Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 18/2

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 18/2 của các công ty chứng khoán.

REE: Khuyến nghị nắm giữ

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Cơ điện lạnh REE (REE – HSX) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2015 với doanh thu hợp nhất đạt 662,2 tỷ đồng, giảm 17,7% so với cùng kỳ. Trong số bốn mảng hoạt động của REE có tới ba mảng tăng trưởng âm, gồm M&E (giảm 20,6%), Reetech (giảm 23,2%), năng lượng (giảm 24,6%); ngoại trừ mảng kinh doanh bất động sản tăng nhẹ 4,8%. Lợi nhuận sau thuế giảm 33,5%, đạt 270,6 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2015, doanh thu hợp nhất đạt 2.643 tỷ đồng, tương đương năm 2014 và hoàn thành 95,2% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của REE đạt 888,1 tỷ đồng, giảm 19,2% so với năm trước và chỉ đạt 94,8% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận ròng giảm từ 41,8% còn 33,6%.

Tại thời điểm 31/12/2015, khoản tiền và tương đương tiền tăng từ mức 1.037 tỷ đồng đầu năm lên 1.420 tỷ đồng. Tổng nợ vay đạt 991 tỷ đồng, tăng so với mức 710,8 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 6.683 tỷ đồng, tăng so với mức 6.338 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm, trong đó gồm 2.349 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Tỷ lệ đòn bẩy ở mức 14,8% so với mức 11,2% tại thời điểm đầu năm.

REE mới đây công bố sẽ trả cổ tức của năm 2015, gồm 10% bằng tiền mặt (ngày giao dịch không hưởng quyền là 26/2/2016, dự kiến trả vào ngày 1/4/2016) và 15% bằng cổ phiếu (tương đương phát hành thêm 40,8 triệu cổ phiếu). Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị NẮM GIỮ đối với REE với giá mục tiêu 26.600 đồng/cổ phiếu.

STB: Khuyến nghị theo dõi

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB – sàn HOSE) vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ quý IV/2015 với thu nhập lãi thuần đạt 6.273 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với năm ngoái ở mức 6.324 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 1.288 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 28,6%, phần nhiều là nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoạt động khác như đã nêu trên (STB không công bố thông tin liên quan đến khoản thu này).

Trước đây, trong tài liệu sáp nhập STB có đề cập đến việc chứng khoán hóa các khoản cho vay của PNB. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng tín dụng là 45%, nhiều khả năng là NHNN đã không chấp thuận cho STB thực hiện phương án này.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy các khoản lãi, phí phải thu tăng đột biến, từ 5.000 tỷ đồng năm 2014 lên 25.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015, điều này có thể được lý giải một phần bởi việc STB đã tái cấu trúc một số khoản cho vay, phần nhiều là từ PNB. Chính vì vậy mà tỷ lệ nợ xấu và số dư nợ xấu của STB sau sáp nhập vẫn tương đối thấp so với dự phóng của VPBS, đạt 3.379 tỷ đồng và 1,87%. 

Đây mới chỉ là báo cáo tài chính chưa kiểm toán, chúng tôi đang chờ đợi báo cáo tài chính sau kiểm toán để khẳng định những hướng giải quyết trên đây của Ngân hàng có phải là quyết định cuối cùng không. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi cổ phiếu này. Hôm qua, giá cổ phiếu STB giảm nhẹ 1% đóng cửa ở ngưỡng 10.900 đồng, giao dịch ở mức P/B là 0,84 lần và P/E là 8,16 lần.

