Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/6

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 11/6

(ĐTCK) Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 11/6 của các công ty chứng khoán.

Lợi nhuận năm 2020 của TPB tăng trưởng 5% là khả thi

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HSX: TPB) tuy là ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ nhất trong số các ngân hàng chúng tôi phân tích, nhưng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng kép lợi nhuận trước thuế giai đoạn FY14-19 đạt 48,5%.

BVSC hiểu rằng năm 2020 chắc chắn là một năm nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng do những trở ngại từ Covid-19.

Mặc dù các phân khúc hoạt động của ngân hàng trong năm nay có vẻ giảm tốc, chúng tôi tin rằng mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 5% là khả thi, chủ yếu nhờ ghi nhận phần phí trả trước còn lại từ thương vụ banca độc quyền với Sunlife cuối năm 2019.

TPB đóng cửa ở mức 21.000 đồng/cp vào ngày 02/06/2020, giao dịch tại mức P/B FY20F là 1,08 lần và P/E FY20F là 5,5x, ROA và ROE FY20F lần lượt là 1,8% và 22,3%. Điều chúng tôi quan ngại đối với TPB là chất lượng tài sản giảm, chủ yếu do tác động tiêu cực từ Covid-19 lên chất lượng tài sản toàn ngành.

>> Tải báo cáo

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu SZC

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Chúng tôi đánh giá cao về tiềm năng trong dài hạn của CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC) với quỹ đất lớn để phát triển khu công nghiệp và đô thị mà Công ty đang sở hữu.

Nhìn cho năm 2020, giá hợp lý cho SZC theo NAV và phương pháp so sánh là 24.500 đồng/cp. Căn cứ giá thị trường ngày 08.6.2020, kết quả này chỉ còn mức thặng dư 13%.

Do đó, chúng tôi tạm thời đánh giá NEUTRAL cho cổ phiếu SZC ở mức giá thị trường hiện tại dù triển vọng dài hạn vẫn còn hấp dẫn.

Nhà đầu tư yêu thích ngành khu công nghiệp và hướng đến mục tiêu đầu tư dài hạn có thể xem xét mua 1 phần và chờ giá cổ phiếu điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng. Nhà đầu tư ngắn hạn nên tiếp tục quan sát.

Rủi ro: kết quả kinh doanh 1-2 quý tới có thể thấp so với Q1.2020 do các hợp đồng mới có thể bị trì hoãn do việc hạn chế đi lại giữa Việt Nam và các đối tác lớn trên thế thời.

>> Tải báo cáo

Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế GEG quanh ngưỡng giá 21

CTCK BIDV (BSC)

Cổ phiếu GEG của Công ty cổ phần Điện Gia Lai đang trong quá trình hình thành xu hướng tăng giá sau khi tạo thành ngưỡng tích lũy ngắn hạn tại vùng giá 20-21. Thanh khoản cổ phiếu vẫn duy trì ở ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD đang duy trì xu hướng tích lũy trong khi chỉ báo RSI đã cho thấy dấu hiệu khởi đầu của xu hướng tăng. Đường giá cổ phiếu cũng đã chạm lại dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đang thành hình.

Như vậy, nhà đầu tư trung và dài hạn có thể mở vị thế quanh ngưỡng giá 21 và có thể cân nhắc chốt lãi tại vùng kháng cự 25-26 trong các phiên giao dịch tới. Cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 20.

Khuyến nghị nắm giữ HDG với giá mục tiêu 31.700 đồng/CP

CTCK MB (MBS)

Chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu HDG của CTCP Tập đoàn Hà Đô với giá mục tiêu 31.700 đồng, trên cơ sở:

(i) Sở hữu quỹ đất lớn, tạo tiền đề tăng trưởng mạnh mảng kinh doanh bất động sản, trong đó dự án Hado Charm Villas sẽ tạo nguồn thu lớn trong giai đoạn 2020-2021,

(ii) các dự án năng lượng sạch đem lại nguồn thu ổn định cho doanh nghiệp, và (iii) hoạt động M&A sẽ tác động tích cực đến việc mở rộng quỹ đất và các dự án năng lượng tái tạo.

Khuyến nghị mua dành cho CII với giá mục tiêu 24.900 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo website của công ty, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) công bố thông tin cập nhật liên quan đến 1 trong những dự án bất động sản của công ty – dự án 152 Điện Biên Phủ tại quận Bình Thạnh, TP. HCM. Dự án này bao gồm 1 tòa tháp căn hộ với 234 căn hộ và 1 tòa tháp văn phòng cao 27 tầng.

Công ty đã hoàn thành hơn 60% dự án và kỳ vọng hoàn thành bàn giao toàn bộ các căn hộ cho người mua cũng như cho thuê toàn bộ khu vực văn phòng trong quý 2/2021. Kỳ vọng này thấp hơn dự báo của chúng tôi cho CII là bàn giao toàn bộ các căn hộ cho người mua trong quý 4/2020. Theo ban lãnh đạo, công ty đã công bố kế hoạch thận trọng, trong khi vẫn đặt mục tiêu bàn giao trong năm 2020.

