Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/8

NTP: Khuyến nghị mua vào

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Chúng tôi vừa có một số trao đổi nhanh liên quan đến kết quả kinh doanh quý II/2014 của CTCP Nhựa Tiền Phong (NTP - HNX).

Theo đó, kết quả kinh doanh quý II/2014 của công ty khá ấn tượng về mặt doanh thu, đạt hơn 833,4 tỷ đồng (+18,5% so với cùng kỳ). Nguyên nhân là do công ty đã chuyển một phần công suất từ nhà máy tại An Đà, Hải Phòng sang nhà máy tại Dương Kinh và Nghệ An là nơi có diện tích sản xuất rộng hơn, nhờ vậy tăng thêm được quy mô sản xuất và sản lượng tiêu thụ.

Tuy nhiên, giá bột nhựa PVC tăng trong nửa đầu năm (7-8%), trong khi giá bán hầu như không đổi khiến cho biên lợi nhuận của công ty thu hẹp.

Đồng thời, công ty cũng tăng chiết khấu cho đại lý nhằm bảo vệ thị phần nên chi phí bán hàng luôn duy trì ở mức cao và nhích nhẹ so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của quý II/2014 do đó đạt 96 tỷ đồng và giảm khoảng 3,7% so với cùng kỳ.

Đối với triển vọng nửa cuối năm 2014, chuyên viên ngành cho biết tình hình kinh doanh của NTP sẽ duy trì ở mức ổn định, giá bột nhựa có khả năng sẽ giảm trở lại theo xu hướng của giá dầu thô cũng là yếu tố tích cực đối với công ty.

Doanh thu và lợi nhuận ước tính cho năm 2014 của NTP dự kiến đạt lần lượt 2.677 tỷ đồng (+8% yoy) và 309 tỷ đồng (+6,6% yoy), tương đương EPS là 5.488 đồng/cp. Với giá đóng cửa hôm nay là 47.600 đồng, NTP đang giao dịch thấp hơn giá mục tiêu trong lần cập nhật gần nhất của chúng tôi khoảng 35%, đồng nghĩa với khuyến nghị MUA.

Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu khá thấp với khối lượng giao dịch bình quân 10 phiên gần nhất chỉ đạt xấp xỉ 4.200 cp, chúng tôi cho rằng điều này làm giảm đi tính hấp dẫn của một doanh nghiệp đầu ngành nhựa như NTP.

GMD: Chưa thực hấp dẫn để đầu tư vào thời điểm này

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Giá cổ phiếu GMD bất ngờ tăng mạnh 3,3 % sau khi Công ty công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm với lợi nhuận sau thuế tăng đột biến, đạt 543 tỷ đồng trong quý II/2014 so với vỏn vẹn 2 tỷ đồng cùng kỳ năm 2013.

Mức tăng bất thường này đến từ việc hạch toán khoản lợi nhuận do chuyển nhượng 85% vốn góp trong Gemadept Tower (06 Lê Thánh Tôn, Q.1, Tp.HCM) cho tập đoàn CJ (Hàn Quốc) vào khoảng 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, chuyên viên của chúng tôi cho rằng điều này không quá bất ngờ khi mà khoản lợi nhuận này đã được “treo” trên BCTC của Công ty mẹ GMD trong suốt nửa năm qua.

Quý IV/2013, Công ty mẹ Gemadept đã ghi nhận lợi nhuận tương đương 669 tỷ đồng từ việc định giá lại Gemadept Tower khi góp vốn vào Công ty Xúc tiến thương mại hàng hải (Marproco); tuy nhiên, do chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng khoản này vẫn được loại trừ trên BCTC hợp nhất của GMD cho đến thời điểm này.

Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động đầu tư của GMD tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ trong quý II vừa qua cho thấy GMD cũng đã chính thức thu được giá trị thanh toán cho Gemadept Tower từ CJ Group. Như vậy, với kết quả kinh doanh quý II, GMD hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm 2014 (600 tỷ đồng).

