Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 16/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 16/1 của các công ty chứng khoán.

DHA: Khuyến nghị tích cực

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Lũy kế 11 tháng 2014, sản lượng CTCP Hóa An (mã DHA) tăng 12%, giá bán tăng 7-10%. Tổng doanh thu toàn công ty DHA trong 11 tháng đạt 151.9 tỷ đồng, tăng 15.9% so với cùng kỳ, hoàn thành 91% kế hoạch 2014. Trong đó, sản lượng toàn công ty đạt 1.409.583 m3, tăng 12% so với cùng kỳ. Giá bán cũng tăng 7% - 10% so với cùng kỳ nhằm bù đắp chi phí gia tăng từ quyền khai thác khoáng sản. Lợi nhuận lũy kế đạt 15.67 tỷ tăng 37.4% so với cùng kỳ.

Dự báo năm 2015 mỏ Núi Gió có thể tăng sản lượng 40.7% so với cùng kỳ nhờ có thêm khách hàng mới từ khu vực Tây Ninh. Với việc đóng của 5 mỏ ở khu vực Núi Bà Đen Tây Ninh giúp sản lượng tiêu thụ của mỏ có thể tăng trong năm 2015. Theo dự ước thận trọng của BVSC với giả định công ty có thể đạt tổng sản lượng tiêu thụ đạt 277.000 tấn/năm. Mức giá bán trung bình duy trì ở mức 134.000 đồng/m3, doanh thu dự kiến đạt 37,3 tỷ đồng tăng 40.7% so với cùng kỳ.

Triển vọng dài hạn từ năm 2016 trở đi từ mỏ Núi Gió và mỏ Thạnh Phú sau khi các mỏ trong khu vực Bình Dương, Đồng Nai hết thời gian khai thác và chất lượng đá ngày càng tốt hơn, rào cản gia nhập ngành tăng. BVSC dự ước mỏ đá Núi Gió chiếm 50.8% tổng lợi nhuận của DHA trong 5 năm tới, khi công ty nâng trữ lượng khai thác lên 600.000 tấn/ năm. Đồng thời, mỏ đá Thạnh Phú có thể tăng sản lượng tiêu thụ 10% trong giai đoạn 2016-2019 sau khi các mỏ đá khu vực Đồng Nai và Bình Dương đóng cửa.

Chúng tôi cho rằng trong ngắn hạn DHA chưa đủ hấp dẫn đầu tư khi các mỏ đá Thạnh Phú, Tân Cang chưa phát huy hết hiệu quả khi lớp đất tầng phủ dày và gặp phải sự cạnh tranh gay gắt. Với mức EPS dự báo năm 2015 đạt 1.355 đồng/cp. Tại mức giá giao dịch 14.000 đồng vào ngày 15/01/2015, tương đương P/E là 10.33x – cao hơn so với mức trung bình ngành 5.08.

Tuy nhiên, trong dài hạn với lợi thế của mỏ Núi Gió và Thạnh Phú mang lại sau khi các mỏ đá khu vực Đồng Nai, Bình Dương hết thời gian khai thác, thu hút khách hàng mới từ khu vực Tây Ninh, chất lượng đá ngày càng tốt hơn, lợi thế về rào cản gia nhập ngành, không có nợ dài hạn, BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá kỳ vọng 21.026 đồng/CP.

PAC: Khuyến nghị tích lũy trong trung hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

CTCP Ắc Quy Miền Nam (PAC – sàn HOSE) là doanh nghiệp sản xuất Pin và Ắc quy hàng đầu Việt Nam với thương hiệu lâu đời và có sự ổn định trong hiệu quả tài chính trong suốt nhiều năm. Trong năm 2015, ngoài sự hồi phục của nền kinh tế nói chung và dự báo tăng trưởng tích cực của ngành ô tô trong nước (VAMA) nói riêng, chuyên viên phụ trách ngành của chúng tôi cũng đánh giá  PAC sẽ đón nhận khá nhiều cơ hội tăng trưởng tốt về  doanh thu và lợi nhuận do (1) Xu hướng giảm mạnh của giá chì trong quý IV/2014 về mức thấp nhất kể từ năm 2012 ở mức  là 1.860USD/ tấn giảm 15-16 % so với tháng 12/2013, (2) Khả năng thu hút thêm nhiều khách hàng tiềm năng ngoài Honda và Piaggio nhờ chất lượng sản phẩm mới như CMF và PTX, (3) Áp dụng thành công các biện pháp kiểm soát chi phí khác nhau như sử dụng hệ thống mã vạch để chống hàng giả.

Trong đó, một vấn đề đáng lưu ý là do có độ trễ từ 2-3 tháng trong việc nhập chì nguyên vật liệu nên công ty sẽ chỉ ghi nhận sự cải thiện biên lợi nhuận gộp trong quý I/2015 từ xu hướng giảm giá chì trong quý IV/2014. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện, cổ tức ở mức ổn định (15%) và sự tăng trưởng doanh thu đến từ các khách hàng tiềm năng là các yếu tố để chúng tôi có đánh giá tích cực đối với triển vọng của công ty.

