Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/1

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 15/1

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 15/1 của các công ty chứng khoán.

Cổ phiếu dầu khí: P/E  đang được giao dịch trung bình tại 8,5 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Giá dầu giảm mạnh. Giá dầu thô đã giảm 60% so với cùng kỳ xuống chỉ xấp xỉ 47 USD/thùng. Các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu trong thời gian qua bao gồm: 1) Nhu cầu dầu thô trên thế giới tiếp tục ảm đạm khi khu vực Châu Âu vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kinh tế; 2) OPEC khẳng định không cắt giảm sản lượng dầu thô trong một cuộc họp cuối tháng 11; 3) Sự đóng góp của Dầu diệp thạch đã khiến nguồn cung dầu thô tại Mỹ gia tăng lên mức cao gần kỷ lục trong qua khứ (hiện nay là 9 triệu thùng/ngày tăng từ mức chỉ hơn 1 triệu thùng năm 2010).

Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cả năm 2014 của PVN. Giá dầu đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN đặc biệt trong nửa cuối 2014. Tổng doanh thu của toàn bộ các đơn vị của PVN năm 2014, giảm 2,3% so với năm trước, còn 745,5 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên vẫn vượt kế hoạch 11,8%. Tổng sản lượng khai thác quy dầu năm 2014 đạt 27,58 triệu tấn, tăng 4,2% so với năm trước. Trong đó, sản lượng khai thác dầu đạt 17,4 triệu tấn, tăng 3,9% so với năm trước; sản lượng khai thác khí đạt 10,2 tỷ m3, tăng 4,6% so với năm trước. PVN đã sản xuất và cung cấp cho lưới điện quốc gia 16,48 tỉ kWh (+1,9% so với năm trước), sản xuất 1,64 triệu tấn đạm (+2,5% so với năm trước), 5,71 triệu tấn xăng dầu (-13,5% so với năm trước).

Kết quả kinh doanh 2014 của các công ty niêm yết. Tính đến thời điểm hiện tại, các công ty dầu khí niêm yết có vốn hóa lớn ước tính đã đạt và vượt kế hoạch kinh doanh 2014 đã đề ra. Cụ thể là các công ty như PVD, PVS, GAS, PXS.

Năm 2015: biến số giá dầu. Giá dầu ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn trong năm 2015. Theo kế hoạch của PVN, nhiều kịch bản doanh thu được đưa ra theo biến động của giá dầu trong năm 2015. Trong đó, kịch bản xấu nhất của PVN là nếu giá dầu đứng ở mức 60 USD/thùng, doanh thu toàn tập đoàn giảm 31% so với năm trước xuống chỉ còn 515 nghìn tỷ đồng.

PVN chưa đưa ra kịch bản nào cho giá dầu ở mức thấp hơn 60 USD/thùng dù giá dầu hiện nay đã ở dưới mức 50 USD/thùng. Nếu giá dầu tiếp tục đứng dưới mức 60 USD/thùng trong thời gian dài, thì kế hoạch của PVN có thể gặp 1 số thách thức nhất định.

Định giá: Hiện các công ty dầu khí đang được giao dịch trung bình tại P/E 2015 8,5 lần, xấp xỉ mức trung bình ngành trong khu vực.

REE: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

REE là cổ phiếu ưa thích của chúng tôi trong năm 2014 và đã không ít lần chúng tôi tiến hành gọi mua/bán đối với cổ phiếu này trong năm qua.

- Sau giai đoạn 2 tháng tích lũy trong kênh giá giảm nhẹ, REE trong một tuần qua đang cho thấy những cải thiện rất đáng quan tâm khi đường giá lần lượt vượt thành công MA trung hạn và sau đó là biên trên của kênh tích lũy.

- Diễn biến của đường giá mở ra cơ hội lớn để REE di chuyển theo xu hướng tăng trong thời gian tới.

- Thanh khoản cũng cho thấy sự cải thiện từ đầu năm 2015 và đặc biệt mạnh trong phiên vượt kháng cự hôm nay. Dòng tiền đang quay lại trạng thái mở rộng với REE.

