Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/8

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/8 của các công ty chứng khoán.

Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu MSN với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP

CTCK Bảo Việt (BVSC)

CTCP Tập đoàn Masan (MSN – sàn HOSE) công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 khả quan với doanh thu thuần đạt 41.196 tỷ đồng (tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích thiểu số đạt 979 tỷ (tăng trưởng 736,8%), hoàn thành lần lượt 44,8% và 39,2% mục tiêu doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế trừ lợi ích thiểu số (cận dưới) đặt ra tại ĐHCĐ.

Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt và toàn diện trong 1H21 và triển vọng kinh doanh nửa cuối năm 2021 đầy hứa hẹn, chúng tôi đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu MSN với giá mục tiêu theo phương pháp SOTP là 160.000 đồng/CP.

Bên cạnh tăng trưởng kết quả kinh doanh cốt lõi vững chắc, lượng đồng còn tồn kho của MSR và tăng vốn chủ sở hữu còn lại tại The CrownX cũng là những yếu tố ngắn hạn hỗ trợ kết quả kinh doanh trong nửa cuối năm nay.

>> Tải báo cáo

Chốt lãi khi cổ phiếu PVD tiếp cận ngưỡng giá 23.5

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí đang hình thành xu hướng tăng giá từ vùng đáy 17.5. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng hồi phục tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 báo hiệu xu hướng hồi phục ngắn hạn.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 19.6 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 23.5 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 23.5.

Khuyến nghị mua POW với giá mục tiêu 15.400 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (POW – sàn HOSE) đã công bố bản tin hàng tháng với sản lượng tiêu thụ tháng 7/2021 là 1,3 tỷ kWh và sản lượng tiêu thụ 7 tháng đầu năm 2021 đạt 10,8 tỷ kWh, giảm lần lượt 28% và 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản lượng tiêu thụ của POW giảm trong 7 tháng 2021 do danh mục đầu tư điện khí kém hiệu quả do sản lượng hợp đồng thấp hơn và giá bán trên thị trường phát điện cạnh tranh kém hấp dẫn, được bù đắp một phần nhờ diễn biến ổn định của nhiệt điện than (giảm 1%) và tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ từ danh mục đầu tư thủy điện (tăng 72%).

Nhìn chung, sản lượng tiêu thụ trong 7 tháng đầu năm 2021 của POW hoàn thành 53% dự báo cả năm của chúng tôi và thấp hơn dự báo của chúng tôi, chủ yếu do sản lượng điện thương phẩm từ nhà máy Cà Mau thấp hơn dự kiến.

Chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với sản lượng dự báo từ nhà máy Cà Mau nhưng khả năng điều chỉnh tăng đối với sản lượng nhiệt điện than từ nhà máy Vũng Áng khi sản lượng 7 tháng đầu năm của Vũng Áng đã hoàn thành 69% dự báo cả năm của chúng tôi. Ngoài ra, EVN cho biết thời tiết nắng nóng ở miền Bắc vào đầu tháng 8 đã khiến tiêu thụ điện trong vùng tăng mạnh (tăng 25%), diễn biến này khả quan đối với nhà máy Vũng Áng.

Chúng tôi lưu ý rằng theo hợp đồng mua bán điện (PPA) đang có hiệu lực hiện tại, lợi nhuận của nhà máy Cà Mau dựa trên công suất tin cậy, không dựa trên sản lượng tiêu thụ, do đó, sản lượng thấp không ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà máy. Do đó, chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 sẽ không thay đổi đáng kể, đạt 2,3 nghìn tỷ đồng.

Chúng tôi tin rằng đàm phán hợp đồng điện PPA của nhà máy Cà Mau có thể được hoàn tất trong năm nay. Diễn biến này cho thấy khả năng hoàn nhập dự phòng nợ xấu khoảng 780 tỷ đồng và khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của chúng tôi.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua và giá mục tiêu 15.400 đồng/CP đối với POW.

Khuyến nghị mua cổ phiếu VPB với giá mục tiêu 75.400 đồng/CP

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Quý II/2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPB – sàn HOSE) có kết quả kinh doanh tăng trưởng với thu nhập lãi thuần đạt 9.232 tỷ đồng (tăng 19,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 1,2% so với quý trước); lợi nhuận trước thuế đạt 12.047 tỷ đồng, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái và 9% so với quý trước; lợi nhuận sau thuế đạt 4.016 tỷ đồng, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

VPB kỳ vọng có thể hoàn tất các thủ tục liên quan đến thương vụ bán FE Credit để dòng tiền lợi nhuận có thể chảy về ngân hàng trong 3Q2021, qua đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ tiêu thanh khoản và chi phí đầu vào bình quân.

Diễn biến dịch Covid-19 phức tạp sẽ làm chậm lại tiến độ của thương vụ tìm đối tác chiến lược do: (1) Đàm phán giá ảnh hưởng do các rủi ro ngắn hạn (2) Việc giãn cách ảnh hưởng đến quá trình thương thảo, hoàn thiện giấy tờ.

Tham chiếu với giai đoạn làn sóng thứ nhất khi Việt Nam thực hiện mạnh giãn cách xã hội, KBSV cho rằng tăng trưởng tín dụng trong quý III/2021 sẽ chậm lại khi các ngân hàng sẽ phải đặt vấn đề quản trị rủi ro lên hàng đầu để đảm bảo chất lượng tài sản.

Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu là 75.400 đồng/CP, cao hơn 24,6% so với giá tại ngày 10/08/2021.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho cổ phiếu DHC

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi điều chỉnh khuyến nghị cho CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) từ mua còn phù hợp thị trường sau khi giá cổ phiếu DHC tăng 24% trong 3 tháng qua.

Hiện tại, khả năng định giá lại của DHC chủ yếu dựa vào việc mở rộng công suất - đặc biệt là việc triển khai nhà máy Giao Long 3 mới có thể tăng công suất giấy của DHC thêm ít nhất 120%. Tiến độ triển khai nhà máy này vẫn chưa được công bố cụ thể và chúng tôi cho rằng nhà máy Giao Long 3 sẽ đi vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2024.

Chúng tôi gần như giữ nguyên dự báo tổng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2021-2023. Chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận gộp đơn vị 6 tháng cuối năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 dẫn đến các gián đoạn nghiêm trọng đối với nhu cầu giấy bao bì của Việt Nam, hạn chế khả năng của DHC trong việc chuyển mức tăng trong chi phí thùng carton cũ (OCC) đầu vào sang khách hàng.

Tuy nhiên, chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận gộp đơn vị giai đoạn 2022-2023 khi chúng tôi giả định rằng sự gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt so với năm 2021 sẽ giúp nhu cầu giấy bao bì tăng trong khi thúc đẩy nguồn cung OCC dồi dào hơn.

Dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 12% của chúng tôi cho giai đoạn 2022-2023 chủ yếu dựa trên diễn biến chênh lệch giá đầu vào đầu ra nêu trên khi chúng tôi ước tính DHC đã vận hành toàn bộ công suất giấy hiện tại.

Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng P/E trung bình giai đoạn 2021-2022 của DHC là 11,5 lần so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 11,3 lần.

Rủi ro chính cho quan điểm của chúng tôi: Giá bán giấy thấp hơn do các đối thủ cạnh tranh bổ sung công suất.

Tin bài liên quan