Lo ngại của nhà đầu tư về quy chế margin
Gần đây, trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ mà Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố ngày càng xuất hiện thêm nhiều cổ phiếu bị cắt margin do công ty vi phạm pháp luật về thuế.
Cập nhật của HOSE đến ngày 20/7 cho thấy, trong số 70 cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch margin trên sàn này, có tới 9 mã gồm: APC, HU3, KSH, NTL, S4A, TDH, TRA, VDS, VNL có cùng một nguyên nhân là công ty vi phạm pháp luật thuế.
Cũng vì lý do vi phạm pháp luật thuế, trong ngày 25 - 27/7/217, HNX đã lần lượt đưa cổ phiếu PLC của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP và cổ phiếu PVG của CTCP Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc vào diện không được phép giao dịch ký quỹ.
Việc cắt margin với các cổ phiếu của doanh nghiệp có vi phạm pháp luật về thuế được hai sở căn cứ vào Quyết định 87/QĐ-UBCK của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về ban hành quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán.
Cụ thể, khoản 5, Điều 3 của quy chế này quy định: chứng khoán đủ tiêu chuẩn giao dịch ký quỹ bao gồm cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán và không thuộc đối tượng là công ty niêm yết nhận được kết luận của cơ quan thuế về việc công ty vi phạm pháp luật thuế.
Theo phản ánh của một số nhà đầu tư, với quy chế trên, danh sách cổ phiếu bị cắt margin do vi phạm pháp luật về thuế có thể sẽ còn nối dài. Hiện các doanh nghiệp đang áp dụng cơ chế tự kê khai thuế, chịu hậu kiểm của cơ quan thuế.
Vì vậy, số thuế do doanh nghiệp tự tính và cơ quan thuế “chốt” với doanh nghiệp có thể sai lệch do cách hiểu khác nhau về các quy định thuế, hay do những sai sót có thể phát sinh về ghi hóa đơn, hợp đồng…
Ngay cả những doanh nghiệp có thương hiệu, có uy tín hoạt động lâu năm trên thường trường cũng có thể bị xử phạt, truy thu thuế khi cơ quan thuế vào quyết toán thuế. Với quy định này, rủi ro với nhà đầu tư khó tiên lượng, do tài sản nhanh chóng bốc hơi sau khi bị rút đòn bẩy tài chính.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, phiên giao dịch ngày 17/7/2017, cổ phiếu TDH của CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức đã giảm sàn không chỉ dưới áp lực điều chỉnh chung của thị trường, mà còn có nguồn cơn từ áp lực cắt margin bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/7 do Nhà Thủ Đức bị cơ quan thuế kết luận vi phạm pháp luật về thuế. Cổ phiếu TRA của Traphaco, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vững vàng cũng bị "cắt" margin kể từ quý III do... vi phạm thuế.
Uỷ ban Chứng khoán nói gì?
Trước những phản ánh của nhà đầu tư, Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với cơ quan ban hành cơ chế margin - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Đại diện của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán cho biết, mục tiêu khi ban hành quy định loại ra khỏi danh sách cổ phiếu được giao dịch ký quỹ đối với các công ty có vi phạm về thuế là nhà quản lý muốn giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, nhất là với những trường hợp doanh nghiệp cố tình gian lận về thuế, mà khi bị phát hiện và xử phạt có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tài chính của công ty.
Tuy nhiên, qua 4 tháng triển khai, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) bắt đầu ghi nhận những phản hồi của hai Sở, cũng như thị trường về những điểm chưa hợp lý của quy định này. Đó là doanh nghiệp bị phạt thuế nằm ngoài khả năng dự báo và tiên lượng của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp.
Nhiều trường hợp doanh nghiệp phạm lỗi vô tình, chưa hiểu đúng quy định về thuế và khoản phạt vi phạm chỉ vài triệu đồng, không ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ngay sau khi có quyết định xử phạt của cơ quan thuế, HOSE và HNX ra quyết định loại cổ phiếu của doanh nghiệp bị xử phạt ra khỏi danh sách được cấp margin, khiến nhà đầu tư không kịp xoay xở.
Việc cắt margin, tuy ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và thị trường, nhưng theo đại diện UBCK, không thể vì thế mà cho rằng sự sụt giảm giá cổ phiếu là hoàn toàn do bị cắt margin.
“Việc cắt margin ảnh hưởng đến tỷ lệ đòn bẩy tài chính đối với các cổ phiếu, nên có thể ảnh hưởng đến giá chứng khoán. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần phân định rõ sự biến động của giá cổ phiếu do thị trường hay do hiệu quả kinh doanh và thông tin từ doanh nghiệp là chính, chứ không phải hoàn toàn do cắt giảm margin…”, đại diện UBCK cho hay.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết, UBCK đang tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của việc áp dụng quy định trên, để ít nhất là sau 6 tháng áp dụng sẽ có những sửa đổi, bổ sung Quyết định 87/QĐ-UBCK theo hướng phù hợp với thực tiễn, để vừa bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư vừa giúp họ giảm thiểu rủi ro.