Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/8 của các công ty chứng khoán.
Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/8

PHR: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

PHR vừa công bố Kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2014  với doanh thu thuần đạt 726,6 tỷ đồng (47% kế hoạch năm), giảm khoảng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù sản lượng cao su tiêu thụ tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 12.349 tấn mủ, giá bán mủ bình quân 6 tháng đầu năm 2014 giảm 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái chỉ còn 45,7 triệu đồng/tấn (xấp xỉ kế hoạch năm là 45 triệu đồng/tấn).

Biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 26,6% 6 tháng đầu năm 2013 xuống chỉ còn 20,6% 6 tháng đầu năm 2014. Ngoài ra, chi phí hoạt động tăng đáng kể, tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/Doanh thu tăng từ 6,7% 6 tháng đầu năm 2013 lên 8,1% 6 tháng đầu năm 2014. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014  giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 120,7 tỷ đồng, tương đương 56,8% kế hoạch cả năm.

Đẩy mạnh thanh lý vườn cây cao su. Doanh thu thanh lý vườn cây cao su đã tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái đạt 53,3 tỷ đồng. Chúng tôi ước tính PHR có thể đã thanh lý khoảng 450ha vườn cây cao su (khoảng 50% kế hoạch năm) vườn cây cao su với giả định doanh thu thanh lý khoảng xấp xỉ 120 triệu đồng/ha. Hoạt động thanh lý vườn cây cao su giúp lợi nhuận PHR không giảm sâu so với các doanh nghiệp khác.

Giá cao su trước áp lực tiếp tục duy trì ở mức thấp. PHR đặt kế hoạch giá bán quý III/2014 tiếp tục giảm xuống chỉ còn 39 triệu đồng/tấn (so với kế hoạch năm 45 triệu đồng/tấn). Giá cao su thế giới được dự báo tiếp tục ở mức thấp do tình trạng hàng tồn kho duy trì ở mức cao và dư cung trên thế giới vẫn tiếp diễn với dự báo hơn 714.000 tấn mủ cao su. Chúng tôi duy trì quan điểm rằng câu chuyện giá bán cao su thấp không phải là yếu tố mới và phần lớn đã được phản ánh vào giá của cổ phiếu PHR.

Điểm cộng cổ tức. PHR lên kế hoạch chia cổ tức với tỷ lệ 20%-30% mệnh giá, tương đương với lợi tức cổ tức 7,2% và 11%, khá cao so với mặt bằng lãi suất ngân hàng. Chúng tôi cho rằng kế hoạch cổ tức 30% là khả thi do tỷ lệ chi trả cổ tức (payout ratio) ước tính khoảng 75% là tương đối hợp lý do PHR không phải đầu tư nhiều vào các dự án nữa, đặc biệt là dự án mở rộng diện tích Phước Hòa Kampong Thom (đã hoàn thành 99%). Ngoài ra, đến cuối quý II/2014, lượng tiền và tuơng đương tiền của PHR khá cao 397 tỷ đồng, tương đương 4.900 VND/cp (chưa kể các khoản đầu tư ngắn hạn 142 tỷ đồng).

Định giá hợp lý. PHR đang giao dịch tại P/E là 6,8x, gần xấp xỉ trung bình ngành. Chúng tôi tiếp tục duy trì khuyến nghị Nắm GIỮ.

DMC: Khuyến nghị mua để đầu tư dài hạn

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

Doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm 2014 tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 772,2 tỷ đồng và sát dự báo của chúng tôi. Trong đó, doanh thu hàng sản xuất (chiếm hơn 70% tổng doanh thu) tăng mạnh hơn, khoảng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Lưu ý, doanh thu tăng mạnh chủ yếu do DMC tái cấu trúc lại danh mục hàng sản xuất theo hướng loại bỏ những sản phẩm có giá trị thấp để tập trung vào những sản phẩm có hiệu quả cao hơn. DMC hiện đang hoạt động ở mức công suất tối đa nên khó có khả năng tăng trưởng mạnh về sản lượng.