Bên cạnh việc hạch toán lợi nhuận bất thường trên, hoạt động kinh doanh cốt lõi của GMD cũng cho thấy một số dấu hiệu tích cực với doanh thu từ hoạt động khai thác cảng tăng 24% và doanh thu vận tải và logistics tăng 8% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm.

Riêng biên lợi nhuận gộp của mảng khai thác cảng tăng từ 26% trong quý I lên 30% trong quý II chủ yếu nhờ việc đưa cảng Nam Hải – Đình Vũ công suất 500.000 tấn/năm vào hoạt động từ tháng 5/2014.

Với công suất vận hành dự kiến khoảng 50-60%, từ nay đến cuối năm, cảng Nam Hải Đình Vũ có thể sẽ giúp doanh thu mảng kinh doanh cảng của GMD tăng trưởng 20-25% trong cả năm, đồng thời bù đắp nguồn thu từ mảng cho thuê văn phòng sau khi chuyển nhượng GMD Tower.

Ở giá đóng cửa hôm nay là 37.600 đồng/cp, GMD đang giao dịch ở mức P/E forward chỉ khoảng 5,6 lần. Tuy nhiên, sau khi loại trừ thu nhập từ việc chuyển nhượng Gemadept Tower, tỷ số P/E forward điều chỉnh vào khoảng 17,1 lần, chưa phải là một mức định giá thật sự hấp dẫn vào thời điểm này.

Chúng tôi sẽ có đánh giá cụ thể hơn về triển vọng kinh doanh và tình hình đầu tư các dự án lớn của GMD sau khi trao đổi thêm với doanh nghiệp.

HAG: Lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục giảm

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Như đã đề cập trong bản tin nhật ký tư vấn đầu tuần, hôm nay, chúng tôi tiếp tục gửi đến nhà đầu tư những bình luận mới nhất về triển vọng dự án HAGL Myanmar HAG đang thực hiện tại Yangon. Từ góc nhìn tổng quát nhất, thị trường bất động sản Myanmar đang ở trong thời kỳ tăng trưởng nóng hơn bao giờ hết và chúng tôi cho rằng HAG là một trong số những nhà đầu tư sớm “đánh hơi” được cơ hội tại đây.

Trước năm 2012, nguồn cung bất động sản bị hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu, tuy nhiên, làn sóng thay đổi đã đến với Yangon kể từ khi Myanmar mở cửa thị trường bất động sản. Khảo sát một lượt những dự án đã và đang xây dựng tại đây (xem thêm phụ lục), chúng tôi nhận thấy nguồn cung đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong năm 2015.

Giá bất động sản đang đạt mức cao nhất từ khi Myanmar mở cửa nền kinh tế tuy nhiên tốc độ tăng giá đang chậm lại. Đây là nội dung của 1 bài báo địa phương viết về thị trường bất động sản Myanmar mà chuyên viên phân tích của chúng tôi tình cờ đọc được và chúng tôi cho rằng đây là một đánh giá khá hợp lý về thị trường này.

Các giao dịch bất động sản khá ngưng trệ. Những người nhiều tiền cũng không đầu tư thêm vào bất động sản với giá quá cao như hiện nay. Trong các khu công nghiệp giá đất cũng đã tăng mạnh do nhiều người mua đất và găm giữ thay vì xây dựng để vận hành các nhà máy. Giá bất động sản sẽ sớm được kiểm soát khi các công trình được xây dựng nhiều hơn.” (Theo tạp chí Kanaray Myanmar 30/05/2014)

Tuy nhiên, chuyên viên ngành tin rằng HAG vẫn có thể khai thác được mức giá hấp dẫn tại thị trường này trong vòng 2 năm kể từ khi giai đoạn 1 của dự án hoàn thành trước khi giá trở về mức hợp lý hơn do những rào cản trong ngắn hạn liên quan đến việc tiếp cận quỹ đất, xin giấy phép và xây dựng.

