Khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu VNE với giá mục tiêu 11.800 đồng
(CTCK Bảo Việt – BVSC)
Mã chứng khoán: VNE - Tổng công ty Cổ phần Xây dựng điện Việt Nam
VNE là một trong vài doanh nghiệp xây lắp điện hàng đầu Việt Nam. Sau giai đoạn xáo trộn do bị thâu tóm, hoạt động kinh doanh của VNE đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng khi nhóm thâu tóm rút lui và Ban lãnh đạo cũ quay trở lại.
Với sự trở lại của Ban lãnh đạo cũ, VNE tiếp tục định hướng định hướng tái cấu trúc doanh nghiệp là thoái vốn ra khỏi các dự án BĐS cũng như các công ty con và công ty liên kết kém hiệu quả để tập trung vào thế mạnh là xây lắp điện và năng lượng từ đó giúp cho công ty có thể tăng trưởng và ổn định hơn trong tương lai.
Cùng với đó thì LNST năm 2018 được dự báo tăng trưởng xấp xỉ 100% nhờ thoái vốn từ Khách sạn Xanh Huế.
Vì vậy chúng tôi khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu VNE với mức giá mục tiêu cho năm 2018 là 11.800 đồng/cổ phiếu (tiềm năng tăng trưởng 56% so với mức giá đóng cửa ngày 11/04/2018 là 7.550 đồng/cổ phiếu).
>> Tải báo cáo
Mức giá hợp lý của PVT là 26.000 đồng
(CTCK Phú Hưng – PHS)
Mã chứng khoán: PVT - Tổng công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí
Với kỳ vọng việc nhà máy lọc dầu Dung Quất không bước vào đợt bảo trì định kỳ như trong năm 2017, đồng thời nhà máy lọc dầu Nghi Sơn được dự kiến sẽ ra những sản phẩm đầu tiên vào quý IV/2018, chúng tôi kỳ vọng KQKD của PVT trong năm 2018 sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay.
Đồng thời nhu cầu vận chuyển than cho các nhà máy nhiệt điện trong năm nay sẽ tích cực hơn cùng với mối quan hệ giữa PVN và EVN, PVT có thể sẽ tiếp tục nhận được các hợp đồng vận chuyển này.
Định giá và khuyến nghị: Bằng phương pháp so sánh P/E với ngành là 14x, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý của PVT là 26.000/cổ phiếu.
Khuyến nghị giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu cho DQC
(CTCK Bản Việt – VCSC)
CTCP Bóng đèn Điện Quang (DQC) đã công bố kế hoạch doanh thu và LNTT năm 2018 lần lượt là 1,16 nghìn tỷ đồng (+9,8% so với 2017) và 150 tỷ đồng (+11,1% so với 2017).
Trong khi kế hoạch doanh thu của DQC là khá phù hợp với dự báo của chúng tôi, mục tiêu LNTT lại cao hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi.
Chúng tôi hiện đang dự phóng LNTT 97 tỷ đồng cho DQC năm 2018, giảm 28% so với 2017, do mức chiết khấu và khuyến mãi cao hơn cũng như chi phí mở rộng đội ngũ bán hàng trong khi thu nhập lãi sẽ giảm từ mức cơ sở cao năm 2017.
Chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm với ban lãnh đạo công ty về nguyên nhân của chênh lệch dự báo này.
Dù vậy, khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận bao gồm (1) biên LN cao hơn dự báo của dòng sản phẩm LED mới có giá thành rẻ hơn của DQC và (2) lợi nhuận bất thường từ thoái vốn khỏi các tài sản ngoài cốt lõi như cổ phiếu và BĐS.
Liên quan đến đầu tư cổ phiếu, dựa theo giá thị trường hiện tại, chúng tôi ước tính tổng lợi nhuận trước thuế vào khoảng 30 tỷ đồng cho danh mục đầu tư của DQC.
Theo ban lãnh đạo, DQC đã một phần thoái vốn khỏi lượng nắm giữ này trong quý I/2018, tạo ra lãi trước thuế ước tính 10 tỷ đồng.
