Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/3

Cổ phiếu cần quan tâm ngày 10/3

(ĐTCK) Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 10/3 của các công ty chứng khoán.

TNG: Triển vọng tăng trưởng dài hạn khá khả quan

CTCK Bảo Việt (BVSC)

Trong những năm vừa qua, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) không ngừng đầu tư mở rộng nhà máy may để cải thiện năng lực sản xuất. Tính đến cuối năm 2014, công ty đang sở hữu 10 chi nhánh may với 178 chuyền và 4 chi nhánh sản xuất hàng phụ trợ may mặc. Tháng 2/2015, TNG đã chính thức đưa vào hoạt động giai đoạn 1 nhà máy Đại Từ với 10 chuyền may và sẽ nâng lên 16 chuyền may trong năm 2015. Giai đoạn 2, TNG dự kiến tăng gấp đôi số chuyền may lên thành 32 chuyền. Đây được xem là nhân tố giúp TNG tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong tương lai.  

TNG đặt kế hoạch khá tham vọng cho năm 2015 với doanh thu 1.780 tỷ đồng, tăng 29,3% so với năm 2014 nhờ tình hình các đơn đặt hàng tăng trưởng khả quan. Theo công ty cho biết, đa số các nhà máy nhận đơn hàng sản xuất đến tháng 7/2015. Tính đến thời điểm hiện tại các đơn hàng đã ký đạt giá trị 969 tỷ đồng (tương đương 45,1 triệu USD), hoàn thành 54,5% kế hoạch năm 2015. Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 75 tỷ đồng, tăng 41% so với năm ngoái. Theo đó, EPS 2015 dự phóng ~3.409 VND/CP, tương ứng P/E~7,56 lần.  

TNG dự kiến sẽ trình lên ĐHCĐ vào ngày 12/4/2015 phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1. Theo đó, số lượng cổ phiếu sẽ tăng từ 21.998.003 lên 27.497.504 cổ phiếu. Việc phát hành nếu thành công sẽ giúp TNG giảm tỷ lệ vay nợ, tăng khả năng thanh toán và bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Tuy nhiên giá cổ phiếu và EPS sẽ bị ảnh hưởng

Quan điểm của BVSC: TNG là một trong những doanh nghiệp dệt may xuất khẩu có thương hiệu, uy tín và năng lực sản xuất liên tục cải thiện. Kế hoạch đầu tư các nhà máy mới sẽ là yếu tố để TNG nắm bắt cơ hội của ngành dệt may và tăng trưởng lợi nhuận trong các năm tới. Đồng thời, công ty cũng sẽ gặp thách thức trong việc tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực và cải thiện năng lực quản lý để vận hành hiệu quả các nhà máy này.

Việc tái cấu trúc hoạt động và cân đối cơ cấu tài chính bước đầu đã mang lại kết quả khả quan và kỳ vọng sẽ tiếp tục cải thiện. Do đó chúng tôi đánh giá triển vọng tăng trưởng dài hạn của công ty là khả quan. Dựa trên kế hoạch đề ra, chúng tôi ước tính EPS dự phóng 2015 ~ 3.409 VND/CP, tương ứng với P/E ~7,56 lần. Rủi rủi ro nhà đầu tư cần lưu ý là giá cổ phiếu có thể bị ảnh hưởng do việc phát hành. Báo cáo chi tiết sẽ được chúng tôi cập nhật trong thời gian sớm nhất.

HPG: Sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2015

CTCK MB (MBS)

HPG công bố kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty trong năm 2015. Theo đó, doanh thu dự kiến đạt mức 22500 tỷ VNĐ; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt mức 2,300 tỷ VNĐ.

Mức lợi nhuận kế hoạch năm 2015 thấp hơn đáng kể so với mức lợi nhuận thực hiện 2014 ( 3114 tỷ VNĐ), do trong năm 2015, HPG không còn lợi nhuận từ dự án bất động sản Mandarin Garden.

HPG cho biết sẽ trình đạt hội cổ đông phương án chia cổ tức năm 2014 với tỷ lệ 30% (trong đó 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu) và phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn với tỷ lệ là 30%.

Chúng tôi đánh giá hoạt động kinh doanh cốt lõi của HPG là mảng thép xây dựng vẫn đang khá tốt khi thị phần tiêu thụ của Công ty đã vươn lên đứng thứ nhất trong ngành vào cuối quý 4 2014. Công ty vẫn là doanh nghiệp thép có hiệu quả hàng đầu nhờ chi phí sản xuất thấp nhất ngành. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá mức độ tăng trưởng thị phần của HPG sẽ chậm lại trong năm 2014 do áp lực cạnh tranh trong ngành cao. Đồng thời biên lợi nhuận của HPG có khả năng giảm trong năm 2015 khi Công ty phải thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thép tại thị trường miền Trung và miền Nam làm gia tăng chi phí vận chuyển.

