Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/8

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/8

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/8 của các công ty chứng khoán.

MAC: Khuyến nghị mua dài hạn

CTCK Rồng Việt (VDSC)

CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng hải (HNX: MAC), hoạt động trong lĩnh vực cơ khí hàng hải và logistics hậu cần cảng với quy mô nhỏ. Việc đẩy mạnh hoạt động sửa chữa container và thu hẹp hoạt động cơ khí đóng và sửa chữa tàu trong giai đoạn suy thoái kinh tế không những ổn định được KQKD của MAC mà còn giúp Công ty nắm bắt cơ hội tăng trưởng tốt từ sản lượng hàng hóa thông quan qua khu vực trọng điểm Hải Phòng.

Chúng tôi tin rằng lợi thế về kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực cơ khí hàng hải và mối quan hệ tốt với các cảng trên địa bàn và các khách hàng chủ tàu (Hanjin, Kline hay Maersk) sẽ giúp MAC duy trì được sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp cùng quy mô. Ngoài ra, các khoản đầu tư tài chính với vốn đầu tư thấp vào HAH và HMH mang lại nguồn cổ tức ổn định và giá trị chênh lệch lớn khi thoái vốn trong tương lai. Ngoài ra,Công ty quyết định tăng vốn gấp đôi trong năm 2015 nhằm gia tăng năng lực sản xuất trước diễn biến tích cực về hoạt động giao thương của Việt Nam và đặc biệt là khu vực Hải Phòng .

Sử dụng kết hợp phương pháp DCF và so sánh P/E, chúng tôi xác định mức giá hợp lý đối với cổ phiếu MAC là 17.600 đồng, cao hơn giá đóng cửa ngày 07/08/2015 là 44,26%. Như vậy, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu này trong DÀI HẠN. Tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này là vấn đề nhà đầu tư cần lưu ý. Bên cạnh đó, do kế hoạch phát hành thêm theo tỷ lệ 1:1 có thể chỉ hoàn thành trong quý 4/2015 nên số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong năm 2016 sẽ tăng lên đáng kể và ảnh hưởng phần nào đến mức EPS tính toán dù LNST của MAC vẫn được dự báo tăng trưởng khả quan.”

PGS: Mảng khí CNG còn nhiều dư địa để tăng trưởng

CTCK MB (MBS)

PGS công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014. Theo đó, doanh thu đạt mức 2998 tỷ VNĐ, giảm 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 68.7 tỷ VNĐ, giamr4.8% so với cùng kỳ.

Giá dầu mỏ giảm mạnh ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu của PGS khi giá khi LPG và khí CNG bán ra giảm. Trong khi mảng kinh doanh khí CNG vẫn khá ổn định với lượng tiêu thu tăng 14% so với cùng kỳ, thì mảng khí LPG lại suy giảm khoảng 15%.

Mặc dù doanh thu giảm mạnh song lợi nhuận không bị ảnh hưởng quá nhiều do PGS đã được thay đổi phương pháp tính giá khí đầu vào theo hướng thả nổi theo biến động theo giá dầu thay vì cố định như trước đây, do đó biên lợi nhuận không bị ảnh hưởng quá mạnh.

Mảng cung cấp khí CNG của PGS hiện tại vẫn tỏ ra vững chắc nhờ lợi thế độc quyền phân phối khí CNG (thông qua công ty con CNG). Chúng tôi đánh giá mảng khí CNG của PGS vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới khi Công ty CNG có triển vọng mở rộng thị phần ra khu vực miền Bắc. Sản lượng tiêu thụ khí CNG trong năm 2015 nhiều khả năng sẽ tăng khi mỏ Hàm Rồng-Thái Bình đi vào hoạt động sắp tới, khoảng cuối tháng 9/2015. Công ty CNG đặt kế hoạch tiêu thụ 88 triệu m3 khí trong năm 2015 và 110 triệu m3 khí trong năm 2016.

DPM: PE tương đương trung bình ngành, dự phóng 9,2 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm 2015 khá khả quan. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 5.175 tỷ và 768 tỷ.