Doanh thu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2014 đạt 18,3 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy hoạt động xuất khẩu hiện tại chưa đóng góp nhiều trong doanh thu của DMC, nhưng công ty đang định hướng đẩy mạnh hoạt động này. Kế hoạch doanh thu xuất khẩu 2014 khoảng 48,8 tỷ đồng (+32% so với cùng kỳ năm ngoái). DMC hiện đã xuất sản phẩm sang các thị trường Myanmar, Philippines. Trong 2014, công ty dự kiến mở văn phòng đại diện tại Myanmar và xuất khẩu sang thị trường Nam Mỹ. Trong quý I/2014 DMC đã tiến hành xuất chào hàng sang Peru.

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 tăng mạnh hơn doanh thu, tới 27,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 62,2 tỷ đồng. Mặc dù biên lợi nhuận gộp giảm khoảng 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức 27,4% trong 6 tháng đầu năm 2014 nhưng tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu 6 tháng đầu năm 2014 cũng giảm gần tương đương. Do vậy, nhờ chi phí tài chính ròng giảm mạnh 66% so với cùng kỳ năm ngoái và thu nhập khác tăng gần 3,9 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 của DMC tăng mạnh 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2014, DMC đã hoàn thành 49,3% và 47,5% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận 2014. Các tháng cuối năm thường là mùa cao điểm của hệ thương mại (OTC). Do đó, với kỳ vọng DMC sẽ duy trì đà tăng trưởng hiện tại, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2014 của DMC tăng 21% và 24,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 1.730 và 133,5 tỷ đồng.

CFR Pharmaceuticals S.A, công ty dược phẩm hàng đầu tại Châu Mỹ Latinh và hiện đang là cổ đông lớn của DMC (nắm khoảng 46% cổ phần) đã và đang hỗ trợ DMC trong việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Ngoài ra, về dài hạn, triển vọng từ CFR còn đến từ việc hợp tác chuyển giao sản xuất và thương mại một số sản phẩm có lợi nhuận cao.

CFR và SCIC hiện đang trong tiến trình lên kế hoạch cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất thuốc ung thư tại Việt Nam. Cả CFR và SCIC đều đang là cổ đông lớn của DMC nên khả năng lớn là DMC sẽ được lựa chọn tham gia là nhà phân phối cho nhà máy này.

Định giá thấp. Cổ phiếu DMC hiện đang giao dịch ở mức PE 2014 khoảng 8x, thấp hơn nhiều so với bình quân ngành (11-12x) dù DMC đang là công ty dược niêm yết lớn thứ 3 (sau DHG và TRA). Duy trì khuyến nghị Mua dài hạn với giá mục tiêu 50.000 đồng/cp.

PAC: P/E dự phóng đạt 8,5 lần

CTCK Maybank Kim Eng (MBKE)

PAC công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014 với doanh thu 950 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 33,6 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chúng tôi cho rằng, mức tăng doanh thu nhờ sản lượng các sản phẩm ắc quy khô mới như CMF và PTX tăng. Xin nhắc lại, từ 2010 HĐKD của PAC liên tục sụt giảm do sản phẩm truyền thống (ắc quy nước) không cạnh tranh được về độ bền và tính hiệu quả của ắc quy khô ngoại nhập.

Do đó, cuối năm 2012, hai sản phẩm ắc quy khô mới được tung ra thị trường. Nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm bằng cách tăng tỷ trọng ắc quy khô, PAC đang giành lại thị phần và cạnh tranh lại với những loại ắc quy ngoại nhập khác.

Tuy nhiên điều này cũng làm giảm biên lợi nhuận gộp từ mức trung bình 19% xuống còn 18% do biên lợi nhuận của sản phẩm mới thấp hơn sản phẩm cũ. Lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu hoạt động tài chính tăng 64% nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng vì số dư tiền gửi tại ngân hàng của PAC tăng hơn gấp đôi so với 6 tháng đầu năm 2013. Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/ doanh thu giảm 1 điểm phần trăm và thuế TNDN giảm từ 25% xuống còn 22% nên lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2014 tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tình hình tài chính của PAC khá lành mạnh với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/6/2014 là 46%, chủ yếu là nợ ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu vốn lưu động. PAC đặt kế hoạch 2014 với tổng doanh thu 1.950 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận trước thuế 90 tỷ, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi cho rằng PAC có khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế do trong6 tháng đầu năm 2014 công ty đã hoàn thành 49% và 48% kế hoạch, mặc dù đây là mùa thấp điểm. EPS dự phóng đạt 2.601 đồng; P/E dự phóng đạt 8,5 lần, tương đương trung bình lịch sử.