Cả tòa tháp căn hộ và tòa tháp văn phòng đều đã được bán hết 100% nhờ sở hữu vị trí đắc địa tại quận Bình Thạnh.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 24.900 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 33,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 8,0%.

Khuyến nghị khả quan dành cho KBC với giá mục tiêu 15.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Vinatex -Tân Tạo (Vinatex - Tân Tạo) đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu của Tổng CT Phát triển Đô thi Kinh Bắc (KBC), nâng tỷ lệ sở hữu tại KBC lên 2,34% từ mức 1,27%. Giao dịch dự kiến diễn ra từ 15/6/2020 - 14/07/2020 bằng phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Ông Đặng Thành Tâm - chủ tịch HĐQT của KBC cũng là Chủ tịch và Tổng giám đốc của CTCP Đầu tư Vinatex - Tân Tạo.

Vinatex - Tân Tạo là công ty liên doanh giữa Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UpCom: VGT) và CTCP Tập đoàn Tân Tạo, là chủ đầu tư Khu công nghiệp Vinatex - Tân Tạo tại tỉnh Đồng Nai. Tính đến cuối năm 2019, VGT sở hữu 21% cổ phần tại Vinatex - Tân Tạo; hiện không có thông tin về chủ sở hữu lượng cổ phần còn lại.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan dành cho KBC, với giá mục tiêu 15.600 đồng/CP (tổng mức sinh lời dự phóng 5,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 0%).

Khuyến nghị mua dành cho KDH với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) công bố các tờ trình sẽ trình cổ đông thông qua tại ĐHCĐ tổ chức vào ngày 19/06. Các nội dung chính của các tờ trình nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.

Ban lãnh đạo kế hoạch cho năm 2020 với doanh thu 3,5 nghìn tỷ đồng (tăng 24% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế 1,1 nghìn tỷ đồng (tăng 20%). Mục tiêu lợi nhuận trên phù hợp với dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2020 của chúng tôi là 1,12 nghìn tỷ đồng (tăng 23%).

Công ty dự kiến bắt đầu triển khai xây dựng 2 dự án nhà ở thấp tầng mới trong năm 2020: Clarita (khoảng 160 căn, quận 2) và Armena (khoảng 180 căn, quận 9).

Ban lãnh đạo đề xuất chi trả trả cổ tức cho năm tài chính 2019 bao gồm tiền mặt 500VND/cổ phiếu (lợi suất cổ tức 2,1%) và bằng cổ phiếu tỷ lệ 5%. Công ty cũng xin ý kiến về việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 5% (cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới).

Ban lãnh đạo đề xuất kế hoạch ESOP với 8 triệu cổ phiếu (1,5% tổng lượng cổ phiếu lưu hành hiện tại) với giá chào bán 13.000 đồng/CP, dự kiến được phát hành trong năm 2020. Thời gian hạn chế giao dịch dự kiến là 1 năm.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho KDH với giá mục tiêu 31.100 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 34,5%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,1%.

Khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 37.500 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Chúng tôi đã tham dự buổi gặp gỡ nhà đầu tư – Nam Long Day diễn ra ngày 09/06/2020 của CTCP Đầu tư Nam Long (NLG).

Theo ban lãnh đạo công ty, nhu cầu chung cho thị trường nhà ở duy trì ổn định trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và nền tảng vĩ mô mạnh mẽ, đặc biệt là tại TP. HCM. Ban lãnh đạo chia sẻ rằng tâm lý tích cực của thị trường nhà ở sau khi giảm dần các biện pháp giãn cách xã hội do dịch COVID-19 là tích cực hơn kỳ vọng của công ty. Từ tháng 5, dự án Waterpoint đã thu hút được khoảng 700-800 khách tham quan mỗi tuần.

Ban lãnh đạo kỳ vọng tổng lượng bán trước theo hợp đồng có thể cao hơn 20% kế hoạch đề ra tại ĐHCĐ (1.500 căn) trong kịch bản thị trường tích cực trong khi công ty có kế hoạch triển khai đợt mở bán tiếp theo cho dự án Waterpoint giai đoạn 1 vào cuối tháng 6.

Chúng tôi hiện đang dự báo giá trị bán theo hợp đồng dự phóng 2020 là 3,4 nghìn tỷ đồng (giảm44% so với năm ngoái) từ các đợt mở bán tiếp theo của dự án Waterpoint giai đoạn 1 và Mizuki Park giai đoạn 2 dự kiến được mở bán nửa cuối năm 2020.

Ban lãnh đạo tái khẳng định tiến độ tích cực của diễn biến bán cổ phần tại dự án Paragon Đại Phước và Đồng Nai Waterfront. Ban lãnh đạo chia sẽ rằng đã ký kết hợp đồng mới Nishi Nippon Railroad (NNR) và Hankyu Reality để đồng đầu tư dự án Waterfront và kỳ vọng hoàn thành các diễn biến bán cổ phần trong năm 2020.