Mặc dù doanh thu chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá khí đầu vào (chiếm khoảng 55% giá vốn) giảm. Theo luật thuế GTGT mới thì DPM không được hoàn thuế GTGT đầu vào đối với mặt hàng phân bón bán trong nước.

Do đó, chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng tương ứng số tiền không được hoàn thuế GTGT. Theo ước tính của doanh nghiệp thì chi phí này sẽ khoảng 300 tỷ. Tuy nhiên, sự sụt giảm mạnh của giá khí gas mua vào bù đắp được mức chi phí tăng lên do quy định thuế mới, thậm chí giúp cải thiện được biên lợi nhuận gộp.

Biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2015 tăng 4,8 điểm phần trăm lên mức 31% và lợi nhuận gộp tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận tài chính ròng giảm 12% n/n do lãi tiền gửi giảm và lỗ từ công ty liên kết/liên doanh (PV- Tex – hiện DPM sở hữu 25% cổ phần) tăng 50% nên lợi nhuận sau thuế tăng 18% so với cùng kỳ.

Kết quả này cao hơn so với công bố trước đây của PVN vào cuối tháng 6. Tại thời điểm cuối tháng 6, PVN đã công bố lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015 của DPM ước đạt PVN 810 tỷ, thấp hơn 15% so với số thực tế. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, DPM đã hoàn thành được 60% dự phóng lợi nhuận sau thuế 2015 của chúng tôi.

Chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 của DPM lần lượt là 8.519 tỷ và 1.287 tỷ. EPS 2015 ước đạt 3.389 đồng/cp, PE dự phóng 2015 là 9,2 lần, tương đương trung bình ngành 10 lần.

FMC: PE thấp hơn trung bình ngành, dự phóng 7 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Ngày 21/8/2015 là ngày chốt quyền tạm ứng cổ tức 2015 với tỷ lệ 15% bằng tiền mặt của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC). Thời gian thực hiện là 11/9/2015. Đồng thời, FMC cũng chốt quyền tham dự Đại hội cổ đông bất thường 2015, dự kiến sẽ tổ chức tháng 9, với n ội dung xem xét chuyển Quỹ đầu tư phát triển sang lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tăng mức cổ tức bằng tiền mặt từ 20% lên 50% và xem xét phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.

Ước tính FMC sẽ cần khoảng 100 tỷ để chi trả cho mức cổ tức 50%. Tại thời điểm cuối quý II/2015, Quỹ đầu tư phát triển và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của FMC lần lượt là 71,6 tỷ và 32,1 tỷ. Giả sử những vấn đề trình lên được ĐHCĐ bất thường thông qua, tổng mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của FMC ước là 103,7 tỷ, đây là mức có thể đảm bảo cho khả năng chi trả cổ tức 50% của công ty.

Trước đó, ĐHCĐ 2015 đã thông qua cổ tức 2015 bằng tiền tỷ lệ chỉ 20%. FMC cho biết cở sở cho việc tăng tỷ lệ cổ tức nhờ KQKD rất khả quan. Xét riêng trong 7 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh, đạt 55 tỷ trong khi cùng kỳ chỉ khoảng 37 tỷ. Với mức cổ tức 50% thì lợi suất cổ tức sẽ ở mức 18%.

Trong 2014, FMC bắt đầu xây dựng nhà máy An San B với chi phí đầu tư khoảng 100 tỷ, nâng tổng công suất toàn công ty lên khoảng 19.000 tấn/năm, tăng hơn 50% so với trư ớc đây. Nhà máy mới đã đi vào hoạt động từ quý II/2015. Đây là cơ sở cho tiềm năng tăng trưởng của FMC trong tương lai khi công ty đáp ứng được số lượng đơn hàng đang gia tăng mạnh. Chúng tôi ước tính, EPS 2015 ước đạt 3.885 đồng, PE giao dịch dự phóng là 7 lần, thấp hơn trung bình ngành là 8 lần.