DHG: Khả năng hoàn thành kế hoạch năm cao

CTCK Rồng Việt (VDSC)

Chuyên viên ngành của chúng tôi vừa có buổi trao đổi với CTCP Dược Hậu Giang (mã CK: DHG), nội dung xoay quanh kết quả kinh doanh trong 6 tháng và những chuyển động của Công ty trong thời gian tới.

Sáu tháng đầu năm, doanh thu đạt khoảng 1.700 tỷ (+10% so với cùng kỳ) trong khi lợi nhuận sau thuế 6 tháng vào khoảng 272 tỷ đồng (+12% so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận gộp cũng tăng nhẹ từ 46% (6 tháng đầu năm 2013) lên 53% (6 tháng đầu năm 2014). Nguyên nhân nhờ sự gia tăng tỷ trọng của hàng tự sản xuất (có biên lợi nhuận gộp thường trên 50%). Tỷ trọng của nhóm tự sản xuất trong 6 tháng đầu năm khoảng 91,3% (+15% so với cùng kỳ) trong khi hàng kinh doanh giảm 1,19% cùng kỳ (chiếm tỷ trọng 7,69%).

Hiện nay, cùng với việc đưa vào hoạt động hai nhà máy mới Non-Betalactam và Betalactam, năng lực sản xuất của doanh nghiệp sẽ được nâng lên đến 9,5 tỷ đơn vị sản phẩm/năm (gấp đôi so với năng lực hiện tại). Trong khi nhà máy Non – Betalactam (công suất 4 tỷ đơn vị sản phẩm/năm) bắt đầu khai thác từ tháng 4/2014 thì nhà máy Betalactam (công suất 1 tỷ đơn vị sản phẩm/năm) hiện vẫn đang trong giai đoạn xây dựng và sẽ hoàn thành trong năm sau. Theo chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế 0% sẽ được áp dụng cho hai nhà máy trong 4 năm đầu tiên và tăng lên 5% trong 9 năm tiếp theo, 2 năm còn lại là 10%. Tận dụng ưu thế này, 80% công suất nhà máy cũ sẽ được chuyển giao cho nhà máy mới. Do đó, tỷ suất sinh lợi ròng sẽ được cải thiện đáng kể.

Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong khi năng lực sản xuất được nâng lên, DHG đang từng bước tiến hành tái cấu trúc lại hệ thống và phương pháp bán hàng. Điểm mới thể hiện ở chỗ Công ty tổ chức phân chia đội ngũ bán hàng theo nhóm sản phẩm thay vì chỉ thuần túy phân chia theo địa bàn. Chúng tôi liên tưởng đến mô hình phân phối của các tập đoàn FMCG mạnh tại Việt Nam. Với việc bắt đầu phân phối sản phẩm cho MSD từ tháng 5/2014, chúng tôi nghĩ rằng khả năng hợp tác phân phối cho các đối tác mới sẽ tiếp tục mở ra. Việc đầu tư hoàn thiện và chuyên nghiệp hóa hệ thống phân phối là gợi ý cho khả năng này.

Ngoài ra, điểm nhấn quan trọng trong 6 tháng đầu năm là nhóm sản phẩm được “làm thương hiệu” của DHG có tốc độ tăng trưởng doanh thu ở mức cao, khoảng 16%. Trong đó, Naturenz sản phẩm giải độc gan có nguồn gốc từ thiên nhiên rất đáng được chú ý. Trong năm ngoái, dòng sản phẩm này đóng góp khoảng 3% tổng doanh thu.

Dựa vào các triển vọng (1) nhu cầu dược phẩm dự báo tiếp tục gia tăng khoảng hơn 16% từ 2013-2018 (2) năng lực sản xuất tăng gấp đôi, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ (3) ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 0% từ hai nhà máy mới (4) thúc đẩy hoạt động marketing và tái cấu trúc hệ thống bán hàng (5) phát triển mảng sản phẩm mới, nhóm dược phẩm được đầu tư, nghiên cứu theo công nghệ mới, chúng tôi đánh giá khá cao về khả năng hoàn thành kế hoạch doanh thu 3.880 tỷ (+ 10 % so với cùng kỳ) và lợi nhuận 686 tỷ (+4% so với cùng kỳ) của công ty.