Dựa trên những yếu tố ảnh hưởng tích cực cũng như các phân tích, chuyên viên chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận năm 2015 của doanh nghiệp lần lươt là 2.176 tỷ đồng và 82,8 tỷ đồng , tương đương mức EPS là 3.068 đồng/cp. Theo phương pháp định giá P/E và FCFF, chuyên viên phân tích cho rằng mức giá hợp lý đối với cổ phiếu PAC là 27.500 đồng/cp, và đưa ra khuyến nghị TÍCH LŨY trong TRUNG HẠN đối với cổ phiếu này. Tuy vậy, chuyên viên ngành kỳ vọng rằng công ty sẽ tận dụng tốt hơn cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ của ngành sản xuất lẫn thương mại ô tô trong năm nay, nếu có những dấu hiệu tích cực hơn, chúng tôi sẽ điều chỉnh dự báo doanh thu cũng như định giá.

FLC: Đẩy mạnh M&A các doanh nghiệp tiềm năng

CTCK MB (MBS)

HĐQT của CTCP Đầu tư F.I.T (FIT) đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2015 với doanh thu 2,309 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 376 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 251 tỷ đồng.

FIT đặt ra chiến lược kinh doanh trong thời gian tới là đẩy mạnh M&A các doanh nghiệp tiềm năng trong các lĩnh vực dược phẩm, nông nghiệp – thực phẩm, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và thương mại.

Lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, FIT sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công ty con TSC (tỷ lệ sở hữu 65%) để thực hiện các thương vụ M&A. Hiện tại, TSC đang có có các công ty con, đơn vị liên kết là CTCP Nông dược TSC (TSP) với tỷ lệ sở hữu 78.5%, CTCP Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền tây (Westfood) với tỷ lệ sở hữu 95.5% và TSC Seeds 51%.

Đối với ngành hàng tiêu dùng nhanh, FIT đang sỡ hữu 49% Today Cosmestic và 30% Sao Nam; nhóm ngành thương mại, FIT năm 100% tại FIT Trading.

Trong thời gian tới nhu cầu vốn đầu tư của FIT rất cao để thực hiện các thương vụ M&A theo kế hoạch đặt ra. Do đó, FIT sẽ tiến hành tăng vốn mạnh bằng cách phát hành cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu. Cụ thể, FIT sẽ phát hành 39.2 triệu cp để tạm ứng cổ tức (7.5 triệu cp), chào bán cho cổ đông hiện hữu (30 triệu cp) và các bộ công nhân viên (1.7 triệu cp) với giá 10,000 đồng/CP.

 SBA: P/E đang giao dịch khoảng 10,2x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Lợi nhuận 2014 ổn định so với năm trước mặc dù sản lượng điện giảm. Do xuất hiện Elnino từ tháng 7/2014, lượng nước về hồ trong mùa mưa năm 2014 thấp hơn rất nhiều bình quân nhiều năm. Sản lượng điện của NMTĐ Khe Diên (9MW) sản xuất đạt trên 27 triệu kWh, giảm 13% so năm trước và NMTĐ Krông H’năng (64MW) đạt 134 triệu kWh, giảm 19% so năm trước. Sản lượng cả năm 2014 của hai nhà máy đạt 162 triệu kWh, giảm 18% so với năm trước.

Doanh thu sản xuất điện 2014 ước tính đạt 207 tỷ đồng, giảm 6,9% so với năm trước với giá bán điện bình quân ước tính đạt 1.280 đ/kWh, tăng 14% so với năm trước. LNST ước tính đạt 64,5 tỷ đồng, giảm 3% so với năm trước. Điểm tích cực là với sản lượng 162 triệu kWh, nếu vận hành bình thường thì doanh thu chỉ đạt 170 tỷ đồng, nhưng nhờ vận hành nhà máy Krông H’năng tham gia thị trường phát điện cạnh tranh hiệu quả nên đã mang về thêm 38 tỷ đồng doanh thu, đóng góp lớn vào kết quả SXKD của công ty.

Nợ vay và tình hình tài chính. Về nợ vay, đến cuối quý 4/2014 dư nợ vay của SBA tại Ngân hàng VDB chỉ còn 618 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dao động 6,9%-7,8%/năm và tại VCB Đà Nẵng là 113,3 tỷ đồng (lãi suất được điều chỉnh theo quý). Dự kiến trong hai năm tiếp theo 2015-2016, nợ gốc tại VDB sẽ được điều chỉnh trả 103 tỷ đồng/năm, điều này sẽ giúp giảm khó khăn về dòng tiền trả nợ gốc.

Trong năm 2014, Công ty đã tái cơ cấu lại nợ vay dài hạn. Số dư nợ tại VCB sẽ được cho vay đến năm 2024, nợ gốc được trả mỗi năm 1,8 tỷ đồng trong giai đoạn 2014-2018 và 13,5 tỷ đồng từ năm 2019-2024 nên đảm bảo cấu trúc tài chính cân bằng.

Lãi cơ bản trên cổ phiếu năm 2014 ước tính đạt 1.070 VND/cp. Giá trị sổ sách ước tính tại ngày 31/12/2014 là 12.051 đồng/CP. Cổ phiếu SBA giao dịch với P/E 10,2x và P/B 0,9x.

Trong hai năm qua, chúng tôi nhận thấy kết quả SXKD và tình hình tài chính của SBA đã có chuyển biến tích cực nhờ đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt và hiệu quả như tăng giá bán điện và tham gia thị trường phát điện cạnh tranh của NMTĐ Krông H’năng hiệu quả; điều chỉnh kế hoạch trả nợ tại VDB; tái cấu trúc lại nguồn vốn dài hạn Công ty; điều chỉnh giảm 50% thuế TNDN thêm 2 năm và hưởng ưu đãi thuế suất 10% trong 15 năm cho NMTĐ Krông H’năng. Từ đó, tạo ra dòng tiền ổn định cho Công ty.

Tin bài liên quan