Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DRI với giá mục tiêu 10.600 đồng/CP
CTCK MB (MBS)
Triển vọng khả quan hơn của ngành cao su trong năm 2021. Kinh tế dần hồi phục trong bối cảnh những lo ngại về dịch Covid-19 được đẩy lùi nhờ vaccin phòng bệnh sẽ được phổ biến rộng rãi hơn vào nửa cuối năm 2021 đã mang lại nhiều kỳ vọng đối với thị trường hàng hóa, trong đó có cao su.
WB dự báo giá cao su sẽ tăng khoảng >3% trong năm 2021 nhờ (i) nhu cầu tiêu thụ cao su cải thiện, ước tăng 10,2% so với năm trước trước sự tăng trưởng trở lại của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, (ii) lo ngại về thiếu hụt nguồn cung cao su trong điều kiện thiếu hụt lao động do đại dịch, bất ổn chính trị tại Thái Lan, và bệnh nấm lá ở cây cao su tại Indonesia, Thái Lan và Sri Lanka khiến năng suất cao su sẽ giảm đáng kể trong 2 năm 2021-2022, và (iii) giá dầu dự báo tăng hỗ trợ giá cao su tăng.
Kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Đầu tư Cao su Đắk Lắk (DRI) chứng kiến tăng mạnh trở lại từ quý III/2020 trước sự hồi phục của giá cao su. Lãi ròng trong nửa cuối năm 2020 đạt 48 tỷ đồng, tăng 17,5%, bù đắp phần lớn cho mức lỗ lớn trong nửa đầu năm 2020.
Trước triển vọng khả quan của thị trường cao su trong thời gian tới, chúng tôi dự phóng sản lượng tiêu thụ cao su của DRI sẽ tăng khoảng 15% n/n trong năm 2021. Doanh thu từ mảng kinh doanh su ước tính tăng 20% so với cùng kỳ.
Chúng tôi xác định giá mục tiêu của cổ phiếu DRI vào khoảng 10.600 đồng/CP dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền. Mức giá mục tiêu tương ứng P/E forward khoảng 20,9 (theo EPS 2021F ~ VND508).
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị mua PVD với giá mục tiêu năm 2021 là 29.550 đồng/CP
CTCK BIDV (BSC)
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2020 của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) lần lượt đạt 5.227 tỷ đồng (tăng 20% so với năm trước đó) và 181 tỷ đồng (tăng trưởng 5%).
Nguyên nhân do (1) Số giàn khoan thuê đạt 1,7 giàn (so với 0,3 giàn năm 2019), (2) Đơn giá cho thuê giàn tự nâng ước tính tăng 4,4%, (3) Lãi được chia từ công ty liên doanh liên kết đạt 217 tỷ đồng (tăng trưởng 96%), và (4) hoàn nhập 107 tỷ dự phòng nợ xấu trong năm.
Bên cạnh đó, đến hiện tại, 5/6 giàn khoan sở hữu của PVD đã có việc làm chắc chắn trong năm 2021.
Ngoài ra, PVD dự kiến hoãn thời gian chi trả cổ tức năm 2019 (cổ tức bằng cổ phiếu, tỉ lệ 10%) sang đầu năm 2021.
BSC dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt lần lượt là 5.034 tỷ đồng (giảm 4% so với năm trước) và 212 tỷ đồng (tăng trưởng 17%), EPS FW 2021 = 325 đồng/CP với giả định (1) hiệu suất hoạt động (HSHĐ) giàn khoan tự nâng sở hữu cải thiện từ 77% (2020) lên 87%, và (2) Đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng duy trì ở mức 61 nghìn USD/ngày.
Chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PVD với giá mục tiêu năm 2021 là 29.550 đồng/CP, +17% so với mức giá ngày 05/03/2021 dựa trên phương pháp EV/EBITDA với hệ số dự phóng là 13.5x.
Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu LDG nằm tại mức 8.5
CTCK BIDV (BSC)
Cổ phiếu LDG của Công ty cổ phần Đầu tư LDG đang ở trong trạng thái hồi phục sau khi đã có giai đoạn giảm mạnh trong nửa cuối tháng 1. Thanh khoản cổ phiếu hiện đang duy trì giá trị ổn định.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Hôm nay, đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo động lượng RSI đang ở trên giá trị 50 nên cổ phiếu có tiềm năng thiết lập đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của LDG nằm tại khu vực xung quanh 7.5. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 8.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 7.26 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua DPM với giá mục tiêu 1 năm là 25.800 đồng/CP
CTCK Dầu khí (PSI)
Theo Bloomberg Intellingence, nhu cầu mạnh mẽ từ hoạt động nông nghiệp năm 2021 từ Brazil và Ấn Độ đã khiến giá Urea trên thị trường thế giới tăng mạnh. Tại ngày 28/2 theo dữ liệu từ Bloomberg, giá Urea giao ngay trên thị trường Trung Quốc đạt 365 USD/tấn (tăng 25,86% từ đầu năm). Tại thị trường trong nước tính đến cuối tháng 2, giá ure Phú Mỹ đã tăng từ 6.5 nghìn/kg lên 8.7 nghìn/kg (tăng 33,84% từ đầu năm).