TDC: Khuyến nghị nắm giữ

CTCK Vietcombank (VCBS)

TDC có lợi thế về quỹ đất do công ty mẹ Becamex có quỹ đất lên đến 10.000 ha ở Bình Dương, vị trí đắc địa trong quy hoạch các quận trung tâm Tp.Bình Dương, Tp Thủ Dầu Một và các thị xã lân cận. Hoạt động bán đất nền giá rẻ kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại doanh thu khả quan trong những năm tới. Cuối quý I/2014, hệ số Nợ/tổng tài sản của TDC ở mức 71,6% cao hơn khá nhiều so với trung bình ngành (đang là 54%).

Số dư tiền và tương đương tiền chỉ đạt 20 tỷ đồng trong khi các khoản nợ chịu lãi ngắn hạn và phải trả người bán lên tới 1.600 tỷ đồng (chiếm 37,5% tổng tài sản) - áp lực trả nợ của công ty là đáng quan ngại. Để có thêm tiền đầu tư các dự án và trả các khoản nợ công ty có kế hoạch phát hành thêm 500 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2014.

Quý I/2014, TDC chỉ đạt 77 tỷ đồng doanh thu thuần (-67,3% so với cùng kỳ năm ngoái) và (-22,8) tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (cùng kỳ dương 1 tỷ đồng). Trong đó: (1) Hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng đạt 121,5 tỷ đồng (tương đương cùng kỳ), (2) Hoạt động kinh doanh BĐS âm 49 tỷ đồng do ghi nhận một lượng lớn hàng bán bị trả lại (102 tỷ đồng).

VCBS dự phóng, năm 2014 TDC ước đạt 1.177 tỷ đồng doanh thu (-27% so với cùng kỳ năm ngoái), và 106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế ( (-13% so với cùng kỳ năm ngoái). EPS forward đạt 1.060 đồng, với mức giá ngày 06.08.2014 là 10.400 đồng, P/E forward 2014 là 9,81 lần- thấp hơn so với trung bình ngành hiện là 13,x.

Chúng tôi cho rằng, TDC đang chịu không ít những rủi ro bởi vì: (1) Tỷ lệ đòn bẩy cao, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn; (2) Hoạt động kinh doanh đất nền kì vọng sẽ mang lại dòng tiền về nhanh chóng cho DN tuy nhiên đang gặp các vấn đề về pháp lý; (3) Hoạt động sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng chưa có động lực tăng trưởng mạnh trong thời gian tới; (4) Hoạt động liên doanh liên kết dàn trải và chưa mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, TDC có lợi thế về quỹ đất rộng, vị trí đắc địa, giá trị thương mại cao, khả năng tiêu thụ sản phẩm tốt, tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt tương đối hấp dẫn, P/E đang ở mức thấp hơn so với ngành. Do đó VCBS khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu TDC.

>> Tải báo cáo

DXG: Khuyến nghị mua vào

CTCK Vietcombank (VCBS)

DXG hiện đang đứng đầu thị trường về mảng môi giới BĐS với năng lực phân phối trên 3.500 sản phẩm/năm (đất nền, căn hộ thuộc các phân khúc khác nhau) thông qua mạng lưới bán hàng rộng khắp cả nước (Hà Nội, HCM, Đã Nẵng, Phú Quốc) và kênh phân phối đa dạng (sàn giao dịch BĐS của DXG, sàn liên kết, cộng tác viên, website). Đến hết quý II/2014, 2.700 sản phẩm đã được DXG phân phối trong đó miền Bắc tiêu thụ trên 1.000 đơn vị.

Nợ vay/VCSH ở mức 0,11 lần tại thời điểm cuối quý I/2014, thấp hơn mức bình quân 0,69 lần của các DN trong ngành; số dư tiền mặt ở mức 306 tỷ đồng vào cuối quý I/2014, bên cạnh đó mảng môi giới đem lại dòng tiền ổn định và có tỷ suất sinh lời cao; các dự án DXG đang phát triển được tiêu thụ tốt. Vì vậy DXG có lợi thế hơn các công ty chỉ có hoạt động cốt lõi là mảng chuyển nhượng BĐS trong việc huy động vốn để phát triển dự án.

