Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/9

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/9

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/9 của các công ty chứng khoán.

BID: PE dự phóng 14,85x

CTCK BIDV (BSC)

Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng cao, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.117 tỷ đồng. Điểm tích cực trong cơ cấu thu nhập của BID là tỷ trọng thu nhập ngoài lãi cao, chiếm 22,47% tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng, đạt 2.458 tỷ đồng giúp ngân hàng đa dạng hóa nguồn thu, giảm sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng. Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2015 đạt 7.500 tỷ đồng.

Là ngân hàng đứng thứ 2 toàn ngành về quy mô tổng tài sản (sau Agribank), đứng thứ 4 về vốn chủ sở hữu, đứng thứ 2 về cho vay khách hàng và huy động vốn, đứng thứ 3 về mạng lưới giao dịch (sở hữu 978 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước, sau Agribank và Vietinbank).

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, tổng tài sản đạt 725 nghìn tỷ đồng, (+25,25% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 11,5% so với đầu năm). Tín dụng tăng trưởng 16,3% so với đầu năm, đạt 518 nghìn tỷ đồng, mục tiêu, tín dụng tăng trưởng trên 20% trong năm 2015. Tiền gửi khách hàng tăng trưởng 20,6% so với đầu năm, đạt 531 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý 2/2015 của ngân hàng là 2,8% (tương đương 14.520 tỷ đồng nợ xấu, tăng 5.463 tỷ đồng so với đầu năm 2015). Nợ xấu tăng chủ yếu do nợ sáp nhập từ MHB và ngân hàng phân loại nợ theo thông tư 02. Trong kỳ, ngân hàng đã tích cực bán nợ cho VAMC, tính đến cuối quý II/2015, tổng dư nợ lũy kế bán cho VAMC của ngân hàng đạt khoảng 7.000 tỷ đồng.

Trong kỳ, ngân hàng đã xử lý được hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu và thu hồi được hơn 1.400 tỷ đồng nợ xấu ngoại bảng. Ngân hàng đặt mục tiêu hoàn tất xử lý 4.000 tỷ đồng nợ xấu và thu hồi 1.800 tỷ đồng nợ ngoại bảng trong năm 2015. Chúng tôi đánh giá, BID đã và đang tích cực trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Kể từ năm 2012, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BID luôn ở mức cao, chiếm trên 53% tổng thu nhập trước dự phòng và tăng mạnh trong các năm. 6 tháng đầu năm 2015, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ngân hàng là 3.460 tỷ đồng, (+11,11%). Điều này giúp ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng cao trong các năm sau đó. Tuy nhiên, do nợ xấu tăng nhanh, tỷ lệ bao nợ xấu của ngân hàng giảm xuống còn 63,62% vào cuối quý 2/2015 từ mức 73,13% vào cuối năm 2014.

Do (1) thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng với dân số đông, cơ cấu dân số trẻ; (2) phân tán rủi ro cho ngân hàng thông qua chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, đối tượng khách hàng; (3) tăng khả năng sinh lời. Ngân hàng hiện phục vụ 6,7 triệu khách hàng cá nhân (tăng trung bình 65.000 khách hàng/ tháng).

Dư nợ tín dụng và huy động vốn mảng bán lẻ của ngân hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao, lần lượt là 21% và 17% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2015. Nợ xấu của lĩnh vực bán lẻ đạt 2,2% trong 6 tháng đầu năm 2015, thấp hơn nợ xấu của cả ngân hàng (2,8%) trong khi đó NIM của tín dụng bán lẻ luôn cao hơn so với NIM bình quân của ngân hàng.

Đồng thời, BIDV cũng sẽ đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực được hưởng lợi từ xu hướng tự do hóa thương mại với các ngành như dệt may, da giày, thủy sản; đẩy mạnh cho vay khách hàng FDI (đặc biệt là các đối tác từ Nhật Bản) và cho vay khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến 30/6/2015, tỷ lệ CAR của ngân hàng đạt 9,46%. Trong thời gian tới, để duy trì tỷ lệ CAR trên 9% theo yêu cầu của NHNN, BIDV dự định phát hành tăng vốn. Trong đó, vốn cấp 1 tăng chủ yếu qua sáp nhập MHB (+3.369 tỷ đồng), phát hành cho cổ đông hiện hữu (+2.705 tỷ đồng) và phát hành cho đối tác nước ngoài1.

Số lượng cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu và số lượng cổ phiếu tăng thêm do sáp nhập MHB sẽ được niêm yết trong quý IV/2015. Ngân hàng đồng thời dự định tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành 3.500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Ngày 08/09/2015, cổ phiếu BID được giao dịch tai mức giá 25.400 đồng/cp. Với số lượng cổ phiếu lưu hành (sau sáp nhập với ngân hàng MHB và phát hành cho cổ đông hiện hữu) là 3,4 tỷ cổ phiếu, BID hiện đang được giao dịch tại P/E forward là 14,85x và P/B là 2,45x.

