Sau chút thận trọng rung lắc đầu phiên sáng, thị trường đã sớm tìm lại sắc xanh nhờ lực cầu được kích hoạt khá tốt ở vùng giá 1.210 điểm. Tuy nhiên, sự thiếu đồng thuận của các cổ phiếu lớn khiến VN-Index chỉ duy trì đà tăng nhẹ khi tạm dừng phiên giao dịch sáng.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường nới rộng biên độ tăng khi sóng lớn ở các nhóm ngành liên quan đến xuất khẩu, đặc biệt là dệt may và thủy sản trong phiên sáng, đã lan rộng ra nhiều nhóm ngành khác.
Đặc biệt là sự trở lại của nhóm cổ phiếu bất động sản sau đợt điều chỉnh, với sự dẫn dắt của cặp đôi lớn VIC và VHM, cùng nhiều mã nóng tăng tốc trở lại, đã giúp VN-Index “bay cao”.
Một phiên hồi phục khá tốt chưa thể giúp nhà đầu tư tin tưởng vào xu hướng tăng của thị trường đã quay lại khi yếu tố thanh khoản còn khá yếu với tổng giá trị giao dịch trong phiên hôm nay chỉ đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
Chốt phiên, sàn HOSE có 419 mã tăng (18 mã tăng trần) và 91 mã giảm, VN-Index tăng 14,61 điểm (+1,21%) lên 1.226,11 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 878 triệu đơn vị, giá trị 20.373,7 tỷ đồng, cùng giảm hơn 12% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 115 triệu đơn vị, giá trị 2.345 tỷ đồng.
Trái với diễn biến không mấy thuận lợi bởi sự vắng bóng của nhóm VN30, thì trong phiên chiều nay, các cổ phiếu bluechip đã đồng loạt nhập cuộc, hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường.
Trong nhóm VN30 chỉ còn 6 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu và chủ yếu chỉ giảm chưa tới 1%, trong khi có tới 22 mã tăng, kết phiên, chỉ số nhóm này tăng hơn 9 điểm, trong đó đáng kể là các mã GVR, VIC, BCM, VHM.
Xét về nhóm ngành, như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu bất động sản là tâm điểm đáng chú ý của thị trường trong phiên chiều nay. Bên cạnh những mã lớn hồi phục khá tốt như VIC tăng gần 3,5%, VHM tăng 2,74%, các cổ phiếu nóng cũng đã trở lại khá ấn tượng.
Điển hình là NVL. Dù trong phiên sáng rung lắc và may mắn chớm xanh khi chốt phiên, nhưng sang phiên giao dịch chiều, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp NVL kéo trần thành công. Kết phiên, NVL tăng 6,9% lên mức 18.500 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt 40,16 triệu đơn vị và dư mua trần 2,55 triệu đơn vị.
Một số mã khác như HDC, PTL, HUT1 kết phiên cũng tăng trần, SJS tăng 6,8% lên sát trần; các mã PHC, DPG, KHG, CTI, NLG… tăng trên dưới 5%; DXG tăng 4,3% và thanh khoản thuộc top 5 cổ phiếu dẫn đầu thị trường với 23,58 triệu đơn vị; DIG tăng 3,3% và khớp 16,5 triệu đơn vị…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng nổi sóng khi không còn mã nào giao dịch dưới mốc tham chiếu. Đáng kể có ORS và VFS kết phiên tăng trần, tiếp theo là VIX tăng 5,1% lên vùng giá cao nhất trong ngày 19.750 đồng/CP và vẫn giữ nhiệt sôi động với gần 26,5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài ra, VCI tăng 4,84%, VDS tăng 3,6%, BSI tăng 3,57%, AGR tăng 4,64%, các mã FTS, VND, APG, TVB, TVS đều tăng hơn 2%...
Tuy nhiên, tăng tốt nhất thị trường vẫn là nhóm cổ phiếu thủy sản với sự đóng góp của VHC tăng 3,58%, CMX tăng 5,53%, ANV tăng kịch trần, IDI tăng 5,67%, FMC tăng 3,6%, ACL tăng 2,77%...