Cơ cấu doanh thu đa dạng đến từ các hoạt động: môi giới, chuyển nhượng BĐS và xây dựng. Các hoạt động trên ngoài việc gia tăng giá trị còn giúp DXG đạt được các mục đích: đa dạng hóa hoạt động của công ty trong bối cảnh mảng môi giới đang đạt tới ngưỡng bão hòa; nắm bắt tình hình thị trường và nhu cầu của khách hàng; đảm bảo tiến độ xây dựng và đầu ra của sản phẩm.

Kết quả kinh doanh quý I/2014 khả quan với doanh thu thuần đạt 92,4 tỷ đồng (17,7% kế hoạch, +89,4% so với cùng kỳ năm ngoái), lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 21,3 tỷ đồng (17% kế hoạch, tăng 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Kết quả kinh doanh vượt bậc trong quý I/2014 của DXG đến từ mảng chuyển nhượng BĐS do ghi nhận chủ yếu từ chuyển nhượng dự án Tân Vũ Minh, đạt 66,7 tỷ đồng; mảng Dịch vụ và môi giới BĐS giảm nhẹ so với cùng kỳ, đạt 24,1 tỷ đồng .

VCBS ước tính trong năm 2014, doanh thu thuần sẽ đạt 512 tỷ đồng (98% kế hoạch, +49,5% so với năm ngoái); lợi nhuận sau thuế đạt 117 tỷ đồng (94% kế hoạch, +42,6% so với năm ngoái) và EPS cơ bản đạt 1.401 đồng. Trong đó, mảng chuyển nhượng BĐS với Gold hill center, Tân Vũ Minh và sản phẩm tồn kho tại các dự án khác ghi nhận 268 tỷ đồng vào doanh thu thuần; mảng môi giới bao gồm đầu tư thứ cấp và môi giới dự án sẽ đóng góp khoảng 198 tỷ đồng; mảng xây dựng ghi nhận 44 tỷ đồng. VCBS khuyến nghị MUA cổ phiếu DXG cho mục tiêu dài hạn.

>> Tải báo cáo

REE: Tăng trưởng khả quan ở lĩnh mực M&E

CTCK BIDV (BSC)

Kết quả kinh doanh Quý II (công ty mẹ): Doanh thu đạt 137,7 tỷ đồng (+16,95% so với cùng kỳ năm ngoái). Nguyên nhân: REE ghi nhận 17,5 tỷ đồng từ dịch vụ M&E. Dịch vụ M&E đã chuyển qua công ty con nên chỉ khi công ty mẹ ký kết thì mới xuất hiện doanh thu này. Lợi nhuận sau thuế đạt 215,3 tỷ đồng (+96,7% so với cùng kỳ năm ngoái), gần bằng cả lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1Q2014. Nguyên nhân: (1) giảm chi phí quản lý do hoàn nhập nợ dự phòng khó đòi, thu về 28,4 tỷ (one-time event) (2) Doanh thu tài chính đạt 145 tỷ đồng (+56% so với cùng kỳ năm ngoái). Công ty được hưởng cổ tức từ các công ty liên kết nhiều hơn cùng thời điểm năm 2013.

Kết quả kinh doanh Hợp nhất quý II: Doanh thu đạt 619,5 tỷ đồng (+14,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Lợi nhuận sau thuế đạt 205,7 tỷ đồng (-19,27% so với cùng kỳ năm ngoái). Nguyên nhân của sự sụt giảm này chủ yếu đến từ giảm lợi nhuận sau thuế của các công ty liên kết (-69 tỷ đồng so với 107 tỷ đồng cùng kỳ 2013), đặc biệt là biến động giảm lợi nhuận quá lớn của Nhiệt điện Phả Lại (PPC). Mặt tích cực công ty là giảm đáng kể chi phí quản lý do dự phòng cẩn trọng.

Chúng tôi đánh giá công ty có sự tăng trưởng khả quan ở lĩnh vực M&E. Nếu như chỉ nhìn vào công ty mẹ thì lợi nhuận sau thuế đột biến rất tốt. Tuy nhiên, lợi nhuận từ các công ty liên kết biến động mạnh theo chiều hướng giảm, hơn dự đoán của chúng tôi, khiến công ty khó kiểm soát được lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 2. 

Tin bài liên quan