BID: PE giao dịch ở mức 10,58 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Ngân hàng TMCP Đầu tư Việt Nam (BID – sàn HOSE) hoàn tất việc nhận sáp nhập ngân hàng MHB trong năm 2015 nên bảng cân đối kế toán hợp nhất tăng đáng kể. Cụ thể, cho vay khách hàng tăng 34,3%, đầu tư chứng khoán tăng 32,2% và huy động khách hàng tăng 28,2%. Tính đến hết năm 2015, BID là ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất với quy mô tổng tài sản đạt 850.748 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần chỉ tăng 11,5% so với cùng kỳ, đạt 19.372 tỷ đồng. Thu nhập thuần từ các hoạt động dịch vụ tăng mạnh 29,5%, trong khi đó, các hoạt động đầu tư không thực sự thành công khi mua bán chứng khoán kinh doanh lỗ 70,9 tỷ đồng từ và mua bán chứng khoán đầu tư chỉ ghi nhận khoản lợi nhuận không đáng kể khoảng 27,5 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế đạt 7.944 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm là 7.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.842 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Kết quả này khá gần với dự phóng ban đầu của chúng tôi là 5.981 tỷ đồng. EPS và BVPS năm 2015 ước tính đạt 1.512 đồng và 13.251 đồng.

Tỷ lệ nợ xấu của BID là 1,62%, thấp hơn so với năm ngoái ở mức 2,03% và thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của toàn ngành ở mức 2,72% tính đến hết 30/11/2015. Tuy nhiên, nếu tính về giá trị tuyệt đối, BID là ngân hàng có tổng số dư nợ xấu lớn nhất, lên đến 9.697 tỷ đồng tính đến hết năm 2015.

Chốt phiên giao dịch 17/2, giá cổ phiếu ngân hàng BID giảm 1,8%, đứng ở ngưỡng 16.000 đồng, giao dịch ở mức P/E là 10,58 lần và hệ số P/B là 1,21 lần.

VSH: PE giao dịch ở mức 12,6 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH – HSX) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2015 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 104,5 tỷ đồng, giảm 69,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 87,1% cùng kỳ, đạt 33,9 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2015, doanh thu hợp nhất đạt 467,4 tỷ đồng, giảm 15,7% so với cùng kỳ và đạt 95,5% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VSH đạt 251,6 tỷ đồng, giảm 30% theo năm và chỉ đạt 88,7% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận ròng giảm từ 64,8% còn 53,8%.

VSH hôm nay giảm 2,5% xuống 15.400 đồng. VSH hiện đang giao dịch ở mức P/E 2015 là 12,6 lần và P/B 2015 là 1,05 lần.

CTG: PE giao dịch ở mức 13,15 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG – sàn HOSE) cho biết, năm 2015, tổng cho vay khách hàng đạt 538.080 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ. Trong khi cho vay các DNNN giảm nhẹ 4,3%, cho vay khối doanh nghiệp tư nhân tăng 27,4% và cho vay cá nhân tăng 51,7%. Đáng chú ý, các khoản cho vay bất động sản và xây dựng tăng mạnh 39%. Huy động khách hàng đạt 492.960 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ.

Trong năm 2015, danh mục đầu tư của CTG tăng 26% với tỷ trọng chủ yếu đầu tư vào chứng khoán nợ. Đáng chú ý, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 52,4% đạt 63.372 tỷ đồng và các khoản đầu tư trái phiếu ở các tổ chức tài chính khác tăng gấp đôi đạt 16.554 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 779.483 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, thu nhập lãi thuần của CTG chỉ tăng 5,5%, lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, khiến hệ số NIM giảm trong năm 2015 chỉ còn 2,81% so với 3,12% trong năm 2014. Trong khi đó, doanh thu từ phí dịch vụ tăng khá 23,8% đạt 1.460 tỷ đồng và thu nhập từ thu hồi các khoản nợ xấu đã xử lý tăng gấp đôi đạt 2.618 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng trong năm 2015 tăng 19,3%, đạt 4.679 tỷ đồng. Chi phí này làm xói mòn 39% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng.

Do vậy, lợi nhuận trước thuế đạt 7.345 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 5.716 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với năm 2014. Kết quả của CTG khả quan hơn dự phóng của chúng tôi một chút. Trong báo cáo cập nhập phát hành trong tháng 8/2015, chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của CTG trong năm 2015 sẽ đạt 5.542 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ.