HPG: PE giao dịch ở mức 7 lần

Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)

Trong 8 tháng đầu năm 2015, nhà máy Hưng Yên ghi nhận mức sản lượng sản xuất cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây, và Khu liên hợp gang thép ở Hải Dương cũng đạt được mức tăng trưởng ấn tượng mặc dù đang triển khai Giai đoạn III. Năng lực sản xuất của các nhà máy ngày càng được cải thiện đã tạo điều kiện thuận lợi để HPG đẩy mạnh bán hàng.

HPG công bố sản lượng bán hàng trong 8 tháng đầu năm 2015 đạt 892 nghìn tấn, tăng 50% so với cùng kỳ. Trong đó, 30 nghìn tấn được xuất khẩu sang Lào và Cam-pu-chia. Hoạt động bán hàng tại khu vực miền Trung và miền Nam cũng được cải thiện đáng kể khi sản lượng tiêu thụ gần như gấp đôi so với cùng kỳ.

Theo ông Trần Văn Nam, phó giám đốc HPG, tốc độ tăng trưởng nhanh như vậy là nhờ vào sự hồi phục của thị trường bất động sản. Nhiều dự án bất động sản và cầu đường lớn đang được triển khai với tiến độ nhanh hơn đã hỗ trợ nhu cầu của thép xây dựng.

Với mức tiêu thụ như hiện nay, chúng tôi tin rằng HPG sẽ vượt kế hoạch bán hàng trong 6 tháng cuối năm 2015 (600 nghìn tấn thép xây dựng) vì các dự án thường được đẩy nhanh tiến độ xây dựng trong những tháng cuối năm.

Giá cổ phiếu HPG hôm nay tăng 1,7% và đóng cửa ở mức 30.700 đồng/cổ phiếu, đang giao dịch tại mức P/E trượt là 7,0 lần.

Quỹ Private Equity New Markets II K/S (PENM II) vừa đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu HPG từ ngày 11/9 đến ngày 9/10/2015 và giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,88% xuống còn 2,61%. Trước đó, tại ngày 1/9/2015, quỹ này đã bán ra 732.130 cổ phiếu trong số 2 triệu cổ phiếu đã đăng ký.

DGC: PE hấp dẫn, ở mức 6,5x

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Về hoạt động SXKD cốt lõi, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu 32,1% so với cùng kỳ có sự đóng góp từ tăng trưởng ở hầu hết các dòng sản phẩm (gồm phốt pho, phân bón, quặng bột, chất tẩy rửa, ...). Ngoài sản phẩm chính là phốt pho vàng với doanh thu xuất khẩu duy trì khá ổn định, doanh thu bán các sản phẩm trong nước đã tăng đáng kể với mức tăng 230% so với cùng kỳ nhờ có thêm nhà máy mới đi vào hoạt động từ cuối 2014 ở công ty con là CTCP Hoá chất Đức Giang Lào Cai.

Chi phí giá vốn tăng tương ứng với mức tăng doanh thu (+31,1% so với cùng kỳ), trong khi chi phí bán hàng và QLDN tăng lần lượt 85,7% và 80,7% so với cùng kỳ, chủ yếu là ở chi phí nhân công và chi phí vận chuyển. Lợi nhuận từ hoạt động SXKD đạt 137,5 tỷ, tăng 17,2% so với cùng kỳ. Khoản đầu tư vào công ty liên kết là CTCP Hoá chất phân bón Lào Cai (24,04% cổ phần) bắt đầu mang lại kết quả tích cực với 39,7 tỷ đồng lợi nhuận, so với số lỗ 1,5 tỷ trong cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận ròng của DGC trong 6 tháng 2015 tăng 70,7% so với cùng kỳ, đạt 117,6 tỷ đồng.

Các chỉ số tài chính ở mức an toàn và khá ổn định với tỷ lệ nợ ròng/VCSH 33,2%, khả năng trả lãi vay 29,5x, khả năng thanh toán hiện hành 1,4x và khả năng thanh toán nhanh 1x. DGC giao dịch với PE bốn quý gần nhất 6,5x, mức định giá hấp dẫn. Với kế hoạch cổ tức 2015 tỷ lệ 31,02%, lợi suất cổ tức đạt 10%.

HPG: PE đang giao dịch ở mức hấp dẫn, khoảng 7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Sản lượng bán hàng 8 tháng đầu năm 2015 tăng mạnh hơn 50% so với cùng kỳ, đạt 892 ngàn tấn, tương đương 74,3% kế hoạch sản lượng của cả năm 2015. Trong đó, tăng trưởng của thị trường miền Trung và miền Nam tốt hơn miền Bắc.

Các dự án cầu đường lớn đang được triển khai cùng với việc ấm lên của thị trường bất động sản - xây dựng giúp nhu cầu tiêu thụ thép trong nước tăng tốt trong năm nay. Đáng chú ý, đối với HPG, sức mua của khu vực dân dụng trong 8 tháng đầu năm 2015 tăng lên đáng kể, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng bán hàng của HPG, so với mức dưới 50% của trước đây.