Trong khi đó, dự án Paragon hiện đã nhận được 3 lời đề nghị và đội ngũ lãnh đạo sẽ cân nhắc quyết định hợp tác trong tháng 6/2020. Diễn biến này sẽ là phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi khi chúng tôi dự báo lãi từ giao dịch bán một phần cổ phần tại dự án Waterfront và Paragon sẽ đóng góp 46% lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số dự báo 2020 của chúng tôi là 909 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo chia sẽ rằng công ty hiện đang nghiên cứu quỹ đất 25ha tại Hà Nội và 9ha tại TP. HCM để có thể thâu tóm. Chúng tôi lưu ý rằng kế hoạch thâu tóm quỹ đất là phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi khi chúng tôi kỳ vọng NLG sẽ có đủ công suất để đáp ứng nhu cầu của thị trường bất động sản sau khi thành lập liên doanh tại dự án Waterfront và Paragon với các đối tác.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị mua dành cho NLG với giá mục tiêu 37.500 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời 58,2% (bao gồm lợi suất cổ tức 3,8%).

Khuyến nghị mua dành cho SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Theo website của công ty, CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCS) công bố sản lượng hàng hóa quốc tế giảm 24% so với cùng kỳ và sản lượng hàng hóa trong nước giảm 9,4% trong tháng 5/2020; trong tháng 4, các mức giảm tương ứng lần lượt là 38% và 40%. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng hàng hóa quốc tế và trong nước lần lượt giảm 9,3% và 3,8%.

Các mức giảm này chủ yếu đến từ công suất hàng hóa hàng không thấp hơn do các lệnh hạn chế đi lại trong khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa hàng không tương đối cao hơn.

Theo ban lãnh đạo, sản lượng hàng hóa sẽ phục hồi khi các hãng hàng không gia tăng công suất vận chuyển hàng hóa hàng không thông qua việc sử dụng máy bay chuyên chở hàng hóa và/hoặc sử dụng máy bay hành khách để chở hàng hóa. Ban lãnh đạo cho rằng sản lượng hàng hóa quốc tế sẽ giảm khoảng 14% trong tháng 6.

Dù các kết quả này phần lớn phù hợp với dự báo của chúng tôi khi chúng tôi kỳ vọng mức giảm khoảng 23% trong quý II/2020, các lệnh hạn chế đi lại và đóng cửa biên giới kéo dài có thể tiếp tục ảnh hưởng sản lượng hàng hóa quốc tế.

Khi chúng tôi chưa nhận thấy diễn biến rõ ràng liên quan đến việc giảm các lệnh hạn chế đi lại đối với các đối tác giao dịch/đầu tư lớn của Việt Nam vào đầu quý 3 như dự kiến, chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm dự báo năm 2020 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị mua cho SCS với giá mục tiêu 160.000 đồng, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 30,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,2%.

Khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho VNM với giá mục tiêu 115.600 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

CTCP Sữa Việt Nam (VNM) đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ (MoU) với CTCP Tập đoàn Kido (KDC) để thành lập liên doanh trong đó VNM sẽ sở hữu 51% cổ phần trong khi KDC sở hữu 49%.

Liên doanh này sẽ sản xuất và phân phối kem, thực phẩm đông lạnh và đồ uống (ví dụ như thức uống có lợi cho sức khỏe, trà, trà sữa…nhưng không bao gồm nước có ga).

Các thông tin chi tiết khác – ví dụ như loại hình góp vốn (tiền mặt hoặc tài sản) của mỗi bên vào liên doanh hoặc chiến lược kinh doanh – hiện chưa được công bố.

Theo Euromonitor, VNM và KDC nằm trong nhóm top 3 công ty hàng đầu thị trường kem của Việt Nam – với KDC là công ty dẫn đầu. Do đó, liên doanh này sẽ tạo ra công ty thống trị thị trường kem ở Việt Nam.

Trong năm 2019, CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (KDF) – công ty con chuyên về mảng kem và thực phẩm đông lạnh của KDC – ghi nhận doanh thu 59 triệu USD và lợi nhuận sau thuế 6 triệu USD, là khá nhỏ so với con số lần lượt 2,4 tỷ USD và 454 triệu USD của VNM.

Ngoài ra, chúng tôi ước tính doanh thu ngoài sữa (bao gồm đồ uống và kem) hiện tại chỉ đóng góp dưới 5% tổng doanh thu của VNM. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi, liện doanh này sẽ có đóng góp không đáng kể đến VNM trong ngắn hạn.

Đóng góp trong dài hạn còn tùy thuộc vào tình hình triển khai kinh doanh của công ty, đặc biệt là đối với mảng đồ uống vốn có quy mô thị trường lớn nhưng cạnh tranh cao.

Chúng tôi hiện có khuyến nghị phù hợp thị trường dành cho VNM với giá mục tiêu 115.600 đồng/CP, tương ứng với tổng mức sinh lời -3,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 3,7%.

Tin bài liên quan