Khuyến nghị mua DRC với giá trị mục tiêu 32.800 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Quý I/2021, CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC – sàn HOSE) ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 912 tỷ đồng (tăng trưởng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái) và 64 tỷ đồng (tăng trưởng 70,1%) nhờ các thị trường chính hồi phục và giảm chi phí khấu hao.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế 2021 lần lượt đạt 3.926 tỷ đồng (tăng 7,7% so với năm ngoái) và 371 tỷ đồng (tăng trưởng 44,6%), tương đương EPS FW2021=3.122 đồng/CP, tương ứng với mức P/E FW2021=8.5x với giả định: (1) Sản lượng tiêu thụ lốp Radial và lốp Bias lần lượt đạt 553.045 chiếc (tăng 9%) và 648,537 chiếc (tăng 3%), (2) Giá bán trung bình các sản phẩm tăng nhẹ +2% và (3) Biên lợi nhuận gộp đạt mức 20%.
Chúng tôi khuyến nghị mua mã cổ phiếu DRC với giá trị hợp lí là 32.800 đồng/CP, tăng 25% so với mức giá ngày 18/05/2021 dựa trên phương pháp định giá P/E.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu FLC nằm tại mức 14
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu FLC của CTCP Tập đoàn FLC đang ở trạng thái tích lũy trung hạn tại khu vực 11-13 trong hơn 1 tháng trở lại đây. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI ở trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua đồng thời đường MACD vừa cắt lên trên đường tín hiệu nên cổ phiếu tiềm năng sẽ thiết lập đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của FLC nằm tại khu vực xung quanh 11. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 14, cắt lỗ nếu ngưỡng 10 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị khả quan cho HPG với giá mục tiêu 66.400 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) công bố ngày 31/05 là ngày giao dịch không hưởng quyền cho cổ tức năm tài chính 2020, bao gồm 1) cổ tức tiền mặt 500 đồng/CP (tương đương lợi suất cổ tức 0,8% dựa theo giá hiện tại của HPG là 61.900 đồng/CP);
2) cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 35%. Ngày thanh toán cổ tức tiền mặt năm tài chính 2020 là ngày 11/06. Đợt chia cổ tức này phù hợp với kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ của công ty.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho HPG với giá mục tiêu 66.400 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 8,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,8%.
Khuyến nghị phù hợp thị trường cho NKG với giá mục tiêu 32.200 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Thép Nam Kim (NKG) công bố Nghị quyết HĐQT ngày 14/05, thông qua phương án bán toàn bộ 10 triệu cổ phiếu quỹ (tương đương 5,5% tổng số cổ phiếu) thông qua giao dịch thỏa thuận.
Chúng tôi lưu ý rằng lượng cổ phiếu quỹ này đã được mua vào tháng 06/2020 với tổng giá trị là 78,0 tỷ đồng - tương đương mức giá trung bình là 7.800 đồng/CP.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường cho NKG với giá mục tiêu 32.200 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 6,4%.
Khuyến nghị mua PTB với giá mục tiêu 98.300 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Ngày chốt danh sách cho các đợt chia cổ tức tiền và phát hành cổ phiếu thưởng là ngày 28/05/2021 trong khi ngày thanh toán cổ tức là ngày 10/06/2021.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua với giá mục tiêu 98.300 đồng/CP cho CTCP Phú Tài (PTB), tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 19,1%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,4%, dựa theo giá đóng cửa phiên 17/5.
Khuyến nghị mua VHM với giá mục tiêu 128.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Vinhomes (VHM) đã công bố các đề xuất sẽ được trình cổ đông thông qua tại ĐHCĐ ngày 04/06.
Công ty đề xuất kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu đạt 90 nghìn tỷ đồng (tăng 26% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 35 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 24%). Kế hoạch lợi nhuận sau thuế cao hơn 14% so với dự báo năm 2021 của chúng tôi là 30,8 nghìn tỷ đồng (tăng 9%), chúng tôi cho rằng mức chênh lệch này chủ yếu đến từ doanh số bán buôn cao hơn tại các dự án lớn của Vinhomes.
Ngoài ra, kế hoạch này cao hơn so với kế hoạch sơ bộ năm 2021 của VHM là lợi nhuận sau thuế tăng trưởng khoảng 15%, đã được công ty chia sẻ trong cuộc họp nhà đầu tư vào cuối tháng 4. Chúng tôi cũng lưu ý rằng kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2019/2020 của VHM đạt 118%/91% so với kế hoạch đã được thông qua tại ĐHCĐ.
