Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 13/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 13/8

DBT: PE ước tính cho năm 2014 khoảng 12x

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

CTCP Dược phẩm Bến Tre vừa thông báo ngày 22/08/2014 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng quyền nhận: (1)cổ phiếu thưởng tỷ lệ 3:4; và (2)tạm ứng cổ tức tiền mặt đợt 1/2014 mức 1.000 đồng/cp. Dự kiến thời gian chi trả cổ tức tiền mặt là 15/09/2014.

6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận sau thuế của DBT đạt 5,5 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm trước dù doanh thu giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 259,1 tỷ đồng. DBT là công ty chuyên phân phối tân dược với kênh phân phối chính là hệ điều trị (ETC). Do vậy, doanh thu sụt giảm là do ảnh hưởng từ quy định đấu thầu mới theo Thông tư 01/2012-TTLT-BYT-BTC (ưu tiên giá thấp).

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, công ty đã hoàn thành được 46,3% và 50,2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014.

Cổ phiếu DBT đang giao dịch ở mức PE ước tính cho 2014 khoảng 12x, cao hơn mức 7x bình quân ngành, do giá cổ phiếu này đã tăng khoảng 66% tính từ đầu năm đến nay.

Lưu ý, giả sử với mức giá đóng cửa hôm nay là 42.900 đồng/cp, thì giá cp DBT sau phát hành cổ phiếu thưởng sẽ điều chỉnh về mức 18.400 đồng/cp.

VCS: Trở thành công ty con của Phenikaa là quyết định khôn ngoan

CTCK MB (MBS)

Cổ phiếu VCS hôm nay đã có một phiên giao dịch đột biến khi mã này có giao dịch thỏa thuận đến hơn 29.4 triệu cổ phiếu, chiếm 55.4% vốn điều lệ của Công ty ở mức giá trần 23,100đ.

Trong thời gian trước, ĐHĐCĐ của VCS đã thống nhất tái cơ cấu công ty bằng cách trở thành công ty con của Phenikaa bằng việc đối tác này nhận chuyển nhượng cổ phiếu của VCS từ các cổ đông để tăng tỷ lệ sở hữu lên 51% hoặc 58% số cổ phiếu có quyền biểu quyết mà không phải chào mua công khai và trở thành công ty mẹ của VCS. Do đó, chúng tôi đánh giá nhiều khả năng giao dịch thỏa thuận hôm nay chính là để thực hiện chủ trương này.

Hiện tại, Công ty Phenikaa đã ký hợp đồng độc quyền 06 năm với hãng Breton về công nghệ sản xuất đá tấm thạch anh. Phenikaa, ký kết hợp đồng độc quyền với Breton, đồng nghĩa với việc Vicostone sẽ không còn quyền đầu tư mua thiết bị từ Breton.

Trên thực tế, triển vọng về thị phần, hiệu quả hoạt động và tăng trưởng của VCS đang giảm do áp lực cạnh tranh trong nước cũng như quốc tế khi xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ sản xuất sản phẩm đá nhân tạo.

Do đó, chúng tôi đánh giá việc chủ động trở thành công ty con của Phenikaa là quyết định khôn ngoan của VCS. Thông qua động thái này, VCS sẽ nhận được hỗ trợ từ Phennikaa và chuyển giao các khoản đầu tư chưa hiệu quả sang cho Phenikaa như CTCP Style Stone và dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên.

REE: Hấp dẫn để mua vào

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Tuần qua, REE công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2014. Trong đó, doanh thu thuần chỉ tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ trong quý II và 3,3% trong 6 tháng đầu năm 2014. Như chúng tôi có dịp đề cập trong nhật ký tư vấn ngày 01/08/2014, doanh thu từ các mảng hoạt động kinh doanh chính của REE trong quý 2 hầu hết đều ổn định với mức tăng trưởng khiêm tốn so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu mảng lắp đặt cơ điện tăng 5,2%, mảng cho thuê văn phòng tăng 2,8% và mảng bán lẻ giảm 7,8%. Riêng mảng lắp đặt cơ điện công trình ghi nhận biên lợi nhuận hoạt động kinh doanh tăng gấp đôi so với cùng kỳ nhờ việc thi công giai đoạn cuối một số dự án lớn như toà nhà CN1 ngân hàng Vietinbank, toà nhà Vietcombank, nhà ga T2 sân bay Nội Bài, tòa nhà Quốc Hội …

Trong quý II, lợi nhuận từ liên doanh liên kết của REE rơi mạnh xuống mức âm 70 tỷ đồng từ mức 107 tỷ đồng trong quý 2 năm 2013. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng lợi nhuận từ các LDLK trong quý II năm 2013 có tính chất đột biến khi REE đầu tư vào cổ phiếu PPC với giá vốn rất thấp và PPC cũng ghi nhận khoản lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá.

Đồng thời, cũng như chúng tôi đã đề cập hồi đầu tháng, các khoản cổ tức bằng tiền từ các doanh nghiệp liên kết lớn như PPC, TMP và TBC sẽ làm giảm lợi nhuận từ liên doanh liên kết trong quý II. Trong kỳ, công ty ghi nhận khoản thu nhập cổ tức bằng tiền lên đến 148 tỷ đồng, hầu như toàn bộ là từ 3 doanh nghiệp ngành điện nói trên.

Đặc biệt, với việc REE nâng tỷ lệ sở hữu tại TBC từ 24% lên 58%, trong BTCC quý II, doanh nghiệp này không còn trong danh mục các công ty liên kiết mà đã trở thành một công ty con của REE. Trong kỳ REE tiếp tục ghi nhận lợi nhuận từ TBC như các quý trước, có trừ đi phần khấu hao lợi thế thương mại phát sinh khi mua cổ phiếu TBC.

Theo ước tính của chúng tôi, khoản lợi thế thương mại này vào khoảng 127 tỷ đồng. Từ quý III trở đi, REE sẽ tiến hành hợp nhất báo cáo tài chính với TBC. Vì vậy, trong quý tới, có thể kỳ vọng doanh thu hợp nhất cũng như các khoản mục tài sản sẽ tăng mạnh trong khi các chỉ tiêu như biên lợi ròng, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu, tỷ suất sinh lời trên tài sản sẽ giảm xuống.

Dù vậy, với kỳ vọng tích cực về kết quả kinh doanh của TBC trong các tháng cuối năm, chúng tôi cho rằng lợi nhuận của REE trong quý III và quý IV sẽ có sự tăng trưởng khả quan.

Tính chung năm 2014, chúng tôi ước tính doanh thu thuần của REE có thể đạt 2.871 tỷ đồng tăng 19,1%, lợi nhuận sau thuế đạt 856 tỷ đồng, giảm khoảng 12% so với năm 2013. Vì lợi nhuận năm 2013 có yếu tố đột biến từ việc đầu tư vào PPC nên chúng tôi cho rằng kết quả kinh doanh nói trên vẫn là khá khả quan đối với REE. Với mức EPS dự phóng khoảng 3.380 đồng, REE hiện đang giao dịch với mức P/E khoảng 8.0x, một mức khá hấp dẫn đối với một cổ phiếu blue-chip với danh mục đầu tư nhiều tiềm năng như REE.

Tin bài liên quan