Cổ phiếu ngành bao bì giấy: Chưa phù hợp với triển vọng tăng trưởng
CTCK Rồng Việt (VDSC)
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ số ngành bao bì có sự chuyển động tương đối theo xu hướng dịch chuyển của chỉ số bán lẻ với độ trễ khoảng 2 tháng. Vì vậy, việc chỉ số bán lẻ tăng trưởng mạnh 15,4% so với cùng kỳ trong quý IV/2014 đã hứa hẹn một sự tích cực trong kết quả kinh doanh quý I/2015.
Theo như chia sẻ, nếu như quý I hằng năm, các doanh nghiệp thường hoạt động cầm chừng nhất là giai đoạn sau tết Nguyên Đán thì năm nay, công suất sản xuất đã đẩy lên ba ca/ngày. Tại ĐHCĐ tháng 4 vừa qua, SVI cho biết cầu tiêu dùng đã phục hồi ngay từ đầu năm 2015, kéo theo sự gia tăng đơn hàng. Kết quả này đến sớm hơn so với dự đoán ban đầu của doanh nghiệp.
Với những yếu tố tích cực trên, chúng tôi càng có cơ sở để kỳ vọng vào sự tăng trưởng của ngành giấy bao bì, nhất là khi các hiệp định thương mại đa phương, song phương được ký kết. Kết quả kinh doanh quý I của các doanh nghiệp cũng minh chứng thực tế này khi tăng trưởng doanh thu DHC (+ 43,6%), SVI (+32,8%), VPK (+27,9%).
Thêm vào đó, do giá nguyên liệu đầu vào giảm khiến lợi nhuận gộp các doanh nghiệp cũng cải thiện mặc dù phải giảm giá bán để gia tăng sức mạnh cạnh tranh. Đáng chú ý nhất là VPK khi lợi nhuận gộp tăng trưởng mạnh đến 94% nhờ vào (1) VPK dự trữ giấy nguyên liệu vào đợt giảm giá mạnh cuối năm 2014, (2) hệ thống máy móc đi vào hoạt động ổn định làm giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi, giảm lượng hàng bán bị trả về.
Mặc dù tích cực nhưng giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa phù hợp với triển vọng tăng trưởng. Cụ thể như DHC đóng cửa ngày hôm nay với giá 19.900 VND/cp thấp hơn 32% so với giá mục tiêu của chúng tôi trong báo cáo cập nhật nhanh ngày 24/04/2015 là 26.200 đồng/ cổ phiếu. Trong khi SVI và VPK, dựa trên kế hoạch 2015, đang giao dịch với mức P/E forward lần lượt là 5,4 và 6,6 lần, thấp hơn so với P/E forward trung bình ngành ~ 7x. Tuy nhiên, mặt hạn chế là thanh khoản 2 cổ phiếu rất thấp. Nhà đầu tư nên quan sát 2 cổ phiếu này chờ đợi thanh khoản cải thiện từ cổ phiếu thưởng hoặc việc thoái vốn của các cổ đông lớn.
BTP: Không nên giải ngân
CTCK MaritimeBank (MSBS)
Năm 2014, kết quả kinh doanh Công ty Cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (mã BTP) tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sản lượng điện tăng, lãi tỷ giá và khoản lợi nhuận được chia từ công ty Thủy điện Buôn Đôn. Trong năm 2015, Công ty có thể sẽ gặp khó khăn hơn do sự biến động của tỷ giá, riêng quý 1/2015, việc hạch toán tỷ giá theo thông tư 200 đã làm Lợi nhuận lỗ tới 123 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đánh giá cao vào triển vọng các năm tới nhờ các dự án đang và sẽ triển khai như Dự án điện gió ở Bình Thuận, Dự án Nhà máy Nhiệt điện than ở Bà Rịa – Vũng Tàu.