Theo tài liệu ĐHCĐ, 3 dự án lớn - Ocean Park, Smart City và Grand Park - sẽ tiếp tục thúc đẩy doanh số bán hàng, doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trong năm 2021. Công ty cũng đang có kế hoạch đẩy nhanh hoạt động kinh doanh của các khu công nghiệp tại Hải Phòng trong năm 2021 và kỳ vọng mảng kinh doanh này sẽ ghi nhận lợi nhuận cốt lõi ổn định trong thời gian dài.
VHM cũng đang xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch cổ tức cho năm tài chính 2020 gồm (1) 1.500 đồng/CP (lợi suất 1,5%) và (2) cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 30%, dự kiến trả vào nửa cuối năm 2021, phù hợp với thông báo của công ty vào ngày 20/04. Đợt cổ tức gần nhất (1.000 đồng/CP) đã được trả vào tháng 08/2019. Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho VHM với giá mục tiêu là 128.000 đồng/CP.
Khuyến nghị khả quan VIC với giá mục tiêu 125.000 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Tập đoàn Vingroup (VIC) đã công bố các đề xuất sẽ được trình cổ đông thông qua tại ĐHCĐ ngày 03/06.
Công ty đề xuất kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu đạt 170 nghìn tỷ đồng (tăng 53% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (đi ngang).
Kế hoạch lợi nhuận sau thuế thấp hơn đáng kể so với dự báo năm 2021 của chúng tôi là lợi nhuận sau thuế đạt 7,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 6,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, chúng tôi cho rằng mức chênh lệch này chủ yếu do khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh cao hơn của mảng khách sạn nghỉ dưỡng và mảng công nghiệp.
VIC cũng xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch chia cổ tức năm cho năm tài chính 2020 gồm cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 12,5%, dự kiến sẽ được thanh toán trong nửa cuối năm 2021 - phù hợp với thông báo ngày 20/04 của công ty. Đợt cổ tức gần nhất (cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 21%) được trả vào tháng 06/2018. Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho VIC với giá mục tiêu 125.000 đồng/CP
Khuyến nghị khả quan VRE với giá mục tiêu 38.700 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
CTCP Vincom Retail (VRE) đã công bố các đề xuất sẽ được trình cổ đông thông qua tại ĐHCĐ ngày 01/06. Công ty đề xuất kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu đạt 9,0 nghìn tỷ đồng (tăng 8% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 5%).
Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế này lần lượt thấp hơn 13% và 14% dự báo tương ứng của chúng tôi, chúng tôi cho rằng mức chênh lệch này đến từ việc VRE đang hỗ trợ khách thuê nhiều hơn dự kiến của chúng tôi trong bối cảnh dịch COVID19 bùng phát tại Việt Nam.
Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan cho VRE với giá mục tiêu là 38.700 đồng/CP.
Khuyến nghị khả quan BMP với giá mục tiêu 64.100 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) đồng thời giảm giá mục tiêu thêm 3% còn 64.100 đồng/CP khi điều chỉnh giảm 10% dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 trong bối cảnh giá nhựa đầu vào cao hơn ảnh hưởng tác động tích cực của tỷ lệ WACC thấp hơn và việc chúng tôi cập nhật mô hình định giá đến giữa năm 2022.
BMP công bố kết quả kinh doanh quý 1/2021 với doanh thu thuần đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 84 tỷ đồng (giảm 18%).
Chênh lệch giữa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số trong quý 1/2021 chủ yếu do giá nhựa đầu vào tăng vào đầu năm 2021 khiến BMP phải tăng giá bán để bù đắp một phần tác động tiêu cực của giá nguyên liệu đầu vào cao đối với biên lợi nhuận.
Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 thêm 10% còn 458 tỷ đồng (giảm 12%) khi biên lợi nhuận gộp quý 1/2021 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng giá nhựa sẽ điều chỉnh vào nửa cuối năm 2021, điều này sẽ hỗ trợ biên lợi nhuận.
Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng các sáng kiến tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của BMP trong giai đoạn 2019-2020 sẽ mang lại lợi nhuận bền vững hơn trong thời gian dài. Do đó, chúng tôi nhìn chung giữ nguyên dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) cho lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2020-2025 của BMP, lần lượt ở mức 2,6% và 2,1%.
Chúng tôi tiếp tục cho rằng BMP hiện có định giá hấp dẫn tại P/E năm 2021/2022 là 11,7/10,4 lần (dựa trên dự báo của chúng tôi), so với trung vị P/E trượt trung bình 6 tháng của các công ty cùng ngành trong khu vực là 11,9 lần khi BMP có bảng cân đối kế toán vững chắc và khả năng sinh lời vượt trội so với các công ty cùng ngành cũng như lợi suất cổ tức dự kiến ở mức cao.
Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Biên lợi nhuận giảm mạnh hơn dự kiến do chi phí nhựa đầu vào biến động.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu REE
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 10% và duy trì khuyến nghị mua đối với CTCP Cơ điện lạnh (REE) chủ yếu nhờ điều chỉnh tăng 1% đối với tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ WACC giả định giảm 0,4 điểm % và tác động của việc cập nhật mô hình định giá mục tiêu từ cuối năm 2021 đến giữa năm 2022.
Chúng tôi nâng lợi nhuận sau thuế năm 2021 lên 3% chủ yếu nhờ thu nhập từ cổ tức cao hơn từ CTCP Nhiệt điện Phả Lại (xem thêm trong Báo cáo cập nhật PPC ngày 07/05/2021) và lợi nhuận cao hơn từ CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HSX: VSH), bù đắp cho dự báo sản lượng thấp hơn tại CTCP Thủy điện Miền Trung (HSX: CHP) do sự cố kỹ thuật dẫn đến ngừng hoạt động vào tháng 1/2021.
Chúng tôi nâng dự báo tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2022-2025 lên 1% khi chúng tôi nâng giá PPA cố định cho nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum (UPKT) thuộc vốn chủ sở hữu, một phần bị ảnh hưởng bởi dự báo lợi nhuận cổ tức thấp hơn từ PPC trong các năm sau 2021 và mảng văn phòng cho thuê (do giả định diện tích cho thuê - NFA của Etown 6 giảm).
Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS 16% giai đoạn 2020-2025 được thúc đẩy bởi sự đóng góp từ UPKT (220 MW) vào năm 2021, 104 MW từ các dự án điện gió vào năm 2022, 500 MWp công suất mặt trời lắp mái nhà vào năm 2025 và tòa nhà Etown 6 vào năm 2023.
Chúng tôi cho rằng định giá của REE là hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2021 là 9,1 lần so với CAGR EPS dự kiến 16% trong giai đoạn 2020-2025F (tương ứng PEG là 0,6) và P/B là 1,3 lần, dựa trên dự báo của chúng tôi. REE cũng tỏ ra hấp dẫn với EV/EBITDA dự phóng lần lượt là 10,4 lần/7,6 lần vào các năm 2021/2022 – giảm mạnh so với mức 16 lần ở các năm trước. Chúng tôi chưa ghi nhận khả năng hợp nhất VSH trong báo cáo cập nhật này.
Yếu tố hỗ trợ: Sản lượng cao hơn từ danh mục thủy điện; nước và bất động sản phân khúc M&A.
Rủi ro: Sự cố kỹ thuật của các nhà máy điện.
Khuyến nghị mua SCS với giá mục tiêu 165.600 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua và nâng giá mục tiêu thêm 6,8% lên 165.600 đồng/CP cho CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS), tương ứng với tổng mức sinh lời cổ phiếu dự phóng là 37,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 7,1%.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu phản ánh tác động tích cực của cập nhật giá mục tiêu của chúng tôi đến giữa năm 2022 so với vào cuối năm 2021 trước đây và tỷ lệ WACC thấp hơn 0,5 điểm %. Giá mục tiêu của chúng tôi một phần bị ảnh hưởng bởi giả định về vốn xây dựng cơ bản cao hơn của chúng tôi đối với việc mở rộng công suất của SCS lên 248 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 so với dự báo trước đó của chúng tôi là 160 tỷ đồng.
Giả định về vốn đầu tư cao hơn của chúng tôi phù hợp với kế hoạch vốn xây dựng cơ bản cao nhất cho việc mở rộng công suất từ ban lãnh đạo của SCS, khi đặt kế hoạch tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản dao động từ 7 triệu USD đến 10 triệu USD.
Chúng tôi nâng giả định lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021 thêm 1,3%, chủ yếu phản ánh dự báo tích cực hơn của chúng tôi về sản lượng hàng hóa trong nước; trong khi đó, chúng tôi vẫn duy trì dự báo cho giai đoạn 2022-2025.
Trong năm 2021, chúng tôi dự báo doanh thu đạt 813 tỷ đồng (tăng 17,3% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số là 575 tỷ đồng (tăng trưởng 23,9%). Dự báo doanh thu chủ yếu được thúc đẩy bởi giả định tăng trưởng sản lượng hàng hóa của chúng tôi là 13% và tăng trưởng giá dịch vụ trung bình ước tính là 5,3% trong năm 2021.
Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với SCS nhờ bảng cân đối kế toán tốt và vị thế thị trường độc quyền chỉ có 2 công ty cạnh tranh ổn định cũng như mức định giá hấp dẫn với PEG 2020-2023 là 0,8 lần. Chúng tôi tin rằng SCS có vị thế tốt để duy trì tình hình tài chính và đạt được tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ ngay cả khi sự gián đoạn từ COVID-19 tiếp tục kéo dài ngoài dự kiến của chúng tôi.
Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: Lượng hàng hóa thương mại giảm; hạn chế công suất của sân bay tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (SGN).
Khuyến nghị mua STB với giá mục tiêu 32.400 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi nâng khuyến nghị từ khả quan lên mua sau khi nâng giá mục tiêu thêm 54% lên 32.400 đồng/CP dành cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB).
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi được dẫn dắt bởi (1) mức tăng tổng cộng 9,6% trong dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021-2025 do chúng tôi giả định tiến độ xử lý tài sản tồn đọng nhanh hơn và giảm giả định về khoản lỗ dự kiến từ tài sản tồn đọng dựa trên kỳ vọng của chúng tôi về việc bán tài sản thế chấp thành công ở mức giá cao;
(2) mức định giá cao hơn của chúng tôi đến từ phương thức giá trị vốn hóa thị trường trên tiền gửi do giá trị vốn hóa thị trường tương ứng cao hơn khi giá cổ phiếu tăng mạnh trong quý 1/2021 và mức chiết khấu định giá thấp hơn khi chúng tôi thay đổi giả định về khoản lỗ dự kiến từ tài sản tồn đọng;
(3) không còn áp dụng phương thức giá trị vốn hóa trên khoản vay để áp dụng phương thức P/B mục tiêu vì phương pháp giá trị vốn hóa/cho vay bị ảnh hưởng bởi tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) thấp hiện tại của STB;
(4) chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi giảm 50 điểm cơ bản từ 13% trước đây xuống 12,5%; và (5) tác động tích cực từ việc cập nhật mô hình định giá của chúng tôi đến giữa năm 2022.
Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 lên 10,5%, chủ yếu do dự phóng chi phí dự phòng năm 2021 giảm 24,5% sau khi chúng tôi thay đổi giả định về tỷ lệ nợ VAMC xử lý thông qua trích lập dự phòng. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh dự báo cho năm 2022/2023 là -4,7%/+ 3,3% khi chúng tôi đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng.
Chúng tôi duy trì giả định rằng (1) nợ gốc hiện tại từ việc bán quỹ đất Cần Đước sẽ được nhận vào năm 2023, (2) quỹ đất Phong Phú sẽ được xử lý vào năm 2021 và (3) toàn bộ số dư nợ ròng của VAMC sẽ được xử lý và được dự phóng vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi thay đổi giả định rằng tất cả lãi dự thu tồn đọng kế thừa sẽ được xử lý vào năm 2022 (so với năm 2024 trước đây).
Rủi ro chính: (1) Tiến độ xử lý tài sản tồn đọng chậm hơn dự kiến; (2) STB không xử lý được các tài sản đảm bảo lớn (như quỹ đất Phong Phú và /hoặc cổ phiếu của STB được thế chấp cho VAMC); (3) bất ổn về khoản lỗ dự kiến từ tài sản tồn đọng.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu STK
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) và tăng giá mục tiêu thêm 28% nhờ (1) chúng tôi ghi nhận thêm nhà máy mới của STK (‘Unitex’) trong mô hình dự báo, (2) chúng tôi giảm dự báo chi phí vốn chủ sở hữu thêm 50 điểm cơ bản còn 12,5%, (3) chúng tôi tăng tỷ lệ nợ trong cơ cấu vốn mục tiêu do STK bước vào chu kỳ xây dựng cơ bản mới, và (4) cập nhật giá mục tiêu đến giữa năm 2022.
Chúng tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của STK, dựa trên (1) công ty tập trung vào phân khúc cao cấp/ngách giúp gia tăng sự trung thành của khách hàng, (2) xu hướng chuyển đổi sang tiêu thụ sợi tái chế có biên lợi nhuận cao, (3) các diễn biến thuận lợi của ngành được hỗ trợ bởi quy định xuất xứ từ sợi/vải trở đi của các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và (4) hai dự án mở rộng dự kiến sẽ tăng công suất sản xuất của STK thêm 125% so với mức hiện tại vào cuối năm 2025.
Chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2021-2023 thêm tổng cộng 7% nhờ cơ cấu doanh số chuyển sang sợi tái chế nhanh hơn dự kiến và lượng công suất mới kể trên.
Yếu tố hỗ trợ: Kết quả tích cực từ cuộc điều tra chống bán phá giá của Bộ Công thương đối với sợi polyester filament (PFY) nhập khẩu, dự kiến thực hiện trong quý 2/2021.
Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: dịch COVID-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dệt may; Trung Quốc tiếp tục bán phá giá sợi nguyên sinh; các đối thủ tiềm năng mới trong mảng sợi tái chế; mất đi đối tác là công ty nhượng quyền sợi tái chế và cũng là nhà cung cấp hạt nhựa tái chế đầu vào của STK là Unifi.