Chúng tôi dự phóng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG sẽ tăng 15% trong năm 2015 và Công ty sẽ đạt được kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.

SRC: P/E ở mức thấp, dự phóng ở mức 9 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, doanh thu thuần CTCP Cao su Sao Vàng (mã SRC) tăng 1,1% so với năm trước đạt 993,3 tỷ đồng. Mặc dù giá bán bình quân giảm khoảng 7% nhưng sản lượng tiêu thụ lốp ôtô tăng trưởng khá đã giúp bù đắp sự sụt giảm giá bán. Giá bán giảm làm biên lợi nhuận gộp chỉ duy trì ở mức 19,3% (giảm nhẹ so với mức 19,4%) mặc dù giá cao su thiên nhiên, nguyên liệu đầu vào chiếm khoảng 35% giá thành, giảm hơn 25% n/n trong năm 2014. Mặc dù vậy, lợi nhuận ròng 2014 vẫn tăng 5% so với năm trước đạt 68,8 tỷ đồng chủ yếu là do chi phí tài chính ròng giảm 37,6% xuống còn 14 tỷ đồng và thuế TNDN giảm từ 25% trong 2013 xuống chỉ còn 22% trong năm 2014.

Kế hoạch kinh doanh 2015 phù hợp. HĐQT của SRC đã đưa ra kế hoạch sản xuất kinh doanh 2015 (số liệu chính thức sẽ được ĐHCĐ thông qua) với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt ở mức 1020 tỷ đồng và 89 tỷ đồng, tăng 2,7% và 29,4% so với năm trước. SRC chưa đưa ra kế hoạch chi tiết, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng với việc giá cao su thiên nhiên trong nước và quốc tế vẫn chưa có dấu hiệu đảo chiều tăng giá sẽ tiếp tục là yếu tố thuận lợi đối với lợi nhuận của công ty trong năm 2015.

Hiện tại công ty chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất cũng như phát triển sản phẩm mới mang tính đột phá. Trong khi đó, 2 đối thủ trong nước là DRC và CSM đều đã đưa vào vận hành 2 nhà máy lốp Radian toàn thép mới với công suất lần lượt là 600.000 và 350.000 chiếc lốp/năm.

SRC đang được giao dịch tại P/E 2015 là 9 lần thấp hơn so với P/E ngành là 11,2 lần là hợp lý. Xét về mức sinh lợi, ROE của SRC chỉ ở mức 22,3%, thấp hơn so với các công ty săm lốp niêm yết khác như CSM và DRC lần lượt là 25,7% và 24,2%.

HRC: P/E dự phóng ở mức 14,1 lần

CTCK MayBank KimEng (MBKE)

CTCP Cao su Hòa Bình (mã HRC) đã công bố kết quả kinh doanh 2014 với doanh thu giảm mạnh 60,3% so với năm trước đạt 161,4 tỷ đồng. Trong đó, giá bán bình quân năm 2014 của công ty giảm 24,9% so với năm trước xuống chỉ còn 40,6 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ giảm 47% so với năm trước xuống chỉ còn 3.977 tấn.

Hoạt động thanh lý vườn cây giúp lợi nhuận không giảm sâu. Trong năm 2014, HRC ghi nhận chi phí tài chính ròng 1 tỷ đồng so với thu nhập ròng 2,2 tỷ đồng năm 2013. Chi phí hoạt động tuy giảm nhưng chậm hơn doanh thu làm cho tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp/doanh thu tăng từ 3,8% trong 2013 lên 4,2% trong 2014.

HRC ghi nhận mức lỗ từ HĐ sản xuất kinh doanh là 0,7 tỷ đồng, giảm từ mức lãi 2,3 tỷ đồng trong năm 2013. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng chỉ giảm 13,7% so với năm trước xuống chỉ còn 56,2 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập khác (chủ yếu từ hoạt động thanh lý vườn cây cao su) đạt 72,7 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 8% so với cả năm 2013. Chúng tôi được biết công ty đã thanh lý 814 ha vườn cây cao su, tăng 46,4% so với 2013 (chúng tôi ước tính giá thanh lý mỗi ha cao su giảm 37,1% n/n xuống chỉ còn 91 triệu đồng/ha).

Định giá. HRC đang được giao dịch tại P/E trailing 14,1 lần, cao hơn so với trung bình ngành 6,5 lần.

Tin bài liên quan