Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 16,25 điểm, tương đương tăng 1,11%, lên 1.479,79 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 20,3% lên 140.929 tỷ đồng, khối lượng tăng 18,6% lên 4.778 triệu cổ phiếu.
HNX-Index tăng 5,45 điểm, tương đương tăng 1,21%, lên 456,2 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 5,9% lên 17.451 tỷ đồng, khối lượng tăng 1,3% lên 631 triệu cổ phiếu.
Tuần qua, tâm điểm lại một lần nữa đổ dồn về nhóm cổ phiếu bất động sản. Riêng trong phiên cuối tuần, có tới 60 mã cổ phiếu tăng giá và chỉ có 21 mã kết phiên trong sắc đỏ của nhóm này.
Cổ phiếu bất động sản vẫn nóng
Mã chứng khoán |
Niêm yết |
Giá đóng cửa ngày 10/12 (VNĐ) |
Giá đóng cửa ngày 17/12 (VNĐ) |
Chênh lệch (%) |
CEO |
HNX |
38.100 |
53.000 |
39,11 |
DIG |
HOSE |
68.500 |
91.000 |
32,85 |
NBB |
HOSE |
37.500 |
43.800 |
16,80 |
NLG |
HOSE |
55.900 |
64.800 |
15,92 |
VPH |
HOSE |
10.150 |
11.750 |
15,76 |
AGG |
HOSE |
44.300 |
51.000 |
15,12 |
HLD |
HNX |
38.400 |
42.900 |
11,72 |
NRC |
HNX |
27.500 |
30.200 |
9,82 |
KDH |
HOSE |
47.800 |
50.400 |
5,44 |
VHM |
HOSE |
80.900 |
84.500 |
4,45 |
Sau 3 phiên giảm điểm ở cuối tuần giao dịch trước, mã CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O đã lấy lại được đà tăng mạnh trong tuần qua với phiên ngày 15/12 tăng hết biên độ và 4 phiên còn lại đều tăng mạnh. Chuỗi tăng điểm ấn tượng đã giúp cổ phiếu bật từ mốc 38.100 đồng/CP lên 53.000 đồng/CP, tương ứng 39,11%. Từ đầu tháng 11, CEO đã tạo điểm nhất bằng 9 phiên tăng trần liên tiếp và nhiều phiên tăng mạnh. Chỉ trong một tháng, CEO đã tăng 242%.
Trong báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho biết hai cổ đông lớn nhất của C.E.O là Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình (chiếm 26%) và quỹ PYN Elite Fund (hiện còn 13,06%). Do đó, Chủ tịch Đoàn Văn Bình sẽ đưa ra hầu hết các quyết định quan trọng. Ngoài ra, mọi năm, doanh nghiệp chia cổ tức 10% và tăng vốn lên 10.000 một cổ phiếu “không thực sự ưu đãi” với sự biến động giá của CEO qua các năm.
“Như vậy, hơn 50% cổ phiếu trôi nổi trên sẽ làm giảm sự tăng giá lành mạnh của CEO trên thị trường”, báo cáo nhấn mạnh.
Cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng có một tuần giao dịch thành công với hai phiên tím và ba phiên còn lại duy trì được sắc xanh. Trong phiên cuối tuần giao dịch, DIG đã vượt mốc 90.000 đồng/CP và thiết lập đỉnh mới với giá đóng cửa là 91.000 đồng/CP, tăng 32,85%.
Hưởng ứng đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản, cổ phiếu NBB của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy cũng không nằm ngoài xu hướng. NBB mở đầu tuần giao dịch với hai phiên tăng tăng trần hứng khởi. Tuy nhiên, đến phiên 15/12, cổ phiếu giảm 4,90% nên dù hai phiên tiếp theo vẫn tăng, nhìn chung cổ phiếu đã tăng 16,80%.
Cổ phiếu AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia cũng là cái tên nổi bật khi mã này đã có sự cải thiện mạnh mẽ về cả giá và thanh khoản. Hai phiên tăng trần và một phiên tăng mạnh sau đó đã kéo giá cổ phiếu AGG lên 51.000 đồng/CP, tăng 15,12% (tương đương 6.700 đồng/CP). Thanh khoản được nâng lên mức trung bình 1,57 triệu đơn vị/phiên.
