Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu VRE

CTCK BIDV (BSC)

Dưới quan điểm thận trọng, BSC điều chỉnh giảm dự báo kết quả kinh doanh Công ty cổ phần Vincom Retail (VRE – sàn HOSE) năm 2021. Theo đó, lợi nhuận ghi nhận mức giảm 20% so với dự báo trước đó.

BSC dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2021 của VRE lần lượt ước đạt 7.622 tỷ đồng (giảm 8,5% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 1.997 tỷ đồng (giảm 16%). EPS FW 2021 = 857 đồng. PE FW 2021 = 33,4 lần.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của VRE dự báo sẽ phục hồi mạnh từ mức nền thấp 2021. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2021F lần lượt là 10.310 tỷ đồng (tăng trưởng 35% so với năm trước) và 3.069 tỷ đồng (tăng trưởng 54%). EPS FW 2021 = 1.318 đồng. PE FW 2021 = 21,7 lần.

Chúng tôi sử dụng kết hợp phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF so sánh EV/EBITDA để định giá cổ phiếu Vincom Retail (tỷ trọng mỗi phương pháp là 50%). Giá mục tiêu cho 1 năm tới của chúng tôi với cổ phiếu VRE là 34.100 đồng/CP (+21.3 % so với giá đóng cửa ngày 16/8/2021). Mức EV/EBITDA mục tiêu 15 lần, tương đương mức bình quân ngành, đồng thời khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu này.

Khuyến nghị chốt lãi cổ phiếu POM tại ngưỡng 20.0

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu POM của Công ty cổ phần Thép Pomina đang nằm trong xu hướng hồi phục từ vùng đáy 14.0. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên đồng thuận với đà tăng giá cổ phiếu.

Đường giá cổ phiếu đã vượt lên MA20 và MA50, báo hiệu xu hướng tăng giá tích cực. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều đang ủng hộ xu hướng tăng giá này.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 15.9, chốt lãi tại ngưỡng 20.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 14.0.

Khuyến nghị mua cổ phiếu CTG với giá mục tiêu là 40.600 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý II/2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG – sàn HOSE) có thu nhập lãi thuần đạt 10.879 tỷ đồng (tăng 2,2% so với quý trước, tăng 39,5% so với cùng kỳ); tổng thu nhập hoạt động đạt 14.083 tỷ đồng (tăng 9% so với quý trước, tăng 41,2% so với cùng kỳ).

Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng mạnh, đạt 7.106 tỷ đồng (tăng 221% so với cùng kỳ, tăng 426% so với quý trước) khiến cho lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2.239 tỷ đồng (giảm 65,.4% so với quý trước, giảm 38% so với cùng kỳ).

Tỷ lệ nợ xấu quý II/2021 đạt 1,34%, tăng 46bps so với quý trước, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng đột biến 59bps so với quý trước. Theo thông tin từ phía CTG, đây là phần nợ xấu tương ứng của một doanh nghiệp lớn, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tuy nhiên không thuộc đối tượng được áp dụng cơ cấu nợ theo thông tư 01/2020 và 03/2021.

Trong nửa cuối năm 2021, CTG đặt mục tiêu NPL < 1,5%, tăng trưởng tín dụng hiện tại đã đạt gần biên độ NHNN đặt ra là 7,5% và kỳ vọng nới được tăng trưởng trong thời gian tới. Ngoài ra, CTG dự định trích lập hết phần dự phòng cho nợ tái cơ cấu theo thông tư 03 trong năm 2021.

Trong trường hợp thuận lợi, CTG có thể bắt đầu ghi nhận Upfront fee từ hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife vào quý IV/2021 hoặc muộn hơn vào quý I/2022 sau khi Manulife hoàn tất mua lại Aviva.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu là 40.600 đồng/CP, cao hơn 17,3% so với giá tại ngày 17/08/2021.

Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu STK với giá mục tiêu là 54.100 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) công bố kết quả kinh doanh quý II/2021 với lợi nhuận đạt 70,7 tỷ đồng, gấp hơn 27 lần cùng kỳ và doanh thu đạt 510 tỷ đồng (tăng 103% so với cùng kỳ năm ngoái) nhờ tăng ở cả sản lượng và giá bán; tăng tỷ trọng mảng sợi tái chế và chênh lệch giữa giá bán và giá nguyên liệu tăng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp.

Làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ 4 gây tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng trở nên khó khăn. Từ ngày 15/7/2021, công ty đã thực hiện “3 tại chỗ” tại nhà máy Trảng Bàng và Củ Chi để đảm bảo duy trì khoảng 70% công suất sản xuất.

STK đã thông qua đầu tư dự án nhà máy sợi Unitex để sản xuất sợi tái chế và các loại sợi có giá trị gia tăng cao với công suất 60,000 tấn giúp tăng công suất nhà máy lên gấp 2 lần. Dự án có vốn đầu tư ước tính 2,870 tỷ đồng được tài trợ từ 70% vốn vay và 30% vốn chủ, chia thành 2 giai đoạn.

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ với STK, giá mục tiêu 54.100 đồng/CP. Chúng tôi đánh giá cao triển vọng kinh doanh STK trong dài hạn khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát. Năm 2021, chúng tôi dự phóng kết quả kinh doanh với lợi nhuận 279,7 tỷ đồng (tăng 93,8% so với năm trước) và doanh thu đạt 2.250,6 tỷ đồng (tăng trưởng 27,5%).

Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 86.900 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng với giá mục tiêu 86.900 đồng/CP dựa trên (i) tăng trưởng tín dụng hưởng lợi từ nguồn vốn bán FE Credit và kỳ vọng chào bán cho cổ đông chiến lược; (ii) chủ động cải thiện chất lượng tài sản nhờ động lực đến từ việc mở rộng sang mảng cho vay bán lẻ; (iii) tăng cường đóng góp của thu nhập ngoài lãi từ kỳ vọng tái thỏa thuận thương vụ banca với AIA.

Tháng 4/2021, VPB đã công bố hoàn thành thương vụ chuyển nhượng 50% phần góp vốn tại FECredit (FEC) cho SMFG và VCI với mức định giá 2.8 tỷ USD, dự kiến sẽ đem về cho VPB khoảng 1.4 tỷ USD và giúp tăng Vốn chủ sở hữu của VPB lên khoảng 48%.

Ngoài ra, theo trao đổi với chuyên gia ngành Ngân hàng, VPB cũng có kế hoạch phát hành thêm 15% cho cổ đông chiến lược trong năm 2021 - 2022. Dự kiến, nguồn vốn mới sẽ giúp VPB có được cơ sở để được nới room tín dụng từ NHNN. Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng của VPB sẽ đạt mức trên 20% cho những năm sau 2022.

Củng cố vị thế mảng tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ: Sự tham gia của Sumitomo vào FEC sẽ giúp VPB củng cố được vị trí số 1 về thị phần cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2021, cho vay tiêu dùng tại FEC đạt 61 nghìn tỷ đồng (tăng 1,8% so với cùng kỳ) vẫn giữ vị trí số 1 về thị phần cho vay tiêu dùng.

Với việc làn sóng dịch Covid-19 bùng phát vào quý II/2021 mảng cho vay tiêu dùng bị ảnh hưởng, tuy nhiên chúng tôi kỳ vọng tín dụng tiêu dùng sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong quý IV/2021, thời điểm dịch Covid được kiểm soát và người dân gia tăng chi tiêu bù vào thời gian cách ly cũng như các hoạt động lễ hội cuối năm.

Chúng tôi kỳ vọng cổ đông chiến lược SMFG sẽ thay thế khoản vay ngoại tệ liên ngân hàng bằng tiền gửi bằng ngoại tệ có chi phí vốn rẻ hơn. Hiện tại chỉ có VCB và CTG có khoản tiền gửi ngoại tệ liên ngân hàng rất lớn và cả hai đều có cổ đông chiến lược là ngân hàng Nhật.

Với chiến lược mở rộng sang mảng cho vay bán lẻ, chúng tôi kỳ vọng VPB sẽ thực hiện chiến lược nâng tỷ trọng CASA trong cơ cấu huy động. Hiện tại, tỷ lệ CASA của VPB là 18.8% thuộc nhóm thấp trong ngành. Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ CASA của VPB sẽ đạt 20% trong năm 2026.

Chúng tôi kỳ vọng VPB sẽ đàm phán lại hợp đồng thương vụ bancassurance độc quyền với AIA để thu về khoản phí “trả trước” cao hơn. Chúng tôi chưa đưa yếu tố này vào mô hình định giá vì vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, chúng tôi kỳ vọng giao dịch này sẽ diễn ra muộn nhất trong năm 2022.

6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPB đạt 9.037 tỷ đồng (tăng 37,2% so với cùng kỳ) dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 34,5%. Trong giai đoạn 2017 - 2020, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của VPB giảm lại do Ngân hàng chủ động trích lập dự phòng nhằm kiểm soát tỷ lệ nợ xấu đến từ hoạt động cho vay tiêu dùng.

NIM trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 9,15%, cao hơn mức 8.8% tại thời điểm cuối năm 2020 nhờ chi phí vốn thấp. Chúng tôi kỳ vọng NIM của ngân hàng sẽ tiếp tục được gia tăng trong những năm tiếp theo với việc VPB sẽ tiếp tục duy trì vị thế trong mảng cho vay tiêu dùng, đồng thời ngân hàng sẽ tiếp tục chủ động trích lập dự phòng cao. Tuy nhiên, điều này sẽ không ảnh hưởng đến bức tranh lợi nhuận của ngân hàng.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu PVT

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu và lợi nhuận sau thuế cốt lõi tăng 5,5% và 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu tăng trưởng nhờ đóng góp từ các tàu chở hóa chất mới được mua vào cuối năm 2020 và quý I/2021, trong khi lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh nhờ chi phí giảm trong 6 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ 2020 khi 1) Các gián đoạn do dịch COVID-19 khiến chi phí vận hành tăng và 2) PVT ghi nhận chi phí bảo dưỡng trước cho việc sửa chữa tàu chở dầu vào quý III/2020.

Vốn xây dựng cơ bản trong 6 tháng năm 2021 là 1,4 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 65,3% dự báo năm 2021 của chúng tôi do PVT đã mua một tàu vận chuyển khí siêu lớn (VLGC, 40 triệu USD) trong quý II, nhanh sớm hơn dự kiến.

Chúng tôi lưu ý rằng lợi nhuận chính thức 6 tháng đầu năm cao hơn 18,8% so với con số sơ bộ đã công bố trước đó vào ĐHCĐ trong tháng 6. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi hoàn thành 45,0% và 55,6% dự báo năm 2021 tương ứng của chúng tôi và cao hơn dự báo của chúng tôi.

Trong khi chúng tôi nhận thấy các gián đoạn do COVID-19 hiện tại dẫn đến rủi ro tăng chi phí hoạt động trong nửa cuối năm, chúng tôi cho rằng có khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại của chúng tôi từ đóng góp lợi nhuận VLGC và lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh tiềm năng từ việc thanh lý tàu chở dầu thô Athena trong nửa cuối năm, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Tin bài liên quan