Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/11

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 12/11

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 12/11 của các công ty chứng khoán.

DPM: Khuyến nghị theo dõi

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM – sàn HOSE) đang bước vào xu hướng giảm ngắn hạn khi chỉ báo RSI đã rơi khỏi vùng quá mua. Hai ngưỡng hỗ trợ gần nhất của DPM là 32.3 và 30.5.

Nhà đầu tư chưa nên mua DPM, tạm thời đứng ngoài quan sát thêm động thái của DPM tại ngưỡng hỗ trợ 32.3 trước khi quyết định giải ngân.

KSA: Khuyến nghị bán ra

CTCK BIDV (BSC)

KSA của CTCP Khoáng sản Bình Thuận có phiên phân phối khi khối lượng tăng mạnh và giá giảm. Mặc dù vậy, chỉ báo đảo chiều chưa xuất hiện khi RSI tiếp tục duy trì trên mức quá mua 70. Tuy nhiên, cần phải lưu ý nếu KSA giảm thêm một phiên nữa, tín hiệu đảo chiều từ RSI sẽ xuất hiện.

Nhà đầu tư đang có sẵn KSA có thể xem xét chốt lời dần nếu chỉ báo RSI rơi khỏi vùng quá mua với khối lượng lớn.

FIT: Khuyến nghị mua vào

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu FIT của CTCP Đầu tư F.I.T đang tích lũy tạo đáy sau khi giảm mạnh kể từ tháng 6/2015. Chỉ báo xu hướng MACD đã cắt lên đường 0 để khẳng định xu hướng tăng.

FIT cũng đang hình thành mô hình cái nêm, và có thể sẽ có biến động giá mạnh hơn khi mô hình này được hoàn thành.

Nhà đầu tư có thể mua gom FIT quanh vùng giá 10, lưu ý dừng lỗ nếu FIT giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 9,3.

DAT: Tăng trưởng phụ thuộc vào kinh doanh dầu ăn

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Việt Nam hiện đang phụ thuộc phần lớn vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Theo đề án phát triển ngành thức ăn chăn nuôi nội địa đến 2020 của Bộ NN&PTNT sẽ giảm phụ thuộc từ nguồn nhập khẩu và khuyến khích các DN trong nước tăng sản xuất thức ăn chăn nuôi. Đây là một trong hai hoạt động kinh doanh chính của CTCP Đầu tư và Phát triển thủy sản (mã DAT). Với hỗ trợ từ Công ty mẹ - CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (IDI), DAT có thể dễ dàng kiểm soát tốt chất lượng, số lượng nguồn nguyên liệu đầu vào.

Mức tiêu thụ dầu ăn bình quân đầu người của Việt Nam của 7-9 kg/năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới (14kg/năm). Nhu cầu về dầu ăn chiết xuất từ dầu cá đang gia tăng do người tiêu dùng đang ngày càng hướng về sản phẩm an toàn và bổ dưỡng.

Bất kỳ thay đổi bất lợi trong các mối quan hệ với Công ty mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến DAT do nguồn nguyên liệu chính của DAT là từ Công ty Mẹ IDI. Tăng trưởng của DAT phần lớn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh dầu ăn (mới hoạt độn từ quý II/2015) trong khi cạnh tranh ngành này đang rất gay gắt.

REE: PE giao dịch ở mức 7x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Cơ điện lạnh (Mã CK: REE) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015 với doanh thu thuần hợp nhất đạt 621,1 tỷ đồng, giảm 5,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận ròng đạt 208,3 tỷ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ.

Doanh thu quý III/2015 giảm 5,1% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu dịch vụ cho thuê văn phòng tăng 5,7%, doanh thu cung cấp thiết bị và lắp đặt (M&E) giảm nhẹ 0,6%, doanh thu sản xuất thương mại giảm 8,3% và doanh thu điện giảm 43,2% (đây là phần hợp nhất KQKD của CTCP Thuỷ điện Thác Bà).

