Cổ phiếu bất động sản tạo điểm nhấn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index cuối tuần qua thoát khỏi quán tính giảm với điểm nhấn là nhóm cổ phiếu bất động sản.

Bối cảnh quốc tế: ECB tăng lãi suất

Ngày 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng 0,75% lãi suất cơ bản nhằm đối phó với lạm phát cao kỷ lục (lần tăng lãi suất trước đó từ 0% lên 0,5% vào ngày 27/7). Lạm phát tại khu vực châu Âu trong tháng 8 lên tới 9,1%, chủ yếu do giá năng lượng và lương thực tăng cao. Sự chuyển dịch chính sách của ECB có mục tiêu chính yếu và dài hạn là đảm bảo lạm phát quay trở lại mức 2%. Kế hoạch mà ECB đề ra là lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức trung bình 8,1% năm 2022, 5,5% năm 2023, 2,3% năm 2024 và từ năm 2015 ổn định quanh 2%.

Lần lạm phát vượt trên 4% gần nhất (năm 2008), ECB đã đẩy lãi suất lên tới 4% cho đến khi lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt. Vì vậy, với lạm phát cao hiện tại, chúng tôi không bất ngờ nếu ECB tiếp tục nâng lãi suất.

ECB tăng lãi suất dù kinh tế châu Âu đứng trước nguy cơ suy thoái, nhưng trong ngắn hạn, diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu không tiêu cực, giúp hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư ở nhóm thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

VN-Index thoát khỏi quán tính giảm

Cuối tuần qua (9/9), VN-Index đóng cửa với mẫu nến Hammer xanh, tăng 14,18 điểm, lên 1.248,78 điểm (cao nhất trong phiên), giá trị giao dịch đạt 13.800 tỷ đồng. Mẫu nến thể hiện lực mua “bắt đáy” (chỉ số có thời điểm giảm xuống 1.228,54 điểm) cho thấy tín hiệu đảo chiều ngắn hạn, thoát khỏi quán tính giảm của 2 phiên liền trước. Lượng cổ phiếu trong phiên thanh khoản tăng vọt ngày 7/9 về tài khoản tương đối an toàn khi dòng tiền có xu hướng mua lên, nhưng thiếu yếu tố hỗ trợ của khối lượng giao dịch. Lượng cung tiềm năng vẫn còn nên chúng tôi đánh giá sơ bộ rằng, đây là phiên hồi phục kỹ thuật.

Mặc dù vậy, trong 10 phút tăng điểm cuối, thị trường có sự đẩy lên về mặt thanh khoản, cho thấy lực kéo không do yếu tố tiết cung, mà do lực mua tham gia vượt trội. Nhìn tổng thể đà hồi phục từ đáy ngắn hạn thì nhịp điều chỉnh tuần qua là cần thiết, kỳ vọng cho trạng thái tích lũy “kênh giá tăng” trở lại.

Ở đồ thị tuần, nỗ lực mua cuối phiên đã “cứu” thị trường khỏi mẫu nến Marubozu bao trùm giảm, giúp nhẹ bớt áp lực điều chỉnh lớn trong tuần mới. Một số nhóm cổ phiếu có vận động yếu giai đoạn vừa qua như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản được tăng mua bất ngờ trong 10 phút giao dịch cuối, nhưng không thể phủ nhận rằng, các nhóm này đã phá vỡ xu hướng hồi phục trước đó và đang trong nhịp giảm ngắn hạn.

Điểm nhấn ngành: Bất động sản

Thông tin nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng đã thành hiện thực trong tuần qua, nhưng không đạt mức mà nhà đầu tư kỳ vọng. Tác động đến thị trường dễ nhận thấy là một loạt cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG gãy khỏi nền tích lũy trong tháng 8 khi giá giảm mạnh 2 - 3 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn lựa chọn được đối tượng hưởng lợi, đó là nhóm cổ phiếu bất động sản.

Dòng vốn tín dụng mới kỳ vọng sẽ giúp tháo gỡ một số nút thắt thanh khoản cho thị trường bất động sản vốn đã hạ nhiệt nhanh chóng sau những tháng đầu năm sôi động. Với các cổ phiếu địa ốc, nhịp “quay xe” bất ngờ trong những phút giao dịch cuối tuần qua của VN-Index có được sự hỗ trợ lớn từ dòng tiền tham gia bắt đáy, tập trung vào nhóm có truyền thống biến động giá lớn như VGC, DIG, CII, DXG…

Trong bối cảnh thị trường còn tồn tại nhiều rủi ro khi tình hình vĩ mô thế giới thiếu ổn định và VN-Index rơi vào xu hướng điều chỉnh ngắn hạn, sự chuyển dịch dòng tiền sang nhóm cổ phiếu đầu cơ được đánh giá là thiếu lành mạnh. Nhà đầu tư nên chú ý tới một số cổ phiếu bất động sản tiềm năng hơn, cường độ biến động giá thấp và tình hình kinh doanh ổn định như DPG, VHM, NTL…

Lưu ý, đặc điểm chung về mặt kỹ thuật của các cổ phiếu trên là nằm trong xu hướng điều chỉnh trung hạn, do đó, cần phân bổ tỷ trọng giải ngân từng phần để phòng tránh rủi ro rung lắc trong ngắn hạn.

Tin bài liên quan