Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/12

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 14/12

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/12 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực cổ phiếu PVT, với giá mục tiêu 25.600 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi điều chỉnh dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 và năm 2023 của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT – sàn HOSE) nhằm phản ánh: thời điểm tái ký các hợp đồng cho thuê định hạn của PVT; mức mất giá mạnh của VND; cũng như giá thanh lý tàu Athena cao hơn dự kiến.

Cụ thể, năm 2022, kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông thiểu số đạt 9.117 tỷ đồng (tăng 22,2% so với năm trước) và 940 tỷ đồng (tăng trưởng 42,4%).

Năm 2023, kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng tích cực và phản ánh đà tăng mạnh của giá cước. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế cổ đông thiểu số kỳ vọng đạt 10.543 tỷ đồng (tăng 15,6% so với năm trước) và 1.024 tỷ đồng (tăng 34%)

Kế hoạch kinh doanh tăng trưởng chủ yếu nhờ vào: (1) Thời gian tái ký hợp đồng chỉ từ 3-6 tháng trong bối cảnh giá cước liên tục tăng và neo ở mức cao; (2) Đóng góp từ việc tiếp tục mở rộng đội tàu; (3) Công ty đã linh hoạt chuyển sang hình thức BBHP (Bareboat Hire Purchase) với chi phí trả trước chỉ chiếm khoảng 10-20% giá tàu nhằm hạn chế ảnh hưởng từ chi phí lãi vay, tỷ giá và giá tàu cũ đang trên đà tăng mạnh; (4) Biên lợi nhuận cải thiện nhờ chi phí xăng dầu giảm đáng kể.

Chúng tôi tin rằng giá cước sẽ duy trì ở mức cao nhờ vào nhu cầu vận chuyển tăng và quãng đường vận chuyển xa hơn (tonne-mile demand): (1) Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine khiến hải trình thay đổi và cung tàu trở nên khan hiếm hơn, đặc biệt khi lệnh cấm vận dầu Nga có hiệu lực từ tháng 12; (2) Trung Quốc và Ấn độ tăng cường nhập khẩu dầu Nga với chiết khấu cao với quãng đường xa hơn; (3) Trung Quốc đã quyết định tăng hạn ngạch xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn; và (4) Các quy định của IMO về EEXI và CII có hiệu lực từ tháng 01.2023 sẽ khiến các tàu giảm tốc độ di chuyển và ảnh hưởng đến nguồn cung.

BVSC tiếp tục khuyến nghị OUTPERFORM cho PVT với mức giá mục tiêu trong vòng 12 tháng là 25.600 đồng/CP, tương đương mức lợi suất 31%. Rủi ro: Các NHTW trên thế giới, đặc biệt là Fed chưa có dấu hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ. Việc lãi suất tăng mạnh sẽ gây ra rủi ro suy thoái, dẫn đến nhu cầu về dầu hạ nhiệt trở lại, ảnh hưởng đến nhu cầu vận tải.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu DPM

CTCK SSI (SSI)

Kết quả kinh doanh quý III/2022 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (DPM – sàn HOSE) rất khả quan với lợi nhuận ròng tăng 59% so với cùng kỳ, sát với dự báo của chúng tôi. Tuy nhiên, giá urê trong tháng 11 giảm từ 15.000 đồng/kg xuống 14.000 đồng/kg, bất chấp mùa cao điểm sắp tới.

Chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu DPM do mức tỷ suất cổ tức hấp dẫn của công ty. Tuy nhiên, chúng tôi điều chỉnh giảm lần lượt 9% và 11% dự báo lợi nhuận ròng năm 2022 và 2023 xuống 5 nghìn tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ) và 4 nghìn tỷ đồng (giảm 20% so với cùng kỳ) - với lợi nhuận ròng quý IV/2022 dự kiến sẽ giảm 64% so với cùng kỳ.

Chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 1 năm mới cho cổ phiếu DPM là 46.300 đồng/cổ phiếu (giảm từ mức 53.000 đồng/cổ phiếu).

Trong bối cảnh phải đối mặt với những yếu tố khó khăn về thị trường, DPM mới đây đã công bố sẽ tổ chức ĐHCĐ bất thường vào ngày 27/12/2022 để xin ý kiến cổ đông về: (1) điều chỉnh giá cước vận chuyển khí giai đoạn 2014-2018; và (2) tăng cổ tức năm 2022 từ 50% (tương ứng với tỷ suất cổ tức 11,8%) lên 70% (tương ứng với tỷ suất cổ tức 16,5%) mệnh giá.