Với tốc độ bán hàng này, hiện các nhà máy của HPG gần như đã vượt qua mức công suất thiết kế. Cụ thể, sản lượng sản xuất tại nhà máy Hưng Yên đạt 253 ngàn tấn trong 8T/15 (+28% n/n), so với mức công suất thiết kế là 300 ngàn tấn/năm. Tại khu liên hợp gang thép Hải Dương, sản lượng sản xuất 8 tháng đầu năm 2015 tăng đến 59,4% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 671 ngàn tấn, so với mức công suất thiết kế 900 ngàn tấn/năm.

Dự kiến giai đoạn 3 khu liên hợp gang thép Hoà Phát tại Hải Dương sẽ hoàn thành xây dựng cơ bản trong tháng 9/2015, và tiến hành chạy thử nhà máy phôi, lò cao vào cuối 2015. Cùng với dự án này, tổng công suất cán thép của HPG sẽ đạt gần 2 triệu tấn/năm. Theo đó, công ty kỳ vọng sản lượng bán hàng thép xây dựng năm 2016 sẽ đạt mức 1,5 triệu tấn, so với mức kế hoạch 1,2 triệu tấn của năm 2015.

Cuối tháng 7/2015 vừa qua, HPG đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận sau thuế 2015 từ 2.300 (-26,9% so với cùng kỳ) lên mức 3.250 tỷ đồng (+3,4% so với cùng kỳ). Dù mức điều chỉnh tăng khá cao, tới 41,3%, nhưng chúng tôi vẫn đánh giá cao tính khả thi của kế hoạch mới do tình hình bán hàng vẫn tiến triển khả quan và các tháng cuối năm cũng thường là giai đoạn đẩy nhanh tiến độ xây dựng của hầu hết các dự án. So với kế hoạch lợi nhuận mới, kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, HPG đã hoàn thành được gần 59%. Kế hoạch doanh thu 2015 vẫn được giữ nguyên là 22.500 tỷ đồng (-11,9% so với năm ngoái) và tính đến cuối quý II/2015, công ty đã đạt được gần 60%. HPG đang giao dịch ở mức PE kỳ vọng khá hấp dẫn, chỉ khoảng 7 lần.

MBB: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE:

MBB bước vào pha điều chỉnh mạnh từ nửa cuối tháng 7. Quá trình điều chỉnh có dấu hiệu kết thúc đầu tiên khi đường giá tạo lập đáy liền sau cao hơn rõ rệt vào giai đoạn cuối tháng 8. Đến phiên hôm nay, một nến tăng dài được hình thành, cho thấy bên mua đã quay lại nắm quyền chủ động.

Quan trọng hơn, đường giá chính thức có đỉnh liền sau cao hơn đầu tiên sau gần hai tháng điều chỉnh. Xu hướng của MBB trong ngắn hạn quay lại trạng thái tăng.

Thanh khoản đột biến. KLGD hôm nay tăng đột biến, vượt hẳn lên trên vùng trung bình 50 ngày. Dòng tiền có cơ hội mở rộng trở lại nếu thanh khoản tiếp tục duy trì mức cao trong những ngày tới.
Chỉ báo kỹ thuật cải thiện. MACD chính thức tăng mạnh và cắt lên phía trên đường tín hiệu. Chỉ báo này sẽ cần vượt thành công mức 0 trong thời gian tới để tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của giá.
* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào MBB quanh giá 15.0; Mục tiêu đầu tiên tại: 16.5 (+10,0%); Dừng lỗ tại: 14.1 (-6,0%)

CTG: Khuyến nghị mua vào

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE

Tương tự MBB, CTG có pha điều chỉnh mạnh từ nửa cuối tháng 7. Một đáy liền sau cao hơn đã được tạo lập trong tuần cuối của tháng 8, cho báo hiệu đầu tiên về khả năng kết thúc điều chỉnh.

Đến hôm nay, một đỉnh liền sau cao hơn lần đầu được tạo lập trong suốt đoạn điều chỉnh vừa qua.
Đồ thị của CTG cho mẫu hình khá tương đồng với mẫu hình vai đầu vai ngược, hàm ý xu hướng đã quay lại trạng thái tăng.

Thanh khoản tăng vọt. KLGD tăng mạnh tại điểm bứt phá neck line, giúp gia tăng đáng kể độ tin cậy của mẫu hình.

Chỉ báo kỹ thuật cải thiện. MACD chính thức tăng mạnh và cắt lên phía trên đường tín hiệu. Chỉ báo này sẽ cần vượt thành công mức 0 trong thời gian tới để tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của giá.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có thể mua vào CTG quanh mức 20.2; Mục tiêu đầu tiên tại: 22.5 (+11,3%); Dừng lỗ tại: 18.9 (-7,3%).

Tin bài liên quan