Quy chế niêm yết mới có những thay đổi nào về tiêu chuẩn, điều kiện niêm yết trên HOSE, thưa bà?
Tháng 5/2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 73/2013/TT-BTC quy định các điều kiện liên quan đến việc đăng ký niêm yết mới, thay đổi đăng ký niêm yết của các DN hình thành sau quá trình hợp nhất, sáp nhập.
Do vậy, Quy chế niêm yết mới lần này dựa vào các quy định tại Thông tư 73/2013 để hướng dẫn thủ tục, hồ sơ, trình tự thực hiện thống nhất đối với các trường hợp niêm yết sau quá trình hợp nhất, sáp nhập.
Theo đó, với trường hợp đăng ký niêm yết của các DN hình thành sau hợp nhất, tùy tình huống cụ thể là hợp nhất giữa hai hay nhiều công ty niêm yết, hoặc hợp nhất giữa một hay nhiều công ty niêm yết với một hay nhiều công ty chưa niêm yết, hoặc hợp nhất giữa các công ty hoàn toàn chưa niêm yết, mà HOSE sẽ xem xét các điều kiện của công ty hình thành sau hợp nhất và cả các công ty trước khi hợp nhất về vốn, thời gian hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, kết quả kinh doanh 2 năm liền trước, không có lỗ lũy kế, chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn (ROE)…, để hướng dẫn hồ sơ và thủ tục niêm yết. Về cơ bản, điều kiện niêm yết với các trường hợp này được quy định tương tự như một hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu, nên quy trình xử lý hồ sơ được thực hiện tương tự như hồ sơ đăng ký niêm yết mới.
Đối với trường hợp đăng ký niêm yết của DN hình thành sau sáp nhập, cũng có những quy định chi tiết hơn về điều kiện cho công ty bị sáp nhập về thời gian hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, kết quả kinh doanh 2 năm liền trước, về tiêu chí lỗ lũy kế…, hoặc điều kiện ROE của công ty hình thành sau sáp nhập phải đạt tối thiểu 5%.
Thủ tục đăng ký niêm yết được tách thành 2 trường hợp là thay đổi đăng ký niêm yết, hoặc đăng ký niêm yết lần đầu.
Trường hợp sáp nhập giữa các công ty niêm yết, hoặc công ty thực hiện đăng ký thay đổi niêm yết sau một năm kể từ thời điểm công ty hình thành sau sáp nhập được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thì các công ty được thực hiện theo quy trình thay đổi đăng ký niêm yết.
Trường hợp công ty nhận sáp nhập là công ty niêm yết, công ty bị sáp nhập không phải là công ty niêm yết trên Sở GDCK và đáp ứng các điều kiện theo quy định, thì việc đăng ký thay đổi niêm yết phải thực hiện tương tự một hồ sơ niêm yết lần đầu với thời gian được rút ngắn hơn.
Trường hợp công ty nhận sáp nhập không phải là công ty niêm yết sẽ được xem xét như một hồ sơ niêm yết lần đầu, trong đó tiêu chí “có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần” được xác định căn cứ vào thời điểm thành lập công ty cổ phần của DN nhận sáp nhập…
Thưa bà, Quy chế niêm yết mới có thay đổi gì về biện pháp xử lý vi phạm đối với chứng khoán rơi vào diện cảnh báo, kiểm soát, kiểm soát đặc biệt?
Đối với chứng khoán thuộc diện cảnh báo, Quy chế bổ sung trường hợp vốn điều lệ giảm xuống dưới 120 tỷ đồng theo báo cáo tài chính (BCTC) kỳ gần nhất và trường hợp công ty phát sinh lỗ lũy kế, đồng thời thay đổi một số tiêu chí về thời gian cho phù hợp hơn. Ví dụ, cổ phiếu không có giao dịch trong vòng 6 tháng thay vì trước kia là 90 ngày, tổ chức niêm yết ngừng, hoặc bị ngừng các hoạt động sản xuất - kinh doanh chính từ 3 tháng trở lên, thay vì trước đây khi phát hiện ngừng sản xuất - kinh doanh là đưa vào cảnh báo ngay.
Đối với chứng khoán thuộc diện kiểm soát, Quy chế niêm yết mới bổ sung trường hợp lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp tại BCTC bán niên soát xét gần nhất, đồng thời chỉnh sửa các quy định khác cho phù hợp với sự thay đổi của diện cảnh báo.
Chế tài đối với cổ phiếu thuộc diện kiểm soát có sự thay đổi. Trước đây, cổ phiếu thuộc diện kiểm soát chỉ được giao dịch 15 phút trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa, nên ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của cổ phiếu. Để khắc phục bất cập này, Quy chế niêm yết mới phân định ra 2 trường hợp là chứng khoán bị kiểm soát và chứng khoán bị kiểm soát đặc biệt.
Đối với chứng khoán bị kiểm soát do kinh doanh thua lỗ, do bị ngừng hoạt động sản xuất - kinh doanh, những tiêu chí này đôi khi chịu sự tác động khách quan của tình hình kinh tế khó khăn, hoặc gặp rủi ro trong kinh doanh và DN không hoàn toàn chủ động xử lý được. Do đó, theo Quy chế niêm yết mới, các trường hợp này sẽ không bị hạn chế về thời gian giao dịch, mà Sở GDCK sẽ thực hiện tạm ngừng giao dịch đối với chứng khoán đó để công ty niêm yết thực hiện công bố thông tin (CBTT). Sau khi CBTT theo yêu cầu của Sở GDCK, chứng khoán sẽ được giao dịch trở lại với ký hiệu chứng khoán bị kiểm soát.
Đối với DN vi phạm các quy định về CBTT, sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo, hoặc trong trường hợp Sở GDCK xét thấy cần thiết để bảo vệ quyền lợi của NĐT, Sở sẽ đưa chứng khoán của các DN này vào diện kiểm soát đặc biệt và bị hạn chế về thời gian giao dịch, cụ thể là chỉ được giao dịch vào phiên chiều theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Các biện pháp xử lý trên có áp dụng đối với các DN được cấp quyết định niêm yết trước khi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán có hiệu lực không, thưa bà?
Theo Quy chế niêm yết mới ban hành, các tổ chức đã đăng ký niêm yết trên Sở GDCK trước khi Nghị định 58/2012/NĐ-CP có hiệu lực, nếu chưa đáp ứng điều kiện niêm yết về vốn điều lệ (120 tỷ đồng) hoặc về cơ cấu cổ đông (tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ, trừ trường hợp DNNN chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định của Thủ tướng Chính phủ) sẽ không bị điều chỉnh bởi các quy định về cảnh báo, kiểm soát và hủy niêm yết tương ứng với các tiêu chí này.