PXS: PE đang giao dịch khá cao, khoảng 18 lần
CTCK BIDV (BSC)
Chúng tôi đã gặp DN và cập nhật lại triển vọng kết quả kinh doanh 2014. PXS hoạt động trong Ngành xây lắp chế tạo, kết cấu kim loại giàn khoan, bồn bể, đường ống công nghệ và các tuyến ống phục vụ là dịch vụ đặc thù cho ngành dầu khí.
Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, PXS chỉ có 2 đối thủ cạnh tranh chính là PTSC MC và PV Shipyark, tuy nhiên áp lực từ đối thủ cạnh tranh là không lớn do cùng nằm trong tập đoàn dầu khí. Việc đẩy mạnh tìm kiếm khai thác các mỏ dầu mới, và triển khai nhiều dự án nhiệt điện và nhà máy lọc hóa dầu mới là những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp.
Chúng tôi dự phóng doanh thu PXS năm 2014 đạt từ 1649 tỷ đến 1749 tỷ và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 110 tỷ, cổ tức 13%, tương đương với EPS là 2,200 đồng/cp. Với giá ngày 12/09/2014 là 39,600 đồng/cp, PXS đang được giao dịch với PE FW là 18 lần, khá cao so với mặt bằng của thị trường.
Thị trường cũng có những tin đồn liên quan điến việc, trong trường hợp công ty mẹ PVX rời sàn thì PXS sẽ được hưởng lợi, từ nhiều dự án do đây là thành viên mạnh nhất trong hệ thống PVX. Chúng tôi chưa kiểm chứng được nguồn thông tin này, tuy nhiên, PXS cũng đang có tiềm năng khá lớn từ các dự án.
Chúng tôi lưu ý rằng, việc dự phóng doanh thu và lợi nhuận trên chưa tính đến khả năng PXS sẽ có thể nhận bàn giao 2 dự án ở Malaysia từ cổ đông lớn McPecom với tổng giá trị khoảng 1000 tỷ đồng vào quý IV/2014. Chúng tôi cũng trao đổi với người đại diện của McPecom và được biết, McPecom dự kiến mỗi năm sẽ bàn giao cho PXS các dự án offshore ở nước ngoài với tổng giá trị hàng năm từ 100-150 triệu USD. Như vậy, chúng tôi đánh giá khả năng từ năm 2015 trở đi Doanh thu của PXS sẽ tăng trưởng tốt từ các dự án offshore.
PXS dự kiến đạt 459 tỷ đồng doanh thu ( Diamond 166.1 tỷ, Thái Bình 176 tỷ, Thiên Ưng 50 tỷ và H5 là 113.3 tỷ) và lợi nhuận gộp khoảng hơn 50 tỷ đồng. Ngoài ra 5% còn lại và 5% tăng thêm của dự án P3, P4 (giá trị của dự án tăng từ 532.14 tỷ lên 585 tỷ ) sẽ có thể được hạch toán trong Quý III.
Đối với các dự án có chủ đầu tư nước ngoài thì biên lợi nhuận sẽ khoảng xung quanh 20%, đối với các dự án chủ đầu tư trong nước thì biên lợi nhuận khoảng dưới 15%.
Triển vọng từ các dự án nhiệt điện và nhà máy lọc hóa dầu: dự án Nhiệt điện Thái Bình với tổng giá trị 1150 tỷ sẽ được thực hiện từ tháng 10/2014 đến quý I/2016. Sau đó PXS dự kiến sẽ được tiếp tục thực hiện dự án Nhiệt điện Sông Hậu với tổng giá trị khoảng 1000 tỷ từ quý II/2016 (thời gian thực hiện khoảng 48 tháng), Quảng Trạch. Bên cạnh đó PXS cũng dự kiến tiếp tục được thực hiện các dự án nhà máy lọc hóa dầu như Vũng Rô (đang mời thầu quốc tế), Long Sơn (dự kiến triển khai vào Quý III/2015), Nhơn Hội.
APC: Lợi nhuận năm dự phóng 22 tỷ đồng
CTCK MB (MBS)
Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh của APC có sự khởi sắc đáng kể. Doanh thu tăng 15% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng 46% so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý được kiểm soát tốt. Điều này khiến lợi nhuận ròng tăng mạnh và đạt 10,8 tỷ.
Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là chiếu xạ khử trùng cho các sản phẩm thủy sản và rau quả xuất khẩu và cho thuê kho lạnh. Năng lực chiếu xạ của Công ty là gần 300 tấn sản phẩm /ngày. Công ty có hệ thống kho lạnh với công suất là 3100 tấn. Nhìn chung hoạt động kinh doanh của Công ty có dấu hiệu khởi sắc trong 6 tháng đầu năm 2014 nhờ việc xuất khẩu thủy sản và rau quả của Việt Nam khá thuận lợi. Công ty cũng đã chấm dứt hoạt động xuất khẩu nông sản trực tiếp mà chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi để nâng cao hiệu quả.
Công ty có sức khỏe tài chính tốt, nợ vay thấp và khả năng thanh khoản cao. Dòng tiền ổn định và lành mạnh giúp cho Công ty đảm bảo thanh khoản, trả bớt nợ vay, giảm chi phí tài chính và qua đó gia tăng lợi nhuận. Công ty vẫn chưa hoạt động hết công suất do đó không có nhu cầu đầu tư mở rộng mới khiến dòng tiền của Công ty sẽ tiếp tục dồi dào trong giai đoạn tới.
Chúng tôi dự phóng, Công ty sẽ đạt mức doanh thu là 96 tỷ VNĐ và lợi nhuận ròng là 22 tỷ VNĐ trong năm 2014.