Như vậy, điều quan trọng là dự án của HAG phải hoàn thành đúng tiến độ để có thể tận dụng cơ hội trên. Hiện tại, HAG đã xây đến tầng thứ 5 của khách sạn và trung tâm thương mại, 1 block văn phòng và tầng 7 của 1 block văn phòng còn lại. Tiến độ thi công vào khoảng 1 tầng/tuần (đối với khối văn phòng và khách sạn 27 tầng), còn trung tâm hội nghị đang thi công tầng đầu tiên.

Giai đoạn 1 của dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý I/2015 và HAG sẽ thu tiền cọc thuê văn phòng và trung tâm thương mại từ quý IV/2014. Đối với khách sạn 5 sao 400 phòng, HAGL sẽ xin nhượng quyền thương hiệu từ 1 tên tuổi lớn trong ngành khách sạn (nhiều khả năng là Hilton) và phải trả phí hàng tháng. HAGL sẽ mất thêm 6 tháng để tổ chức này giúp HAGL vận hành khách sạn theo đúng tiêu chuẩn 5 sao.

Giai đoạn 2 của dự án (5 block căn hộ, 2 block văn phòng hạng A) dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III/2016. Hiện tại có khá nhiều dự án căn hộ đang được triển khai và sẽ được tung ra thị trường từ năm 2015, do đó, chúng tôi cho rằng phân khúc căn hộ của HAGL - Myanmar có thể sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp Myanmar thông qua luật mới cho phép người nước ngoài mua căn hộ chung cư thì HAG sẽ có thêm nguồn cầu tiềm năng nhờ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và vị thế đẹp của dự án mà HAG đang triển khai.

Hôm nay, HAG cũng vừa công bố báo cáo hợp nhất quý II/2014, theo đó, doanh thu đạt hơn 698 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Sau 6 tháng, HAG đã đạt 48,1% kế hoạch doanh thu và 46,9% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Doanh thu từ đường tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt hơn 295 tỷ đồng chiếm 42,3% doanh thu thuần. Bắp lần đầu tiên đóng góp trong doanh thu với gần 114 tỷ đồng chiếm 16,3% doanh thu, đây cũng là mảng có biên lợi nhuận gộp tốt nhất trong quý 2 (63,1%).

Quý II/2014 giá các loại nông sản đã giảm mạnh khiến biên lợi nhuận gộp chung của HAGL sụt giảm còn 41,7% so với 53,3% của cùng kỳ năm 2013. So với cùng kỳ năm ngoái, biên lợi nhuận của mía đường đã giảm từ 64% xuống còn 48,2%, trong khi của cao su giảm từ 62,5% xuống còn 42,8%. Chúng tôi cho rằng HAG vẫn chưa bán hết lượng cao su và bắp sản xuất trong nửa đầu năm, diễn biến đi xuống của giá các sản phẩm này khả năng sẽ còn kéo dài đến cuối quý IV/2014, đây là điều mà nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu HAG cần quan tâm theo dõi.

GAS: Hợp lý để mua vào

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Tổng công ty khí Việt Nam – CTCP (HSX: GAS) đã công bố thông tin về kết quả kinh doanh của 6 tháng đầu năm 2014, với doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt lần lượt 34,965 tỷ đồng (+10.0% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 6,427 tỷ đồng (-13% so với cùng kỳ năm ngoái, hoặc -1.3% so với cùng kỳ năm ngoái nếu loại trừ khoản thu nhập bất thường 1,153 tỷ lợi nhuận trướcthuế từ hoàn nhập quỹ khoa học công nghệ trong 6 tháng đầu năm 2013). Kết quả kinh doanh này chưa chịu ảnh hưởng bởi lộ trình giá khí mới cho hộ tiêu thụ điện (theo công văn 2175/VPCP-KTTH).

GAS vẫn đang tạm ghi nhận giá khí bán cho nhà máy điện theo mức giá cũ.

