Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/8

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị mua cổ phiếu FPT

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP FPT (mã FPT) thông báo đã chuyển nhượng thành công 30% cổ phần, tương đương 6 triệu cổ phiếu, tại FPT Retail cho hai nhà đầu tư tổ chức là Dragon Capital và VinaCapital.

Đây là một phần của thương vụ FPT thoái 40% cổ phần tại FPT Retail, từ đó giảm sở hữu từ 85% xuống còn 45%. 10% cổ phần còn lại dự kiến sẽ được bán thông qua các công ty chứng khoán trước cuối năm 2017.

Giá chuyển nhượng không được tiết lộ. Tuy vậy, đây có thể là một tin tích cực đối với giá cổ phiếu FPT vì công ty có khả năng ghi nhận một khoản lợi nhuận đột biếm, khi giá trị đầu tư của FPT vào FPT Retail chỉ ở mức 170 tỷ đồng so với tổng định giá là 2,9 nghìn tỷ đồng của chúng tôi, là một phần trong định giá từng phần của chúng tôi đối với FPT.

Hiện tại chúng tôi đang có giá mục tiêu là 60.200 đồng cho FPT, tương đương tổng mức sinh lời 26%, bao gồm 4% lợi suất cổ tức và khuyến nghị mua đối với cổ phiếu này.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho cổ phiếu PLX

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) cho biết vừa ký kết thỏa thuận hợp tác với Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (BSR). Đồng thời, PLX công bố ý định mua lại cổ phần và trở thành đối tác chiến lược của BSR.

Điều này sẽ hỗ trợ PLX vì hợp tác chặt chẽ hơn với BSR sẽ giúp mang lại nguồn nguyên liệu ổn định, qua đó giảm rủi ro biến động về giá. Hiện PLX mua khoảng 3 triệu m3, tấn, sản phẩm xăng dầu, chiếm 35% tổng sản lượng của công ty.

Trong khi đó định giá các doanh nghiệp có mô hình cả lọc dầu lẫn phân phối xăng dầu hiện đang giao dịch tại mức P/E thấp hơn so với các công ty chỉ thuần túy phân phối.

Chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho PLX với tổng mức sinh lời 4,6% (bao gồm lợi suất cổ tức 4,6%). PLX hiện đang giao dịch tại mức P/E trượt 12 tháng 18 lần theo giá đóng cửa phiên hôm nay.

Khuyến nghị bán cổ phiếu KDC

CTCK Bản Việt (VCSC)

EPS của CTCP Tập đoàn Kido (KDC) dự báo sẽ giảm mạnh trong năm 2017 và 2018 vì không còn thu nhập bất thường từ chuyển nhượng và định giá lại tài sản, cũng như thêm phân bổ lợi thế thương mại từ thương vụ M&A gần đây.

Nếu không tính phân bổ lợi thế thương mại và trừ giá trị sổ sách của tài sản BĐS ra khỏi vốn hóa, KDC hiện vẫn đang giao dịch tại mức PER thường xuyên lên đến 47 lần trong năm 2017 và 34 lần năm 2018.

Chúng tôi lạc quan về KDF, công ty con kinh doanh kem và thực phẩm đông lạnh của KDC, và dự báo lợi nhuận sau thuế sẽ đạt tăng trưởng kép hàng năm 21% từ 2016-2019 chủ yếu nhờ mảng kem và ưu đãi thuế.

Mảng dầu ăn (gồm TAC và VOC) sẽ cải thiện biên lợi nhuận ngay sau M&A, nhưng về dài hạn, chúng tôi chỉ kỳ vọng mức độ tăng trưởng trung bình vì KDC phải đối mặt với mặt với một đối thủ rất mạnh là Cái Lân.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị bán. Giá mục tiêu của chúng tôi 32.200 đồng/cổ phiếu có tổng mức sinh lời tương ứng là -21%, bao gồm lợi suất cổ tức 4%.

Khuyến nghị xem xét giải ngân EIB

CTCK Đại Nam (DNSE)

Với việc chịu tác động xấu từ thị trường chung và thất bại trong việc phá vỡ vùng kháng cự trước đó, cổ phiếu EIB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam đã có những phiên điều chỉnh trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên với việc khối lượng giảm dần khi giá điều chỉnh cho thấy lực bán mạnh vẫn chưa xuất hiện, đồng thời hiện tại giá đang đi vào cùng hỗ trợ được tạo thành bởi hợp lưu giữa đường SMA 9, 20 và 50 là tín hiệu cho thấy việc điều chỉnh giảm sắp kết thúc.

Các chỉ bảo của EIB vẫn cho tín hiệu trung tính.

Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư xem xét giải ngân cổ phiếu EIB khi thị trướng có diễn biến thuận lợi.

Tin bài liên quan