Trong khi đó, lợi nhuận ròng quý III/2015 giảm 14,5%, giảm nhiều hơn doanh thu, là do lợi nhuận từ công ty liên kết giảm so với cùng kỳ. Theo giải trình của công ty, lợi nhuận từ các công ty liên kết giảm chủ yếu là do KQKD của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và lỗ từ CTCP Thuỷ điện Sông Ba Hạ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2015, REE ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 1.981,2 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận từ hoạt động SXKD chính cũng tăng 9,2% so với cùng kỳ đạt 480,8 tỷ đồng. Tuy vây, lợi nhuận ròng giảm 13,2% so với cùng kỳ đạt 590,8 tỷ đồng do:

(1) thu nhập tài chính ròng giảm (cổ tức lợi nhuận được chia giảm 12% trong khi chi phí lãi vay tăng 83% so với cùng kỳ);

(2) thu nhập khác cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ do trong năm nay không có khoản thu nhập bất thường như trong cùng kỳ năm trước (trong quý I/2014 công ty ghi nhận khoản thu nhập bất thường 52 tỷ từ việc thay đổi hình thức thưởng vượt kế hoạch sang cổ phiếu ESOP).

REE đặt kế hoạch 2015 với doanh thu hợp nhất 2.777 tỷ đồng, tăng 5,6%; lợi nhuận ròng 937 tỷ đồng, giảm 11,8% so với năm trước, trong đó dự kiến chủ yếu do lợi nhuận từ đầu tư các công ty liên kết giảm vì không còn khoản lãi chênh lệch tỷ giá lớn như trong năm 2014 (trường hợp PPC, khoản đầu tư lớn nhất trong các công ty liên kết của REE) và KQKD của các công ty thuỷ điện kém hơn năm trước.

Như vậy, 9 tháng đầu năm 2015, REE đã hoàn thành 71,3% kế hoạch doanh thu và 63,1% kế hoạch lợi nhuận. Cổ phiếu REE giao dịch với P/E bốn quý gần nhất 7x.

DCL: PE cao hơn trung bình ngành, ở mức 12 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL) cho biết, doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2015 giảm 5,7% so với cùng kỳ, còn 480,9 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu nhóm hàng sản xuất (đóng góp 94% doanh thu) giảm 5% so với cùng kỳ. Nhóm hàng thương mại giảm mạnh hơn, tới 14% so với cùng kỳ. So với mức giảm 9,2% so với cùng kỳ của doanh thu 6 tháng đầu năm 2015, đà giảm 9 tháng đầu năm 2015 đã chậm lại nhờ kết quả cải thiện trong quý III/2015 với doanh thu tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó khăn đối với DCL khả năng sẽ vẫn còn tiếp tục. Nguyên nhân do sản phẩm của DCL không nhiều lợi thế cạnh tranh, trong khi đó, áp lực cạnh tranh ở hệ thương mại (OTC) – kênh phân phối chính của DCL lại ngày càng gia tăng.

Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu trong kỳ giảm mạnh khoảng 5,8 điểm % so với cùng kỳ, xuống còn 17,7%, nhờ chi phí dự phòng giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2015, DCL chỉ trích hơn 8 tỷ cho khoản mục dự phòng nợ phải thu khó đòi, so với mức 29 tỷ của cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 9/2015, số dư khoản phải thu khách hàng của DCL là 196,3 tỷ đồng, giảm 39 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương đương mức giảm 16,6% n/n, trong khi đó, khoản mục dự phòng giảm gần 26 tỷ đồng. Như vậy, phần lớn số nợ giảm đi là do dùng dự phòng để xoá.

Biên lợi nhuận gộp của DCL trong 9 tháng đầu năm 2015 chỉ đạt 30,4%, giảm 4,7 điểm % so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu giảm mạnh hơn đã giúp bù đắp sụt giảm của biên lợi nhuận gộp.