Trong kỳ, công ty đã tiến hành triển khai đầu tư vào các dự án lớn, bao gồm đường ống Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1 và hê thống đường ống thu gom, phân phối khi Hàm Rồng – Thái Bình. Các dự án này được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong giai đoạn quý III-quý IV/2015.

- Đường ống Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1, dài 155 km với tổng mức đầu tư hơn 400 triệu USD, sẽ thu gom khí từ các mỏ Đại Hùng và Thiên Ưng dần về điểm kết nối với đường ống Bạch Hổ.

- Hệ thống đường ống Hàm Rồng – Thái Bình với giai đoạn 1 (vốn đầu tư 86.8 triệu USD) dẫn khí từ mỏ Thái Bình (khí khô) vào bờ cung cấp cho các hộ tiêu thụ khí thấp áp và CNG. Giai đoạn 2 (96 triệu USD) sẽ được tiếp tục sau khi giai đoạn 1 hoàn tất với mục tiêu dẫn khí Hàm Rồng (khí ẩm) về giàn Thái Bình.

Trong 6 tháng cuối năm 2014, GAS dự kiến sẽ giảm sở tại Công ty cổ phần bọc ống dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) từ 76.5% VĐL còn 51% VĐL. Như vậy, GAS – cổ đông sáng lập của PVB – sẽ bán ra khoảng 5.5 triệu cổ phần của công ty này. Cổ phiếu PVB có mức tăng giá mạnh trong thời gian vừa qua, sau khi ghi nhận khoản lợi nhuận rất cao từ hoạt động bọc ống cho các dự án của PTSC M&C (Sư Tử Nâu) và PV Gas (Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1). Chúng tôi ước tính hoạt động thoái vốn này của GAS có thể mang lại khoản thu nhập tài chính khoảng 170–190 tỷ đồng. Ngoài ra, việc thoái vốn tại các đơn vị khác gồm CTCP vận tải dầu khí Cửu Long (HNX: PCT, nắm 19.5% cổ phần) và NHTMCP Seabank (nắm 2% cổ phần) sẽ được thực hiện trước khi kết thúc quý II/2015.

Quyết toán tiền khí trên mức bao tiêu lô 06.1 giai đoạn 2009–2013 với các nhà máy điện Liên quan đến quá trình quyết toán lượng khí giao nhận trên mức bao tiêu lô khí 06.1, GAS đã hoàn thành các hợp đồng sửa đổi bổ sung với EVN (đại diện cho nhóm các nhà máy điện dùng khí 06.1) với tổng giá trị ước tính là 185 triệu USD. Đây là khoản thu nhập phát sinh từ chênh lệch giá khí thực tế và giá khí tạm tính (bằng với giá khí trong bao tiêu) cho lượng khí trên bao tiêu trong giai đoạn 01/07/2009 – 31/12/2013.

Cụ thể, (1) giai đoạn 01/07/2009 – 28/02/2011, giá khí NCS cho lượng khí trên bao tiêu áp dụng theo công văn 844/VPCP-KTN, trong đó sản lượng bao tiêu 2.7 tỷ m3, đơn giá cộng thêm 0.3 USD/MMBTU cho phần vượt bao biêu), (2) giai đoạn 01/03/2011 – 31/12/2013, giá khí NCS cho lượng khí trên bao tiêu áp dụng theo công văn 1151/TTg-KTN với lộ trình tăng giá hàng năm cho lượng khí vượt mức bao tiêu 3.5 tỷ m3.

GAS sẽ trả lại PVN khoản tiền (chúng tôi ước khoảng 44 triệu USD) cho giai đoạn trước cổ phần hóa (GAS chính thức chuyển sang hình thức công ty đại chúng vào ngày 15/05/2011). Như vậy, khoản thu nhập còn lại sẽ vào khoảng 140 triệu USD, tương đương 2,900 tỷ đồng.

Với sự tham gia chỉ đạo của các bộ ngành liên quan, chúng tôi kỳ vọng các hợp đồng sẽ được ký kết trong thời gian tới (năm nay hoặc năm 2015) và GAS có thể hạch toán khoản tiền này như một khoản lợi nhuận trước thuế.

