình Vũ (NHĐV) tại Hải Phòng với công suất 500.000 TEUs đã đi vào hoạt động từ
cuối năm 2013, giúp nâng tổng công suất của GMD lên 1,3 triệu TEUs/năm.
Công ty kỳ vọng cảng NHĐV sẽ hoạt động khoảng 50-60% công suất trong 2014 và đạt mức toàn dụng trong 2015. Hiện GMD đang sở hữu 85% cảng này.
Không có thu nhập tài chính bất thường, lãi ròng quý I/14 giảm 70% cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp của GMD đã tăng từ 13,6% trong quý I/2013 lên 16,4% trong quý I/2014. Nhờ đó, lợi nhuận gộp quý I/2014 đạt 101 tỷ đồng, tăng tới 31% cùng kỳ, cao hơn mức tăng trưởng của doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế quý I/2014 lại giảm 70% cùng kỳ, xuống còn 40 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập tài chính ròng của công tygiảm mạnh 91% cùng kỳ, xuống còn 12 tỷ đồng trong quý I/2014. Điều này là do cùng kỳ năm trước, GMD đã ghi nhận khoản thu nhập bất thường gần 170 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 25% cổ phần của CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo cho Masan Consumer.
Tháng 11/2013, GMD đã nâng vốn điều lệ của Công ty TNHH MTV Xúc tiến hàng hải - Marproco (công ty con do GMD sở hữu 100%) từ 6 lên 936 tỷ đồng bằng tài sản góp vốn là tòa nhà Gemadept Tower (Lê Thánh Tôn). Chênh lệch giá trị tòa nhà do đánh giá lại để góp vốn gần 670 tỷ đồng. Cuối 2013, Công ty cũng đã ký hợp đồng chuyển nhượng 85% phần vốn góp Marproco cho tập đoàn CJ (Hàn Quốc).
Như vậy, GMD đã thực hiện việc chuyển nhượng toà nhà này thông qua việc bán cổ phần ở công ty con. Tuy nhiên, thương vụ này vẫn chưa hoàn tất.
Công ty đã nhận được giấy chứng nhận ĐKKD Công ty TNHH 2 thành viên trở lên (bao gồm NĐT nước ngoài) và vẫn đang thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. Khả năng GMD sẽ hoàn tất và ghi nhận một phần hoặc toàn bộ khoản lợi nhuận này trong quý II-quý III/2014.
Điểm sáng cho kết quả kinh doanh của GMD trong 2014 là (1) tăng trưởng từ hoạt động cảng nhờ đóng góp từ cảng NHĐV và (2) thu nhập bất thường từ việc chuyển nhượng Gemadept Tower. Giả định nếu cảng NHĐV hoạt động ở mức 50% công suất và GMD ghi nhận toàn bộ lợi nhuận từ thương vụ Gemadept Tower trong 2014 thì EPS ước tính cho năm 2014 của GMD sẽ đạt gần 4.500 đồng/cp, tương ứng mức PE khoảng 6x, so với 7x của bình quân ngành. Tuy nhiên, lưu ý thêm là nếu loại trừ thu nhập bất thường thì PE 2014 của GMD sẽ ở mức rất cao, khoảng 38x.
Ngoài ra, triển vọng của công ty trong 2-3 năm tới vẫn chưa thật sự rõ ràng khi mà hầu hết các dự án đầu tư lớn (cảng Hoa Sen - Gemadept tại Cái Mép, Vũng Tàu, cảng Gemalink Cái Mép, dự án trồng 30.000 ha cao su tại Campuchia,...) vẫn đang dở dang và khả năng sinh lợi vẫn còn chưa cụ thể.
DHG: Duy trì khuyến nghị MUA
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
CTCP Dược Hậu Giang (DHG) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về phương án phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 3:1 từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển như ĐHCĐ 2014 đã thông qua. Theo đó, ngày đăng ký cuối cùng quyền nhận cổ phiếu thưởng này sẽ là ngày 03/06/2014. Như vậy, với 65,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số lượng cổ phiếu phát hành thêm là 21,8 triệu cổ phiếu. Sau phát hành, vốn điều lệ của DHG sẽ tăng lên 871,6 tỷ đồng.
Hệ điều trị (ETC) vẫn tiếp tục khó khăn trong khi tăng trưởng từ kênh thương mại (OTC) không đủ để bù đắp sụt giảm từ ETC là nguyên nhân chính khiến doanh thu quý I/2014 giảm 6% cùng kỳ, đạt 728 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế vẫn tăng nhẹ 2% cùng kỳ, đạt 118 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể từ 44,8% trong quý I/13 lên 52,4% trong quý I/2014. Kết thúc quý I/2014, DHG đã hoàn thành được 19% và 21% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014.
Lưu ý, doanh thu quý I sụt giảm một phần cũng do ảnh hưởng bởi tính mùa vụ, quý I thường là mùa cao điểm của ETC, nhưng lại là thấp điểm của OTC. Ngoài ra, doanh thu từ ETC của DHG hiện chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng doanh thu (dưới 20%). Chiến lược của công ty vẫn là tập trung vào OTC. Do đó, ngoài thương hiệu, việc sở hữu một hệ thống phân phối lớn mạnh nhất sẽ là lợi thế giúp DHG tiếp tục phát triển thị trường này.
Chúng tôi dự báo doanh thu và lãi ròng 2014 của DHG sẽ tăng lần lượt 16% và 18% cùng kỳ, đạt lần lượt 4.091 và 694 tỷ đồng. Theo đó, DHG đang giao dịch ở mức PE dự phóng khoảng 13x, so với bình quân ngành 14x và bình quân các công ty trong khu vực khoảng 18x. Duy trì khuyến nghị mua và nắm giữ dài hạn với giá mục tiêu 149.000 đồng/cp.