TRC: Kế hoạch kinh doanh đề ra trong năm 2016 khá hợp lý
CTCK MB (MBS)
CTCP Cao su Tây Ninh (TRC – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2015 với doanh thu ước đạt 415 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 57 tỷ đồng. Công ty chính thức hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra từ đầu năm.
Theo TRC, giá cao su thiên nhiên trong năm 2015 diễn biến giảm mạnh khiến giá bán mủ trung bình của Công ty chỉ đạt 32.78 triệu/tấn song Công ty vẫn hoạt động ổn định và có lãi nhờ năng suất vườn cao su khá tốt và sản lượng tiêu thụ ổn định. Công ty cũng áp dụng nhiều biện pháp tiết giảm chi phí và giảm giá thành khai thác cao su xuống mức 28,36 triệu đồng/tấn.
Vì vậy, sản lượng khai thác cả năm đạt 10.579 tấn, năng suất bình quân đạt 2,21 tấn/héc-ta/năm; sản lượng tiêu thụ đạt 10.965 tấn, trong đó xuất khẩu đạt 1.535 tấn, nội tiêu đạt 9.430 tấn, lượng hàng tồn kho 2.072 tấn.
Năm 2016, Cao Su Tây Ninh cũng đặt mục tiêu khai thác 9.100 tấn mủ cao su và lượng tiêu thụ ước đạt 10.610 tấn, trong đó mục tiêu xuất khẩu 1.744 tấn, cao hơn 200 tấn so với lượng mủ xuất khẩu năm 2015. Lượng hàng nội tiêu giảm xuống còn 8.866 tấn. Công ty đánh giá khả năng thị trường cao su thiên nhiên tiếp tục trầm lắng và mức giá bán mục tiêu trong năm 2016 chỉ khoảng 26 triệu đồng/tấn.
Dòng tiền của TRC vẫn khá tốt, do đó trong năm 2015 TRC đặt mục tiêu trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 15%.
TRC đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2016 giảm mạnh so với năm 2015 với mức doanh thu kế hoạch là 338 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 37 tỷ đồng Chúng tôi đánh giá kế hoạch kinh doanh của TRC là phù hợp khi thị giá cao su thiên nhiên chưa có dấu hiệu khởi sắc trong tương lai gần.
BFC: PE thấp hơn trung bình ngành, ước đạt 5,4 lần
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)
CTCP Phân bón Bình Điền (BFC) là công ty con của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) với tỷ lệ sở hữu là 65%. Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối phân bón NPK, với thị phần hiện tại là 16% cả nước. Tổng công suất thiết kế là 600.000 tấn/năm, hiện đang hoạt động từ 80% đến 90% công suất.
Nguyên liệu đầu vào của BFC là phân bón thành phẩm (ví dụ như urê thành phẩm, phân lân, phân DAP, phân Kali, phân SA), sau đó được trộn với các vi lượng khác để tạo ra phân bón NPK. 90% nguyên liệu đầu vào là mua từ các doanh nghiệp trong nước. Chúng tôi thấy rằng hoạt động của BFC không được hưởng lợi nhiều từ việc giá dầu giảm do diễn biến giá bán phân bón thành phẩm khá ổn định.
Trong khi đó, thương hiệu phân “Đầu Trâu” của BFC được biết đến nhiều ở miền Nam. Kênh phân phối của BFC trải dài từ miền Trung đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà máy mới Ninh Bình với công suất 100.000 tấn là chiến lược của công ty để mở rộng kinh doanh ra phía Bắc. Lưu ý rằng đối thủ chính của BFC ở thị trường miền bắc này là CTCP Phân bón và Hóa chất Lâm Thao (LAS) đang sở hữu nhà máy NPK với công suất 700.000 tấn. BFC đang có kế hoạch mở rộng công suất hiện tại thêm 100.000 tấn vào năm 2016 nhưng chưa công bố kế hoạch cụ thể.
Hiện tại, thị trường NPK vẫn còn đang trong tình trạng thiếu cung, khi tổng nhu cầu là 4 triệu tấn và năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chỉ ở mức 3,3 triệu tấn. Tuy nhiên, khi so sánh kế hoạch mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp và mức chênh lệch cung - cầu hiện tại, thì dư địa phát triển của thị trường này sẽ sớm được lấp đầy.
Các dự án tăng công suất sản xuất phân NPK tại thời điểm hiện tại bao gồm các dự án của: DPM – 250.000 tấn (bắt đầu khởi công xây dựng trong năm 2015 và được kỳ vọng đi vào sản xuất vào cuối năm 2017), VAF – 200.000 tấn (khởi công vào cuối năm 2016), SFG – 100.000 tấn (khởi công trong năm 2016), LAS – 200.000 tấn, và (5) BFC – 100.000 tấn/năm.
Theo quan điểm của chúng tôi, BFC là một cổ phiếu giá trị với tỷ lệ P/E ước tính cho năm 2015 là 5,4 lần, thấp so với mức trung bình ngành là 6,6 lần và lợi suất cổ tức trong lịch sử cao khoảng 10%, mặc dù khả năng tăng trưởng của BFC khá hạn chế. Trong buổi gặp mặt gần đây với công ty, đại diện của BFC cho biết lợi nhuận trước thuế công ty mẹ năm 2015 tương đương năm trước ở mức 246 tỷ đồng và kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt dự kiến là 20% trên mệnh giá.