Trong ĐHCĐ năm nay, ban lãnh đạo đã đề xuất xử lý hồi tố tăng phí vận chuyển khí giai đoạn 2014-2018, điều này có khả năng dẫn đến chi phí sản xuất tăng 18 triệu USD (hay 430 tỷ đồng).

Mặc dù đề xuất này trước đó đã bị các cổ đông đủ điều kiện biểu quyết phủ quyết, nhưng DPM dự kiến sẽ xem xét lại vấn đề này trong ĐHCĐ bất thường sắp tới. Nếu các cổ đông chấp thuận, khoản DPM phải thanh toán sẽ chiếm 9% lợi nhuận trước thuế năm 2023 của chúng tôi - một rủi ro giảm giá đáng kể đối với cổ phiếu.

Khuyến nghị mua cổ phiếu BSR, với giá mục tiêu 17.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh giảm 46% giá mục tiêu xuống 17.500 đồng/CP nhưng duy trì khuyến nghị mua cho cổ phiếu của CTCP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn (BSR - UPCoM).

Giá mục tiêu thấp hơn của chúng tôi là do 1) chúng tôi điều chỉnh giảm 7% dự báo tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2022-2026 do crack spread của xăng dự phóng giảm và 2) chúng tôi nâng giả định phần bù rủi ro và chi phí nợ vay.

Lợi nhuận sau thuế năm 2023 dự báo giảm 50% so với năm trước, đạt 7,4 nghìn tỷ đồng (gần chạm mức đỉnh theo chu kỳ trong năm 2017) do chúng tôi dự báo crack spread xăng dầu sẽ hạ nhiệt từ mức cao trong năm 2022 và sản lượng giảm do công ty thực hiện bảo trì định kỳ.

Mặc dù chúng tôi dự phóng biên xăng dầu của BSR sẽ đi theo sát với biên xăng dầu của khu vực và trở lại mức bình thường từ năm 2023, nhưng dự phóng của chúng tôi về biên xăng dầu của BSR đạt 5-8 USD/thùng trong 5 năm tới sẽ hỗ trợ đủ dòng tiền để thực hiện kế hoạch mở rộng & nâng cấp các dự án (tăng công suất thêm 15%) và duy trì vị thế thống lĩnh thị phần của BSR tại Việt Nam.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VRE

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VRE, với giá mục tiêu 32.800 đồng/cổ phiếu (+21%), dựa trên 3 luận điểm chính:

Thứ nhất là lợi thế từ hệ sinh thái Vingroup và các dự án lớn vừa triển khai như trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Mega Mall (VMM) Smart City, Vincom Plaza (VCP) Mỹ Tho, Bạc Liêu (trong quý 2/2022) hay sắp triển khai như VMM Ocean Park 2 – The Empire, VMM Grand Park, VCP Hà Giang, Bắc Giang, Điện Biên Phủ, Đông Hà Quảng Trị (kỳ vọng 2023).

Rào cản tương đối cao: (1) nguồn cung đất đai rất hạn chế ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM, (2) số lượng hạn chế các dự án khu đô thị lớn như các dự án của Vinhomes và (3) thương hiệu của Vingroup là nhà phát triển dự án chất lượng cao.

Thứ hai là nhà phát triển và điều hành bất động sản bán lẻ lớn nhất và phát triển nhanh nhất tại Việt Nam, vượt xa các đối thủ khác. Mảng bán lẻ hiện tại có tỷ lệ thâm nhập thấp với dư địa tăng trưởng lớn trong khi VRE có vị thế đầu ngành để tận dụng được sự tăng trưởng này đồng thời hưởng lợi từ thị trường bán lẻ hấp dẫn của Việt Nam, được hỗ trợ dài hạn bởi cơ cấu dân số vàng.

Thứ ba là sự tăng trưởng dài hạn của VRE được kỳ vọng với sự dịch chuyển chiến lược tập trung vào các TTTM quy mô lớn (Vincom Center – VCC và VMM) do (i) thị trường bán lẻ Việt Nam đã phát triển hơn do đó nhu cầu về TTTM lớn và tích hợp sẽ tăng lên, và (ii) dễ dàng thu hút các thương hiệu quốc tế và khách thuê cố định với sức chống chịu tốt hơn với các gián đoạn như thời điểm dịch.

Tin bài liên quan