Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/2

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 1/2

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 1/2 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu BMP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Nhựa Bình Minh (BMP - sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 khởi sắc: Lợi nhuận ròng tăng kỷ lục, đạt 260,8 tỷ đồng (tăng 41,9% so với quý trước; tăng 117,1% so với cùng kỳ năm trước), với doanh thu thuần đạt 1.407,9 tỷ đồng (giảm 5,9% so với quý trước; đi ngang so với cùng kỳ).

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của BMP đạt 5.808,3 tỷ đồng (tăng trưởng 27,6% so với năm trước) và 696,3 tỷ đồng (tăng trưởng 224,9%), tương đương 100,1%/ 116,4% so với dự báo của BVSC.

Nhờ vào kết quả kinh doanh năm ấn tượng và việc cổ đông lớn nhất mua vào gần đây, giá cổ phiếu BMP đã tăng vượt trội (tăng 7,7%) so với mức giảm 26,4% của VN-Index trong vòng 1 năm qua.

Do triển vọng ngắn hạn sẽ khó khăn hơn từ cả hai phía đầu vào và đầu ra, chúng tôi duy trì khuyến nghị Neutral. Ở mức giá hiện tại, BMP đang giao dịch ở mức P/E 2023 là 10,9x, và suất cổ tức ở mức 10,4%.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu PLX

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 35% lên 38.400 đồng/CP nhưng điều chỉnh hạ khuyến nghị từ khả quan xuống phù hợp thị trường cho Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) do giá cổ phiếu của công ty đã tăng 40% trong 2 tháng qua.

Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2024 thêm khoảng 30% khi chúng tôi nâng dự báo sản lượng bán hàng trong nước của PLX thêm khoảng 8%. Chúng tôi cho rằng PLX hưởng lợi từ việc giành được thị phần từ các công ty yếu hơn thông qua sản lượng bán hàng cao hơn.

Chúng tôi duy trì giả định lợi nhuận trên mỗi lít xăng dầu trong giai đoạn 2023-2027 vì các đợt điều chỉnh thành phần giá cơ sở (premium & chi phí vận chuyển định mức) trong quý 4/2022 gần như bù đắp được premium và chi phí thực tế của PLX, theo công ty. Chúng tôi cho rằng điều này là nhờ thị phần vượt trội và quy mô lớn của PLX mang lại cho PLX lợi thế cạnh tranh về chi phí so với các công ty cùng ngành.

Khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo hiện tại của PVS

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) công bố kết quả kinh doanh quý 4/2022 tích cực với lợi nhuận sau thuế đạt 357 tỷ đồng (tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi đạt 357 tỷ đồng (tăng 50,2%), nhờ ghi nhận doanh thu từ các hợp đồng Cơ khí dầu khí (M&C) và biên lợi nhuận gộp cải thiện 8,3 điểm % đạt 3,0% so với 0,5% trong 9 tháng năm 2022. Ngoài ra, PVS đã hoàn nhập khoản dự phòng bảo hành trị giá 135 tỷ đồng.

Trong năm 2022, PVS ghi nhận doanh thu đạt 16,4 nghìn tỷ đồng (tăng 15,6% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi đạt 724 tỷ đồng (tăng trưởng 20,5%).

Chúng tôi cho rằng, doanh thu công ty tăng là nhờ mức tăng trưởng mạnh của mảng M&C và mảng vận hành & bảo dưỡng (O&M), lần lượt đạt 21,5% và 42,3%. Tăng trưởng doanh thu mảng M&C đến từ các hợp đồng quốc tế, bao gồm dự án Gallaf – Giai đoạn 3 (Qatar) và Shwe (Myanmar).

Bên cạnh đó, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi năm 2022 tích cực là nhờ 1) lợi nhuận từ các công ty liên doanh kho nổi FPO/FPSO tăng 24,3% và 2) biên lợi nhuận gộp mảng M&C và O&M cải thiện.

Ngoài ra, lợi nhuận khả quan từ các công ty liên doanh FSO/FPSO trong năm 2022 là nhờ đóng góp từ FPSO Ruby II khi FPSO này được cho thuê với giá thuê ngày cao nhất (92.500 USD) trong cả năm 2022.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi năm 2022 lần lượt hoàn thành 112,2% và 126,3% dự báo cả năm và vượt kỳ vọng của chúng tôi. Do đó, chúng tôi nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo hiện tại của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Tin bài liên quan