HHS: PE giao dịch ở mức 4,3 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Tập trung vào lĩnh vực phân phối xe tải hạng trung và hạng nặng. HHS là nhà phân phối độc quyền các loại xe tải, xe đầu kéo của hãng xe Dongfeng (Trung Quốc) tại Việt Nam. Sau khi sáp nhập với Hoàng Giang vào tháng 3/2015, HHS cũng phân phối xe tải Sinotruk Howo và xe đầu kéo Freightliner. Ngoài ra, HHS bắt đầu phân phối sản phẩm xe đầu kéo Mỹ đã qua sử dụng có thương hiệu International (Prostar, Transtar) chính hãng của Navistar lần đầu tại Việt Nam trong tháng 8 2015. Giá bán cho mỗi chiếc xe bình quân khoảng từ 1,1 đến 1,2 tỷ đồng.

Mở rộng hệ thống phân phối. Trong năm 2015, công ty đã mở rộng hệ thống phân phối từ 62-68 đại lý trên toàn quốc, tăng trưởng đáng kể so với mức 40 đại lý trong năm 2014. Về lâu dài, công ty có kế hoạch xây dựng các trạm bảo hành, bào trì, mua bán linh kiện xe. Công ty cho biết đây là chiến lược lâu dài và kỳ vọng sẽ mang lại thu nhập đáng kể cho công ty. Các đại lý phụ thuộc vào doanh nghiệp để phát triển lĩnh vực bảo trì bảo hành.

Doanh thu trong 3 năm tới tăng trưởng nhẹ. Cụ thể HHS lên kế hoạch doanh thu 4.800 tỷ đồng và 5.200 tỷ đồng lần lượt cho 2016 và 2017, tăng 6,7% và 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty tiếp tục kỳ vọng kinh tế tiếp tục tăng trưởng sẽ thúc đẩy các hoạt động xây dựng và do đó nhu cầu vận chuyển tăng dẫn đến tăng sức tiêu thụ ô tô. Lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ từ 4,3% và 4,5% so với năm trước trong 2016 và 2017 ước đạt 575 tỷ đồng và 600 tỷ đồng. Biên lợi nhuận sau thuế sẽ duy trì ở mức quanh 12%.

HHS đang thực hiện các thủ tục tạm ứng cổ tức 2015 với tỷ lệ 10% tiền mặt và 10% cổ phiếu trong tổng mức 30% đã được ĐHĐCĐ thông qua; dự kiến việc tạm ứng được thực hiện trong tháng 8/2015. Tính đến cuối quý II/2015, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 360 tỷ đồng (tương đương 3.246 đồng/cp).

6 tháng đầu năm 2015 hoàn thành 61% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, tổng doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế của HHS lần lượt đạt 2.044 tỷ đồng và 336 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, HHS đã hoàn thành 45,4% kế hoạch doanh thu (kế hoạch 4.500 tỷ đồng) và 61% kế hoạch lợi nhuận (kế hoạch 550 tỷ đồng). Đây là kết quả thuận lợi cho việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2015.

Chưa phát hành cho các đại lý trong năm 2015. Kế hoạch phát hành thêm cho các đại lý từ 30 – 60 triệu cổ phiếu đã được thông qua trong cuộc họp ĐHCĐ bất thường vào tháng 6. HHS cho biết đây là hình thức duy trì sự gắng kết giữa các đại lý với công ty. Tuy nhiên HHS cho biết sẽ chưa phát hành cho các đại lý trong năm nay (có thể diễn ra vào quý I/2016). Chúng tôi cho rằng, mặc dù không thể phủ nhận các lợi ích cho việc phát hành thêm trong giai đoạn tới cho các đại lý ít nhiều tạo rủi ro pha loãng nhất định.

Định giá. Theo kế hoạch kinh doanh 2015, HHS đang giao dịch tại P/E là 4,3 lần.

SCR: Có thể tích lũy

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

* Nhận định của MBKE

SCR là cổ phiếu đã được chúng tôi gọi mua về mặt kỹ thuật trước đó và đã chốt lời với mức lợi nhuận ghi nhận gần 11%.

Cổ phiếu này từ cuối tháng 7 đã bước vào quá trình điều chỉnh, sau khi đã tăng đáng kể trong hai tháng trước đó.

SCR đã liên tiếp có hai phiên tăng trở lại ở hai ngày cuối tuần rồi. Quan trọng hơn, sự tăng giá diễn ra tại vùng di chuyển của MA trung hạn, kết hợp với ngưỡng Fibo 38.2%.