Hiện tại, BTP đang giao dịch tại mức giá 14.900đ/cp (giá ngày 14/05/2015) - không biến động lớn trong 10 phiên gần đây và đã giảm 8% trong 1 tháng. Với những diễn biến không khả quan như hiện tại, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư không nên giải ngân và chỉ tham gia khi có thông tin hỗ trợ tích cực hơn trong tương lai
LCG: Khuyến nghị mua vào
CTCK FPT (FPTS)
Trong năm 2015, LCG lên kế hoạch doanh thu 1.467 tỷ, +8% so với năm ngoái (trong đó xây dựng 1.400 tỷ và bất động sản 67 tỷ). Trong đó, 2 giá trị thầu lớn nhất đến từ dự án Formosa và BV II Lâm Đồng. Cơ bản trong dự án Formosa, LCG chỉ lên kế hoạch dựa trên những hợp đồng đã chốt, nhưng chưa tính đến các hợp đồng đang đàm phán khác (ước tính có thể thêm khoảng 300 tỷ nữa). Do thực hiện tốt các công trình vừa qua trong năm 2014, chủ đầu tư chính ở Formosa có sự tín nhiệm cao với LCG, nên khả năng sắp tới khi dự án này triển khai giai đoạn 1+1, LCG sẽ có thêm một số gói thầu hạ tầng lớn nữa.
Còn về phía công trình BV II Lâm Đồng, dự án vừa được tái khởi động lại vào thời điểm tháng 8/2014 và hiện tại nguồn vốn của tỉnh về cho công trình này cũng tương đối ổn định, nên khả năng đạt doanh thu kế hoạch cho dự án này là khá cao.
Trong năm nay, LCG sẽ dùng dòng tiền từ đợt phát hành và chuyển nhượng BĐS vào năm 2014 để đầu tư cho dự án Hiệp Thành Q.12, hiện tại dự án đã chuyển sang bán đất nền vào đang trong giai đoạn đền bù giải tỏa. Theo kế hoạch, LCG sẽ mở bán vào thời điểm quý II– quý III/2015, và bàn giao vào năm 2016. Tuy nhiên, hiện tại LCG đang rất cần dòng tiền về trong thời điểm này để thực hiện dự án KDC Điền Phước – Nhơn Trach – Đồng Nai (Tổng vốn ~1200 tỷ) nhằm để hoàn tất việc đền bù giải tỏa trước khi cây cầu nối từ khu vực quận 9 sang Nhơn Trạch được hoàn thành, do đó công ty cũng đã lên kế hoạch huy động 300 tỷ trái phiếu (kỳ hạn 5 năm, LS >12%). Nhưng LCG đang có dự định đẩy nhanh dự án ở Hiệp Thành Q.12 để dòng tiền có thể về kịp vào quý IV/2015 và không phải thực hiện việc huy động 300 tỷ để làm dự án Điền Phước.
Ước tính trong trường hợp có lợi nhuận từ dự án Hiệp Thành được hạch toán trong năm nay, lợi nhuận sau thuế hợp nhất có thể đạt 70 tỷ. Nếu DA Hiệp Thành được bàn giao trong năm 2016 thì lợi nhuận sau thuế hợp nhất sẽ rơi vào khoảng 50-60 tỷ (đã bao gồm khoản trích lập cho công ty xăng sinh học OBF ~16 tỷ). LCG cũng đang lên kế hoạch thoái thêm 10% vốn ở Licogi 16.6 (xuống còn 46%) và thoái vốn ở công ty xăng sinh học OBF nếu tình hình không có gì tiến triển. Với P/B 0.89x và BVPS 12.383 đ/cp, giá mục tiêu 11.000 đ/cp. Khuyến Nghị MUA.
VNM: PE kỳ vọng 15,52 lần
CTCK MayBank KimEng (MBKE)
Công ty cổ phần sữa Việt Nam –Vinamilk (VNM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2015 với danh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng với tỷ lệ lần lượt là 13% và 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh thu thuần tăng 13,2% so với cùng kì đạt 8.716 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp trong kì được cải thiện rõ rệt tăng từ 31,5% trong quý I/2014 lên 35,7% trong quý I/2015 chủ yếu do giá sữa nguyên liệu đầu vào giảm và nhờ sự thay đổi tỷ trọng và cơ cấu các nhóm sản phẩm bán ra, theo hướng tập trung vào các nhóm có hiệu quả.
Tuy nhiên, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu tăng 4,8 điểm phần trăm lên 15,5% trong quý I/2015 do Công ty tăng chi phí quảng cáo khuyến mại để giữ thị phần trong tình hình cạnh tranh khốc liệt của ngành sữa. Ngoài ra, thuế suất thuế TNDN bình quân của công ty cũng giảm xuống còn 18% trong quý I/2015 so với khoảng 20% cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tăng 12% đạt 1.560 tỷ đồng.
