MBS: Khuyến nghị MUA cổ phiếu VNR
Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia (VNR) là công ty hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực tái bảo hiểm, là một lĩnh vực kinh doanh phức tạp và có điều kiện.
Được thành lập từ năm 1994, VNR có các cổ đông chiến lược chính là các công ty bảo hiểm tham gia với cam kết nhượng lại dịch vụ cho VNR như Tổng công ty Bảo Việt, Tổng công ty Bảo Minh, Tổng công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Từ năm 2008, VNR có thêm đối tác là Swiss Re.
Việc có những đối tác chiến lược là các công ty bảo hiểm trong nước và Swiss Re tạo điều kiện cho VNR vừa đảm bảo nguồn đầu vào tái báo hiểm vừa có thể nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc học tập kinh nghiệm, mô hình quản lý, định giá bảo hiểm của tập đoàn tài chính nước ngoài. Điều này giúp cho VNR có mô hình hoạt động có tính cạnh tranh bền vững trong ngành bảo hiểm còn non trẻ và đang trong thời kỳ phát triển với tốc độ cao.
Bên cạnh đó, tăng trưởng của ngành bảo hiểm những năm qua mở ra cơ hội tăng trưởng cho VNR trong lĩnh vực tái bảo hiểm.
Với định giá cổ phiếu hấp dẫn và các nhân tố tăng trưởng từ việc bán vốn của SCIC, thanh khoản cải thiện dựa trên nền tăng trưởng mạnh mẽ của ngành bảo hiểm trong những năm gần đây cũng như xu hướng tăng trưởng của lãi suất khiến cho hoạt động đầu tư được cải thiện, chúng tôi khuyến MUA đối với cổ phiếu VNR cho mục đích đầu tư trung hạn, với mức định giá hợp lý là 27.000 đ/ cổ phiếu (tăng giá 50%).
VCBS: Khuyến nghị MUA cổ phiếu TCM
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2016, kết hoạch kinh doanh của TCM không đạt được tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng của chúng tôi trong các báo cáo trước. Mặc dù doanh thu ở mức 1.517 tỷ đồng, vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng với hai con số (tăng 13,34% so với cùng kỳ) và hoàn thành 46,49% kế hoạch năm nhờ sản lượng may mặc đóng góp thêm từ nhà máy Vĩnh Long là 6 triệu sản phẩm, tương đương khoảng 30% công suất tăng thêm từ mảng may. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh, chỉ đạt 50 tỷ đồng (giảm 42,56% so với cùng kỳ, hoàn thành 31,30% kế hoạch năm).
TCM đang có ý định thoái vốn ra khỏi một số công ty con ngoài ngành, hoạt động không hiệu quả và chuyển nhượng một số dự án bất động sản để giảm áp lực trả nợ trong bối cảnh hoạt động cốt lõi dệt may đang không tăng trưởng như kỳ vọng trước đó.
Mặc dù mảng sợi của TCM đang có dấu hiệu phục hồi trong tháng 7 do giá bán sợi được cải hiện. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, TCM sẽ khó hoàn thành được kế hoạch đã đề ra của mình trong năm nay.
Chúng tôi dự báo doanh thu 2016 của TCM sẽ ở mức 3.095 tỷ đồng (tăng 10,85% so với năm trước và hoàn thành 94,82% kế hoạch năm); lợi nhuận sau thuế ở mức 124 tỷ đồng (giảm 19,48% so với năm trước và hoàn thành 77,27% kế hoạch năm).
Theo đó, EPS forward ước đạt 1.811 đồng/CP (tính theo Thông tư 200), tương ứng P/E ở mức 10,87 lần. Đây là mức P/E khá hấp dẫn so với trung bình ngành là 11,87 lần và đối với một cổ phiếu đầu ngành như TCM. Do vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu TCM từ nay đến cuối năm.