Ngoài ra, chi phí tài chính ròng (chủ yếu là lãi vay) 9 tháng đầu năm 2015 cũng giảm mạnh 42% so với cùng kỳ. Nhờ đó, công ty vẫn đạt mức tăng trưởng lãi ròng 18% trong 9 tháng đầu năm 2015.

DCL đặt mục tiêu năm 2015 đạt 840 tỷ đồng doanh thu (+18,4% so với năm trước) và 50 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (+57,9% so với năm trước). Với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2015, DCL đã hoàn thành được 57,3% và 79,4% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm.

DCL dự kiến tăng gần 4 lần vốn điều lệ trong năm 2015, lên mức 461,2 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện 3/4 đợt phát hành như dự kiến. CTCP Đầu tư F.I.T (FIT) là tổ chức mua vào chính trong các đợt phát hành vừa qua. Hiện tỷ lệ sở hữu của FIT tại DCL đã tăng lên 59,2%, so với mức 16,1% hồi đầu năm 2015.

Nhắc lại, ĐHCĐ thường niên 2015 đã thông qua chấp thuận cho FIT nâng tỷ lệ sở hữu tại DCL lên 65%. Đợt phát hành cuối cùng theo kế hoạch gồm 21 triệu cp thưởng, khả năng sẽ được thực hiện trong quý IV/2015. Với tốc độ tăng vốn quá nhanh, EPS 2015 sẽ bị pha loãng đáng kể.

Tính riêng cho 3 đợt phát hành đầu tiên, thì EPS 2015 (theo kế hoạch lợi nhuận của công ty) đã giảm 45%, từ 5.044 xuống còn 2.793 đồng/cp, tương đương với mức PE 2015 hiện nay là khoảng 12 lần, cao hơn mức 10 lần bình quân ngành.

CNG: Lợi nhuận năm dự phóng 120 tỷ đồng

CTCK MB (MBS)

CTCP CNG Việt Nam (mã CNG) công bố kết quả kinh doanh 3 quý đầu năm 2015. Theo đó, doanh thu đạt mức 691 tỷ VNĐ, giảm 15% so với cùng kỳ; lợi nhuận ròng đạt mức 88.4 tỷ VNĐ, giảm 3% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, do giá dầu mỏ thế giới giảm mạnh nên CNG cũng phải giảm giá bán khí đầu ra của mình và đó là nguyên nhân khiến doanh thu của Công ty suy giảm trong khi tiêu thụ khí vẫn ổn định.

Hiện tại, nhà máy của CNG có công suất vận hành tối đa là 95 triệu Sm3 khí/năm. Công ty đang cung cấp khí ổn định cho khoảng 35 khách hàng là các hộ công nghiệp. Sản lượng tiêu thu khí của Công ty vẫn tăng trưởng đều trong 3 năm qua và đạt mức 75 triệu Sm3 trong năm 2014.

Cuối năm 2015, dự án thu gom và phân phối khí mỏ Hàm Rồng và Thái Bình đã hoàn thành và đưa khí vào bờ để cung cấp khí thấp áp cho KCN Tiền Hải - Thái Bình và CNG cho các hộ công nghiệp khu vực phía Bắc. Công ty Cổ phần CNG Việt Nam có trách nhiệm phân phối 30% sản lượng CNG của dự án tương đương sản lượng 50 triệu Sm3/năm.

Hiện tại, CNG đã có một số khách hàng tại khu vực miền Bắc là Công ty TNHH Sứ vệ sinh TOTO, Công ty TNHH thép Natsteel, Công ty TNHH thép VSC–POSCO và Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam với tổng công suất tiêu thụ khoảng 75.000 m3 khí/ ngày (tương đương 8 triệu Sm3/năm). Chúng tôi đánh giá, đây chính là tiền đề để CNG tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong năm sau.

Chúng tôi dự phóng lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt mức 120 tỷ đồng trong năm 2015, tương đương mức EPS là 4.440 đồng.

Tin bài liên quan