Trong khi khoản lợi nhuận bất thưởng từ thoái vốn khỏi các hoạt động không cốt lõi là khá lớn so với lợi nhuận cốt lõi của DQC, diễn biến này sẽ không tác động đáng kể đến định giá của chúng tôi.
Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 30.000 đồng/cổ phiếu cho DQC, tương ứng với tổng mức sinh lời -5,1% bao gồm lợi suất cổ tức 4,2% dựa theo giá đóng cửa hôm nay.
Khuyến nghị giá mục tiêu 14.100 đồng/cổ phiếu cho GTN
(CTCK Bản Việt - VCSC)
Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2018, CTCP GTNFoods (GTN) đặt mục tiêu LNST sau lợi ích CĐTS 165 tỷ đồng, bao gồm xấp xỉ 100 tỷ đồng lãi tài chính từ thoái vốn khỏi các tài sản ngoài cốt lõi (chủ yếu là BĐS).
Con số này tương ứng với tăng trưởng LNST sau lợi ích CĐTS thường xuyên và báo cáo lần lượt 62% và 312% trong năm 2018 so với 2017.
Theo cơ sở thường xuyên, kế hoạch của GTN phần lớn phù hợp với dự phóng hiện tại của chúng tôi là 60 tỷ đồng LNST sau lợi ích CĐTS trong năm 2018.
Chúng tôi hiện chưa ghi nhận lợi nhuận bất thường vào dự phóng của chúng tôi khi chúng tôi sẽ chờ đợi đến khi các giao dịch được diễn ra. Tác động của các khoản thoái vốn này đến định giá của chúng tôi là không đáng kể.
Tuy nhiên, diễn biến này sẽ giúp giải phóng dòn tiền để GTN tái đầu tư vào các mảng kinh doanh cốt lõi (sữa và trà) hoặc gia tăng sở hữu của tại công ty con là Sữa Mộc Châu, vốn là yếu tố tạo ra lợi nhuận chính cho GTN.
Chúng tôi hiện đang khuyến nghị giá mục tiêu 14.100 đồng cho GTN, tương ứng với tỷ lệ tăng 28,2%.
Khuyến nghị phù hợp thị trường cho cổ phiếu HSG
(CTCK Bản Việt - VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) nhưng điều chỉnh giảm giá mục tiêu 21% (tương ứng từ 25.400 đồng xuống 20.000 đồng/cổ phiếu).
Vì trong thời gian qua biên lợi nhuận tiếp tục giảm và các chỉ số cơ bản của công ty xấu đi, chúng tôi cho rằng triển vọng cổ phiếu công ty không còn khả quan như trước.
KQLN Quý I/2018 gây thất vọng với lợi nhuận giảm mạnh 24% do biên lợi nhuận gộp giảm, trong khi tỷ lệ đòn bẩy và chi phí lãi vay tăng mạnh nên làm ảnh hưởng đến KQKD mặc dù tăng trưởng sản lượng bán ra đều lành mạnh ở tất cả các mảng sản phẩm.
Vì KQLN Quý I/2018 thấp hơn so với kỳ vọng, chúng tôi điều chỉnh giảm dự báo biên lợi nhuận gộp, đồng thời điều chỉnh tăng dự báo chi phí lãi vay vì dư nợ tăng mạnh.
Chúng tôi dự báo LNST 2018 sẽ giảm 2% thay cho dự báo tăng 16% trước đây do cạnh tranh tại thị trường trong nước ngày càng gay gắt, rủi ro chiến tranh thương mại, chi phí thép cán nóng và chi phí lãi vay tăng.
Việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với thép dự kiến sẽ không ảnh hưởng đáng kể đối với HSG vì công ty chỉ xuất khẩu 5% sản lượng sang nước này.
Ngoài triển vọng lợi nhuận kém tích cực, chúng tôi lưu ý rằng việc HSG có lượng lớn hàng tồn kho, dòng tiền hoạt động kinh doanh giảm và tỷ lệ đòn bẩy gia tăng làm ảnh hưởng đến luận điểm đầu tư vào HSG.
Định giá tại mức 6,3 lần 2018 là cao trong bối cảnh triển vọng lợi nhuận kém khả quan và tình hình tài chính của HSG kém đi.