Thị trường đã có nhiều đồn đoán về việc bán cổ phần cho đối tác chiến lược thông qua việc giảm sở hữu của PVN tại GAS. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng vấn đề này chưa xảy ra vào thời điểm hiện tại, khi mà chính phủ đã tạm dừng kế hoạch bán tiếp phần vốn Nhà nước tại GAS (công văn 384/TB-VPCP ngày 28/10/2013) và hiện vẫn chưa có thông tin thêm về vấn đề này.

Chúng tôi giữ nguyên mức dự báo về lợi nhuận 2014 ở mức 13,127 tỷ đồng (chưa xét đến lợi nhuận bất thường từ hạch toán lượng khí trên bao tiêu Nam Côn Sơn, nếu có), tương đương EPS đạt 6,927 đồng/CP. GAS đang giao dịch tại mức P/E forward 2014 khá cao (17x), nhưng hợp lý nếu xét triển vọng thực tế của GAS trong 2015 khi giá khí cho hộ điện được áp dụng 100% theo giá thị trường.

Chúng tôi lưu ý rằng, dù đã có giá khí mới cho lượng khí trên bao tiêu với hộ tiêu thụ điện theo công văn 2175/VPCP-KTTH (ước +31% so với giá khí cũ theo công văn 1151/TTg-KTN), cho đến nay GAS vẫn chỉ đang ghi nhận doanh thu bán khí cho phần vượt bao tiêu khí NCS theo giá tạm tính (bằng giá khí trong bao tiêu).

Nghĩa là, có thể việc tăng giá khí cho điện sẽ chưa được thể hiện ngay trên kết quả kinh doanh, mà phải chờ cho đến khi có thể thống nhất sản lượng vượt bao tiêu giữa GAS và EVN. Việc GAS có thể ghi nhận khoản thu nhập bất thường trong thời gian tới sẽ là yếu tố tác động tích cực đến giá cổ phiếu GAS.

GAS: Sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định

CTCK BIDV (BSC)

Quý II/2014, PVGAS đạt 18.703 tỷ đồng doanh thu thuần và 3.329 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt là 19% và 11% so với cùng kỳ. Trong quý II/2014, sản lượng khí tiêu thụ đã tăng 6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên tính chung 6 tháng đầu năm 2014, trong khi doanh thu thuần tăng nhẹ 9% thì lợi nhuận sau thuế lại giảm 12% tương đương 855 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu của việc giảm lợi nhuận là do trong quý I.2013, PVGAS thực hiện hoàn nhập quỹ Phát Triển Khoa học công nghệ 1146 tỷ đồng.

6 tháng cuối năm 2014, doanh nghiệp ước tính tiêu thụ 4,4 tỷ m3 khí khô và 540 nghìn tấn LPG, thấp hơn mức sản lượng đã thực hiện trong 6 tháng đầu năm (5,2 tỷ m3 khí khô và 515 nghìn tấn LPG).

Tuy nhiên, từ 01/04/2014, PVGAS được hạch toán hết toàn bộ chi phí vận chuyển và phân phối khí bán cho các hộ sản xuất đạm, tăng giá khí bán cho đạm nên biên lợi nhuận mảng khí bán cho đạm sẽ được cải thiện.

Hơn nữa, giá LPG được kỳ vọng sẽ tăng vào các tháng cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ khí đốt cho mùa đông ở các nước tăng lên đặc biệt là châu Âu.

Ngoài ra, khoản nợ 180 triệu USD phải thu từ EVN về tiền mua khí trên bao tiêu trong giai đoạn từ 2009 đến 31/3/2014 khi được quyết toán sẽ mang lại lợi nhuận đột biến cho doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi nhận định PVGAS sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong 6 tháng cuối năm 2014.

