Khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu CSV với giá mục tiêu 48.300 đồng/CP
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Hoạt động sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo, phục hồi sau đại dịch giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của CTCP Hóa chất Cơ bản miền Nam (CSV) dần quay trở lại quỹ đạo. Trong năm 2021, doanh thu thuần của CSV đạt 1.577 tỷ đồng (tăng 18% so với năm trước), tương đương với thời điểm trước dịch. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng trưởng 21,1% so với 2020, lên mức 218 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục có nhiều cải thiện nhờ giá bán các mặt hàng hoá chất vô cơ tăng mạnh giúp lợi nhuận sau thuế của CSV trong quý I đạt mức 112.3 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. CSV hiện đã hoàn thành 28% chỉ tiêu doanh thu và 55% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho năm 2022. Chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2022 của CSV đạt 1.814 tỷ đồng (tăng 15,1% so với năm trước) và 345 tỷ đồng (tăng 58%).
Giá phốt pho tăng 30% kể từ đầu năm và gấp 2.3 lần so với thời điểm trước dịch giúp cho doanh thu của công ty con trong quý I tăng gấp 3 lần lên 149 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Dự kiến, với giá bán bình quân phốt pho vàng trong năm 2022 tiếp tục duy trì quanh ngưỡng 120-125 triệu đồng/tấn, doanh thu mảng phốt pho vàng của CSV dự kiến đạt 537.5 tỷ đồng, tăng trưởng 19,2%.
Dựa trên triển vọng kinh doanh, kết quả định giá cùng với các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu CSV. Mức giá mục tiêu cho năm 2022 là 48.300 đồng/CP, cao hơn 12,32% so với giá đóng cửa tại ngày 15/07/2022.
Có thể giải ngân ACV một phần tại vùng giá 80
CTCK Vietcombank (VCSB)
Lợi nhuận ACV ghi nhận tăng khoảng 2.500 tỷ do chênh lệch tỷ giá JPY : ACV vay nợ dài hạn với khoản vay lớn 13.565 tỷ bằng đồng JPY nên khi đồng JPY giảm giá so với VND, ACV sẽ được hưởng lợi
ACV hiện có lượng tiền mặt lớn khoảng 32.700 tỷ VND đang gửi tiết kiệm ngân hàng: Với việc lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng thì việc có lượng lớn tiền mặt gửi tiết kiệm sẽ mang lại lợi nhuận tốt cho ACV
Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh ACV sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm.
Chiến lược đầu tư cổ phiếu: Diễn biến giá trong giai đoạn từ đầu tháng 7 có xu hướng tích lũy bám sát và dần bẻ cong đường trung bình động MA20.
Trong phiên ngày 15/7, ACV tăng điểm tốt vượt qua đường trung bình động MA20 và tiếp cận khu vực kháng cự cũ 80. Bên cạnh đó, các chỉ báo MACD và RSI cũng cho tín hiệu mua tích cực kèm theo đường DI+ đang có xu hướng tăng mạnh trên 25 báo hiệu nhịp phục hồi tốt có thể diễn ra.
Với diễn biến hiện tại, các nhà đầu tư có thể giải ngân 1 phần tại vùng giá 80 và gia tăng tỉ trọng khi giá có dấu hiệu vượt vùng kháng cự này và đặt giá mục tiêu quanh khu vực 90 - 95
Triển vọng tích cực đối với ngành bảo hiểm trong trung và dài hạn
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Điểm đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới là việc giới hạn kinh doanh BDS do vấn đề này thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư. Dưới góc nhìn của chúng tôi, đây là thay đổi cần thiết và không ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm bởi các lý do sau:
Thứ nhất, tỷ trọng nắm giữ bất động sản đầu tư trên tổng tài sản ở các doanh nghiệp bảo hiểm không lớn. Tỷ lệ trung bình ở 5 công ty top đầu là 2.57%, 4/5 doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ thấp hơn 2.15%. Cá biệt, doanh nghiệp bảo hiểm có tổng tài sản lớn nhất là Bảo Việt chỉ có mức nắm giữ là 0.05%.
Thứ hai, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị hạn chế về năng lực phát triển kinh doanh bất động sản do đây là ngành nghề trái chuyên môn. Lợi nhuận đến từ việc kinh doanh bất động sản (nếu có) kỳ vọng đến từ tăng giá thị trường sau một thời gian nắm giữ chứ không nằm ở khả năng phát triển giá trị/hệ sinh thái ở BDS. Vì vậy, việc kinh doanh BDS có thể sẽ không hiệu quả đối với doanh nghiệp bảo hiểm trong ngắn-trung hạn và đối với ngành BDS trong dài hạn.