Các nhóm ngành khác liên quan đến xuất nhập khẩu như dệt may, vận tải biển… cũng giữ đà tăng tốt, trong đó PVT, TCO, MHC, GIL tăng kịch trần; hay MSH tăng 4%, GMC tăng 3,4%...
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng khá “đủng đỉnh” khi chỉ nhích nhẹ, với một số mã như VCB, CTG, STB vẫn giảm nhẹ.
Trên sàn HNX, thị trường cũng tăng tốc mạnh trong phiên chiều khi các cổ phiếu trong nhóm HNX30 đua nhau tăng mạnh.
Chốt phiên, sàn HNX có 134 mã tăng và 52 mã giảm, HNX-Index tăng 4,6 điểm (+1,84%) lên 254,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 77,55 triệu đơn vị, giá trị 1.691,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 14,6 triệu đơn vị, giá trị 260,3 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn PVC, L18 và NTP giảm nhẹ trên dưới 1%, còn lại có tới 26 mã tăng. Trong đó, thành viên nhóm dệt may là TNG tiếp tục nới nhẹ biên độ khi kết phiên tăng 6,6% lên mức 22.600 đồng/CP và thanh khoản đột biến lên tới gần 6 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản và chứng khoán trên sàn HNX cũng đua nhau tăng tốc. Cụ thể, CEO kết phiên tăng 5,6% lên mức giá cao nhất trong ngày 26.500 đồng/CP và thanh khoản đạt 10,22 triệu đơn vị, DTD tăng 3,9%, VC3 tăng 6,2%, DTD tăng 3,9%...
Ở nhóm chứng khoán, SHS kết phiên tăng 3,1% lên 20.200 đồng/CP và thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 13,75 triệu đơn vị khớp lệnh; VIG tăng 3,8%, BVS tăng 2,3%, MBS tăng 1,7%, APS tăng 2,3%...
Cổ phiếu CMS vẫn giữ vững mức giá trần 34.700 đồng/CP, xác lập chuỗi 7 phiên tăng mạnh liên tiếp, với khối lượng khớp lệnh đạt 1,42 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù nửa đầu phiên vẫn tiếp diễn trạng thái rung lắc nhưng lực cầu tăng mạnh đã giúp chỉ số tìm được tiếng nói chung với toàn thị trường.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (+0,3%) lên 93,35 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 44,77 triệu đơn vị, giá trị 733,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,19 triệu đơn vị, giá trị 48,46 tỷ đồng.
Các cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM đua nhau khởi sắc, trong đó SBS chạm mệnh giá, là mức giá cao nhất trong ngày 10.000 đồng/CP khi đóng cửa tăng 6,4% và thanh khoản vẫn sôi động với 5,55 triệu đơn vị giao dịch thành công; tương tự AAS cũng đóng cửa tại mức giá cao nhất 12.400 đồng/CP, tăng 6% và khớp 1,88 triệu đơn vị, TCI tăng 4,7%...
Cổ phiếu dệt may VGT vẫn giữ đà tăng mạnh khi đóng cửa tăng 6,2% lên mức 13.700 đồng/CP, khối lượng giao dịch đạt 2,24 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BSR giữ vị trí dẫn đầu về thanh khoản với hơn 7,64 triệu đơn vị giao dịch thành công, cũng hồi phục sắc xanh dù tăng chưa tới 1%, đóng cửa tại mức giá 21.800 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2309 sẽ đáo hạn vào thứ Năm tới tăng tốt nhất là 14 điểm, tương ứng tăng 1,1% lên mức 1.236 điểm, khớp 188.516 đơn vị, khối lượng mở 35.257 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm áp đảo, tuy nhiên, dẫn đầu thanh khoản là CSTB2322 khớp hơn 3,33 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,7% xuống mức 1.830 đồng/cq.