TTF: PE dự phóng 19,2 lần, cao hơn nhiều so với bình quân ngành
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Năm 2015, CTCP Gỗ Trường Thành (mã TTF) đạt tổng doanh thu 2.735 tỷ đồng, tăng 88% so với năm trước; trong đó doanh thu bán sản phẩm tăng gấp 2 lần và doanh thu từ các hợp đồng thi công công trình tăng 23%. Biên lợi nhuận gộp hậu tái cơ cấu vẫn ở mức khá khiêm tốn là 12,5%; qua đó đóng góp của hoạt động kinh doanh cốt lõi còn rất thấp.
TTF lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 69,7 triệu cổ phiếu để chuyển đổi nợ vay thành vốn chủ sở hữu. Trong đó, 42,5 triệu cổ phiếu giá 14.200 đồng/cp và 27,2 triệu cổ phiếu giá 22,000 đồng/cp sẽ được phát hành cho Tân Liên Phát, đây doanh nghiệp sở hữu 100% bởi Vingroup. Tổng số tiền dự kiến thu được và cấn trừ vào nợ vay dự kiến là 1.201,9 tỷ đồng. Chúng tôi kỳ vọng việc Vingroup trở thành cổ đông chiến lược sẽ mang lại khối lượng đơn hàng lớn và tăng trưởng ổn định cho TTF để phục vụ cho các dự án bất động sản trong nước của Vingroup.
Kết thúc quý I/2016, doanh thu TTF ước đạt 604,2 tỷ đồng, hoàn thành 21,6% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt 57,9 tỷ đồng, hoàn thành 18% kế hoạch năm. Biên lợi nhuận gộp ước đạt 23,2%. Nhìn chung diễn biến HĐKD đang bám rất sát với kỳ vọng và kế hoạch mà TTF đặt ra.
Chúng tôi kỳ vọng tái cơ cấu sẽ mở ra một giai đoạn tăng trưởng mới cho TTF, tuy nhiên cần lưu ý rằng cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/E forward 2016 19,2 lần cao hơn nhiều so với mức bình quân 10,5 lần của các công ty cùng ngành nghề.
DHG: Duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận 13-15%
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Năm 2016, CTCP Dược Hậu Giang (mã DHG) đặt kế hoạch doanh thu thuần 3.733 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 750 tỷ đồng, lần lượt tăng 3,5% và 6,9% so với năm trước đó. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 30% bằng tiền mặt.
Thực tế quý I/2016, DHG đã đạt 815,4 tỷ đồng doanh thu, tăng 21,8% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 152,1 tỷ đồng, tăng 35,7% cùng kỳ. Nhà máy mới hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 16 tỷ là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận sau thuế của DHG tăng mạnh.
Dự kiến trong năm 2016, với ước tính theo kế hoạch 2016 thì lợi nhuận sau thuế của Công ty khoảng 667 tỷ đồng, tăng khoảng 23,7% so với 2015. EPS trước trích quỹ khen thưởng phúc lợi đạt 7.670 đồng/cổ phiếu. Với giá cổ phiếu ngày 12/5/2016 là 84.500 đồng/cp thì PE tương ứng khoảng 11 lần.
DHG vẫn kiên định con đường mình theo đuổi nhiều năm nay là phát triển mạnh hệ thống phân phối và phát triển các nhãn hàng riêng. Trong vài năm tới, DHG có thể sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng từ 13-15%/năm.
CII: Xem xét tích lũy trong vùng giá 20.000-21.000 đồng/CP
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Kế hoạch kinh doanh 2016 của CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (mã CII) với mục tiêu lợi nhuận sau thuế 847 tỷ đồng, tăng 32% so với kết quả năm 2015; tỷ lệ chia cổ tức 20% bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.
Chúng tôi cho rằng, CII là doanh nghiệp tốt và khá an toàn để nhà đầu tư xem xét đầu tư. Với giả định CII sẽ hoàn thành kế hoạch (khả năng cao), ESP 2016 đạt 3.096 đồng/cp tương đương mức P/E là 8,26 lần là rất đáng quan tâm. Tỷ suất cổ tức kế hoạch của CII với giá hiện tại cũng khá tối (7,8%).