Cuối cùng, Luật mới hạn chế việc kinh doanh BDS trực tiếp nhưng không đồng nghĩa hạn chế dòng vốn từ doanh nghiệp bảo hiểm chảy vào ngành BDS. Doanh nghiệp bảo hiểm có thể đầu tư gián tiếp thông qua cổ phiếu công ty BDS được niêm yết trên sàn, chứng chỉ quỹ BDS (REITs) hay mua trái phiếu doanh nghiệp BDS. Việc hưởng lợi từ sự phát triển của ngành BDS hoàn toàn được đảm bảo.
Điểm cực kỳ tích cực ở Luật sửa đổi về hoạt động đầu tư là gỡ bỏ mức giới hạn tối đa đầu tư vào kênh cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp. Cộng thêm việc cho phép đầu tư vào các quỹ ủy thác, lợi nhuận đầu tư tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm hứa hẹn sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng của thị trường chứng khoán, một trong những kênh đầu tư có mức sinh lợi tốt và dồi dào thanh khoản.
Dành nhiều sự chú ý hơn cho Bảo hiểm vi mô, bảo hiểm nông-lâm-ngư nghiệp: Định nghĩa của Bảo hiểm vi mô là bảo hiểm hướng tới các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp nhằm bảo vệ họ trước những rủi ro về tính mạng, sức khỏe và tài sản. Đặc điểm của loại hình sản phẩm này là thiết kế ngắn gọn, dễ hiểu có thủ tục thẩm định bảo hiểm đơn giản hoặc không cần thẩm định. Việc phát triển bảo hiểm vi mô góp phần làm tăng tỷ lệ thâm nhập của bảo hiểm đến với người dân, góp phần đảm bảo chính sách an sinh, xã hội của Nhà nước.
Luật sửa đổi đã bỏ mức trần đối với phí bảo hiểm vi mô (không vượt quá 6% thu nhập bình quân đầu người hằng năm của chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị) để đảm bảo hiệu quả kỹ thuật của sản phẩm (cân bằng giữa phí mua bảo hiểm và mức trách nhiệm phải nhận). Theo đó, số tiền bảo hiểm và phí bảo hiểm hằng năm cho từng người được bảo hiểm sẽ được Chính phủ quy định.
Để khuyến khích sự phát triển sản phẩm Bảo hiểm vi mô và các sản phẩm bảo hiểm nông-lâm-ngư nghiệp, Nhà nước sẽ hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hành chính, tuyên truyền các chính sách, hỗ trợ một phần phí bảo hiểm trích từ nguồn ngân sách trung ương/ngân sách địa phương…Như vậy, các công ty bảo hiểm sẽ có nhiều động lực hơn để triển khai các sản phẩm bảo hiểm này. Thông qua đó, tạo được thói quen và hiểu biết về bảo hiểm cho nhiều nhóm khách hàng hơn.
Luật sửa đổi tác động đến thị trường bảo hiểm: Đa số các ý kiến góp ý đều tán thành sự cần thiết về dự thảo luật sắp tới trong bối cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam đã hình thành và phát triển trong suốt 20 năm vừa qua. Luật kinh doanh Bảo hiểm 2022 sẽ có hiệu lực chính thức từ ngày 01/01/2023. Trong đó, một số điều khoản về quản trị vốn, vốn trên cơ sở rủi ro và danh mục hạn chế đầu tư sẽ được áp dụng từ 01/01/2028.
Luật sửa đổi cũng còn nhiều điểm chưa được quy định chi tiết và sẽ cần có những thảo luận và những văn bản dưới Luật nhằm hướng dẫn thực thi. Nhưng nhìn chung, Với các thay đổi kể trên, chúng tôi nhận thấy triển vọng tích cực đối với ngành bảo hiểm trong trung và dài hạn.
Trong ngắn hạn, thị trường bảo hiểm vẫn đang phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng phí bảo hiểm tương đương so với các năm trước và nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Trung hạn sẽ kỳ vọng chứng kiến các thương vụ M&A, hợp tác chiến lược đến từ các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm hay các tổ chức phụ trợ bảo hiểm nhằm phát triển độ sâu của thị trường và tăng sự cạnh tranh nội địa. Triển vọng dài hạn cũng được đảm bảo ngành bảo hiểm với việc áp dụng vốn trên cơ sở rủi ro và sự linh hoạt hơn trong đầu tư.