Cổ phiếu của Địa ốc Đất Xanh đang đứng trước cơ hội mới khi Công ty khởi động kinh doanh trong cả 4 mảng của thị trường bất động sản
Sự nhiệt tình vào cuộc của giới ngân hàng trong việc rót vốn cho vay mua nhà đã trở thành liều thuốc có tác dụng rã băng hiệu quả đối với thị trường bất động sản. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội được Thủ tướng trình bày trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIII hồi tháng 10/2014, tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 11,5% so với cuối năm 2013, chỉ đứng sau lĩnh vực công nghệ cao (tăng 15,8%) và cao hơn khá xa so với mức tăng của nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.
Động thái mở van của khối ngân hàng vào bất động sản đã có tác động tích cực lên thị trường. Phân khúc nhà giá thấp dưới 2 tỷ đồng đã có thanh khoản rõ rệt, giá tại những dự án có tiến độ xây dựng đúng cam kết đã nhúc nhích tăng.
Theo Bộ Xây dựng, năm 2014, Hà Nội có 11.450 giao dịch thành công, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2013. Trên cả nước, tổng giá trị tồn kho bất động sản giảm hơn 50.000 tỷ đồng (tương đương mức giảm 43%). Những động thái này đang tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp bất động sản khôi phục hoạt động kinh doanh sau một thời gian dài căng sức vượt khủng hoảng.
Mới đây, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa nhóm ngành bất động sản vào một trong những nhóm ngành khả quan năm 2015.
Theo phân tích của các chuyên gia BSC, Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ tháng 2/2015 đã thay đổi trọng số rủi ro cho vay lĩnh vực bất động sản từ mức 250% xuống 150%. Điều này thể hiện việc các ngân hàng thương mại có thể tiếp tục nới van tín dụng rộng hơn đối với lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, lãi suất ở mức ổn định sẽ hấp dẫn nhà đầu tư vào thị trường bất động sản, vì hiện tại, giá cho thuê bất động sản cũng đang ở mặt bằng khá tốt.
“Sau 6 - 7 năm nằm trong vùng suy thoái, hiện cầu bất động sản đã phục hồi tại các thành phố lớn. Điều này không chỉ làm chúng tôi kỳ vọng vào ngành bất động sản, mà hơn thế, sẽ làm phục hồi một loạt ngành “downstream” của nền kinh tế, như xây dựng, vật liệu xây dựng, nội thất”, chuyên gia BSC nhận định.
Dù vậy, ở góc nhìn thận trọng hơn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cơ hội không chia đều cho tất cả doanh nghiệp bất động sản, vì sau cơn “đại hồng thủy” kéo dài mấy năm qua, nhiều doanh nghiệp chưa thể hồi sức ngay.
Bà Trần Thị Quỳnh Hoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư (Công ty Chứng khoán SHB) cho biết, ngoài Vingroup, hiện hầu hết doanh nghiệp bất động sản mới chỉ dừng ở tình trạng khắc phục lỗ trước kia, hoặc nếu có lãi cũng chưa tương xứng với vốn chủ sở hữu.
Theo các nhà quan sát, hiện tại, nổi lên một số cổ phiếu trong nhóm bất động sản có nhiều tiềm năng, như VIC của Tập đoàn Vingroup, DXG của Địa ốc Đất Xanh, KBC của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc…
Vingroup gây được sự chú ý trong năm 2014 khi Công ty ghi nhận doanh thu lớn từ 2 dự án Royal City và Times City. Triển vọng năm 2015, Vingroup sẽ tiếp tục có nguồn thu từ Times City, Royal City và một phần doanh thu mới từ bàn giao biệt thự tại Vincom Central Park. Bên cạnh đó, mảng du lịch và khách sạn sẽ tăng trưởng với dự án mới Vinpearl Phú Quốc. Sang năm 2016, Vingroup có nhiều dự án sẽ được bàn giao, như Vincom Central Park, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh….
Trong khi đó, Đất Xanh khởi động kinh doanh bất động sản trong cả 4 mảng: dịch vụ môi giới bất động sản, hợp tác đầu tư thứ cấp, đầu tư bất động sản trực tiếp và xây dựng. Dự kiến trong năm 2015, DXG sẽ ghi nhận doanh thu mới từ bàn giao hơn 1.000 căn của Dự án Sunview Town, Green City và chuyển nhượng các dự án nhỏ lẻ bên cạnh doanh thu ổn định đến từ mảng môi giới.
KBC tỏ ra có ưu thế trong một phân khúc riêng biệt là khu công nghiệp. Từ năm 2015, Kinh Bắc có thể có nhiều cơ hội bứt phá do nhu cầu thuê đất của các công ty thuộc Tập đoàn LG và Hiệp hội Điện tử Hàn Quốc sẽ lấp đầy giai đoạn II Khu công nghiệp Tràng Duệ. Triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài cũng có thể là các cơ hội tốt cho cổ phiếu KBC thời gian tới.