Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/9 của các công ty chứng khoán.

LIG: Xem xét tích lũy

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2015 của CTCP Licogi 13 (mã LIG) tăng cùng với biên lãi gộp cải thiện giúp lợi nhuận tăng trưởng hơn 300% so với cùng kỳ. Cụ thể, theo BCTC bán niên vừa công bố, doanh thu lũy kế 6 tháng đạt 676 tỷ, tăng 9% so với cùng kỳ, tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp tăng từ 6,8% lên 8,6%. Sự cải thiện này chủ yếu đóng góp từ hoạt động xây dựng (80% tổng doanh thu) khi biên lãi gộp cải thiện đáng kể từ 3,5% lên 6,2%.

Nguyên nhân là một số công trình có biên lợi nhuận tốt như thủy điện Lai Châu, dự án Núi Pháo được ghi nhận doanh thu. Theo đại diện công ty chia sẽ, nhiều khả năng LIG sẽ tiếp tục được tham gia vào 2 giai đoạn tiếp theo của dự án Núi Pháo với giá trị 500 – 600 tỷ/giai đoạn.

Với biên lợi nhuận cải thiện trong khi chi phí được kiểm soát, kết quả lợi nhuận sau thuế đạt 13 tỷ tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ và EPS đạt 1.173 đồng/cp.

Hoạt động kinh doanh chuyển dịch dần theo hướng gia tăng nguồn thu từ các dự án bất động sản. Mặc dù doanh thu hoạt động xây dựng tăng trưởng trong những năm gần đây, LIG đánh giá công tác thu hồi vốn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và rất khó khăn. Nợ phải thu khách hàng tính đến 30.6.2015 là 455 tỷ, chiếm gần 30% tổng tài sản.

Chính vì vậy, nhằm phần nào giảm bớt rủi ro từ xây dựng và tạo sức bật cho hoạt động kinh doanh, LIG sẽ khởi động đầu tư bất động sản trong năm 2016.

Ước tính hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2015. Theo đó, doanh thu dự kiến đạt 1.147 tỷ hoàn thành 84% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế là 24 tỷ đồng, đạt 75% kế hoạch. Doanh thu từ xây dựng dự kiến sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm do các dự án lớn thực hiện trong 2014 chủ yếu ghi nhận trong 6 tháng đầu năm.

Mặc dù vậy, LIG đã chuyển nhượng thành công tài sản tại khu công nghiệp Quang Minh để bù đắp lợi nhuận cho hoạt động xây dựng. Doanh thu & lợi nhuận thu được là 27 và 12 tỷ sẽ ghi nhận trong 6 tháng cuối năm.

Với lợi nhuận dự kiến trên, EPS 2015 là 1.802 đồng/cp tính trên vốn điều lệ bình quân, tương đương P/E giao dịch hiện tại là 6,8 lần. Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức & thưởng cổ phiếu sau khi kết thúc đợt phát hành tăng vốn 2:1 lên 176 tỷ chốt ngày 3/8/2015. Tỷ lệ chi trả khoảng 25% và dự kiến thực hiện trong quý IV/2015.

BVSC đánh giá năm 2015 tiếp tục là 1 năm khởi sắc trong hoạt động kinh doanh của LIG. Sự tích cực này tiếp nối từ việc ghi nhận doanh thu dự án thực hiện trong năm 2014 và hoạt động thanh lý tài sản ở KCN Quang Minh. Tuy nhiên, so với năm 2014, hoạt động xây dựng có dấu hiệu chững lại khi Công ty chưa có dự án mới để gối đầu công việc cho 2016.

Trong khi đó, kế hoạch đầu tư dự án Tây Đằng chỉ mới bắt đầu và chưa mang lại lợi nhuận. Về mặt định giá, BVSC cho rằng với P/E forward 2015 dự kiến 6,8 lần là vẫn còn hấp dẫn trong ngắn hạn. Mức giá hợp lý với LIG theo phương pháp P/E dự kiến khoảng 14.500 đồng, tương đương P/E 8 lần.

Chúng tôi kỳ vọng cổ phiếu LIG sẽ có điều chỉnh về vùng 10.500 – 11.500 đồng/cp để nhà đầu tư xem xét tích lũy với lợi nhuận kỳ vọng 24% trong thời gian 2-3 tháng.

LIG: Sẽ đạt kế hoạch kinh doanh cả năm

CTCK MB (MBS)

Trong năm 2015, công ty đã trúng thầu thi công kết cấu phần thân Tòa nhà CT02 dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên bệnh viện 103. Tòa CT02 Học Viên Quân Y được thiết kế gồm 3 tầng hầm, 25 tầng nổi với diện tích sàn 2300 m2. Tổng giá trị thực hiện dự án là 123 tỷ đồng, thời gian thi công 1 năm. Việc trúng gói thầu này góp phần đảo bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh của công ty năm 2015.