- Chỉ báo kỹ thuật đồng thuận. MACD đồng thời vượt lên trên đường 0, cho tính hiệu mạnh ủng hộ xu hướng tăng của giá.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể xem xét mua vào ở mức giá hiện tại 28.8. Mục tiêu đầu tiên: 32.3 (+12,2%). Dừng lỗ: 26.6 (-7.6%).

BID: Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Ngày 10/1/2014, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã công bố ước tính kết quả hoạt động của năm 2014 với hầu hết các chỉ số đều đạt mục tiêu. Đến cuối tháng 12, tổng tài sản tăng trưởng 18%, tín dụng tăng trưởng 18,9% so với cùng kỳ, đạt hơn 461.000 tỷ đồng., Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã vượt mục tiêu cả năm là 16% và tăng trưởng toàn ngành là 12,62% (tính đến ngày 22//12/2014). Tương tự như tăng trưởng tín dụng, tổng huy động vốn tăng 20% so với cùng kỳ, cao hơn tăng trưởng huy động toàn ngành là 15,15% (tính đến cuối tháng 12).

Đến cuối năm 2014, lợi nhuận trước thuế của BID đạt 6.065 tỷ đồng, tăng trưởng ấn tượng 20%, hoàn thành mục tiêu cả năm. Hệ số ROE và ROA lần lượt đạt 14,4% và 0,8%. EPS năm 2014 ước đạt 1.700 đồng, tăng 32,7% so với mức 1.281 đồng của năm 2013.

BID được đánh giá là một ngân hàng với chính sách tín dụng thận trọng và tuân thủ tương đối chặt chẽ các quy định phân loại tài sản. Tính đến thời điểm cuối năm, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 1,8%, giảm gần một nửa so với con số của năm ngoái là 2,37%. Kết quả đáng khích lệ này có được là nhờ nỗ lực của BID trong việc giải quyết nợ xấu, với số nợ xấu được xử lý từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro lên đến 3.322 tỷ đồng (tính đến cuối quý III/2014).

Năm 2014 là năm thứ 9 BID được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s (xếp hạng hiện tại: nhà phát hành tiền gửi nội tệ B2, E/caa1 BFSR/BCA) và năm thứ 5 được Standard and Poor’s (xếp hạng hiện tại: nhà phát hành dài hạn/ngắn hạn B+/B, năng lực độc lập b+ và triển vọng ổn định) đánh giá xếp hạng.

KSA: Tập trung nguồn lực cho nhà máy sản xuất Titan

CTCK MB (MBS)

HĐQT CTCP Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (HOSE: KSA) đã thông qua kết quả kinh doanh 2014 với doanh thu 97.66 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 22.08 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, HĐQT KSA cũng đưa ra một số chỉ tiêu 2015 với doanh thu 500 tỷ đồng và lãi ròng 38 tỷ đồng, tăng mạnh so với kết quả ước đạt được năm 2014.

KSA sẽ khẩn trương thực hiện thoái vốn tại các công ty ngoài ngành để tập trung nguồn lực cho nhà máy sản xuất Titan. Hiện tại, Công ty đã nhận được chứng nhận đầu tư nhà máy xỉ Titan đầu tiên của Bình Thuận công suất 60.000 tấn/ năm. Tỉnh Bình Thuận có trữ lượng Titan ước tính gần 600 triệu tấn, chiếm 92% trữ lượng Titan cả nước.

KSA đã tiến hành các hạng mục hạ tầng cho nhà máy chế biến sâu Titan tại CCN Thắng Hải trên diện tích 10,5 hecta. Công tác xây dựng nhà máy dự kiến bắt đầu vào quý 02 năm 2015.

Về nguồn nguyên liệu, KSA chủ trương mua lại vốn góp của các công ty đã có sẵn mỏ và hợp tác với các mỏ đang có giấy phép khai thác. Toàn bộ sản phẩm xỉ Titan sau chế biến sẽ được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc vốn là các thị trường có nhu cầu tiêu thụ xỉ Titan rất lớn.

Tin bài liên quan