HDG: Khuyến nghị theo dõi

CTCK FPT (FPTS)

Doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm 2014 đạt gần 575 tỷ đồng (+ 125,5% so với cùng kỳ năm ngoái) do các dự án bất động sản đã hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng, ví dụ: Dự án Nguyễn Văn Công (Quận Gò Vấp, tp. Hồ Chí Minh), Hà Đô Park View (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) dự kiến bàn giao quý IV/2014.

Giá vốn hàng bán tăng cao ở mức 523 tỷ, chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 24,7%).

Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh do lãi thu hồi từ các khoản đầu tư giảm và chỉ gồm khoản 9 tỷ từ tuền gửi và cho vay.

Đây là những lý do chính khiến mặc dù doanh thu tăng hơn gấp 2 lần so với lũy kế 6 tháng 2013 nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 24,3 tỷ (-23,82% so với cùng kỳ năm ngoái).

Nhìn chung, sau 6 tháng đầu năm, kết quả sản xuất kinh doanh của HDG duy trì ở mức trung bình. Doanh thu mới đạt 38,33%, lợi nhuận sau thuế đạt 14,21% kế hoạch năm 2014. Do đó, nhiều khả năng HDG sẽ không đạt kế hoạch năm.

Với tình hình hoạt động như trên, chúng tối đánh giá HDG khó có khả năng hoàn thành mức kế hoạch năm đề ra trong Đại hội cổ đông 2014 do đó, khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu HDG trong ngắn hạn.

SBA: Có thể xem xét mua vào

CTCK MB (MBS)

SBA vừa công bố kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu đạt mức 72.5 tỷ VND, tăng 50% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt mức 16 tỷ VNĐ tăng mạnh so với cùng kỳ. Kết quả kinh doanh và sức khỏe tài chính của SBA đều cho thấy sự cải thiện khả quan.

SBA sở hữu hai nhà máy thủy điện là nhà máy Thủy điện Khe Diên (9 MW) và nhà máy thủy điện Krong năng (64MW). Cả hai nhà máy này đều được đầu tư với suất đầu tư rất hiệu quả là 23 tỷ /MW.

Trong năm 2014, triển vọng lợi nhuận của Công ty rất khả quan khi chi phí lãi vay giảm đáng kể, lượng nước về hồ dự kiến tốt (cao hơn 18% so với năm ngoái). Từ tháng 6/2013, Công ty đã đàn phán thành công với EVN tăng giá bán điện của nhà máy Krong năng thêm 40% và do đó biên lợi nhuận 2014 cải thiện mạnh so với 2013.

Công ty có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh rất dồi dào do dó có khả năng trả cổ tức tốt cho cổ đông và trả bớt nợ vay. Cổ tức dự kiến hàng năm là 1,000 VNĐ/CP. Lợi suất cổ tức lên tới 9.5%. PE dự phóng ở mức 6.5 là mức thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành .

Trong các năm tới theo dự báo thủy văn của Công ty thì lượng nước về hồ sẽ tăng lên (năm 2012, 2013 là đáy), cộng thêm chi phí lãi vay giảm mạnh do Công ty đã trả đáng kể nợ vay, chúng tôi dự kiến lợi nhuận sẽ tăng trưởng từ trên 10% trong năm tới. Chúng tôi đánh giá SBA thích hợp để xem xét đầu tư.

VCG:PE đang giao dịch 10,8x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) công bố báo cáokết quả kinh doanh quý II/2014 với lợi nhuận sau thuế khá sát dự báo của chúng tôi. VCG ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.569,9 tỷ, giảm 51,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 132,9 tỷ, tăng 636,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sụt giảm doanh thu từ xây dựng (-53,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và doanh thu sản xuất công nghiệp (-59% so với cùng kỳ năm ngoái) là yếu tố kéo doanh thu hợp nhất giảm. Tỷ suất lợi nhuận gộp ở mảng xây dựng giảm khá nhiều so với cùng kỳ (3,4% so với 9,2% trong quý 2/2013); theo chúng tôi là do các hợp đồng ký mới trong năm nay có giá trị lớn hơn, thời gian thi công dài hơn và mới được khởi công; do đó doanh thu được ghi nhận chưa nhiều trong khi chi phí phát sinh đã ghi nhận.