LIG hiện đang sở hữu một lô đất rộng 1.8 héc-ta tại khu công nghiệp Quang Minh, xã Quang Minh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Thời hạn sử dụng đất đến 11/06/2053. Hạ tầng trên đất bao gồm: Nhà điều hành(1302 m2), nhà xưởng, hệ thống sân vườn, hệ thống đường giao thông nội bộ cùng với các công trình phụ trợ. Công ty dự kiến sẽ bán lô đất này trong năm 2015. Doanh thu dự kiến khoảng 27 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến là 12 tỷ đồng.

Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm, Doanh thu hợp nhất toàn công ty đạt 676,65 tỷ đồng tăng 8,92% so với cùng kì năm 2014 và bằng 49,51% kế hoạch năm. Trong đó, Công ty mẹ Licogi13 đạt 418 tỷ đồng, bằng 45,96% kế hoạch năm và tăng 6% so với cùng kỳ 2014.

Lợi nhuận trước thuế toàn công ty đạt 18,98 tỷ đồng tăng 3,41 lần so với cùng kỳ năm 2014 và bằng 39,5% so với kế hoạch năm. Trong đó Công ty Mẹ đạt 13,69 tỷ đồng gấp 3,99 lần so với cùng kỳ 2014. Kết quả lợi nhuận Công ty mẹ đạt được 6 tháng đầu năm 2015 nằm trong kế hoạch của công ty, trong kì công ty chưa hoạch toán lợi nhuận từ dự án Bất Động Sản Khu công nghiệp Quang Minh.

Năm 2015, LIG đặt ra kế hoạch kinh doanh với doanh thu 1367 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 48 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giá LIG nhiều khả năng sẽ đạt kế hoạch đề ra nhờ hoạt động xây lắp ổn định và lợi nhuận từ việc bán lô đất tại KCN Quang Minh.

TCM: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

6 tháng đầu năm 2015 CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM – sàn HOSE) đạt được doanh thu 1.340 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,6% so với cùng kì năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ, tăng 2,9%. Hoạt động kinh doanh của TCM trong năm 2015 nhìn chung vẫn được duy trì ổn định.

Giá nguyên liệu bông chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu giá vốn hàng bán của công ty(60%-70%)nên có ảnh hưởng rất lớn đến giá thành sản phẩm đầu ra của công ty(mảng kinh doanh sợi). Nhìn chung giá bông giảm cũng làm cho sản phẩm đầu ra của TCM giảm tương ứng nên việc hưởng lợi từ giảm giá bông là không nhiều.

Theo hiệp hội dệt may Việt Nam, trong năm 2016, mức lương cho lao động ngành dệt may có thể tăng 6% để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Trước đó phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã đề xuất mức tăng lương 10%. Chi phí lao động chiếm tỷ trọng khá lớn(15%-20%) trong cơ cấu giá vốn của công ty nên mức tăng lương cũng có những ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh doanh của TCM.

Theo kế hoạch, vào tháng 10/2015 hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp để xây dựng phương án tăng lương tối thiểu.

Các thị trường xuất khẩu của TCM đều được hưởng lợi khi các hiệp định quốc tế có hiệu lực, trong đó mức thuế hàng dệt may từ 12% về 0%(FTA EU-Việt Nam) và 17% về 0% ở thị trường Mỹ(đối với TPP).

Hiện tại các nhà máy của TCM gần như đã hoạt động với công suất gần như tối đa, do vậy công ty có kế hoạch mở rộng nhàChúng tôi ước tính kết quả kinh doanh năm 2015 của TCM đạt được doanh thu 2.800 tỷ, lợi nhuận sau thuế 185 tỷ, tương ứng với mức EPS là 3.800 đồng/cp. Với mức P/E so sánh là 9,8, mức giá mục tiêu cho TCM là 37.300 đồng.cp. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu TCM. máy ở tất cả các mảng kinh doanh. Việc đầu tư các nhà máy mới được dự tính sử dụng khoảng 30% vốn tự có, 70% còn lại công ty sử dụng nợ vay.

CTD: PE khá hấp dẫn, dự phóng 9,4x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Thời gian gần đây, mặc dù ngành xây dựng đã có những chuyển biến khá tích cực với giá trị sản lượng toàn ngành được cải thiện, nhưng nhiều công ty trong ngành vẫn tiếp tục tái cơ cấu hoặc tìm hướng đi cho phát triển dài hạn. Trong bối cảnh đó, CTCP Xây dựng Cotec (CTD) ngày càng vươn lên khẳng định năng lực, uy tín cũng như nền tảng cơ bản và tài chính vững mạnh của mình.

Từ đầu năm 2015 đến nay, CTD tiếp tục thắng thầu và khởi công nhiều công trình thuộc lĩnh vực hoạt động truyền thống là xây dựng dân dụng và công nghiệp. Giá trị hợp đồng mà CTD đã ký được đạt con số ấn tượng hơn 9.000 tỷ đồng với nhiều dự án có giá trị hợp đồng lớn, cao hơn tổng giá trị hợp đồng ký được trong cả năm 2014.