FMC: Khuyến nghị MUA
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Doanh thu 6 tháng 2014 của CTCP Thủy sản Sao Ta (FMC) tăng 68% so với cùng kỳ nhờ sự cải thiện đáng kể của cả sản lượng tôm bán ra và giá bán tôm xuất khẩu bình quân (ASP).
Nguyên nhân chính là do hội chứng dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) lan ra trên diện tích tôm nuôi trồng ở các nước xuất khẩu tôm hàng đầu như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc và Mexico từ 2013, khiến nguồn cung tôm sụt giảm mạnh, trong khi nhu cầu vẫn tăng.
Nhắc lại, ASP đã tăng trung bình 15% trong năm trước do dịch bệnh này. Trong 2014, do chưa khống chế được dịch bệnh, nên ASP vẫn tiếp tục tăng cao.
Theo thống kê, giá tôm nguyên liệu (chiếm khoảng 80% giá thành) biến động cùng chiều với ASP. Trong khi Công ty chỉ tự chủ khoảng 6% nguồn nguyên liệu, nên biên lợi nhuận gộp trung bình khá thấp, khoảng 6,2%. Biên lợi nhuận gộp 6 tháng 2014 đạt 6,1%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ, nên lợi nhuận gộp tăng 95%.
Nhờ quản lý thu hồi công nợ tốt, lượng tiền mặt cuối quý I/2014 tăng 95% so với cùng kỳ. Lãi tiền gữi tăng 52% so với cùng kỳ, theo đó, lỗ từ hoạt động tài chính giảm 18% so với cùng kỳ. Cùng với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ xuống mức 3,6%, lợi nhuận sau thuế tăng 11,4x so với cùng kỳ.
Sự bất cân đối cung cầu tôm trên thế giới tăng mạnh là nhân tố chính giúp các doanh nghiệp tôm Việt Nam mở rộng thị phần, tăng sản lượng cùng với kỳ vọng thu lợi từ việc giá tôm sẽ tiếp tục giữ ở mức cao trong thời gian tới. FMC cũng được hưởng lợi từ thông tin trên. Dựa trên EPS 2014 dự phóng đạt 4.814 đồng/cp và PE & PB kỳ vọng 2014 của FMC ở mức 9,3 lần (chiết khấu 30% so với PE của MPC) và 1,7 lần, thì giá mục tiêu sẽ là 42.300 đồng/cp, cao hơn 29% so với giá thịtrường. Khuyến nghị MUA đối với FMC.
GMC: Đột phá mạnh - MUA
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Cổ phiếu CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn (GMC) có sự di chuyển không mạnh kể từ đầu năm 2014 đến cuối tháng 8 (so với mức tăng chung của thịtrường).
Dù vậy, mọi chuyện có vẻ đang thay đổi nhanh trong vài phiên gần đây. Sự tăng lên giá đang diễn ra rất nhanh và giúp GMC vượt kháng cự tại 32.2 khá dễ dàng.
Kết quả bứt phá kháng cự mạnh mẽ giúp GMC chuyển sang xu hướng tăng.
Khối lượng giao dịch thấp là điểm trừ lớn của GMC trong quá khứ, dù vậy kể từ đầu tháng 9 đến nay thanh khoản đang có sự cải thiện tăng lên đáng kể và “thường xuyên” nằm trên mức thanh khoản trung bình 50 ngày.
Dù đã cải thiện, nhưng thanh khoản của GMC vẫn thuộc vào loại thấp (trung bình 50 ngày khoảng 10.000 cp/phiên) và vì vậy tồn tại rủi ro thanh khoản cho các giao dịch của NĐT tại cổ phiếu này.
Chỉ báo kỹ thuật tốt. Các chỉ báo kỹ thuật nhìn chung đồng thuận với triển vọng tích cực của giá. Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét mua GMCquanh mức giá hiện tại 34.1 với mức giá mục tiêu gần nhất là 40.5(+18,8%) và dừng lỗ tại 30.0 (-12,0%).
JVC: Xu hướng tăng tiếp diễn - MUA
CTCK Maybank KimEng (MBKE)
Cổ phiếu CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) ghi nhận các hoạt động mạnh hơn kể từ cuối tháng 8, sau khi đã tích lũy đi ngang liên tiếp ở 2 tháng trước đó.
Sự bứt phá được kiểm tra lại vào đầu tháng 9 khi JVC bật tăng ở hỗ trợ 14.5 và tiếp tục tạo đỉnh cao hơn trong phiên 15/9. Xu hướng của JVC vì vậy tiếp tục là tăng.
Thanh khoản ghi nhận sự tích lũy tốt từ cuối tháng 8 đến nay, kết quả này giúp củng cố mạnh hơn xu hướng tăng của giá.
Các chỉ báo kỹ thuật đồng thuận với nhìn nhận triển vọng tích cực dành cho đường giá.
Chúng tôi kỳ vọng, các dự án công và quốc tế sẽ tái giải ngân giúp kết quả kinh doanh 2014 cải thiện đáng kể với kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 52% và 236% so với cùng kỳ.
Theo đó, JVC đang giao dịch ở mức 7 lần PE ước tính cho 2014. Ngoài ra, JVC cũng đang có kế hoạch phát hành tăng vốn gấp đôi để đầu tư mởrộng các mảng kinh doanh khá tiềm năng khác như đầu tư liên kết thiết bị y tế và xe khám bệnh lưu động.
MBKE cho rằng, nhà đầu tư có thể xem xét mua JVC quanh mức giá hiện tại 15.7 với giá mục tiêu gần nhất là 18.3(+16,6%) và dừng lỗ là 14.5(-7,6%).