Cổ phiếu VNM đang được giao dịch ở mức P/E kì vọng là 15,52 lần thấp hơn so với trung bình ngành là 18,8 lần. Ngoài ra, VNM sẽ chốt quyền chi trả cổ tức tiền mặt 2000đ/cp cho đợt 2/2014 vào ngày 16/6/2015. Lợi suất cổ tức của VNM khá thấp nhưng rất ổn định qua các năm ở mức 3-4%. Trong quý III/2015, VNM sẽ thực hiện chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 5:1. Đây sẽ là chất xúc tác cho giá cổ phiếu của VNM trong thời gian tới.
VPH: Khuyến nghị theo dõi
CTCK FPT (FPTS)
Nhờ hạch toán một phần lớn nguồn thu từ dự án Lacasa trong quý IV/2014 mà VPH đã thoát lỗ lũy kế sau 3 quý đầu năm. Nhưng kết quả này tiếp tục cho thấy sự sa sút trong HĐKD của VPH những năm gần đây sau khủng hoảng nhà đất. So với kế hoạch đề ra đầu năm 2014 thì VPH chỉ hoàn thành một tỷ lệ rất khiêm tốn.
Do kết quả kinh doanh 2014 thấp hơn nhiều so với kế hoạch nên VPH quyết định không chia cổ tức 2014. Đồng thời VPH cũng lên kế hoạch cổ tức 2015 là 12% bằng cổ phiếu. ĐHCĐ cũng thông qua việc nếu tình hình tài chính trong năm 2015 tốt sẽ tạm ứng trước phần cổ tức tiền mặt 6 tháng hoặc 9 tháng đầu năm cho cổ đông. Tuy nhiên, tôi cho rằng điều này khó xảy ra.
Công ty đặt ra mục tiêu rất tham vọng cho năm 2015 căn cứ trên kế hoạch doanh số (chưa VAT) khá lớn từ: Lacasa (177 tỷ), chuyển nhượng Block 2 Lacasa (174 tỷ), chuyển nhượng 30ha đất ở Nhơn Đức cho 2 trường Đại học (624 tỷ), bán đất nền Nhơn Đức (38 tỷ), bán chung cư Hoàng Quốc Việt (40 tỷ), thanh lý đất ở Q.9 (40 tỷ). Nếu hiện thực hóa được tất cả mục tiêu doanh số này thì VPH sẽ ghi nhận được kết quả kinh doanh khả quan cho giai đoạn 2015 – 2016 so với giai đoạn 2013 – 2014.
Cổ phiếu VPH đã có nhiều biến động lớn kể đầu tháng 3 đến nay, nhiều khả năng là do những lực đánh kéo giá cổ phiếu nhằm đón đầu tin tích cực từ thương vụ chuyển nhượng 30ha ở Nhơn Đức nhưng sau đó cũng giảm mạnh trở lại theo tình hình chung của thị trường và sau khi ĐHCĐ đã cho ra hết tin tức quan trọng. HĐKD nhìn chung vẫn chưa có sự chuyển biến thật sự khả quan.
Hơn 50% nguồn thu của công ty đến từ việc thanh lý bớt dự án/đất đai tồn đọng, thận chí công ty còn phải chuyển nhượng bớt 1-2 block Lacasa (vốn là dự án trọng điểm hiện tại) nhằm tái cấu trúc tài chính và có vốn đầu tư các quỹ đất dở dang còn lại.
Trong năm 2015, VPH phải đẩy mạnh xử lý pháp lý đối với các dự án được đầu tư quan trọng như: hoàn tất phê duyệt 1/500 ở Nhơn Đức; đóng tiền sử dụng đất Block 1,2,5 Lacasa; chuyển đổi công năng ở dự án Hoàng Quốc Việt. Đây được xem là những vấn đề không hề dễ dàng đối với công ty trong ngành BĐS.
Giả định VPH hoàn thành kết quả kinh doanh 2015 thì kết quả kinh doanh này vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của toàn ngành BĐS niêm yết và chỉ mang tính ngắn hạn. EPS ước tính trong trường hợp này là 1.347 VNĐ/cp thì P/E forward đạt 8,09x. Ở mức giá đóng cửa ngày 19/05/2015 là 10.900 VNĐ/cp, cp VPH đang giao dịch ở P/E trailing 56,19x và P/B trailing 0,67x.