Sản xuất nông nghiệp phục hồi trong 2021: Theo dự báo từ Tổ chức khí tượng thế giới WMO, hiện tượng thời tiết La Nina sẽ tiếp tục kéo dài trong quý 1/2021 với xác suất là 55%, giúp kéo dài lượng mưa. Do đó, tình hình thủy văn tiếp tục được cải thiện giúp cải thiện tình hình xâm nhập mặn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực Nam Bộ trong mùa vụ hè thu 2021.
Cơ cấu tài chính lành mạnh: Đến cuối năm 2020, Dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn xuống còn 150 tỷ đồng (giảm 27 tỷ đồng so với đầu năm) và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn xuống còn 900 tỷ đồng (giảm 163 tỷ đồng so với đầu năm).
Trong khi đó doanh nghiệp đang có 2.279 tỷ đồng tiền & khoản tương đương tiền và 1.935 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn. Với cơ cấu tài chính lành mạnh, nhiều khả năng DPM vẫn sẽ tiếp tục duy trì chính sách trả cổ tức hấp dẫn 10 - 15% trong các năm tiếp theo.
Chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế ước đạt lần lượt là 8.546 tỷ đồng (tăng 10,1% so với năm trước) và 790 tỷ đồng (tăng trưởng 12,37%). Doanh thu dự báo tăng trưởng so với 2020 nhờ (i) Sản lượng tiêu thụ phân bón Urea, NPK và NH3 ước tính tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phân bón hồi phục (ii) Giá bán phân bón cũng hồi phục do nhu cầu tăng cao. Biên lợi nhuận gộp giữ ổn định do giá dầu biến động cùng chiều.
Theo giả định của chúng tôi, giá dầu Brent trung bình trong 2021 đạt 60 USD/thùng tuy nhiên giá bán Urea và NPK tăng mạnh sẽ bù đắp chi phí tăng do giá dầu. Rủi ro chính: Phụ thuộc sản lượng khí đầu vào tại Bể Cửu Long và Nam Côn Sơn.
Ngoài ra hợp đồng mua bán khí của DPM được tính = 46% MFP + Tariff vận chuyển do đó việc sụt giảm nguồn khí tại các mỏ khí gần bờ sẽ khiến DPM phải huy động thêm nguồn khí tại các mỏ xa hơn tại bể Cửu Long và Nam Côn Sơn có chi phí thu gom và vận chuyển cao hơn.
Tuy nhiên, trong năm 2021, chúng tôi cho rằng rủi ro này không quá lớn do DPM vẫn sẽ tiếp tục huy động được nguồn khí đâu vào từ mỏ Bạch Hổ và Rồng Đồi Mồi với tỷ lệ khoảng 40% cơ cấu nguồn khí huy động.
Chúng tôi khuyến nghị mua với cổ phiếu DPM với giá mục tiêu 1 năm là 25.800 đồng (upside 37.96%) bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, với WACC là 11,5% và tăng trưởng dài hạn là 1%, tương đương P/E forward 2021 là 12.78.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị khả quan dành cho ACV với giá mục tiêu 86.800 đồng/CP
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan đối với Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và nâng giá mục tiêu thêm 6,5% lên 86.800 đồng/cổ phiếu.
Giá mục tiêu cao hơn của chúng tôi chủ yếu do chúng tôi tăng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cho ACV giai đoạn 2023-2026 thêm tổng cộng 7,1% và bị ảnh hưởng một phần bằng mức giảm 7,2% và 5,1% lần lượt trong dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số của chúng tôi cho năm 2021 và 2022.
Các điều chỉnh của chúng tôi phản ánh quan điểm của chúng tôi cho rằng sự phục hồi lượng hành khách quốc tế sẽ cần nhiều thời gian hơn; tuy nhiên, sự phục hồi sẽ tăng tốc từ năm 2023 trở đi khi chúng tôi kỳ vọng các nước có khách du lịch lớn đến Việt Nam sẽ thành công tiêm chủng đối với COVID-19 trong giai đoạn 2022-2023.
Chúng tôi kỳ vọng doanh thu sẽ phục hồi 9,3 nghìn tỷ đồng (tăng 19% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 71%) trong năm 2021. Tăng trưởng lợi nhuận của ACV dự kiến chủ yếu đến từ sự phục hồi của lượng hành khách quốc tế và đòn bẩy hoạt động cao của công ty.
Chúng tôi giả định 8,8 triệu hành khách quốc tế trong năm 2021 (tăng trưởng 20%) - tương đương với khoảng 21% con số của năm 2019 - vì chúng tôi dự báo lượng hành khách quốc tế sẽ vẫn duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm 2021 và phục hồi từ nửa cuối năm 2021.