Tuy nhiên, BVSC lưu ý là trái phiếu chuyển đổi còn lại của Goldman Sachs và HFIC đã hoàn tất chuyển đổi vào đầu năm 2016 (32 triệu cp với giá vốn thấp hơn.20.000 đồng cp). Và, để giảm áp lực cho cổ phiếu CII khi lượng cổ phiếu giá vốn thấp của Goldman Sach giao dịch, CII sẽ tiến hành đăng ký mua 40 triệu cổ phiếu trong năm nay. Do đó, các nhà đầu tư thận trọng có thể xem xét tích lũy cổ phiếu CII khi thị trường có đợt điều chỉnh mạnh. Giá tích lũy 20.000 - 21.000 đồng/cp.
VCG: Vẫn có các yếu tố hấp dẫn trong năm 2016
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Kế hoạch kinh doanh 2016 của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (mã VCG) với chỉ tiêu doanh thu công ty mẹ 3.022 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 343 tỷ đồng, tăng 13%; tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 8%.
Về tình hình tài chính, VCG vượt qua giai đoạn khó khăn và tỷ trọng nợ vay hiện tại ở mức an toàn. Tính thanh khoản cao với tiền mặt hợp nhất 2.000 tỷ. Công ty đã mua thêm một số quỹ đất giá trị trong 2015 và nổi bật là dự án 93 Láng Hạ (khoảng 5-6.000m2). Tuy nhiên, các dự án này sẽ chưa góp cho kết quả kinh doanh của VCG. Do đó, BVSC cho rằng, hoạt động kinh doanh VCG 2016 chưa có yếu tố đột biến.
Chúng tôi cho rằng thông tin về việc SCIC thoái vốn mới là điểm mà nhà đầu tư quan tâm thay vì kết quả kinh doanh VCG. Hiện, SCIC nắm giữ 57,7% cổ phần VCG tương đương 2.550 tỷ đồng mệnh giá. Giá trị khoản đầu tư khá lớn do đó việc tìm kiếm đối tác chuyển nhượng cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, nếu việc chuyển nhượng diễn ra thì sẽ có tác động rất lớn (tích cực) đến cổ phiếu VCG như trường hợp GEX trong 2015.
Ngoài ra, xét trên khía cạnh tài sản và vị thế doanh nghiệp, giá cổ phiếu VCG hiện tại khá hấp dẫn khi P/B là 0.8 lần. Trong khi đó, quỹ đất của VCG và công ty hệ thống là rất lớn.
Do đó, cổ phiếu VCG cũng có một số yếu tố hấp dẫn trong 2016 bên cạnh câu chuyện kết quả kinh doanh.
VNM: Vẫn là lựa chọn an toàn cho đầu tư dài hạn
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Năm 2016 sẽ tiếp tục là một năm thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của CTCP Sữa Việt Nam (mã VNM) dựa trên 3 yếu tố chính (1) giá nguyên liệu giá thấp và giá đầu ra vẫn ổn định do đó biên lợi nhuận sẽ tiếp tục cải thiện (2) sản lượng tiêu thụ tăng nhờ nhu cầu tăng và tăng thị phần của Vinamilk. (3) Tuy nhiên, chi phí bán hàng sẽ vẫn giữ mức cao cho các chi phí khuyến mãi, quảng cáo, chiết khầu hoa hồng cho các đại lý.
Với các yếu tố trên và kết quả khả quan của quý I, BVSC cho rằng VNM có thể đạt lợi nhuận 9.357 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch Công ty 13,2%. EPS ước tính là 7.791 đồng/cp. Với mức EPS này và nhu cầu vốn cho đầu tư trong thời gian tới không nhiều do đó cổ tức của 2016 có thể vẫn duy trì mức 6.000 đồng/cp như năm 2015, tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức 82% lợi nhuận sau thuế.
Về triển vọng dài hạn, độ phủ thị trường lớn, sản phẩm đa dạng cho nhiều phân khúc, sức mạnh thương hiệu và việc phát triển nguồn nguyên liệu trong nước với mục tiêu tăng tỷ lệ tự cung lên 40%, sẽ tiếp tục đem lại cho Vinamilk tăng trưởng cao hơn bình quân của thị trường (Carg 8,5%/năm trong giai đoạn 2015 - 2020 theo đánh giá của EIU). Do đó, VNM vẫn là lựa chọn an toàn cho việc đầu tư dài hạn.
Ngoài ra, tỷ lệ tăng room cho khối ngoại sẽ được thảo luận trong ĐHCĐ sắp tới sẽ là một thông tin tác động tích cực đối với giá cổ phiếu VNM