DRC: Khuyến nghị trung lập
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Nửa đầu năm 2016, CTCP Cao su Đà Nẵng (mã DRC) ghi nhận tổng doanh thu 1.724 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 46% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế 198 tỷ đồng, giảm 2,9% cùng kỳ và hoàn thành 47% kế hoạch năm.
Năm 2016, BVSC dự báo tổng doanh thu đạt 3.415 tỷ đồng, tăng 2,9% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 426 tỷ đồng, tăng trưởng 2,7%, thấp hơn dự báo lần trước 4,6% về doanh thu và 3% về lợi nhuận.
Giá cổ phiếu DRC đã tăng 25% kể từ đầu năm phản ánh thông tin chia cổ tức tiền mặt và cổ phiếu thưởng ở tỷ lệ cao, cùng với kỳ vọng có thể đẩy mạnh được sản lượng Radial và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 nhà máy trong năm 2016. Sau khi điều chỉnh một số giả định về sản lượng tiêu thụ và giá đầu ra – đầu vào, chúng tôi đưa ra mức định giá hợp lý của DRC là 44.000 đồng/cp, tương ứng với khuyến nghị NEUTRAL. Các nhà đầu tư đã tích luỹ DRC từ những lần khuyến nghị trước có thể xem xét chốt lời ở vùng giá hiện tại.
PJT: PE hấp dẫn, dự phóng ở mức 5,64x
CTCK BIDV (BSC)
CTCP Vận tải Xăng dầu đường thủy Petrolimex (mã PJT) là doanh nghiệp thành viên của Petrolimex, với lĩnh vực hoạt động chính là vận tải dầu thành phẩm bằng đường thủy. Trong khi đội tàu của VTO và VIP (cũng đồng thời là công ty thành viên của Petrolimex) hầu hết được sử dụng để vận tải sản phẩm dầu nhập khẩu, PJT tập trung vào các tuyến vận tải nội địa - bao gồm các tuyến đường thủy và duyên hải ven biển.
Đến cuối năm 2015, PJT sở hữu 16 tàu trong đó có 9 tàu đường thủy và 7 tàu duyên hải. Tổng công suất đội tàu là 35.000 DWT, thấp hơn nhiều so với tổng công suất của VTO và VIP lần lượt là 162.000 DWT và 137.000 DWT.
Kết quả kinh doanh ổn định, trong quý I/2016, PJT ghi nhận doanh thu là 99 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 7 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng mạnh trong lợi nhuận ròng đến từ các nguyên nhân sau đây: (1) giá dầu thấp giúp biên lợi nhuận gộp tăng từ 12,58% trong quý I/2015 lên 14,44% trong quý I/2016. (2) Chi phí lãi vay và lỗ tỷ giá ( cả ghi nhận và chưa ghi nhận) giảm khoảng 1 tỷ so với cùng kỳ năm 2015.
Ngày 28/7, cổ phiếu PJT được giao dịch ở mức giá 11.000 đồng/cp, tương đương với P/E trailing là 5,64x, rất hấp dẫn so với P/E trung bình của thị trường. Mặc dù chỉ là một hãng tàu vận tải dầu có quy mô nhỏ, PJT vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định với EPS là 1.444 đồng/cp và ROE tăng trưởng đều đặn từ 14.95% lên 17.21% trong giai đoạn 2011-2015. Rủi ro hiện tại của PJT nằm ở tính thanh khoản thấp với khối lượng giao dịch trung bình của 10 phiên là 2,530 cổ phiếu.
VNS: Khuyến nghị mua cho trung hạn
CTCK MB (MBS)
CTCP Ánh Dương Việt Nam (VNS) là đơn vị Taxi hoạt động mạnh ở TP.HCM - Bình Dương và đang mở rộng sang tỉnh Đồng Nai. Công ty luôn đầu tư xe mới hàng năm và luôn chú trọng đến công tác bảo dưỡng xe.
Hoạt động kinh doanh duy trì ổn định, doanh thu và lợi nhuận tăng đều qua các năm. Trong giai đoạn từ năm 2011-2015, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của VNS được duy trì đều đặn.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân doanh thu đạt 17,4%/ năm và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đạt 29,3%/năm. Tăng trưởng doanh thu những năm trước đến từ 3 yếu tố giá cước, mức độ hoạt động của một xe và số lượng xe.
Từ giai đoạn 2011 đến 2014 giá cước trung bình của VNS tăng trưởng từ 5 đến 7% một năm. Năm 2015 mặc dù giá cước giảm 9% do yếu tố xăng dầu nhưng doanh thu của VNS vẫn tăng trưởng 12% trong đó số xe tăng thêm chỉ có 6,1% phần còn lại là do số quãng đường trung bình một ngày một xe taxi chạy được tăng lên.
VNS là một cổ phiếu có cơ bản tốt tuy nhiên đang bị thị trường định giá thấp. Gần đây thanh khoản của VNS đã được cải thiện khi quỹ đầu tư Red River Holding liên tục đăng ký thoái vốn khỏi VNS. Việc gia tăng thanh khoản là một điểm quan trọng giúp VNS có thể sẽ có tăng trưởng về giá trong ngắn hạn sắp tới.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu VNS khi thị trường điều chỉnh cho trung hạn.