Triển vọng trung – dài hạn của VPH vẫn chưa thực sự rõ ràng cộng thêm thanh khoản cổ phiếu VPH vốn không cao, khuyến nghị các nhà đầu tư chỉ nên THEO DÕI đối với VPH.
DCM: Khuyến nghị thêm vào
CTCK FPT (FPTS)
Trong quý I/2015 DCM đã đạt được 1.349 tỷ đồng tổng doanh thu và 331 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 5,7% và 170% (so với cùng kỳ), tuy nhiên, do kể từ ngày 15/01/2015, công ty chuyển đổi thành Công ty cổ phần nên kết quả kinh doanh của DCM chỉ được tính từ 15/01/2015 đến hết 31/03/2015, ở mức 1.115 tỷ đồng doanh thu thuần và 195 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Kết quả dựa trên những yếu tố sau: (1). Sản lượng Đạm Cà Mau tiêu thụ đạt 180 nghìn tấn, tăng 8% (so với cùng kỳ); (2). Giá khí đầu vào ở mức thấp do tạm tính ở mức 3,81 USD/MMBTU thấp hơn 6,4% so với mức bình quân năm 2014 là 4,07 USD/MMBTU; (3). Việc dãn khấu hao nhà máy từ 10 lên 12 năm đã làm chi phí khấu hao của DCM giảm bình quân 240 tỷ mỗi năm so với năm 2014.
Trong năm 2015, thị trường ure trong nước sẽ trong trạng thái cung vượt quá cầu (2,66 triệu tấn/2,2 triệu tấn) khi các nhà máy là Đạm Ninh Bình sẽ hoạt động hết công suất (560 nghìn tấn so với mức 360 nghìn tấn của 2014), Đạm Hà Bắc sẽ hoạt động với công suất mới (500 nghìn tấn so với mức 180 nghìn tấn của 2014) sẽ tiếp tục tạo áp lực cạnh tranh đối với thị trường giá ure trong nước.
Chúng tôi cũng cho rằng DCM có lợi thế về sản phẩm của mình khi phù hợp với nhu cầu canh tác của các quốc gia Đông Nam Á khi trong đầu năm, các đối tác Thái Lan, Ấn Độ đã sang tìm hiểu ký kết hợp đồng mua phân bón hạt đục của công ty.
Lưu ý, so với DPM, chất lượng sản phẩm của công ty không có nhiều sự khác biệt khi tỷ lệ thành phần các chất trong sản phẩm là tương tự nhau (46,3% nito), chỉ khác ở mức đột tan và hấp thụ của cây trồng. Nhưng chính yếu tố này đã đáp ứng được tập quán canh tác trên thế giới đa số là đạm hạt đục nên sản phẩm công ty được các nước trong khu vực để ý. Do đó chúng tôi cho rằng công ty vẫn sẽ tiêu thụ tốt các sản phẩm của mình ít nhất tại thị trường Việt Nam và Campuchia.
Nhờ sự hỗ trợ PVN, DCM sẽ nhận được giá khí đầu vào ở mức thấp và việc dãn khấu hao, tái cơ cấu nợ sẽ giúp công ty cải thiện được lợi nhuận điều này sẽ giúp công ty hạn chế những yếu tố tiêu cực từ: (1). Áp lực cạnh tranh ngành làm giá phân bón giảm, ở mức bình quân 5% trong năm 2015; (2). Ảnh hưởng chênh lệch tỷ giá khoảng 150 tỷ (tỷ giá VNĐ/USD bị phá giá 2%); (3). Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lên do tiếp tục phát triển thị trường; (4). Luật thuế VAT mới làm công ty bị thiệt hại khoảng 300 tỷ đồng do không được khấu trừ VAT đầu vào.
Chúng tôi dự phóng năm 2015, DCM sẽ đạt 5.790 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 4,2% (so với năm ngoái) và 850 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 3,8% (so với năm ngoái), tương ứng EPS(F) đạt 1.600 đồng/cp. Bằng phương pháp định giá chiết khấu dòng tiền chúng tôi đưa ra khuyến nghị THÊM đối với DCM với giá mục tiêu 14.100 đồng/cp.