Doanh thu từ hoạt động sản xuất công nghiệp giảm là điều dễ hiểu vì VCG đã thoái vốn và không còn hợp nhất kết quả kinh doanh của Nhà máy xi măng Cẩm Phả kể từ quý IV/2013. Tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này được cải thiện lên 28,6% so với 20,7% trong cùng kỳ.

Tỷ suất lợi nhuận gộp chung cũng cải thiện lên 15,6% so với 12% trong cùng kỳ. Lợi nhuận gộp theo đó giảm 36,5% đạt 244,7 tỷ, giảm ít hơn doanh thu. Tuy vậy, lợi nhuận hoạt động giảm mạnh hơn với tỷ lệ 69,9% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 91,2 tỷ do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 8 lần so với cùng kỳ lên 136,6 tỷ (tuy nhiên chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý II năm trước thấp một cách đáng ngạc nhiên 17,3 tỷ). VCG chưa công bố thông tin các khoản mục chi tiết trong chi phí sản xuất kinh doanh.

Yếu tố chính giúp lợi nhuận sau thuế của VCG tăng mạnh trong quý II/2014 là sự sụt giảm đáng kể của chi phí lãi vay sau khi tái cơ cấu thoái vốn từ nhà máy xi măng Cẩm Phả (điều này đã được chúng tôi đề cập nhiều lần trong các báo cáo/nhận định về VCG). Trong quý II/2014, VCG ghi nhận lãi ròng 1,3 tỷ từ hoạt động tài chính so với lỗ ròng 158,4 tỷ trong cùng kỳ, trong đó chi phí lãi vay giảm 67,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, tình hình hoạt động của các công ty liên doanh liên kết cũng có cải thiện, nhờ đó VCG đã ghi nhận 14,8 tỷ lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết, so với lỗ 94,8 tỷ trong cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 132,9 tỷ, tăng 636,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2014 tiếp tục cho thấy chuyển biến tích cực sau khi VCG thoái vốn từ Xi măng Cẩm Phả. Cổ phiếu VCG giao dịch với PE 4 quý gần nhất 10,8x.

AAA: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

Kết quả kinh doanh quý II của AAA khả quan: Doanh thu thuần tăng mạnh 39% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần tăng đột biến đạt 707 tỷ đồng (+36% yoy, hoàn thành 54,4% KH) tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tương đương với cùng kỳ năm ngoái (~30 tỷ đồng, hoàn thành 48,4% KH).

Chúng tôi cho rằng, AAA có thể hoàn thành KH 2014. Sau đợt phát hành cổ phiếu tăng VĐL cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, EPS forward pha loãng sẽ đạt 1.566 đồng/cp. Dựa trên mức P/E trung bình ngành nhựa bao bì là 8,1 lần, giá cổ phiếu AAA sau pha loãng sẽ là 12.685 đồng/cp cao hơn mức giá chào bán cổ phiếu phát hành thêm cho công chúng là 11.000 đồng/cp. Mức giá chào bán trên khá hấp dẫn khi thực hiện quyền mua và và chuyển nhượng lại cổ phiếu ngay sau đó. Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với AAA trong ngắn hạn.

PVI: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Doanh thu trong quý II/2014 của PVI đạt 2043,4 tỷ đồng (-0,46% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 60,1 tỷ đồng (+0,33% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu đạt 3884,6 tỷ (tương đương 52,36% kế hoạch doanh thu), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 105,8 tỷ tức 43,64% kế hoạch lợi nhuận sau thuế. Chúng tôi kỳ vọng PVI hoàn thành được 95% kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong năm nay. Theo đó, EPS forward cho 2014 là 983đ/cp, P/E forward tương ứng đạt mức 19,84 lần, cao hơn trung bình ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI với PVI.

