Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 21/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 21/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VNM

CTCK MB (MBS)

Quý IV/2024, CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM) ghi nhận doanh thu nội địa giảm 2% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ sự giảm mạnh của MCM (sữa Mộc Châu). Bên cạnh đấy, doanh thu xuất khẩu tăng 4% với sự cải thiện mạnh mẽ hai chữ số của các chi nhánh con nước ngoài (tăng 12%), ngược lại doanh thu xuất khẩu trực tiếp giảm 4%.

Biên lợi nhuận gộp giảm 1,1 điểm %, ghi nhận 40,1% do giá bột sữa đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá bột sữa nguyên kem (tăng 9% so với cùng kỳ, theo mức giá quý III/2024). Tổng kết, lợi nhuận ròng quý IV/2024 giảm 9%, đạt 2.124 tỷ đồng. Lợi nhuận ròng cả năm 2024 đạt 9.392 tỷ đồng (tăng trưởng 6%), hoàn tất 94% dự phóng cũ của chúng tôi do sự phục hồi của thị trường sữa kém hơn kỳ vọng ban đầu.

Với động lực từ sản lượng bán hàng có thể tăng 1%/2%, giá bán sản phẩm trung bình tăng 4%/2%, chúng tôi kỳ vọng doanh thu nội địa VNM có thể tăng 6,1%/5,4% trong năm 2025-2026. Bên cạnh đấy, doanh thu nước ngoài dự báo tăng 10/9%/11,5% chủ yếu nhờ vào sự tăng trưởng 2 chữ số của Angkor Milk và Driftwood. Biên lợi nhuận gộp ghi nhận 41,1% (giảm 0,3 điểm %) trong năm 2025 và duy trì trong năm 2026. Tổng kết, chúng tôi ước tính lợi nhuận ròng tăng 6%/6% trong năm 2025-2026.

Duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 77.500 đồng/CP. Giá mục tiêu mới thấp hơn 3% so với dự báo cũ (cập nhật tháng 8/2024) do hạ dự báo EPS xuống 5%/5% trong năm 2025-2026. Với áp lực bán mạnh từ các nhà đầu tư nước ngoài, giá cổ phiếu VNM đã giảm xuống mức hấp dẫn, với P/E trượt đạt 13,4, thấp hơn 16% với mức trung bình 3 năm (16.0), trong khi lợi nhuận ròng đang có xu hướng phục hồi (CAGR của lợi nhuận ròng 2025-2026F đạt 6%). Do đó, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào công ty có tăng trưởng ổn định và khả năng tài chính lành mạnh.

Rủi ro giảm giá bao gồm: Thị phần trong nước thấp hơn so với dự tính do tiêu dùng nội địa vẫn còn chậm, tính không hiệu quả của các chương trình hỗ trợ bán hàng; Giá bột sữa thế giới tăng mạnh khi thiếu hụt nguồn cung thế giới bất thường xảy ra, chủ yếu do rủi ro về thời tiết hay yếu tố về địa chính trị.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu PNJ

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Dựa trên dự phóng 2025 của chúng tôi, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ – sàn HOSE) đang giao dịch ở mức P/E 13,4 lần, thấp hơn đáng kể so với mức 17 lần của bình quân lịch sử từ 2018 cũng như của các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.

Qua đó, BVSC duy trì khuyến nghị OUTPERFORM đối với PNJ, giá mục tiêu 120.500 đồng/CP.

Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu OCB

CTCK BIDV (BSC)

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – sàn HOSE) công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý IV/2024 đạt 1.453 tỷ đồng (tăng 11% so với cùng kỳ), đưa lũy kế cả năm 2024 đạt 4 nghìn tỷ đồng (giảm 3% so với năm trước), và chỉ hoàn thành 58% kế hoạch của ngân hàng.

Kết quả kinh doanh 2024 của OCB kém khả quan hơn so với cùng kỳ bởi chi phí hoạt động tăng 20% do tăng cường đầu tư vào nguồn nhân lực và kỹ thuật số; và trích lập dự phòng tín dụng tăng hơn 600 tỷ đồng, tương ứng tăng 39%.

Năm 2025, Ngân hàng cho biết dự kiến đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế khoảng 5,2 nghìn tỷ (tăng 30% so với năm trước), có phần tương đối tham vọng so với dự báo gần nhất của BSC là 4,8 nghìn tỷ (tăng 21%), tương ứng với P/B dự phóng 1 năm ở 0.8x.

Xét định giá lịch sử, OCB đang giao dịch tại P/B = 0.9x và thấp hơn khoảng 25% so với mức trung bình quá khứ. Dựa trên giá mục tiêu 1 năm là 13.200 đồng/CP, tương ứng với P/B mục tiêu 1.0x, BSC hiện khuyến nghị nắm giữ với OCB và đang xem xét cập nhật lại dự báo.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB

CTCK BIDV (BSC)

Định hướng kinh doanh 2025 của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB – sàn HOSE) là tăng trưởng tín dụng riêng lẻ trong khoảng 20-25% ở kịch bản cơ sở, tương ứng với tăng trưởng tiền gửi >30% nhằm đáp ứng thanh khoản.

Bên cạnh đó, tăng trưởng dư nợ của FEC dự kiến tối thiểu 15%, tiếp tục tập trung vào cải thiện chất lượng giải ngân và cải thiện lợi nhuận; NIM và tỷ lệ nợ xấu đều được dự kiến duy trì tương đương 2024.

Trọng tâm của VPB là công tác thu hồi nợ xấu (FEC đóng góp 2.8 nghìn tỷ trong tổng 5.6 nghìn tỷ lợi nhuận hợp nhất từ thu hồi nợ trong 2024). Từ đó, Ngân hàng kỳ vọng chi phí tín dụng (trừ đi thu hồi) giảm khoảng 60bps so với năm trước.

Tổng hợp lại, VPB dự kiến mức tăng trưởng sơ bộ của lợi nhuận trước thuế hợp nhất trong khoảng 20-25% so với năm trước. Kế hoạch cuối cùng sẽ được trình ĐHĐCĐ vào tháng sau.

Định hướng lợi nhuận 2025 của VPB phù hợp với dự báo gần nhất của BSC, ở khoảng gần 24 nghìn tỷ lợi nhuận trước thuế (tăng trưởng 20%), tương ứng với ROAE cải thiện lên 13% (tăng 2 điểm % so với năm trước). Với định giá vẫn duy trì ở vùng thấp lịch sử (P/B = 1.1x, tiệm cận -1 độ lệch chuẩn so với trung bình) trong khi khả năng sinh lời tiếp tục phục hồi, BSC duy trì khuyến nghị mua cho VPB với giá mục tiêu cập nhật 25.500 đồng/CP.

Tin bài liên quan