Tỷ lệ nợ xấu là 0,92%, thấp hơn so với ngưỡng 1,11% của năm 2014, và thấp hơn so với tỷ lệ nợ xấu trung bình toàn ngành ở mức 2,72% tính đến hết 30/11/2015. Tuy nhiên, nếu tính đến giá trị tuyệt đối, CTG là một trong số ba ngân hàng có tổng số dư nợ xấu lớn nhất tính đến cuối năm 2015, ở mức 4.942 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên 17/2, giá cổ phiếu ngân hàng CTG không thay đổi, đứng ở ngưỡng 17.100 đồng, giao dịch ở mức P/E là 13,15 lần và hệ số P/B là 1,14 lần.

PLC: P/E và P/B tương đối cao so với cổ phiếu cùng ngành\

CTCK BIDV (BSC)

Quý IV/2015, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC – sàn HNX) ghi nhận 1.626 tỷ đồng doanh thu và 54 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 8% và 39% so với cùng kỳ 2014. Mặc dù biên lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 16,09% lên 17,86% nhờ giá đầu vào giảm nhưng chi phí lãi vay và chi phí bán hàng tăng đột biến.

Tính chung cả năm 2015, PLC ghi nhận 6.916 tỷ đồng doanh thu và 329 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 2% và 23% so với năm 2014. Với kết quả này, cổ phiếu PLC hiện đang giao dịch ở mức P/E = 8.65 và P/B=2.47- mức P/E và P/B tương đối cao so với các cổ phiếu cùng ngành.

Chúng tôi kỳ vọng sản lượng tiêu thụ sẽ duy trì tăng trưởng ổn định và giá dầu được dự báo ở mức thấp trong năm 2016 sẽ là yếu tố thuận lợi giúp doanh nghiệp tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận gộp. Tuy nhiên chúng tôi lưu ý về việc nợ vay của doanh nghiệp tăng lên gấp đôi tại thời điểm cuối năm 2015 sẽ kéo theo chi phí lãi vay tăng mạnh và tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng lên sẽ khiến doanh nghiệp phải ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá.

FCN: Mở rộng lĩnh vực kinh doanh sẽ giảm hiệu quả kinh doanh

CTCK MB (MBS)

CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON (FCN – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh năm 2015 với doanh thu đạt 1.660 tỷ đồng, tăng 22.6% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 141 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ.

Hoạt động xây lắp vẫn đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động kinh doanh của FCN với doanh thu đạt mức 1.180 tỷ đồng, chiếm 71% doanh thu của toàn Công ty. Chúng tôi nhận thấy ngoài mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất và thi công cọc dự ứng lực, FCN đang có xu hướng mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng. Xu hướng này tạm thời sẽ làm giảm hiệu quả kinh doanh của FCN khi tốc độ gia tăng lợi nhuận chưa theo kịp tốc độ gia tăng vốn và tài sản tuy nhiên sẽ đảm bảo cho FCN khả năng tăng trưởng trong tương lai.

Do nhu cầu đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh lớn, trong năm 2015, FCN đã gia tăng huy động vốn vay và trái phiếu. Vay ngắn hạn đạt 414 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ; vay dài hạn đạt mức 653 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ, trong đó có khoản phát hành trái phiếu 368 tỷ đồng. Do mở rộng quy mô hoạt động nhanh và tăng dư nợ vay, nên chi phí quản lý và chi phí lãi vay của FCN cũng tăng mạnh lần lượt đạt 50% và 96% so với cùng kỳ.

Cuối tháng 12/2015 và những ngày đầu năm 2016 vừa qua, FECON đã trúng thầu nhiều dự án với tổng giá trị hợp đồng lên đến 200 tỷ đồng. Đặc biệt Công ty đã trúng gói thầu cung cấp, thi công hơn 120.000 m cọc và thi công móng cho 400 căn biệt thự thuộc dự án The Manor Central Park trị giá 92 tỷ đồng.

Tin bài liên quan