Chúng tôi cho rằng ACV có vị thế tốt để duy trì năng lực tài chính của công ty – dù dịch COVID19 kéo dài hơn dự kiến của chúng tôi. ACV có số dư tiền mặt ròng là 18 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2020 trong khi chi phí không dùng tiền mặt chiếm khoảng 40% tổng chi phí vào năm 2020.
Rủi ro: Vốn xây dựng cơ bản cao hơn dự kiến; sự trì hoãn trong việc mở rộng công suất sân bay có thể hạn chế tăng trưởng lưu lượng hành khách; những trở ngại trong quá trình tiêm chủng tại các thị trường nguồn cung khách du lịch của Việt Nam.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi giữ khuyến nghị mua dành cho CTCP Vinhomes (VHM) khi chúng tôi tiếp tục tin tưởng công ty có vị thế thuận lợi để tận dụng câu chuyện tăng trưởng ngành BĐS Việt Nam trong dài hạn nhờ vị thế dẫn đầu thị trường, quỹ đất lớn nhất và mô hình phát triển dự án đa mục đích độc đáo.
Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 11% lên 128.000 đồng/CP chủ yếu do số dư tiền mặt cao hơn dự kiến tính đến cuối 2020 và mức tăng tỷ lệ sở hữu của VHM trong một số dự án tương ứng với tỷ lệ sở hữu cập nhật tính đến cuối 2020.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế 2021 (trước lợi ích cổ đông thiểu số) đạt 31 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 7% so với năm trước), chủ yếu được dẫn dắt bởi (1) tiếp tục thực hiện bàn giao tại 3 đại dự án cho cả bán lẻ và bán buôn và (2) kỳ vọng của chúng tôi cho doanh thu bán tại các đại dự án mới tại Hà Nội và khu vực lân cận, bao gồm Wonder Park, Dream City và Cổ Loa. Chúng tôi nâng dự phóng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 thêm 4% đạt 29,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 7%) khi chúng tôi tăng tỷ lệ sở hữu thực tế tại 3 đại dự án hiện tại.
Chúng tôi kỳ vọng VHM sẽ củng cố doanh số bán hàng 2021 khi tiếp tục mở bán các căn hộ bán lẻ/bán buôn cao tầng tại 3 đại dự án hiện tại và mở bán tại 3 đại dự án mới - Wonder Park, Dream City và Cổ Loa. Do đó, chúng tôi duy trì dự báo doanh số bán hàng 2021 sẽ phục hồi mạnh mẽ đạt 90 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 40%).
Yếu tố hỗ trợ: Tiến triển đáng kể liên quan đến thủ tục pháp lý cho các siêu đại dự án (quy mô quỹ đất hơn 3.000ha), bao gồm Green Hạ Long và Long Beach Cần Giờ.
Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: chu kỳ giảm của thị trường bất động sản; chi phí mua quỹ đất và xây dựng cao hơn kỳ vọng của chúng tôi.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu VIC
CTCK Bản Việt (VCSC)
Chúng tôi duy trì khuyến nghị khả quan dành cho Tập đoàn Vingroup (VIC) khi chúng tôi tiếp tục đánh giá tích cực sự hưởng lợi của VIC với tầng lớp thu nhập trung bình tăng cao – đặc biệt thông qua các công ty bất động sản Vinhomes, Vincom Retail và Vinpearl.
Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 4% lên 125.000 đồng/CP chủ yếu do định giá cao hơn cho mảng bất động sản nhà ở, bù đắp cho mức định giá giảm nhẹ cho mảng cho thuê bán lẻ và Khách sạn - nghỉ dưỡng trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện trở lại tại Việt Nam vào đầu năm 2021.
Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cho doanh số bất động sản trong khi điều chỉnh giảm dự báo của mảng khách sạn - nghỉ dưỡng và Công nghiệp tương ứng với mức lỗ từ hoạt động kinh doanh cao hơn dự kiến trong quý 4/2020. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 25% dự phóng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 2021 còn 16 nghìn tỷ đồng (so với với khoản lỗ lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh 2020 là 4,5 nghìn tỷ đồng). Chúng tôi dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số 2021 đạt 6,6 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng dòng lợi nhuận và dòng tiền ổn định từ mảng bán bất động sản và cho thuê – cùng với cải thiện trong mảng Khách sạn - nghỉ dưỡng – sẽ giúp bù đắp cho khoản lỗ từ mảng Công nghiệp.
Rủi ro cho quan điểm của chúng tôi: Doanh số ôtô thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi; chu kỳ giảm của thị trường bất động sản; các hạn chế mới đến hoạt động bán lẻ/khách sạn - nghỉ dưỡng nếu dịch COVID-19 kéo dài tại Việt Nam.