Quá trình điều chỉnh có thể đã kết thúc và SCR có cơ hội để quay lại với xu hướng tăng trước đó.

Thanh khoản là điểm trừ. Thanh khoản có vẻ chưa theo kịp với sự thay đổi của đường giá khi vẫn đang duy trì mức thấp. KLGD sẽ cần sớm cải thiện trong các phiên tới để gia tăng độ tin cậy cho xu hướng tăng của giá.

Chỉ báo kỹ thuật dần lạc quan. MACD đang kiểm tra lại ngưỡng 0 và nếu SCR tiếp tục tăng trong các phiên tới, việc kiểm tra sẽ cho kết quả tích cực. Các chỉ báo khác đang vận động dần từ mức trung tính lên tích cực.

* Chiến lược đầu tư: NĐT có khẩu vị rủi ro cao có thể tích lũy SCR ở mức giá hiện tại quanh 8.4; Mục tiêu gần nhất tại: 9.4 (+12,0%); Mục tiêu xa hơn tại: 10.1 (+20,2%); Dừng lỗ tại: 7.8 (-7,1%).

VNM: Khuyến nghị thêm cho mục tiêu ngắn, trung và dài hạn

CTCK FPT (FPTS)

Doanh thu thuần quý II/2015 của Vinamilk đạt 10,500 tỷ đồng, tăng 13.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm so với cùng kỳ, tỷ lệ giá vốn/doanh thu trong quý 2 chỉ có 58,2% trong khi cùng kỳ gần 69%, khiến cho lợi nhuận gộp tăng mạnh, đạt 4.387 tỷ đồng, tương ứng tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng, doanh thu thuần và lãi ròng của Vinamilk lần lượt là 19,216 tỷ đồng và 3,742 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2015, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu 38,424 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6,830 tỷ đồng. Như vậy, sau 6 tháng, Vinamilk hoàn thành 50,2% kế hoạch doanh thu và 55% kế hoạch lợi nhuận.

Nguyên nhân của việc biên lợi nhuận cải thiện đáng kể là do tác động giảm giá của bột sữa nguyên liệu trên thị trường quốc tế. Kết quả này sẽ còn được duy trì và cải thiện trong Quý III, IV khi đại diện phía Vinamilk cho biết công ty đã dự trữ số NVL ở mức giá rẻ cho cả năm nay và trong vòng 2 tháng nữa VNM sẽ đàm phán để thương thảo NVL cho năm 2016.

Chúng tôi đánh giá tình hình của doanh nghiệp đến cuối năm 2015 vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt như 6 tháng đầu năm. Chúng tôi ước tính doanh thu năm 2015 của VNM đạt 38.545 tỷ đồng (+10,2% so với năm ngoái), lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 7,489.2 tỷ đồng (+23.4% so với năm ngoái) tương ứng với EPS 2015 đạt 7,433 đồng/cp. Chúng tôi vẫn duy trì mức giá mục tiêu 12 tháng tới theo mô hình định giá VNM (link báo cáo cập nhật) sau khi chia cổ phiếu thưởng là 107,500 đồng/cp cao hơn +10.3% so với giá hiện tại ngày 07/08 (97,500 đ/ cp). Do đó, chúng tôi khuyến nghị THÊM cho mục tiêu ngắn, trung và dài hạn.

HDC: Khuyến nghị tích cực

CTCK FPT (FPTS)

Chủ yếu nguồn thu trong 6 tháng đầu năm đến từ dự án cũ là chung cư 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa với biên lợi nhuận gộp không cao (dao động 11 – 15%). Như vậy, công ty mới hoàn thành lần lượt 44% doanh thu thuần & 31% lợi nhuận sau thuế mục tiêu đã đề ra đầu năm.

Trong 6 tháng cuối năm, HDC sẽ đẩy nhanh tiến độ kinh doanh ở các dự án Ngọc Tước 2, KDC Phú Mỹ và thu hồi phần tiền còn lại ở chung cư Phú Mỹ để hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh như kế hoạch.

