SGP: Phù hợp đầu tư dài hạn
CTCK MB (MBS)
Cổ phiếu của CTCP Cảng Sài Gòn (mã chứng khoán SGP) đã giao dịch trên Upcom kể từ ngày 25/4.
Trong ngắn hạn, công ty có tính rủi ro cao do 1) công ty phải trích lập cho các khoản đầu tư vào các công ty liên doanh liên kết 2) hoạt động kinh doanh chính bị ảnh hưởng trong năm 2016 do việc di dời cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Cổ phiếu cũng chịu áp lực bán ngắn hạn từ việc thoái vốn của Vietinbank và VPbank.
Tuy vậy, về dài hạn, chúng tôi cho rằng SGP sẽ lấy lại được đà tăng trưởng khi dự án cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đi vào hoạt động kể từ cuối 2016.
Chúng tôi định giá cổ phiếu SGP từ 11.300 đồng/CP đến 15.500 đồng/CP, mức giá trung vị là 13.500 đồng/CP. SGP phù hợp đầu tư với những nhà đầu tư dài hạn tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng của công ty dựa trên khai thác tốt cảng Sài Gòn – Hiệp Phước, sự hồi phục của khu vực cảng biển Cái Mép – Thị Vải và trông chờ vào khả năng thoái vốn của Nhà Nước cho cổ đông nước ngoài.
VCB và MBB: Ưu tiên hàng đầu trong nhóm cổ phiếu ngân hàng
CTCK MB (MBS)
Kể từ khi chúng tôi đưa ra quan điểm đầu tư đối với ngành ngân hàng trong “Báo cáo Chiến lược Đầu tư 2016 – MBS”, chỉ có cổ phiếu VCB đã có bước tăng giá đúng như dự báo. Các cổ phiếu còn lại đều đi ngang/tăng nhẹ hoặc giảm giá.
Quan sát, đánh giá và lựa chọn cơ hội đầu tư của chúng tôi:
Đây không phải là lúc quá nặng nề về những câu chuyện đã cũ về ngành ngân hàng như một số báo cáo nghiên cứu, báo chí phản ánh gần đây. Chúng tôi nhận thấy các ngân hàng niêm yết trong nhóm khảo sát, dù ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, đều hướng về phía trước, chuẩn bị cho một chu kỳ tăng trưởng, thận trọng nhưng khá lạc quan.
Không nên đánh đồng tất cả các ngân hàng như một nhóm để nhận định chung về quan điểm đầu tư tại thời điểm này. Sự phân hóa rõ nét trên nhiều phương diện như lợi thế về chi phí vốn, hình ảnh thương hiệu, chất lượng tài sản và sức mạnh tạo ra lợi nhuận (earnings power) dẫn đến việc lựa chọn cơ hội đầu tư cần cân nhắc với từng ngân hàng cụ thể, hơn là như một nhóm tại thời điểm này.
Trên phương diện đi tìm các ngân hàng có sự chuẩn bị tốt các nguồn lực và ở trạng thái sẵn sàng cho các bước tăng trưởng bền vững, chúng tôi lần lượt đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng, khả năng cải thiện NIM, đa dạng hóa nguồn thu ngoài lãi, kiểm soát hiệu quả thu nhập-chi phí và gánh nặng chi phí trích lập dự phòng còn lại. Chúng tôi thực hiện chấm điểm tổng hợp các tiêu chí quan trọng và so sánh.
Lựa chọn của chúng tôi: VCB và MB lần lượt là hai ngân hàng ở trạng thái sẵn sàng cho bước tăng trưởng bền vững phía trước. Sự khác biệt của chúng tôi so với ý kiến chung (consensus view) nằm ở trường hợp cổ phiếu MBB. Sau khi cân nhắc các yếu tố cơ bản, định giá và các động lực (catalysts), chúng tôi chọn MBB là lựa chọn ưu tiên số 1 và tiếp theo là VCB là lựa chọn thứ 2 cho mục tiêu đầu tư.
BHS: Xem xét mua vào ở vùng 16.6-17
CTCK KIS Việt Nam (KIS)
Chỉ báo RSI của BHS của CTCP Đường Biên Hòa đang sắp chạm về ngưỡng 30. RSI thường có xu hướng sẽ bật tăng trở lại khi chạm đến ngưỡng này. RSI bật tăng trở lại từ ngưỡng quá bán là tín hiệu kỹ thuật cho thấy khả năng tăng của giá.
Khả năng này cũng được củng cố thêm, khi BHS sắp chạm về vùng hỗ trợ 16.6-17, vùng có sự hiện diện của đường xu hướng tăng bắt đầu từ tháng 10/2015 và trùng với các mức đỉnh/đáy được xác lập vào 08, 10/2015 và tháng 01/2016.
Tuy nhiên, các yếu tố chỉ xu hướng của BHS đang khá bất lợi, như: BHS đã rơi khỏi các đường hỗ trợ mạnh MA100, MA200; rơi khỏi đường xu hướng tăng dài hạn bắt đầu từ 05/2015; MACD cắt xuống ngưỡng 0; ADX (cho thấy độ mạnh của xu hướng giảm) có dấu hiệu tăng dần lên.
Do đó, trước mắt có thể chỉ nên kỳ vọng vào một nhịp tăng ngắn khi BHS chạm về vùng 16.6-17.
Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét mua BHS ở vùng 16.6-17 cho mục tiêu ngắn hạn. Kỳ vọng BHS có thể tăng lên test lại vùng 19-19.4. Ngưỡng cắt lỗ đặt tại 16.