Một số dự án có thể kể đến như Khu cao ốc The Goldview (2.500 tỷ đồng), Vinhomes Park Hill - tháp Park 1-2-3-5 (1.088 tỷ đồng), Vinhomes Park 5-6, Vinhomes Landmark 1 & 2 (1.422 tỷ đồng), Nhà máy Regina Miracle International Vietnam (1.000 tỷ đồng)…

Đáng chú ý, thời gian gần đây, Công ty trúng thầu khá nhiều dự án ở khu vực phía Bắc, trong đó gồm cả dự án nhà ở, dân dụng và dự án nhà xưởng. Bên cạnh đó, giá trị hợp đồng được chuyển tiếp từ năm trước cũng sẽ góp phần vào kết quả kinh doanh 2015 – 2016, với con số ước đạt 5.315 tỷ đồng, trong đó dự kiến 3.166 tỷ đồng thực hiện trong năm 2015 và 2.149 tỷ đồng thực hiện trong năm 2016.

Ngoài ra, cùng với xu hướng đầu tư phát triển hạ tầng đang ngày càng được quan tâm ở Việt Nam, trong năm 2014, CTD bước đầu tham gia lĩnh vực xây dựng hạ tầng bằng việc tham gia thành lập CTCP Đầu tư hạ tầng FCC với tỷ lệ góp vốn 35% (các cổ đông khác gồm FECON: 40% và CIENCO 1: 25%), là chủ đầu tư dự án BOT đường tránh Phủ Lý - Quốc lộ 1. Dự án này đã được khởi công vào tháng 10/2014 với thời gian triển khai dự kiến trong 27 tháng, tổng mức đầu tư là 2.047 tỷ đồng, trong đó, giá trị xây dựng là 1.700 tỷ đồng.

Việc mở rộng hoạt động cả về địa bàn và loại hình công trình sẽ giúp củng cố vị thế cạnh tranh và uy tín của CTD trong ngành, đồng thời cho thấy tiềm năng phát triển trong dài hạn của Công ty.

Quý II/2015, CTD ghi nhận doanh thu hợp nhất 2.777,2 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 141,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 71,2% và 74,3% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ mảng xây dựng đạt 2.663 tỷ đồng, tăng 67,2% so với cùng kỳ, đóng góp tới 96% tổng doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng nhẹ, đạt 7,8% so với mức 7,3% cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của CTD tăng 53,5%, đạt 4.374 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 48,1%, đạt 215,2 tỷ đồng.

Năm 2015, CTD đặt kế hoạch tăng trưởng trên 20% với doanh thu hợp nhất 9.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ 400 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, CTD đã hoàn thành 47,5% kế hoạch doanh thu và 53,8% kế hoạch lợi nhuận. Lưu ý, đối với các công ty xây dựng nói chung và CTD nói riêng, kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm thường cao hơn. Theo đó, nhiều khả năng CTD sẽ hoàn thành hoặc có thể vượt kế hoạch đã đặt ra trong năm nay.       

Công tác quản trị tài chính của Công ty cũng rất tốt, thể hiện ở các chỉ số tài chính lành mạnh. CTD là công ty hiếm hoi trong ngành xây dựng không sử dụng đòn bẩy tài chính; Công ty không vay nợ ngân hàng, kể cả ngắn hạn và dài hạn trong suốt những năm qua.

Nhờ đó, CTD đã không phải chịu gánh nặng chi phí lãi vay, nhất là trong các năm trước khi mặt bằng lãi suất ở mức cao, và duy trì được lợi nhuận, tạo dòng tiền ổn định để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ngoài ra, việc thu hồi công nợ các khoản phải thu từ khách hàng không gặp nhiều khó khăn như một số công ty trong ngành.   

Hiện tại, CTD đã kín room nước ngoài (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đạt giới hạn 49%) với các cổ đông nước ngoài lớn như Kustoshem (24,15%), The Ton Poh Thailand Fund (5,79%). Với những lợi thế trên, CTD hoàn toàn có thể thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài khi quy định mới về nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đang được đưa vào thực tiễn thông qua các văn bản hướng dẫn. Trong các phiên giao dịch gần đây, khối lượng giao dịch của các nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong ngày.

Với giá trị hợp đồng đã ký và đang triển khai, Maybank KimEng điều chỉnh tăng dự báo kết quả kinh doanh năm 2015 của CTD, với ước tính doanh thu đạt 9.995 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 406 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Với mức giá đóng cửa ngày 24/8/2015 ở mức 93.000 đồng/CP, cổ phiếu CTD đang giao dịch với P/E dự phóng 9,4x - khá hấp dẫn so với tiềm năng tăng trưởng của CTD. Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây được cải thiện đáng kể so với trước. 

Tin bài liên quan