Các thành viên thị trường cho rằng nguyên nhân khiến cổ phiếu bất động sản nóng lên là do có liên quan đến vụ đấu giá đất tại Thủ Thiêm (TP.HCM) xôn xao ngày 10/12 vừa qua. Với mức giá lên đến 2,5 tỷ đồng/m2, giới đầu tư kỳ vọng bất động sản sẽ được hình thành mặt bằng giá mới, nhất là với các doanh nghiệp đang sở hữu đất vàng ở Thủ Thiêm.
Bản tin thị trường của Chứng khoán Kiến Thiết nhìn nhận: “Cổ phiếu bất động sản liên tục tăng rất nóng, hết vượt các đỉnh cũ rồi lại thiết lập các đỉnh mới. Xu hướng tích cực của nhóm cổ phiếu này vẫn chưa có chiều hướng dừng lại và chúng tôi nhận thấy kỳ vọng tăng giá vẫn còn rất lớn.”
Kỳ vọng thị trường bất động sản năm 2022
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, trong năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng giá bất động sản không giảm mà còn ghi nhận tăng từ 5 - 9% tùy từng địa bàn, đặc biệt giá bất động sản khu công nghiệp tăng 15 - 18%. Ngoại trừ bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê còn nhiều khó khăn.
“Tuy nhiên, bước sang năm 2022, kinh tế được dự báo phục hồi nhanh. Trong đó đáng chú ý là gói tín dụng nhà ở xã hội được đề xuất là 65.000 tỷ đồng; Bộ Xây dựng đang hoàn thiện chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030. Đặc biệt, các vấn đề pháp lý đã và đang được tháo gỡ, Luật Đất đai dự kiến sửa đổi trong năm tới. Chính phủ cũng đang sửa Nghị định về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp,... những điều đó sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS”, TS. Lực đánh giá.
Công ty Chứng khoán VNDirect cũng dự báo, thị trường bất động sản sẽ bước vào thời điểm thuận lợi từ năm 2022 với nguồn cung dần hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý. Trong khi đó, nguồn cầu cũng được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng, lãi suất vay mua nhà duy trì ở mức thấp và cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh phát triển.
VNDirect đã đưa ra 3 yếu tố sẽ thúc đẩy nhu cầu bất động sản nhà ở trong năm 2022.
Thứ nhất, thị trường phục hồi diện rộng sẽ giúp thúc đẩy ngành bất động sản vào năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ trong năm 2022. Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam có nhiều dư địa để tận dụng cơ hội khi sức mua toàn cầu phục hồi với khả năng GDP sẽ tăng 7,5% vào năm 2022.
Ngoài ra, áp lực lạm phát sẽ duy trì ở mức thấp trong hai quý tới trước khi tăng lên kể từ quý II/2022 do nhu cầu trong nước phục hồi, Chính phủ không còn giảm giá điện, nước và viễn thông như nửa cuối năm 2021 và dự kiến giá năng lượng cao trong năm 2022.
Thứ hai, lãi suất vay mua nhà tiếp tục duy trì ở mức thấp giúp kích thích nhu cầu mua nhà. Trong 9 tháng năm 2021, lãi suất mua nhà ở các ngân hàng nội địa tương đối ổn định ở mức 9,2 - 9,5%, mức thấp nhất trong 10 năm. Do đó, VNDirect duy trì quan điểm lãi suất cho vay thế vay mua nhà sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp, ít nhất tới cuối quý II/2022, từ đó sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản,
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng sẽ là động lực thúc đẩy thị trường bất động sản tăng trưởng trong tương lai. Kể từ tháng 10, đầu tư công đã dần phục hồi ổn định. Chính phủ có thể tung thêm các gói kích thích kinh tế mới để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào tăng chi tiêu đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Trong dài hạn, đây sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của bất động sản. .
Với bất động sản công nghiệp, VNDirect đánh giá diện tích đất khu công nghiệp ở phía Nam có thể sẽ tăng thêm hơn 3.500 ha trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong khu vực (chủ yếu từ Đồng Nai, Bình Dương và Long An). Cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh phát triển với các dự án sắp và đang được triển khai như 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và giai đoạn một của dự án sân bay quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, nhà kho và nhà xưởng xây dựng sẵn sẽ tiếp tục thu hút trong năm 2022 với việc hàng loạt các chủ đầu tư cả trong nước và nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội gia nhập vào thị trường này.