IJC: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Mặc dù giá trị doanh thu và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 tăng nhẹ so với cùng kỳ , tỷ suất lợi nhuận ròng giảm mạnh do chi phí tài chính tăng gấp đôi từ việc trả lãi cổ tức và tăng chi phí lãi vay.

IJC mới hoàn thành được 14% kế hoạch doanh thu và 10% kế hoạch lợi nhuận sau thuế , VCBS cho rằng, trong 2 quý cuối năm 2014 IJC sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan hơn và cao hơn so với cùng kì. Mặc dù vậy công ty khó có khả năng hoàn thanh kế hoạch đã đề ra. P/E trailing là 24,7 lần, P/E forward 2014 là 20,3 lần – tương đối cao so với trung bình ngành BĐS. Do đó, VCBS khuyến nghị THEO DÕI đối với cổ phiếu IJC.

DCL: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần tuy chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 352,8 tỷ đồng (50,4% kế hoạch) nhưng lợi nhuận sau thuế khá ấn tượng, đạt 23 tỷ đồng (+27% so với cùng kỳ năm ngoái, 60,5% kế hoạch) nhờ chi phí lãi giảm một nửa xuống còn 19 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp được cải thiện từ 26,2% lên 31,8%.

Điểm quan ngại là (1) khoản phải thu khách hàng tiếp tục tăng đạt 231,6 tỷ đồng (+14,3% ytd); (2) dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bị âm do tiền thu từ khách hàng giảm 21 tỷ đồng trong khi tiền chi cho các hoạt động kinh doanh khác tăng 25,4 tỷ đồng.

Năm 2014, nhiều khả năng DCL sẽ vượt mức lợi nhuận đề ra dựa trên triển vọng tăng trưởng của mảng dược phẩm trong 2 quí cuối năm và sự cải thiện trong hệ thống bán hàng. Rủi ro đầu tư đối với DCL là các khoản nợ xấu còn nhiều và chưa được trích lập hết.

Vì vậy, mặc dù EPS forward theo kế hoạch đạt 4.791 đồng, P/E forward 6,5x, thấp hơn mức TB ngành là 10,8x, chúng tôi khuyến nghị THEO DÕI với cổ phiếu DCL.

BMP: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt 1.120 tỷ đồng (+8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, 50,9% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế sụt giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 196 tỷ đồng (50,2% kế hoạch). Triển vọng 6 tháng cuối năm khả quan, BMP có thể hoàn thành kế hoạch mục tiêu.

Lợi nhuận sau thuế năm 2014 sẽ không bị ảnh hưởng bởi khoản truy thu thuế 75 tỷ đồng do BMP tiếp tục khiếu nại lên cấp quản lý cao hơn, EPS forward đạt 8.575 đồng/cp, P/E forward đạt 8 lần, giá của cổ phiếu BMP đang được điều chỉnh về mức giá tương đối hấp dẫn. Chúng tôi khuyến nghị MUA phiếu BMP cho mục tiêu dài hạn.

VC2: Khuyến nghị theo dõi

CTCK Vietcombank (VCBS)

Cập nhật kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 và dự kiến 6 tháng cuối năm 2014 của CTCP Vinaconex 2 (mã VC2). Cụ thể, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2014 đạt 228,5 tỷ đồng (+1,46% so với cùng kỳ năm ngoái; 35% kế hoạch), lợi nhuận trước thuế đạt 21,4 tỷ đồng (+311%so với cùng kỳ năm ngoái; 106% kế hoạch). Mảng kinh doanh bất động sản giúp VC2 cải thiện biên lợi nhuận gộp đáng kể.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, VC2 đã tìm được đối tác chuyển nhượng cổ phần tại công ty tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel và công ty cổ phần vật tư ngành nước. Dự kiến hạch toán lỗ khoản này trong 6 tháng cuối năm 2014. Trong 6 tháng cuối năm 2015 dự kiến sẽ có đột biến nhờ hạch toán doanh thu tòa nhà D của dự án Kim Văn – Kim Lũ. Khuyến nghị: THEO DÕI

Tin bài liên quan