Duy trì đánh giá về triển vọng kinh doanh của HDC 2015 là TÍCH CỰC. Do cp HDC có tính thanh khoản quá thấp nên hiện tại tôi không đưa ra khuyến nghị đầu tư đối với HDC. Tuy nhiên, tôi vẫn kỳ vọng đợt thoái vốn của SCIC và Red River Holdings sẽ sớm hoàn tất trong thời gian tới, tương ứng có thể cung ứng ra thị trường khoảng 9 triệu cp giúp tăng tính thanh khoản và thu hút nhà đầu tư nhiều hơn.

PVE: Khuyến nghị tích lũy cho dài hạn

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Đối với các dự án phát triển mỏ, PVE có thể thực hiện cả 3 khâu thiết kế bao gồm: thiết kế concept, thiết kế FEED và thiết kế Detail. Hiện nay việc thiết kế các giàn khai thác, đường ống dẫn khí PVE hoàn toàn có thể thực hiện được mà không phải giao cho các nhà thầu nước ngoài. Với đội ngũ chuyên gia Việt Nam dần thay thế đội ngũ chuyên gia nước ngoài thì hiệu quả kinh doanh của PVE đã được cải thiện đáng kể. Biên lợi nhuận ròng của PVE đã tăng từ 2,8% (2013) lên 3,8% (2014) giúp lợi nhuận sau thuế 2014 đạt 24,9 tỷ đồng, tăng 62% so với 2013.

PVE hiện đang thực hiện nhiều dự án lớn trong nướcbao gồm một số dự án phát triển mỏ: Mỏ Thiên Ưng, Mỏ Đầm Dơi-Khánh Mỹ, Mỏ Kình Ngư Trắng, Cá Rồng Đỏ tổng giá trị khoảng 250 tỷ đồng. Ngoài ra PVE còn thực hiện một số gói thầu từ các dự án nhà máy lọc dầu, nhiệt điện lớn như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Tiến ra thị trường nước ngoài:Dự án trung tâm lọc hóa dầu RAPID tại Malaysia có quy mô lên đến 40 tỷ USD. PVE đã trúng gói thầu với tổng giá trị 51 triệu USD, gói thầu này sẽ được triển khai từ tháng 8/2015 đến năm 2018, doanh thu và lợi nhuận chủ yếu được ghi nhận trong năm 2016 và 2017. Hiện nay PVE tiếp tục tham gia đấu thầu các gói thầu liên quan khác, nhiều khả năng sẽ trúng tiếp gói thầu trị giá 20 triệu USD trong năm nay. Chúng tôi cho rằng việc tham gia dự án RAPID sẽ giúp PVE làm quen với việc thi công các công trình ở nước ngoài, khi đó năng lực của đội ngũ PVE sẽ tiếp tục tốt hơn và là tiền đề để tiếp tục tham gia các dự án khác trong khu vực.

Tiềm năng lớn từ dự án Lô B Ô môn.Dự án nhà máy lọc dầu, nhiệt điện và dự án RAPID đảm bảo tăng trưởng doanh thu cho PVE trên 20% trong năm 2016 và 2017. Ngoài ra, nếu PVE trúng thầu tham gia nhiều gói thiết kế trong dự án Lô B, triển vọng sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận đột biến cho doanh nghiệp. Dự án Lô B giai đoạn 1 kéo dài khoảng 3 năm với tổng giá trị đầu tư lên đến 2 tỷ USD, trong đó chi phí cho hoạt động thiết kế khoảng 5%, chiếm khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, mang lại nguồn việc đáng kể cho các doanh nghiệp làm thiết kế, trong đó có PVE.

6 tháng đầu năm 2015, PVE ước đạt 18 tỷ lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 45% so với cùng kỳ. BVSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 2015 đạt 727 tỷ và 27,6 tỷ, tăng lần lượt 12% và 10,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dự kiến năm 2016 PVE sẽ có tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn nhờ ghi nhận doanh thu từ dự án RAPID với doanh thu dự báo đạt 920 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 34,9 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trư, chưa tính dự án lô B. PVE đang dần khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực thiết kế dầu khí. Với tiềm năng tăng trưởng tốt trong thời gian tới nhà đầu tư có thể tích lũy PVE cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Tin bài liên quan